Thứ năm, ngày 02/05/2024

Truyền thống

Tự hào phóng viên Giải phóng xã


(08/05/2017 10:17:51)

Từ trái qua, các ông Nguyễn Thanh Hà, Ngô Hoàng Vân, Lê Nam Thắng và Trương Thanh Nhã, nguyên phóng viên, điện báo viên của TTXGP thăm khu di tích lịch sử Hòn Me (Hòn Đất, Kiên Giang), là chiến trường ác liệt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ


Chuyến công tác trong “mưa đạn”

Thời gian đã qua rất lâu, nhưng Hòn Me - một ngọn núi thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang (trước đây là tỉnh Rạch Giá), vẫn còn giữ được những nét nguyên sơ ngày nào. 

Tại vùng đất này, năm xưa một tổ phóng viên thông tấn xã đã bị bom đạn dập liên tục trong chiến dịch vây hãm Hòn Đất 76 ngày đêm. Một phóng viên đã vĩnh viễn nằm lại, hai người khác bị thương và để lại di chứng cho đến hôm nay. Các ông Nguyễn Thanh Hà, Ngô Hoàng Vân, Lê Nam Thắng và Trương Thanh Nhã từng là phóng viên, điện báo viên của Tiểu ban thông tấn báo chí Khu 9 cũ, sau trực thuộc Tiểu ban thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá, khi còn là những chàng trai đôi mươi, đến nay vẫn nhớ như in những ngày tháng đỏ lửa. 

Nhà báo Lê Nam Thắng, nguyên phóng viên TTXGP, nhớ lại: “Đó là một ngày giáp Tết Nhâm Tý 1972, tôi cùng phóng viên tin Huỳnh Dũng và hai phóng viên ảnh Ngọc Bích, Việt Hùng nằm gần như bất động trên cánh rừng tràm lưa thưa nơi tiếp giáp biên giới thuộc xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Trên bầu trời, chiếc máy bay L19 của Mỹ phát hiện ra mục tiêu, bay vòng hẹp dần, có lúc gần như đứng thẳng trên đầu chúng tôi. Chiếc L19 bắn quả pháo sáng có khói màu da cam thẳng đứng xuống phía chúng tôi và lượn ra xa vị trí mà nó vừa chỉ điểm. 

Điều chúng tôi lo lắng nhất cũng đã tới. Một trận mưa pháo từ các phía tới tấp dội về. Mọi người chỉ biết nằm úp mặt và chờ đợi điều tồi tệ nhất sắp xảy ra. Những ánh chớp lửa liên hồi cùng tiếng nổ đinh tai nhức óc, tiếng đạn bay xé gió dữ dội. Không biết trận tập kích đó kéo dài bao lâu nhưng khi tôi tỉnh lại thì mặt trời đã khuất sau đỉnh núi. Chiếc L19 quay trở lại quần đảo thêm mấy vòng. Chúng không ngờ rằng, giữa một vùng bình địa tan hoang sau cơn mưa đạn xối xả mà chúng tôi vẫn có thể sống sót.

Trên người bị thương bê bết máu, tôi cố lết qua từng miệng hố pháo để tìm đồng đội. Ngọc Bích, Việt Hùng dần hồi tỉnh nhưng cả hai đều bị thương. Trong chập choạng hoàng hôn, cả ba chúng tôi ôm choàng lấy nhau, vừa khóc vừa mừng. Duy chỉ có Huỳnh Dũng nằm bất động. Dũng bị một mảnh đạn găm phía sau lưng, máu thấm đỏ chiếc ba lô, túi đựng máy ảnh, miệng mấp máy điều gì đó rồi trút hơi thở cuối cùng. Chúng tôi chọn một mô đất cao để chôn cất đồng đội, kèm theo một mảnh giấy ghi tên anh ấy được bọc cẩn thận trong ống nhựa đựng phim, dự định sau này ai còn sống thì quay trở lại để đưa Dũng về quê mẹ”.

Phân xã TTXGP tại Kiên Giang là một trong những đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất trong những năm kháng chiến.   

