Thứ năm, ngày 28/03/2024

Chân dung nhà báo

Xin vĩnh biệt một nhân cách thông tấn


(01/09/2017 15:22:47)

Nhà báo Phạm Quế Lâm (thứ hai bên phải) trong một chuyến công tác tại Moskva


Thế là “làng” báo thông tấn chúng ta lại thêm một người con nữa của quê hương Cụ Hồ về với Cụ. Lần này là ông Phạm Quế Lâm, nguyên Trưởng Ban biên tập tin Thế giới. Ông ra đi, khép lại 90 năm thăng trầm một đời người, trong đó có hơn 70 năm sống và làm việc với trách nhiệm của một người cộng sản và gần 40 năm làm báo chuyên nghiệp.

Nhiều thứ gắn với đời ông sẽ theo ông về cõi vĩnh hằng. Nhưng đức độ và nhân cách của ông sẽ lưu lại trong bộ nhớ của nhiều người thông tấn quen biết ông. Tôi tin là như thế!

Ở cơ quan chúng ta, chắc chỉ ít người biết ông là một trong số 8 thanh niên Việt Nam đầu tiên được Bác Hồ chọn gửi đi học tiếng Nga ở Trung Quốc, tháng 8/1950. Sau đó, được đưa đi rèn rũa thêm tại chính đất nước của Lênin vĩ đại, mà trong số này, có những người về sau rất nổi tiếng như các ông Nguyễn Mạnh Cầm và Đậu Ngọc Xuân.

Những năm cuối thập niên 1950, những ai thường xuyên nghe buổi phát thanh tiếng Việt của Đài Mạc Tư Khoa, hẳn không quên giọng đọc trầm, ấm và rất truyền cảm của một người đàn ông xứ Nghệ. Đó là giọng đọc của phát thanh viên Quế Lâm. Thời đó ở Đài Tiếng nói Việt Nam, ông là phát thanh viên cùng thế hệ với những giọng đọc đã trở thành huyền thoại như: Nguyễn Thơ, Việt Khoa, nhưng ông được biệt phái sang làm chuyên gia cho Đài Mạc Tư Khoa.

Sau đó, ông được cử đi làm chuyên gia cho Đài phát thanh Pathet Lào tại vùng giải phóng Sầm Nưa trong hai năm 1966 và 1967. Và tiếng Nga chính là căn nguyên để ông được chuyển từ Đài Tiếng nói Việt Nam sang Thông tấn xã chúng ta. 

Năm 1967, VNTTX cần một nhà báo thạo nghề, có năng lực quản lý, nhưng phải giỏi tiếng Nga để điều sang Liên Xô làm Trưởng phân xã Moskva thay ông Hoàng Thịnh (được rút về nước do yêu cầu công tác mới). Theo sắp xếp của tổ chức, ông Đặng Kiên (cùng tuổi với ông Quế Lâm), khi đó đang là phóng viên VNTTX tại mặt trận Nậm Bạc (Bắc Lào), được điều về Sầm Nưa thay ông Quế Lâm làm trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam tại Đài phát thanh Pathet Lào và Thông tấn xã Pathet Lào để ông Quế Lâm về nước, chuyển sang VNTTX và đi Moskva. 

Thủ trưởng Đỗ Phượng của chúng ta thường nhắc đến kỷ niệm từ những chuyến công tác tại Liên Xô thời ông Quế Lâm làm Trưởng phân xã. Đó là chuyện ông Quế Lâm lái xe đưa Thủ trưởng đi làm việc, nhiều lần bị công an Liên Xô thổi còi, do phạm lỗi… đi chậm. Ông Quế Lâm là thế, lúc nào cũng cẩn trọng, khiêm nhường, điềm tĩnh và thư thái. Cuộc đời công tác của mỗi người chúng ta đôi khi có những bước chuyển gắn với cơ duyên.

Nếu không có cuộc gặp tình cờ mùa xuân năm 1982 giữa ông Đỗ Phượng và ông Quế Lâm tại một sân bay ở Moskva khi ông Đỗ Phượng ở đó để về Việt Nam, còn ông Quế Lâm lúc ấy đang là Trưởng Ban biên tập tin Thế giới, từ một chuyến công tác nước ngoài trở về, lại quá cảnh ở đấy, thì chắc tôi không có cơ may được làm việc dưới quyền ông Quế Lâm, để được biết và hiểu ông. Chính từ cuộc gặp không hẹn đó, ông Đỗ Phượng đã nảy ra dự tính điều ông Quế Lâm sang Campuchia, thay ông Trần Hữu Năng làm Trưởng đoàn chuyên gia TTXVN giúp Thông tấn xã SPK kiêm Trưởng phân xã TTXVN tại Phnom Penh mà tôi khi đó đang là phóng viên tin của phân xã. Năm 1988 và nửa đầu năm 1989, khi đang học những năm cuối ở trường Đảng cao cấp Moskva, tôi thường xuyên gặp ông Quế Lâm từ Campuchia mới được điều trở lại làm Trưởng phân xã TTXVN tại Liên Xô. 

Vốn là người cẩn trọng, lại rất vững tay nghề, ông Quế Lâm từng là một cây bút được tin cậy ở TTXVN, nhất là trong lĩnh vực thông tin quốc tế. Tuy nhiên, điều khiến ông nổi tiếng lại không phải là những bài báo mà là đức độ và nhân cách của ông. Trong nhiều năm được sống và làm việc cùng ông, được biết nhiều việc trong gia đình ông, tôi chưa một lần thấy ông nổi nóng với bất kỳ ai. Đối thoại với mọi người, từ nhân viên dưới quyền nơi công tác đến vợ con trong gia đình, ông cẩn trọng lựa chọn ngôn từ với thái độ luôn điềm tĩnh, thư thái, nhẹ nhàng, lúc nào cũng “mềm” giọng, để “người ta dễ nghe”, như lời ông thổ lộ. Ông Phạm Quế Lâm là người cả đời trọng đạo lý. Có lần ông tâm sự: Mình được như “vầy” (như thế này), đương nhiên phải ơn Bác Hồ, ơn Đảng, ơn Chính phủ, ơn cha, ơn mẹ, ơn thầy…  nhưng cũng phải ơn cả vợ nữa.

