Thứ năm, ngày 07/11/2024

Truyền thống

Tinh thần tự học của chú Phúc


(21/08/2017 15:32:31)

Nhà báo Phạm Phú Phúc bình luận thời sự quốc tế trên kênh Truyền hình thông tấn


Học tập suốt đời là một phẩm chất cao đẹp, không chỉ mang lại sự hiểu biết mà còn trang bị những kiến thức cần thiết phục vụ cho cuộc sống, công tác. Không chỉ học ở nhà trường, học từ những người đi trước truyền dạy… mà tự học là điều cần thiết và rất quan trọng trong quá trình tiếp nhận tri thức. Và tôi biết có một người suốt đời tự học để thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, đó là chú Phạm Phú Phúc, nguyên Phó trưởng Ban biên tập tin Thế giới. 

Nhiều người trong cơ quan khẳng định, chú Phúc đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều để trở thành người giỏi tiếng Anh, chuyên gia về Trung Đông, bình luận viên quốc tế trên truyền hình, đài phát thanh. Chú đã tự học tiếng Anh để có thể hiệu đính tin tiếng Anh cho khối phổ biến (nay là Phòng Thời sự của Ban biên tập tin Thế giới) và phóng viên thường trú của TTXVN tại New York (Mỹ). Chú không những dịch bài mà còn viết nhiều bài phóng sự, bình luận trên các tờ báo in, báo điện tử.

Chú Phúc có niềm đam mê về tin thông tấn, tin thế giới. Đã trở thành thói quen, chú luôn đến cơ quan sớm hơn mọi người ở phòng để có thể đọc các morat về tình hình thế giới, say sưa đọc những tin mới nhất và chọn tin để làm. Chú luôn khuyên lớp biên tập viên trẻ chúng tôi sau khi làm xong tin của mình thì phải đọc tin của phòng mình, đọc tin của phòng khác, thậm chí của ban khác. Theo chú, chỉ khi các bạn đọc nhiều loại tin khác nhau ở cơ quan, các bạn mới có thể nâng cao trình độ kiến thức chung của mình. Ngay cả khi tuổi đã cao và đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng Ban biên tập tin Thế giới, lửa nhiệt tình của chú Phúc vẫn như ở lứa tuổi 20. Chú vẫn đọc và góp ý cho các bản tin của Ban biên tập tin Thế giới. Chú vẫn động viên và giúp đỡ các biên tập viên trẻ trong quá trình làm tin và nhắc nhở khi thấy một bạn biên tập viên trẻ làm xong tin, làm đủ định mức thì lấy điện thoại ra chơi điện tử. 

Alan Phan, triệu phú gốc Việt ở Mỹ, giá trị tài sản công ty của ông niêm yết trên thị trường chứng khoán New York đã có lúc lên tới 800 triệu USD, từng nói: “Chỉ có đam mê mới có thể giúp các bạn trẻ khởi nghiệp không bỏ cuộc và vượt qua mọi khó khăn trong công việc để thành công”. Chú Phúc cũng vậy, chú luôn sở hữu niềm đam mê trong công việc dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Trong mấy chục năm qua, dù tình hình Trung Đông luôn rối ren, phức tạp, nhưng chú Phúc không ngại khó khăn, không ngại gian khổ, thậm chí hiểm nguy, sẵn sàng đi thường trú ở Syria, Ai Cập. Chú đã đặt chân đến tất cả quốc gia ở Trung Đông, đến những điểm nóng tại khu vực này. Mỗi nơi chú đến, chú lại cảm thấy thú vị, lại viết lên những bài phóng sự, bài bình luận hay. 

Về tới Việt Nam, chỉ có niềm đam mê trong công việc mới khiến chú không dành thời gian nghỉ ngơi mà vẫn tham gia bình luận về “Mùa xuân Arab” trong dịp Tết Nguyên đán 2011 trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình thông tấn. Chỉ có đam mê mới khiến chú dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia chuyên mục bình luận trên Truyền hình thông tấn về sự kiện các nước Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vào đầu tháng 6/2017. Niềm đam mê với tin thế giới đã theo chú đi suốt cuộc đời và giúp chú trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về Trung Đông của TTXVN. 

Với các biên tập viên trẻ của Ban biên tập Thế giới, chú Phúc là một người thầy, người bạn lớn luôn thân thiện, gần gũi. Chú luôn truyền lửa đam mê, động viên chúng tôi cố gắng, phấn đấu trong công việc. Chú từng nói: “Chỉ cần các cháu được cầm bút sửa bài cho người này, người kia, đó cũng là sự tiến bộ, là sự ghi nhận của lãnh đạo đối với các cháu rồi”. Chú luôn là tấm gương sáng để chúng tôi học tập và noi theo.

Theo Nội san thông tấn số 6/2017