Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Chân dung nhà báo

Nhân 70 năm ngày hy sinh của nhà báo Trần Kim Xuyến (3/3/1947 - 3/3/2017)

Nhớ Trần Kim Xuyến - Huynh trưởng hướng đạo sinh mẫu mực


(02/03/2017 08:35:31)

“Tôi là đoàn viên Đoàn hướng đạo sinh sông Thương do anh Trần Kim Xuyến làm huynh trưởng. Tôi kém anh Xuyến 10 tuổi, không chỉ được coi là “đệ tử ruột” mà tôi còn được giác ngộ cách mạng nhờ anh Xuyến”. Đó là chia sẻ của Đại tá Nguyễn Bắc, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày hy sinh của nhà báo Trần Kim Xuyến, Nội san Thông tấn xin giới thiệu bài viết của ông giúp bạn đọc hiểu thêm về Trần Kim Xuyến, nguyên Phó giám đốc Nha Thông tin, phụ trách VNTTX. Ông không chỉ là nhà báo cách mạng mà còn là nhà hoạt động xã hội tâm huyết.

Nhà báo Trần Kim Xuyến (ảnh tư liệu gia đình)


Trần Kim Xuyến sinh năm 1921 tại xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; giác ngộ cách mạng từ thời còn là học sinh trường Quốc học Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 1940, anh đỗ điểm cao trong kỳ thi tuyển công chức của Pháp và làm phán sự tại tỉnh Bắc Giang.

Anh sinh hoạt Đảng bí mật tại Hà Nội, hoạt động xã hội công khai ở Bắc Giang. Anh làm việc nghiêm túc, mẫn cán, tư cách lịch thiệp nên được tín nhiệm. Thời gian này, thực dân Pháp tổ chức phong trào thanh niên Đuy-cua-roay (Ducouroy), lôi kéo thanh niên Việt Nam ham chơi, quên Tổ quốc. 

Nhà báo Trần Kim Xuyến (thứ ba từ trái sang) 

Trần Kim Xuyến khởi xướng thành lập Đoàn hướng đạo sinh sông Thương (gọi tắt là Đoàn hướng đạo sinh - ĐHĐS), giáo dục thanh thiếu niên tình yêu quê hương, đất nước, trọng lẽ phải, làm điều tốt, tránh cái xấu, hiếu thảo với gia đình, lễ phép với mọi người, chăm ngoan học giỏi; rèn luyện lòng dũng cảm, nâng cao trí lực, thể lực để trở thành người có ích cho đất nước.

Ban Huynh trưởng của ĐHĐS gồm Trưởng đoàn Trần Kim Xuyến, các ủy viên: Lương Đắc Chương (kỹ sư canh nông), Nguyễn Thị Thuận (hiệu trưởng trường mẫu giáo), Nguyễn Văn Nhận (thư ký kho bạc). ĐHĐS tổ chức theo 3 lứa tuổi: Tráng sinh (tuổi thanh niên), Hướng đạo sinh (tuổi thiếu niên), Sói con (tuổi nhi đồng). 

ĐHĐS có lời thề danh dự, các đoàn viên có sổ ghi chép mỗi ngày làm một việc thiện. Hơn 70 năm qua, tôi vẫn nhớ và làm đúng lời thề thứ 10 quan trọng nhất: “Hướng đạo sinh phải trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến công việc làm”.

Mỗi buổi sinh hoạt Đoàn hoặc tối lửa trại, anh Xuyến đều có chương trình, nội dung cụ thể. Chúng tôi được học cứu thương, cách tìm phương hướng trong rừng sâu, truyền tin bằng tín hiệu morse, học các bài hát: Anh hùng xưa, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang; nghe kể về các danh nhân văn hóa, danh tướng quân sự; tham gia các cuộc thi: dựng lều nhanh, gọn, nấu ăn nhanh, ngon, chạy dài, nhảy cao, luyện trí nhớ...

Những năm mất mùa, lụt lội, anh Xuyến tổ chức cho hướng đạo sinh diễn kịch, đi quyên góp tiền gạo, quần áo ủng hộ đồng bào bị nạn. Thấy anh mặc áo may ô quần đùi kéo xe bò cùng các hướng đạo sinh, nhân dân thị xã Phủ Lạng Thương rất cảm phục, nên ủng hộ nhiều.
Nhà báo Trần Kim Xuyến trong thời gian hoạt động tại Bắc Giang những năm 1941 - 1942

Anh còn là ủy viên Hội truyền bá chữ quốc ngữ tỉnh Bắc Giang. Các buổi tối, dù trời oi bức hay mưa rét, anh cùng một số hướng đạo sinh đến các ngõ nhỏ, xóm nghèo dạy chữ cho người lao động. 

Năm 1943, Đại hội hướng đạo sinh toàn quốc tổ chức tại Huế với sự tham gia của các đoàn hướng đạo sinh Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. ĐHĐS lần đầu tiên được đi xa nhất, lâu nhất và đông đủ nhất. Trên tàu hỏa đi dự đại hội, anh Xuyến giới thiệu cho chúng tôi về các địa phương có danh lam thắng cảnh, các nhân vật lịch sử, các cuộc nổi dậy, khởi nghĩa...

Anh nói với chúng tôi rằng, đất nước ta giàu, đẹp, dân tộc ta có truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường. Hiện nay, thực dân Pháp xâm chiếm, cai trị đất nước ta, cấu kết với triều đình nhà Nguyễn và phát xít Nhật bóc lột, đàn áp khiến dân ta sống nghèo khổ, cùng cực. Anh khích lệ các hướng đạo sinh tình yêu Tổ quốc, lòng căm thù giặc, tham gia phong trào Việt Minh, cùng toàn dân đánh đổ đế quốc phong kiến, giành độc lập tự do cho nước nhà. 

Chúng tôi giác ngộ cách mạng từ đó và sau này đã tham gia cuộc tổng khởi nghĩa 19/8/1945, trở thành cán bộ, đảng viên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc cho đến nay… Chúng tôi luôn nhớ về anh, người đảng viên cộng sản kiên trung, huynh trưởng hướng đạo sinh mẫu mực và nhà hoạt động xã hội tâm huyết Trần Kim Xuyến./.
 

Theo Nội san thông tấn số 2/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phóng viên báo Việt Nam News và giải Nhất cuộc thi Pháp ngữ (01/12/2016 15:44:06)

Nhà báo Đinh Chương và bản tin được bác Hồ sửa (12/10/2016 16:26:06)

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng CQTT Bắc Kạn: Đi và khám phá cái mới (25/02/2016 14:56:41)

Nhà báo Bùi Duy Trinh - Trưởng CQTT Moskva: Lên đường để có thông tin hay (25/02/2016 14:53:04)

Làm phim 70 năm Thông tấn - Chuyến đi về nguồn (08/12/2015 14:49:53)

Góp phần xây dựng đội ngũ hội viên năng động, sáng tạo (07/07/2015 10:12:09)

Nữ Trưởng ban đầu tiên của TTXVN (31/10/2014 10:14:23)

Bùi Đình Túy, một nhà báo trung kiên (05/09/2014 14:30:28)

Vĩnh biệt nhà báo Nguyễn Đức Giáp! (01/07/2014 10:24:34)

Vũ Tín - nhà báo của nông nghiệp, nông thôn (30/05/2014 15:51:32)