* Năm 1969, một trận bom B52 dội xuống đã làm toàn bộ phóng viên, điện báo viên của Phân xã TTXGP tại Kiên Giang hy sinh.

* Năm 1970, địch bất ngờ tập kích tại lô 12, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận là nơi đóng quân của Phân xã, bắn chết một phóng viên tên Mẫn và bắt ba phóng viên khác đưa về giam tại Phú Quốc, sau Hiệp định Paris mới trao trả. 

* Năm 1971, tại sông Cái Lớn, ấp Vĩnh Chánh, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thuận, một trận tập kích bằng rocket của máy bay địch làm toàn bộ phóng viên, điện báo viên của Phân xã hy sinh.


Không để tin tức bị gián đoạn

Những năm 1965 đến 1972, khi đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam thực hiện hai gọng kìm tìm diệt và bình định các tỉnh Tây Nam Bộ cũng là lúc các đài thu phát tin của Giải phóng xã được thành lập ở các địa phương. 

Rạch Giá xưa kia là một địa bàn trọng yếu vừa có biển, nhiều hang động, lại giáp ranh với Campuchia, rất thuận lợi để xây dựng mạng lưới thu thập, phát tin tức cũng như đặt các đài thu phát lưu động. Ngày ấy, nhiệm vụ thu, phát tin vô cùng khó khăn, vì máy phát tín là dấu hiệu để địch phát hiện ra nơi phát sóng, chúng sẽ dội bom, pháo kích. Có khi, để phát được một tin phải di chuyển máy tới mấy lần. Ngày cũng như đêm, cứ có tin là phát, cho dù mưa bom bão đạn liên tục dội xuống, cũng như tai mắt của kẻ thù luôn nhòm ngó… 

Để tránh những cuộc càn của giặc và bám sát các đơn vị bộ đội, từ Hòn Me, Hòn Đất, các phóng viên, điện báo viên của TTXGP, phải di chuyển đến nhiều nơi khác như: Vùng rừng U Minh, các huyện Giồng Riềng, An Biên, Gò Quao, An Minh. Ngày ấy, cho dù chiến tranh ác liệt, thiếu thốn trăm bề,  nhưng cán bộ, phóng viên, điện báo viên luôn bám sát địa bàn, không để tin tức bị gián đoạn. Nguồn thông tin từ Khu 9 (trong đó có địa bàn Rạch Giá), Khu 8, Khu 6 và tất cả các nơi trong nước đã phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ngoài thực hiện nhiệm vụ chung của cả nước, thông tin trên địa bàn còn phục vụ sự lãnh đạo của cấp ủy các địa phương trong chiến tranh, động viên đồng bào các tỉnh đấu tranh chống lại sự kìm kẹp, đàn áp của giặc. 

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, ở chiến trường này, khó nhất là lúc căng ăng ten để phát sóng gửi tin về cơ quan. Một ngày có khi phải nối tới 2 - 3 lần vì bom, pháo làm đứt dây ăng ten. Với chiếc máy phát tín tự chế đơn sơ (sau này có máy phát sóng), những thông tin nóng hổi từ khắp các chiến trường được gửi về cơ quan của TTXGP tại Tây Ninh, sau đó chuyển về Tổng xã ở Hà Nội. Nhiệm vụ của phóng viên là phải luôn đưa tin quân ta chiến thắng, đó là niềm tự hào của phóng viên TTXGP.

Đất nước thống nhất, những người từng làm việc tại Tiểu ban thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá, sau này là Giải phóng xã vùng cực Tây Nam của Tổ quốc được phân công giữ nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ông Nguyễn Thanh Hà về Đài PT - TH Kiên Giang, giữ chức vụ Giám đốc và nghỉ hưu năm 2013. Ông Trương Thanh Nhã làm Tổng biên tập báo Kiên Giang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang. Hai ông Ngô Hoàng Vân và Lê Nam Thắng tiếp tục làm việc tại Phân xã Kiên Giang đến khi nghỉ hưu.
 
Thu nhận tin qua làn sóng điện trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ

 

Theo Nội san thông tấn số 4/2017