Thứ năm, ngày 02/05/2024

Truyền thống

Những người lái xe thông tấn


(03/10/2017 09:57:19)

Nguyên Tổng giám đốc Trần Mai Hưởng, ông Phạm Văn Thu (ngồi xe lăn) cùng các đồng nghiệp và gia đình


Giữa tháng 8/2017, tôi cùng anh Phạm Duy Cương, Đội trưởng đội xe và một số anh em lái xe cũ của cơ quan lên trại an dưỡng Tuyết Thái (huyện Mê Linh, Hà Nội) thăm anh Phạm Văn Thu, một lái xe đã chuyển khỏi ngành khá lâu. Bạn bè đồng nghiệp thăm nhau là chuyện bình thường, nhưng với tôi chuyến đi này lại khá đặc biệt.

Anh Thu chuyển khỏi TTXVN từ năm 1990. Giữa tôi và Thu có những kỷ niệm không quên. Cuối năm 1978, anh là lái xe cho tổ phóng viên chúng tôi đi theo các chiến sỹ tình nguyện Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Tôi vẫn nhớ sự gan dạ, rất “lì” của Thu khi chúng tôi chạy qua vùng chiến sự, bám theo các mũi tiến công, kịp vào Phnom Penh đúng ngày 7/1/1979. Sau đó, tôi và Thu ở cùng Quân đoàn 4 nhiều tháng, trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn.

Rất tình cờ, trong số anh em cùng đi có ba người lái xe khác đã gắn bó với cuộc đời phóng viên chiến trường của tôi trong các giai đoạn khác nhau. Đó là các anh: Trương Đại Chiến, Phí Văn Sửu và Ngô Văn Bình.

Trương Đại Chiến cùng làm việc với tôi tại phân xã B Vĩnh Linh trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Các anh Phí Văn Sửu và Chu Chí Thành cùng tôi quay lại Quảng Trị sau khi ký Hiệp định Paris năm 1973. Ngô Văn Bình là người lái xe đưa tổ phóng viên mũi nhọn của chúng tôi di chuyển suốt từ Huế, Đà Nẵng dọc miền Trung trong chiến dịch Tổng tiến công Mùa xuân năm 1975 và vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Chuyến thăm Phạm Văn Thu là dịp anh em gặp nhau, ôn lại những năm tháng gắn bó trên những nẻo đường chiến dịch.

Tổ phóng viên mũi nhọn phát tin ở rừng Xuân Lộc trước khi tiến vào Sài Gòn, 
cuối tháng 4/1975

Anh Thu ốm nặng và đang phải trải qua những ngày tháng thử thách cam go nhất của cuộc đời; thời khắc mà với sự giúp đỡ của gia đình, người thân, phải kiên trì vượt lên hoàn cảnh để có thể tiếp tục cuộc sống của mình. Di chứng hai lần bị tai biến mạch máu não khiến anh đi lại, nói năng đều khó khăn. Ở trại an dưỡng, anh được chăm sóc khá tốt, sức khỏe dần hồi phục. Gặp lại các đồng nghiệp cũ, anh oà khóc, khiến ai nấy đều bùi ngùi xúc động…

Chúng tôi cùng nhớ lại các giai đoạn đáng tự hào của Đội xe thông tấn, với đầy ắp những kỷ niệm về các thế hệ lái xe qua các thời kỳ, trong đó có người đã mãi đi xa. Những người cầm lái đã nối tiếp nhau hoàn thành nhiệm vụ gian khó trong chiến tranh cũng như hòa bình của TTXVN.
Đội xe TTXVN thành lập năm 1954 với tên gọi ban đầu là Tổ xe, đến năm 1975 mới có quyết định chính thức thành lập. 

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lái xe thông tấn cùng các phóng viên, kỹ thuật viên TTXVN đã vượt mọi hiểm nguy, sát cánh cùng các chiến sỹ Quân giải phóng xông pha trên các chiến trường ác liệt nhất. 

Sau năm 1975, Đội xe thông tấn tiếp tục đưa hàng chục đoàn cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên sang giúp nước bạn Lào, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, phục vụ chiến trường biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. 

Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, anh em Đội xe luôn đồng hành cùng đội ngũ phóng viên TTXVN tác nghiệp trên mọi vùng miền của Tổ quốc.

Những năm gần đây, mỗi năm, Đội xe thực hiện gần 6.000 chuyến xe an toàn với khoảng 500.000 km/năm, trong đó có nhiều chuyến đi vào vùng thiên tai bão lũ, vùng sâu, vùng xa, phục vụ công tác thông tin. 

Hiện nay, Đội xe thông tấn có 38 cán bộ, lái xe, với gần 50 xe ô tô các loại.
Nhiều năm liền, 100% lái xe đạt danh hiệu Lái xe an toàn.

Chúng tôi không thể quên quãng thời gian những năm 1972 - 1973 ở Quảng Trị. Một “mùa hè đỏ lửa” với B52, bom bi, bom tọa độ, pháo chụp, pháo lùi... Những ngày làm thông tin về sự kiện trao trả tù binh bên sông Thạch Hãn. Và những chuyến đi dọc vùng giáp ranh ở Triệu Phong - Cửa Việt hay ngược Hướng Hoá, Khe Sanh sau khi ngừng bắn. 

Kể chuyện đi chiến dịch Hồ Chí Minh, anh Ngô Văn Bình nhắc lại thời khắc xe chúng tôi vào Sài Gòn sáng 30/4/1975. Khi ấy, anh phải lái xe áp vào sườn xe tăng của Quân giải phóng để tránh đạn bắn từ hai bên xa lộ Biên Hoà và cả chuyện anh tặng lá cờ giải phóng cho người dẫn đường đưa xe chúng tôi vào Dinh Độc Lập. Tất cả sống động như vừa xảy ra.

Chúng tôi đều có một cảm nhận chung: Ký ức vẫn ẩn chứa trong mỗi người, những kỷ niệm tốt đẹp vẫn theo chúng tôi cùng năm tháng! Tôi nhớ lời nhận xét được mọi người cùng chia sẻ của anh Phí Văn Sửu, lái xe và Đội trưởng Đội xe lâu năm: Trong cơ quan thông tấn, phóng viên và lái xe là những người gắn bó nhất, chia sẻ cùng nhau nhiều gian nan, thử thách trên mọi nẻo đường, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chuyến đi vào vùng thiên tai bão lũ tại miền Trung phục vụ công tác thông tin

Chia tay Phạm Văn Thu và những người thân trong gia đình với lời chúc anh yên tâm điều trị và sớm phục hồi sức khỏe, trên đường về, chúng tôi vào thăm gia đình anh Ngô Văn Bình. Anh chị có ba con, hai trai một gái. Các cháu đều có gia đình riêng, công việc ổn định. Trong bữa cơm ấm áp tình thân với đại gia đình của anh Bình, chúng tôi cảm nhận rất rõ niềm hạnh phúc giản dị của một người lái xe đã gắn bó cả đời mình với ngành thông tấn.

 

Theo Nội san thông tấn số 9/2017