Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Chân dung nhà báo

Phóng viên báo Việt Nam News và giải Nhất cuộc thi Pháp ngữ


(01/12/2016 15:44:06)

Phóng viên Vương Bạch Liên, báo Việt Nam News, vừa giành giải Nhất cuộc thi “Phóng viên trẻ Pháp ngữ - Việt Nam 2016” với chùm bài “Một ngày với người H’Mông ở Mèo Vạc” và “Những nụ cười ở Trạm Tấu”. Đi nhiều, viết nhiều và từng đoạt giải cao ở các cuộc thi dành cho báo chí đối ngoại ở cả hai ngoại ngữ Anh và Pháp, Vương Bạch Liên là cái tên được nhắc đến nhiều trong đội ngũ phóng viên trẻ thông tấn.

Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức quốc tế Pháp ngữ trao giải Nhất cho thí sinh Vương Bạch Liên

1. Phóng sự “Một ngày với người Mông ở Mèo Vạc” kể về cuộc sống thường ngày của người H’Mông ở xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. 

Nhà báo Vương Bạch Liên 
- Sinh ngày: 20/09/1983
- Bút danh: Bạch Liên, Vương Bạch Liên
- Công tác tại tòa soạn báo Việt Nam News từ tháng 1/2006 
- Tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế năm 2005; thạc sĩ báo chí tại Trường Đại học Tự Do Bruxelles (ULB) ở Bỉ năm 2011 và thạc sĩ master 2 về Quan hệ quốc tế tại Pháp năm 2014.
- Từng đoạt giải Ba cấp Quốc gia môn tiếng Pháp năm lớp 9 và giải Nhì cấp Quốc gia môn tiếng Pháp năm lớp 12.
- Giải Nhất cuộc thi viết lời bài hát bằng tiếng Pháp UTOPIA do Đại sứ quán Pháp và Tổ chức văn hóa của Pháp Dev’ar tổ chức năm 2003. 

Đó cũng là lần đầu tiên Bạch Liên đến Mèo Vạc và được tận mắt chứng kiến cuộc sống vất vả của người dân nơi đây. Chị rất ấn tượng với sự hồn nhiên, chất phác, đặc biệt là sự dũng cảm và lạc quan của họ khi hằng ngày đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt của vùng núi heo hút, nơi chỉ có sỏi, đá, núi, mây và rừng.

Tại đây, chị đã gặp một cô gái H’Mông trên đường đi cắt cỏ về và được cô mời vào nhà chơi. Cô gái H’Mông đã kể cho chị nghe về cuộc sống hằng ngày của gia đình, về văn hóa của người H’Mông và cả ước mong được đi học trở lại. Những câu chuyện như không có hồi kết.
Cùng các em nhỏ ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang


2. Còn “Nụ cười ở Trạm Tấu” lại kể về các cuộc gặp gỡ với người dân thuộc nhiều dân tộc khác nhau (Thái, H’Mông…) của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. 

Đó là những người bán hàng vui tính, là cô gái Thái tốt bụng mời khách về nhà ăn Tết độc lập, là những em nhỏ chạy vội trong mưa trên đường đi học về… Tuy cuộc sống còn lam lũ, vất vả nhưng ai nấy đều rất lạc quan và hào phóng, nụ cười luôn nở trên môi. 

Sau những chuyến công tác từ Mèo Vạc và Trạm Tấu trở về, chị luôn bị ám ảnh bởi những gương mặt, ánh mắt, nụ cười, bởi câu chuyện cuộc đời của những người đã từng gặp gỡ. Qua bài viết của mình, chị muốn nhiều người biết đến và yêu mến mảnh đất xinh đẹp và con người nơi đây.
Phỏng vấn người dân ở huyện Trạm Tấu, Yên Bái

3. Bạch Liên tâm sự: từ bé, chị đã rất thích viết lách nên sau này lớn lên đã chọn nghề báo. May mắn sinh ra trong gia đình có truyền thống văn chương, mẹ là giáo viên dạy văn, bố là nhà báo, nên từ rất sớm, chị đã được chỉ dạy cách viết. 

