Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Chân dung nhà báo

Viết tiếp ước mơ Đinh Hữu Dư


(01/11/2017 11:23:17)


Như mây nhẹ ngang trời...
 
“Rồi, bình minh cũng rất êm/Có một ngày em đi về phía cũ/Chẳng nhìn tôi, như mây nhẹ ngang trời…”. Miên man như làn gió trên sông, những vần thơ, tiếng lòng của một phóng viên trẻ, lan tỏa trong ký ức của nhiều người suốt nhiều ngày qua. Anh là Đinh Hữu Dư, phóng viên CQTT tại Yên Bái bị lũ cuốn khi đang tác nghiệp tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, trưa ngày 11/10.
 
Đinh Hữu Dư là một người kiên định, sống có hoài bão, có lý tưởng từ khi còn rất trẻ. Học giỏi văn, yêu nghề báo, Dư quyết tâm và thi đỗ vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Mong ước nhất của Dư sau khi tốt nghiệp là trở thành phóng viên của một cơ quan báo Đảng. Không thể “kết duyên” với báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản và Đài Truyền hình Việt Nam vì nhiều lý do, Dư đã được toại nguyện khi trúng tuyển với điểm số cao và trở thành phóng viên của TTXVN từ năm 2016. Niềm vui được làm công việc đam mê, nhưng cũng cảm nhận được những khó khăn của cuộc sống và sẵn sàng vượt qua, Dư viết: “Một quãng cuộc đời quan trọng đã đi qua. Chưa bao giờ cảm thấy hối hận với bất cứ việc gì đã làm, cũng đã được coi là không sống uổng, sống phí. Tam thập nhi lập, mọi thứ mới chỉ là bắt đầu. Ba mươi năm trải nhiều khó khăn tưởng như đôi lúc bế tắc, cùng đường, nhưng có lẽ sóng gió thực sự vẫn còn đang ở phía trước. Đường có gập ghềnh mới biết đôi chân cứng cáp”.
 
Phóng viên Đinh Hữu Dư (áo kẻ carô sẫm) trong giờ học thực hành ảnh báo chí, tháng 8/2016

Dư đã mạnh mẽ bước đi trên con đường làm báo nhiều vất vả bằng trái tim yêu nghề và một đôi chân cứng cáp, đầy bản lĩnh. Không ngại gian khổ, Dư thâm nhập những nơi khó khăn nhất để kịp thời đưa những dòng tin, bức ảnh đến với công chúng. Trí tuệ, ngòi bút của Dư được cơ quan, đồng nghiệp, lãnh đạo địa phương ghi nhận và đánh giá cao, coi đây là một nhà báo triển vọng.
 
Dư là người lãng mạn, có trái tim nhân ái và rất sâu sắc. Dư yêu Hà Nội, thích mùa thu, hương trà thơm và những cuốn sách. “Một tách trà hoa cúc, chỉ để đợi mùa thu...”, “Đã từng, chỉ mong sẽ được làm một gã nông phu cày ruộng. Thanh thản uống trà bên khóm trúc mỗi sớm mai, đọc vài cuốn sách về vô thường cuộc đời, lý đạo tự nhiên, nói vài câu chuyện nhỏ về lẽ an bang vô thưởng vô phạt”. Những status được Dư viết trên trang Facebook cá nhân về thú vui bình dị, như chính con người bạn.
 
Phóng viên Đinh Hữu Dư trong một lần tác nghiệp tại Đông Anh, Hà Nội

Một con người bình dị, khiêm nhường nhưng rất có nghị lực. Nhiều người đã rất xót xa khi biết đến hoàn cảnh của Dư. Gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm kinh tế mới, từ nhỏ Dư ở với bà nội. Cuộc sống và việc học của Dư trông vào gánh bánh cuốn của bà. Thương bà, sau giờ học, Dư đi làm thuê để có thêm tiền trang trải. Bạn học của Dư viết: “Không như các bạn khác có thể được bố mẹ hỗ trợ tiền đi học, Dư hoàn toàn tự lo tiền học mỗi năm cả mười mấy triệu. Xong còn tiền trọ, tiền ăn. Nhiều gánh lo đổ lên đầu cậu nên lúc nào nhìn cậu cũng thấy lầm lũi, thương thương. Có lần chở Dư về nhà trọ trên ngõ Cầu Giấy, leo lên căn phòng nhỏ xíu và bí vô cùng vì chả có cửa sổ nào mở ra ngoài. Đồ đạc trong phòng chả có gì ngoài mấy cái chăn, cái gối. Giá trị nhất chắc chỉ có giá sách”.
 
