Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Truyền thống

Nhớ mãi những ngày làm báo ở Sơn La


(23/01/2017 10:18:15)

Nhà báo Cao Xuân Cầm (bìa trái) cùng các đồng nghiệp trong dịp kỷ niệm 60 năm Phân xã Tây Bắc, tháng 12/2016


Sau cuộc chiến tranh biên giới năm1979, TTXVN chủ trương tăng cường cán bộ, phóng viên cho các tỉnh miền núi và biên giới phía Bắc, trong đó có Sơn La. 

Một buổi sáng tháng 10/1981, anh Ba Dân, Phó Tổng giám đốc, gọi tôi, khi ấy tôi đang là phóng viên tại tiểu ban Công thương thuộc Ban tin Trong nước, lên gặp và giao nhiệm vụ đi thường trú Tây Bắc. Lúc này, một số anh em được cử đi thường trú tại các tỉnh Hà Tuyên, Lạng Sơn, Cao Bằng... đã lên đường. Biết rằng, thêm 300km xa nhà nhưng được đi Sơn La, đến với một vùng đất mới, trong tôi vẫn thấy xốn xang, háo hức. 

Trước khi lên đường, anh Lương Mạnh vừa hoàn thành nhiệm vụ thường trú tại Sơn La cho chúng tôi biết, phân xã (nay gọi là cơ quan thường trú) Sơn La trên thực tế còn rất khó khăn. Tất cả từ nơi ăn, chốn ở đến nơi làm việc đều nhờ vào Tỉnh ủy. Văn phòng Tỉnh ủy dành cho phân xã hai gian nhà cấp 4 lợp gianh, nửa phần trong kê giường ngủ, nửa phần ngoài đặt bàn làm việc. Máy thu phát chuyển nhận tin, bài về Tổng xã đặt trên nhà làm việc bốn tầng của văn phòng. Đi công tác cơ sở hầu hết phải nhờ xe Tỉnh ủy. Khi lên đó, anh em phải chăm lo giữ gìn mối quan hệ, cố gắng làm việc thật tốt để khỏi phụ lòng tin của địa phương.

Lên Sơn La lần này, ngoài tôi là Trưởng phân xã còn có phóng viên Nhan Hữu Sinh quê Hà Tây, một thanh niên khỏe mạnh, có tài thơ phú.

Phóng viên CQTT Sơn La trên đường tác nghiệp tại vùng lũ quét Tà Hộ (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La)

Ngoài các đồ dùng chăn màn, quần áo bông chống rét, tôi và Nhan Sinh còn mang thêm ba cái xoong nhôm, 20kg gạo tẻ và 20kg mỳ sợi. Thời gian này, Sơn La vẫn còn thiếu gạo ăn, phải độn sắn, độn ngô. 

Ngày đi, trời mưa lất phất. Dạo đó, quốc lộ 6 còn rất xấu, hẹp và cheo leo bên sườn núi cao, vực sâu rất nguy hiểm. Đi từ Hà Nội lúc mờ sáng mà mãi đến 19 giờ mới đến thị trấn Mộc Châu. Chúng tôi nghỉ lại Mộc Châu, mờ sáng hôm sau tiếp tục lên đường; đến thị xã Sơn La lúc 3 giờ chiều. Báo vụ viên Lê Xuân Chính đã đi xe đạp từ cơ quan ra cầu Trắng đón. 

Chúng tôi nghỉ ngơi một ngày rồi liên hệ với Văn phòng Tỉnh ủy. Ngay ngày hôm sau, đồng chí Hoàng Nó, Bí thư Tỉnh ủy, đã sắp xếp thời gian tiếp chúng tôi. Đồng chí lưu ý một số đặc thù về phong tục tập quán của một số dân tộc ở Sơn La; đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. 

Chúng tôi dành hẳn mười ngày đi thăm một số di tích lịch sử, gặp gỡ anh em đồng nghiệp báo Sơn La, Đài phát thanh Sơn La, đến một số cơ quan ban ngành của tỉnh để nắm tình hình. Tôi sắp xếp lại công việc của phân xã, chia địa bàn để tác nghiệp: Tôi đi các huyện Phù Yên, Yên Châu, Mộc Châu còn Nhan Sinh đi Thuận Châu, Mai Sơn, Mường La, Sông Mã.

Chuyến công tác đầu tiên của tôi là đi cùng Phó Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Hách về khu bảo tồn rừng đầu nguồn Xuân Nha (Mộc Châu). Lần đầu tiên lên Sơn La nên tất cả đều mới lạ. Cứ mỗi lần tôi ngỡ ngàng, xuýt xoa trước cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, anh Hách lại thân mật: “Cậu đi làm báo chiến trường, biết được nhiều vùng ở miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng Bắc bộ nhưng chưa lên đây là thiệt lắm. Tây Bắc - Sơn La có nhiều sự tích, có nhiều cái hay, cái đẹp mà ở vùng miền khác không thể có được. Đây thực sự là mảnh đất tốt về đề tài cho báo chí, thơ ca, nhạc họa thỏa sức khai thác”.

Hơn một năm công tác tại Sơn La, ngoài tôi, phóng viên Nhan Hữu Sinh, kỹ thuật viên Hoàng Song Toàn, cơ quan tiếp tục tăng cường thêm phóng viên tin Nguyễn Quốc Việt và phóng viên ảnh Cầm Tùng. Chưa lúc nào Phân xã Sơn La có đội ngũ phóng viên tác chiến mạnh như thời kỳ này. Mỗi tháng, Phân xã Sơn La chuyển về Tổng xã từ 60 đến 80 tin, bài; 30 đến 45 tin ảnh và được nhiều tờ báo trong nước và các hãng tin nước ngoài khai thác đăng tải. Sơn La trở thành phân xã mạnh trong hệ thống các phân xã khu vực miền núi phía Bắc.

Ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi cũng tích cực tăng gia sản xuất, trồng sắn, trỉa ngô, trồng rau, góp vốn chăn nuôi, cải thiện bữa ăn. Ngày nghỉ, chúng tôi tham gia thi đấu bóng chuyền, bóng bàn với các cơ quan, đơn vị bạn. Đêm đêm, Quốc Việt và Song Toàn lại bập bùng đàn ghi ta cùng với anh chị em ở tập thể Văn phòng.

Sau bốn năm thường trú tại Sơn La, cuối năm 1986, tôi được cơ quan điều chuyển về thường trú tại Nghệ An. Phóng viên Cầm Tùng thay tôi làm Trưởng Phân xã, các anh em khác cũng lần lượt được thuyên chuyển thay đổi địa bàn. Điều đáng mừng là tất cả chúng tôi đều từng bước trưởng thành. Tôi về làm Trưởng Phân xã Nghệ An, Nguyễn Quốc Việt làm Trưởng phân xã Thừa Thiên Huế, Nhan Hữu Sinh làm Trưởng phân xã Hòa Bình, Hoàng Song Toàn làm Trưởng phân xã Lạng Sơn.

Gần 38 năm làm báo, ngoài những năm tháng ở chiến trường, quãng thời gian bốn năm thường trú tại Sơn La đã để lại trong tôi ấn tượng không thể phai mờ về lòng nhân ái, thủy chung, tình đồng chí, đồng đội của các lãnh đạo tỉnh cũng như cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng và cả vùng Tây Bắc yêu dấu nói chung.
Toàn cảnh thủy điện Sơn La


 

Theo Nội san thông tấn số Xuân 2017