Gắn bó với nghề báo hơn chục năm, Bạch Liên có cơ hội đi đến nhiều vùng miền, gặp gỡ nhiều người, nghe nhiều, thấy nhiều và được sống với nhiều cảm xúc khác nhau. 
Nhớ lại khi mới vào nghề, chị đã viết bài giới thiệu một lớp dạy violon cho các em nhỏ của hai bác nông dân làng Ninh Mỹ, tỉnh Ninh Bình. Sau khi bài viết được đăng báo, có hai ông bà người Úc đã liên hệ xin địa chỉ của lớp học để tài trợ mua đàn, giúp các cháu phát triển năng khiếu. “Khi đó, tôi rất vui vì thấy bài viết của mình đã góp một phần, dù nhỏ bé, giúp đỡ các em làng Ninh Mỹ. Ngay lúc ấy, tôi hiểu mình sẽ gắn bó lâu dài với nghề báo, với hy vọng những bài báo của tôi có thể giúp được nhiều người”, chị Liên bộc bạch.

4. Hơn 10 năm công tác tại tòa soạn báo Việt Nam News, mặc dù viết báo và giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng Bạch Liên vẫn thường xuyên sử dụng tiếng Pháp khi đi tác nghiệp ở các sự kiện Pháp ngữ tại Việt Nam, gặp gỡ và phỏng vấn các nghệ sĩ Pháp ngữ. Theo chị, việc sử dụng song song hai ngoại ngữ bây giờ là khá phổ biến và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. 

Bạch Liên bắt đầu học tiếng Pháp từ năm lớp 6 cho đến khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế nên hầu như hằng ngày phải nói và viết tiếng Pháp cùng với tiếng Anh là ngoại ngữ thứ hai. Sau này, chị tiếp tục học cao học và đã nhận bằng thạc sĩ báo chí ở Bỉ và thạc sĩ quan hệ quốc tế tại Pháp. “Khi tiếng Pháp đã thành tình yêu, đúng là khó xa nó được”, chị chia sẻ.

Bạch Liên luôn quan niệm, đã dấn thân vào nghề báo, dù là nữ hay nam, đều phải cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc được giao. Tuy nhiên, phụ nữ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là khi đã lập gia đình. Nhưng mỗi người phụ nữ đều có sức mạnh nội tại của mình, bởi bản tính kiên trì, khéo léo và cẩn trọng, giúp họ đi tới thành công.

Với nữ nhà báo Vương Bạch Liên, còn rất nhiều dự định và ước mơ đang được ấp ủ, nhưng một điều chắc chắn rằng chị vẫn sẽ luôn dành thời gian, tình yêu cho tiếng Pháp và cho sở thích viết lách của mình.
“Phóng viên trẻ Pháp ngữ - Việt Nam 2016”  là cuộc thi báo chí Pháp ngữ đầu tiên tại Việt Nam do báo Le Courrier du Vietnam tổ chức cùng sự bảo trợ của Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương (BRAP) của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).
Về chùm bài đoạt giải Nhất của nữ phóng viên Vương Bạch Liên, bà Đoàn Thị Y Vi, Phó Tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam, thành viên Ban giám khảo đánh giá: Đây là một tác phẩm báo chí có chủ đề hay, nội dung phong phú, phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, dù khó khăn nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Tác phẩm được đầu tư công phu, thể hiện tình cảm của tác giả với những con người ở Mèo Vạc và Trạm Tấu.

Theo Nội san thông tấn số 11/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhà báo Đinh Chương và bản tin được bác Hồ sửa (12/10/2016 16:26:06)

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng CQTT Bắc Kạn: Đi và khám phá cái mới (25/02/2016 14:56:41)

Nhà báo Bùi Duy Trinh - Trưởng CQTT Moskva: Lên đường để có thông tin hay (25/02/2016 14:53:04)

Làm phim 70 năm Thông tấn - Chuyến đi về nguồn (08/12/2015 14:49:53)

Góp phần xây dựng đội ngũ hội viên năng động, sáng tạo (07/07/2015 10:12:09)

Nữ Trưởng ban đầu tiên của TTXVN (31/10/2014 10:14:23)

Bùi Đình Túy, một nhà báo trung kiên (05/09/2014 14:30:28)

Vĩnh biệt nhà báo Nguyễn Đức Giáp! (01/07/2014 10:24:34)

Vũ Tín - nhà báo của nông nghiệp, nông thôn (30/05/2014 15:51:32)

Nhà báo - chiến sĩ Đào Tùng, như tôi được biết  (10/02/2014 16:18:15)