Thứ năm, ngày 02/05/2024

Truyền thống

Tôi đi chiến dịch Quảng Trị


(02/03/2017 08:53:19)

Phóng viên Lam Thanh (bên trái) và Xuân Lâm trên đường phố Quảng Trị năm 1972


1. Đầu năm 1972, chiến dịch Quảng Trị diễn ra hết sức ác liệt, lực lượng phóng viên của phân xã Quảng Trị và phân xã Vĩnh Linh rất mỏng, Ban lãnh đạo cơ quan đã cử phóng viên Lam Thanh, Minh Trường, điện báo Ngô Duy Phùng và lái xe Nguyễn Ngọc Ngoạn, tăng cường cho chiến dịch Quảng Trị.

Anh Lê Ninh lúc đó là Trưởng phòng Điện vụ, thông báo cho tôi, ngày mai đi Quảng Trị và Bộ biên tập sẽ chiêu đãi, giao nhiệm vụ cho đoàn trước khi đi. Tôi là điện báo, lẽ ra phải chuẩn bị máy móc rất cẩn thận, nhưng thời gian gấp quá, anh Ninh giao tổ kỹ thuật chuẩn bị giúp.

Sáng hôm sau, chúng tôi có mặt ở cơ quan khá sớm. Tổng Biên tập Đào Tùng và Phó Tổng biên tập Đỗ Phượng cũng đã đến. Trong không khí gấp gáp của thời chiến, chúng tôi vừa ăn vừa nghe các đồng chí lãnh đạo cơ quan dặn dò, giao nhiệm vụ. Tổng Biên tập Đào Tùng viết thư gửi đồng chí Bí thư Khu ủy Vĩnh Linh Trần Đồng và đồng chí Bí thư Quảng Trị Hồ Sĩ Thản, giới thiệu anh Lam Thanh và đoàn. Các anh, chị ở Ban biên tập tin Trong nước, Ban biên tập Ảnh và phòng Điện vụ tiễn chúng tôi đi, ai nấy mắt hoe đỏ khiến chúng tôi rất xúc động.

Xe đưa chúng tôi một mạch đến Thanh Hóa, thì dừng lại để anh Lam Thanh ghé qua nhà dặn dò vợ con. Sau đó, xe đi thẳng vào Quảng Bình, rồi đến Vĩnh Linh, cả phân xã ra đón chúng tôi, tay bắt mặt mừng. Mặc dù, vừa vượt qua chặng đường khá dài nhưng vì là điện báo nên tôi phải lên máy ngay để phát điện về Hà Nội, báo cáo với Bộ biên tập “đoàn chúng tôi đã đến nơi an toàn”.

Cũng từ đây, tin tức của các phóng viên dồn dập được chuyển về Tổng xã kịp thời. Trước đó, do điện báo Vũ Hữu Hồng ốm nặng phải chuyển ra Hà Nội điều trị nên tin tức phải gửi qua bưu điện, rất chậm.

Bữa cơm của phóng viên Trương Đức Anh (người đeo kính), Đoàn Ty (thứ ba từ phải sang) và đồng nghiệp trong thành Quảng Trị năm 1972

2. Chúng tôi trở thành những người lính trên chiến trường Quảng Trị. Các phóng viên ra mặt trận, khi phát tin không còn người quay ragono (máy phát điện quay tay). Theo ý kiến của phân xã, tôi cùng anh Hồ Bích Sơn sang trình bày với đồng chí Bí thư Khu ủy Vĩnh Linh, xin cấp điện từ máy nổ cho điện đài. Từ đấy không phải quay ragono nữa, điện đài hoạt động ổn định.

Thời điểm đó, bầu trời suốt ngày ầm ĩ tiếng súng nổ. Pháo từ các chiến hạm của Mỹ bắn cấp tập. Thần sấm, con ma quần đảo liên tục, B52 xuất hiện cả ngày lẫn đêm. Pháo đối phương từ bên kia giới tuyến thường xuyên bắn sang. Nhưng quân ta đã giải phóng được Hướng Hóa, Cồn Tiên, Dốc Miếu. 

Rồi Đông Hà và tất cả các huyện trong tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Cuộc chiến đấu quyết liệt tại Thành cổ Quảng Trị diễn ra suốt 81 ngày đêm. 