Bản thân thiếu thốn nhưng Dư luôn mong cho người khác được đủ đầy. Dư  từng tham gia các hoạt động tình nguyện và ước ao sẽ xây dựng tủ sách cho trẻ em khó khăn ở vùng cao. Khi đi làm và có lương, Dư cũng chẳng dám ăn tiêu, thường xuyên nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền gửi về cho bố mẹ và em gái. Buổi sáng định mệnh đó, như thường lệ, Dư cũng chưa ăn sáng.


Phóng viên Đinh Hữu Dư sinh năm 1988, tại Tân Trung, Tân Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Anh tốt nghiệp K27, Học viện Báo chí và Tuyên truyền hệ chính quy và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại trường đại học. Anh là thạc sỹ báo chí, trúng tuyển kỳ thi tuyển phóng viên của TTXVN năm 2016, sau đó nhận nhiệm vụ tại Cơ quan thường trú TTXVN tại Yên Bái từ ngày 1/10/2016.

Trưa 11/10, khi đang tác nghiệp trên cầu Ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư đã bị lũ cuốn trôi do một nhịp cầu bất ngờ đổ sập. Ngày 13/10, thi thể anh được tìm thấy ở cầu Văn Phú, TP. Yên Bái, cách nơi anh gặp nạn gần 100 km.

Ngày 20/10, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã ký Quyết định truy tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho phóng viên Đinh Hữu Dư, đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tuyên truyền về đợt mưa lũ. 

Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ trưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã truy tặng Bằng khen; TTXVN truy tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thông tấn” cho phóng viên Đinh Hữu Dư.
 
Trước đó, trong đợt đưa tin lũ quét, lũ ống xảy ra tại huyện Mù Cang Chải, tháng 8/2017, UBND tỉnh Yên Bái cũng đã tặng Bằng khen cho Đinh Hữu Dư.

 Hãy để bọn tớ viết tiếp!
 
Hay tin Dư gặp nạn, cả TTXVN, bạn bè và người thân đều khắc khoải chờ đợi tin tốt lành từ Yên Bái, mong ngóng một phép màu sẽ đưa chàng trai trở về.
 
Bài viết cuối cùng của phóng viên Đinh Hữu Dư trên báo Tin Tức, một ngày trước khi anh gặp nạn

Ngay chiều 11/10, đoàn công tác của cơ quan đã lên Yên Bái để phối hợp, chung sức cùng địa phương trong việc tìm kiếm và hỗ trợ, động viên gia đình Dư. Chiều muộn ngày 12/10, mặc dù trời đã tối nhưng cuộc họp giữa Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi và lãnh đạo tỉnh Yên Bái vẫn chưa kết thúc. Mỗi phút trôi qua, hy vọng tìm thấy Dư dần xa hơn. Địa phương đã lên kế hoạch khoanh vùng bảy khu vực trọng yếu, với gần 600 nhân lực tham gia tìm kiếm Dư và những người cùng mất tích khi sập cầu Thia.
 
Nét chữ Đinh Hữu Dư 

Một đêm trôi qua trong lo lắng. Chín giờ sáng 13/10, đoàn tìm kiếm tới khu vực cầu Sơn Lương, thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn. Hơn 10 người dân địa phương thông thuộc thủy tính được cắt cử ra tháo gỡ đống gỗ, tre, rác mắc lại ở trụ cầu. Nhìn những cây gỗ mắc kẹt ở độ cao 4 - 5m so với mặt nước, mới thấy sức nước và sự tàn phá ghê gớm của dòng lũ. Càng nghẹn đau khi Dư đã phải dầm mình trong dòng nước ấy...
 
