Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Chân dung nhà báo

Bác Khương - Người thầy mẫu mực của tôi


(04/04/2017 16:32:27)

Bác Khương (thứ năm từ phải sang) cùng anh chị em phòng Tài liệu tham khảo đặc biệt trong một chuyến tham quan


Khi tôi mới về công tác ở TTXVN, mọi người hay nhắc đến bác Khương, một trong những chuyên gia tiếng Trung Quốc và Nhật Bản hàng đầu của cơ quan. Sau vài năm công tác, tôi mới được gặp bác Khương và được bác hiệu đính bài dịch. 

Tên đầy đủ của bác là Ngô Văn Khương. Bác từng học tiếng Trung Quốc, Nhật Bản ở Việt Nam và Trung Quốc. Bác đã làm phóng viên thường trú tại Phân xã Bắc Kinh và Tokyo trong nhiều năm. Sau này, dù đã nghỉ hưu, bác Khương vẫn được mời tham gia hiệu đính cho nhóm tiếng Trung Quốc ở phòng Tài liệu tham khảo đặc biệt, Ban biên tập tin Thế giới, nơi tôi làm việc, cho đến khi bác mất. 

Ấn tượng lớn nhất của tôi về bác Khương chính là sự cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết khi biên dịch tài liệu. Bài dịch của phòng Tài liệu tham khảo đặc biệt thường rất dài, ít nhất cũng khoảng 1.500 từ, có bài lên tới hơn 10.000 từ. Tuy bài dài như vậy nhưng bác Khương luôn sửa bốn lần với bốn màu mực khác nhau (đỏ, vàng, tím, xanh). Bác nói với tôi: “Màu mực đỏ là phần buộc phải sửa, những màu mực còn lại nếu cháu sửa thì sẽ hay hơn”. Lần đầu tiên nhìn bài dịch đã được bác Khương sửa cho mình, tôi thấy choáng váng, hoa mắt bởi bốn màu mực dày đặc. 

Bác luôn để ý đến từng chi tiết nhỏ trong bài dịch. Có lần, khi trả lại bài đã sửa, bác nhắc tôi: “Cháu phải hết sức cẩn thận, tác giả bài viết xếp thứ tự Trung Quốc, Mỹ, Nga, thì cháu phải dịch đúng thứ tự. Tác giả có ý đồ khi xếp thứ tự như vậy”. 

Lần khác, bác khẳng định tôi đã dịch đúng morat, nhưng morat lại sai. Bác yêu cầu tôi phải tra cứu lại trên mạng internet những số liệu trong bài viết của những người không mấy nổi tiếng. Bác cho rằng, bài của một giáo sư nổi tiếng viết thì có thể tin tưởng số liệu, nhưng nếu do một thạc sĩ ở trường đại học nào đó viết thì tôi phải so sánh với số liệu trên mạng internet. Khi đó, việc lấy bài phân tích và bình luận trên mạng internet là điều phải làm bên cạnh việc đặt mua tạp chí từ nước ngoài. Những bài viết trên mạng internet có bài hay và không hay lắm nhưng chỉ cần có nội dung cập nhật thời sự thì vẫn phải sử dụng. Hiện nay, phòng Tài liệu tham khảo đặc biệt đã đặt mua bài trên những trang web của các viện nghiên cứu uy tín nên đã khắc phục được tình trạng này. 

Vì bác sửa rất tỉ mỉ nên tôi cũng phải thận trọng hơn khi biên dịch. Sau 7 tháng được hiệu đính, bác bất ngờ khen tôi: “Cháu dịch bài này rất tiến bộ. Thế sao cháu biết từ “guandao” trong đoạn văn này dịch là “định hướng”, trong khi nghĩa gốc của từ này là đường ống?”. Tôi trả lời bác rằng đã đọc đoạn văn này nhiều lần và đoán từ đó phải là định hướng thì mới hợp logic của cả đoạn. 

Đáng tiếc là thời gian bác Khương hiệu đính cho tôi quá ngắn. Mười tháng sau khi tham gia hiệu đính bài cho Phòng Tài liệu tham khảo đặc biệt, bác ốm nặng và mất sau đó ít lâu. 

Tôi sẽ nhớ mãi những chỉ bảo của bác Khương. Đối với tôi, bác mãi là người thầy mẫu mực.

Theo Nội san thông tấn số 3/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhớ Trần Kim Xuyến - Huynh trưởng hướng đạo sinh mẫu mực (02/03/2017 08:35:31)

Phóng viên báo Việt Nam News và giải Nhất cuộc thi Pháp ngữ (01/12/2016 15:44:06)

Nhà báo Đinh Chương và bản tin được bác Hồ sửa (12/10/2016 16:26:06)

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng CQTT Bắc Kạn: Đi và khám phá cái mới (25/02/2016 14:56:41)

Nhà báo Bùi Duy Trinh - Trưởng CQTT Moskva: Lên đường để có thông tin hay (25/02/2016 14:53:04)

Làm phim 70 năm Thông tấn - Chuyến đi về nguồn (08/12/2015 14:49:53)

Góp phần xây dựng đội ngũ hội viên năng động, sáng tạo (07/07/2015 10:12:09)

Nữ Trưởng ban đầu tiên của TTXVN (31/10/2014 10:14:23)

Bùi Đình Túy, một nhà báo trung kiên (05/09/2014 14:30:28)

Vĩnh biệt nhà báo Nguyễn Đức Giáp! (01/07/2014 10:24:34)