Bà Hồ Thị Hạnh - vợ ông là một phụ nữ xuất thân từ nông thôn, lại nhiều tuổi hơn ông, nếu xét về nhiều mặt, khó cân xứng với ông. Thế nhưng ông vẫn trọn đời yêu bà, chung thủy và tận tâm, tận lực với bà, cùng bà tạo dựng một gia đình hạnh phúc, đông con nhiều cháu. Ông lấy bà vì lòng biết ơn một người thầy. Bà Hồ Thị Hạnh là con gái thầy đồ dạy ông học chữ nho hồi còn trẻ ở quê.

Nhà báo Phạm Quế Lâm (thứ tư bên trái) trong thời kỳ thường trú tại Moskva

Trong những năm công tác tại Liên Xô, đã có thời gian ông đưa bà sang ở cùng. Từ nông thôn, lại là lần đầu tiên xuất ngoại, vợ ông không khỏi ngỡ ngàng, lúng túng. Ông hiểu điều đó và luôn chú ý “điều chỉnh” những sơ suất của bà. Những ngày đầu, mỗi lần bà chuẩn bị cùng ông tiếp khách, bao giờ ông cũng ý tứ đưa mắt quan sát xem bà đi giày thế nào. Khi thấy hai mũi giày chĩa sang hai bên (do bà đi trái chân), ông lại nhẹ nhàng: “Này mợ ơi, mợ thử đổi lại giày, bên nọ sang bên kia, xem thế nào nhé”. Cả những lúc như thế, ông cũng không hề nặng lời hay xẵng giọng với bà.

Sau này, khi bà bị tai biến và có những năm nằm liệt giường, tự tay ông xách làn đi chợ và với cái tâm của một người chồng luôn trọng đạo nghĩa, ông không nề hà bất cứ việc gì để đỡ đần các con trong việc chăm lo cho bà đến khi bà qua đời.

Từ mấy tháng trước Tết năm ngoái, do căn bệnh tiểu đường biến chứng nặng, ông phải nhập viện, rồi bị cắt bỏ ống chân bên phải do bị tắc động mạch chi dưới, nếu không xử lý như vậy sẽ bị hoại thư, nguy hiểm đến tính mạng. Trước khi ông mất vài tháng, chân còn lại bị teo khô (cũng vì thiếu máu nuôi dưỡng) đến mức một nửa bàn chân trái tự rụng. Những người quen biết đến thăm ông, ai cũng nhói lòng.

Anh Nguyễn Công Khuyến, nguyên Tổng biên tập báo Việt Nam News, từng là chuyên gia giúp hiệu đính bản tin tiếng Anh của Thông tấn xã Campuchia SPK hồi ông Phạm Quế Lâm làm Trưởng đoàn chuyên gia TTXVN tại đó, một hôm gọi điện thoại cho tôi, đề xuất sáng kiến kêu gọi các cựu chuyên gia TTXVN tại Campuchia chung tay giúp ông Quế Lâm. Anh Khuyến nhận nhiệm vụ soạn “lời kêu gọi” để đưa lên Facebook. Nhưng khi được biết ý định này của chúng tôi, người con út của ông Quế Lâm đã gọi điện ngay cho anh Khuyến và tôi, “xin cảm ơn các chú, nhưng xin các chú đừng làm thế, nhất là đừng đưa lời kêu gọi lên mạng, bố cháu không muốn thế đâu ạ”.

Trong khi bị bệnh tật hành hạ, phải nằm viện dài ngày và tốn kém nhưng những lúc tỉnh, ông Quế Lâm vẫn dặn các con rằng khổ mấy cũng ráng chịu, không được làm gì hại đến gia phong và nhân cách của ông. Hiểu được khí khái của “ông đồ xứ Nghệ”, anh Khuyến và tôi quyết định dừng ngay dự định của mình. Ông Phạm Quế Lâm đã giữ trọn nhân cách của mình, ngay cả lúc đã cận kề cái chết. 

Xin vĩnh biệt ông, một nhân cách được nể trọng trong “làng” thông tấn!

Theo Nội san thông tấn số 8/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tinh thần tự học của chú Phúc (21/08/2017 15:32:31)

Bác Khương - Người thầy mẫu mực của tôi (04/04/2017 16:32:27)

Nhớ Trần Kim Xuyến - Huynh trưởng hướng đạo sinh mẫu mực (02/03/2017 08:35:31)

Phóng viên báo Việt Nam News và giải Nhất cuộc thi Pháp ngữ (01/12/2016 15:44:06)

Nhà báo Đinh Chương và bản tin được bác Hồ sửa (12/10/2016 16:26:06)

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng CQTT Bắc Kạn: Đi và khám phá cái mới (25/02/2016 14:56:41)

Nhà báo Bùi Duy Trinh - Trưởng CQTT Moskva: Lên đường để có thông tin hay (25/02/2016 14:53:04)

Làm phim 70 năm Thông tấn - Chuyến đi về nguồn (08/12/2015 14:49:53)

Góp phần xây dựng đội ngũ hội viên năng động, sáng tạo (07/07/2015 10:12:09)

Nữ Trưởng ban đầu tiên của TTXVN (31/10/2014 10:14:23)