Ba tiếng trôi qua nhưng đám tre, gỗ kia mới dỡ được non nửa. Người dân trong khu vực đến mỗi lúc một đông. Mỗi cây tre, cây gỗ được gỡ ra, nhiều ánh mắt mong mỏi, rồi lại thở dài thất vọng. Đến 11 giờ 30, đoàn của cơ quan phải chia làm hai, một nửa ở lại cầu Sơn Lương tiếp tục tìm kiếm, một nửa đưa bố mẹ của Dư trở về quê.
 
Hơn 15 giờ, khi đi qua khu vực cầu Văn Phú, TP. Yên Bái, cách nơi Dư gặp nạn khoảng 100 km, từ thông tin loan báo của một số người dân bên đường, đoàn đã tìm thấy Dư...
 
Ba giờ sáng ngày 14/10, Dư về đến quê nhà.
 
Ngày tiễn biệt Dư, có người thân, lãnh đạo cơ quan, bạn bè, đồng nghiệp, những người mới biết Dư, cả những người chưa gặp Dư lần nào. Những giọt nước mắt lăn dài, những tiếng nấc nghẹn, tiếc thương cho những ước mơ dang dở, tiếc thương cho một phóng viên tài hoa, nghị lực.
 
Hoa trắng một góc nghĩa trang, Dư về với đất mẹ.
 
An nghỉ Dư nhé! Những ước mơ của cậu, hãy để bọn tớ viết tiếp!
 
Tủ sách mà cậu mong muốn giúp học sinh khó khăn vùng cao, hãy để bọn tớ thay cậu mang lên.
 
Cảm ơn Dư vì đã cho bọn tớ thấy giá trị tốt đẹp của một con người, trí tuệ, nhân ái, kiên định và dũng cảm!

Cảm ơn Dư vì những hy sinh cho nghề, cho cuộc sống!
 
Trong ký ức bạn bè, đồng nghiệp:

“Đồng nghiệp cùng khóa vào TTXVN bảo em là người ‘4 không’ – không rượu bia, không thuốc lá, không cờ bạc, và không ăn sáng. Em thường cười rằng không ăn sáng là thói quen từ đại học, nhưng chúng bạn đều biết em tiết kiệm từng đồng gửi về cho bà và chăm cháu. Chúng nó cũng biết em thường xuyên phải ăn mì gói cả tuần, nhưng ngoài lý do phụng dưỡng người thân thì em còn muốn tiết kiệm tiền mua sách cho bọn trẻ ở Mù Cang Chải. Hôm qua mở cửa phòng em ở cơ quan thường trú Yên Bái, thấy trong đó phải có cả tạ sách mà em tích cóp được mỗi khi về Hà Nội…”
(Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus, nguồn Facebook)
 
“Tim tôi như thắt lại khi biết Dư bị lũ cuốn đi. Từ khoảnh khắc ấy, tôi vẫn luôn không ngừng hy vọng về một điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Thế nhưng, điều ước đã không thành hiện thực. Sự giận dữ của thiên nhiên đã cướp đi sinh mạng của người em, người đồng nghiệp thân thiết của tôi. Xót xa khi đối diện với sự thật, em sẽ vĩnh viễn không về, không bao giờ cùng rong ruổi với tôi trên đường tác nghiệp; nhưng cảm thấy được an ủi phần nào vì em đã không phải nằm cô quạnh, lạnh lẽo nơi bùn đất ấy nữa. Em được đưa về với gia đình, quê hương, trở về với vòng tay cha mẹ”. 
(Phạm Thế Duyệt, phóng viên CQTT tại Yên Bái)
 
“Một năm ở Yên Bái. Dư vừa làm báo, vừa mong ước mở được thật nhiều tủ sách cho trẻ em vùng cao. “Bọn trẻ nghèo lắm, chúng nó cần được đọc sách. Tớ ước có thể mở thật nhiều tủ sách cho bọn trẻ”, Dư inbox. Và thế là, mỗi lần từ Hà Nội trở về Yên Bái, ba lô trên vai Dư lại nặng trĩu những cuốn sách đủ thể loại cậu xin từ bạn bè, anh chị..., mang lên cho bọn trẻ.