Trong thời gian này, tin tức được gửi về thường xuyên. Điện báo viên chỉ có một mình, có ngày tôi phải làm đến 12 giờ đêm mới được nghỉ. Ngoài phóng viên Thông tấn xã, còn có phóng viên báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, đến nhờ điện báo của ta giúp. Trong đó có nhà báo Lưu Quý Kỳ, Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam đi khảo sát chiến dịch Quảng Trị, cũng có nhiều bài viết quan trọng gửi về Hà Nội. 

Khoảng ba tháng sau, anh Cù Yến Vũ vào. Tôi đề xuất với anh Lam Thanh và anh Phạm Hoạt, để anh Vũ ở Vĩnh Linh, còn tôi vào thị xã Quảng Trị cùng với anh Thanh Phong, anh Luận, Ngạn. Các anh nhất trí ngay! Sáng hôm sau tôi lập tức lên đường.
Phút nghỉ ngơi của phóng viên Phạm Tài Nguyên trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972

3. Sau khi rút khỏi thị xã Quảng Trị, quân địch đang củng cố lực lượng, pháo từ ngoài biển bắn vào, B52 đánh liên tục, máy bay quần đảo ngày đêm. Lực lượng phóng viên tỏa đi khắp nơi, tin tức nhiều vô kể, lúc gửi về Vĩnh Linh, lúc gửi Quảng Trị. Ở phân xã Quảng Trị có thêm hai em quay máy phát điện người Vân Kiều tên là Hồ Nhân và Hồ Nghĩa. Chúng tôi coi nhau như anh em một nhà.

Một buổi sáng, khoảng 10 giờ, tôi và anh Luận đi lấy nước cách nhà khoảng 300m. Khi còn cách giếng nước khoảng ba mét, trời tối sầm, linh tính mách bảo B52 rải thảm, tôi lao xuống giếng tức thì. Sau tiếng nổ rầm trời, bầu trời xám xịt, tôi leo lên miệng giếng gọi hai, ba lần mới nghe thấy giọng Luận trả lời lí nhí. Lúc đó mới biết cả hai người vẫn còn sống. Luận bảo, hôm nay chẳng may có mảnh bom cưa đứt miệng giếng, anh Phùng không lên được nữa, giếng này sẽ có tên là “Giếng Ông Phùng”. 

Đợt B52 này cướp đi sinh mạng của 70 người, làm bị thương 100 người. Về đến nhà, anh em vào hầm an toàn. Duy chỉ có ăngten bị phạt giữa chừng, máy 15 watt để ở dưới hầm nối lại ăngten là làm việc được ngay. Giai đoạn này, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc để nối lại cuộc đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam. Đến giữa tháng 11, hội nghị đã có những chuyển biến mới. Một số thành viên của phân xã có lệnh phải ra Hà Nội, gồm các anh: Lam Thanh, Minh Trường, Phạm Hoạt, Hồ Bích Sơn, Trần Mai Hưởng, Trương Đức Anh và Ngô Duy Phùng. Ở lại Vĩnh Linh còn các anh Phạm Tài Nguyên và Cù Yến Vũ. 

4. Về đến Hà Nội, Tổng Biên tập Đào Tùng biểu dương tập thể anh em phân xã Vĩnh Linh và phân xã Quảng Trị. Bên cạnh sự xúc động ngày hội ngộ, anh em chúng tôi không giấu nổi nỗi tiếc thương, mất mát. Chiến dịch Quảng Trị lần này, tổ Thông tấn quân sự có hai phóng viên hy sinh là các anh Lương Nghĩa Dũng và Hồ Minh Khởi, một người bị thương là anh Vũ Tín.

Sau đợt công tác, chúng tôi được cơ quan tạo điều kiện về thăm gia đình. Trước khi về quê, bác Đỗ Phượng hỏi, có cần xe đưa về quê không? Chúng tôi rất cảm động, nhưng không dám nhận, vì cơ quan có quá nhiều việc cần đến xe.

Chiến tranh đã lùi xa, những đồng nghiệp, đồng đội của tôi ngày ấy tại chiến dịch Quảng Trị giờ đây người còn, người mất. Ký ức về những ngày sống, chiến đấu và công tác đầy cam go, khốc liệt và kiêu hùng trên chiến trường Quảng Trị vẫn luôn in đậm trong tôi. Chúng tôi luôn tự hào về những tháng năm hào hùng, sát cánh cùng các đồng chí đồng nghiệp trong cơ quan, những người đã góp phần viết nên trang sử vẻ vang của TTXVN và của đất nước./.

Theo Nội san thông tấn số 2/2017