Mười ngày trước, Dư nhận bằng khen của tỉnh Yên Bái vì có thành tích trong đợt mưa lũ tháng 8. Tôi inbox, “Chúc mừng cậu, nhưng vất vả quá”. “Ừ, tớ làm không phải vì bằng khen. Tớ làm vì người dân cậu ạ. Cậu cứ lên đây sẽ thấy, không bỏ được dân đâu...”. Đó là những dòng cuối cùng chúng tôi trò chuyện với nhau.”
 (“Nhớ Dư, cậu lớp phó ‘gàn dở’ nhất mà tôi biết”, Tùng Anh, nguồn Facebook)

“Đôi khi nó than thở: “Tao thấy mình lạc lõng giữa cuộc sống đảo điên này”. Nhưng nó vẫn không ngừng cố gắng, không ngừng sống tử tế, không ngừng mong muốn thế giới xung quanh tốt đẹp hơn vì tâm niệm “sống sao không hổ thẹn với lòng mình”. Nó đầy tự trọng, nhiều khi tự trọng đến phát bực. Nó nợ mọi người nhiều ân tình nên trong thâm tâm nó luôn khắc sâu và cố gắng chờ đợi cơ hội được báo đáp, dù sớm hay muộn.”
(“Tôi có một thằng bạn tên Dư”, Đỗ Huyền Trang, nguồn Facebook)

“Thương anh! Một phóng viên trẻ tử tế và giàu lòng nhân ái. Những ngày này đọc được thông tin từ những người bạn, những đồng chí phóng viên viết về anh càng thương anh nhiều hơn. Anh sống vươn lên từ khó nghèo và luôn tìm mọi cách giúp đỡ những người nghèo hơn anh. Càng nghiêng mình trước anh.”
(Trang Nguyễn, bạn đọc của tuoitre.vn)

“Thương tiếc anh thật nhiều. Em học kém anh ba khóa ở trường Báo chí. Hiện tại em cũng làm báo. Mấy hôm nay, em đọc tin tức về anh rất nhiều. Những câu chuyện về anh khiến em phải nghĩ về bản thân thật nhiều. Trong gian khổ, khó khăn vậy m à anh vẫn vươn lên, học tốt, làm báo với cả chữ Tâm. Đó là điều đáng quý mà thế hệ trẻ chúng em phải học tập, noi gương. Vĩnh biệt anh, Đinh Hữu Dư!”
(Tâm An, bạn đọc của tuoitre.vn)

 
 

Lê Minh Đức
Theo Nội san thông tấn số 10/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Chuyện về phóng viên trẻ đầy quả cảm Đinh Hữu Dư (20/10/2017 17:57:44)

Xin vĩnh biệt một nhân cách thông tấn (01/09/2017 15:22:47)

Tinh thần tự học của chú Phúc (21/08/2017 15:32:31)

Bác Khương - Người thầy mẫu mực của tôi (04/04/2017 16:32:27)

Nhớ Trần Kim Xuyến - Huynh trưởng hướng đạo sinh mẫu mực (02/03/2017 08:35:31)

Phóng viên báo Việt Nam News và giải Nhất cuộc thi Pháp ngữ (01/12/2016 15:44:06)

Nhà báo Đinh Chương và bản tin được bác Hồ sửa (12/10/2016 16:26:06)

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng CQTT Bắc Kạn: Đi và khám phá cái mới (25/02/2016 14:56:41)

Nhà báo Bùi Duy Trinh - Trưởng CQTT Moskva: Lên đường để có thông tin hay (25/02/2016 14:53:04)

Làm phim 70 năm Thông tấn - Chuyến đi về nguồn (08/12/2015 14:49:53)