Thứ năm, ngày 02/05/2024

Truyền thống

"Cầu người" năm ấy…


(13/02/2018 14:54:59)

Nhiều lần đến chung cư của cán bộ, phóng viên TTXVN tại 218 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, tôi thường gặp một người đã ngoại bát tuần nhưng còn nhanh nhẹn lắm. Khi làm quen, tôi mới biết ông chính là tác giả bức ảnh “Cầu người” - tác phẩm đầy tính nhân văn, được chụp cách đây tròn nửa thế kỷ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

 

Bức ảnh “Cầu người” của tác giả Phạm Văn Thính

Ông là Phạm Văn Thính từng là phóng viên chiến trường của TTXVN, tác giả của nhiều bức ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, trong đó có bức ảnh “Cầu người” nổi tiếng. 

Sinh ra tại Quảng Ngãi, hơn 10 tuổi, ông Thính đã đi theo cách mạng. Tập kết ra Bắc, ông theo học tại khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1964, rồi trở thành phóng viên ảnh TTXVN. Năm 1965, ông Thính được cử vào Nam tham gia đội quân TTXGP thuộc Trung ương Cục miền Nam, tác nghiệp tại chiến trường Đông Nam Bộ.

Ông nhớ lại: Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, khi cùng Trung đoàn 3B, Sư đoàn 9 hành quân tiến về Sài Gòn, đến khu vực suối Nhum thuộc Chiến khu D, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, ông bỗng nghe xôn xao phía trước. Linh tính nghề nghiệp, ông liền chạy vượt lên và thấy một đoàn thanh niên xung phong đang đứng ngâm mình dưới nước làm trụ để đỡ các tấm ván, tạo thành một chiếc cầu giúp chuyển thương binh qua suối được thuận tiện. Ngay lập tức ông lấy máy, chọn góc đứng và bấm liền ba kiểu ảnh, rồi lại nhanh chóng lên đường để theo kịp đoàn quân.

“Cầu người” - hình ảnh đẹp, nhân văn trong chiến tranh đã được phóng viên chiến trường Phạm Văn Thính “chớp” được bằng cảm quan nhạy bén nghề nghiệp. Ông nói trong xúc động: Tôi thật may mắn khi đã ghi lại khoảnh khắc những thanh niên xung phong đang cố gắng làm mọi cách, với mong muốn không để thương binh phải đau đớn thêm nữa nếu phải ngâm mình trong nước khi qua suối…

Quả thực, “cầu người” là sáng kiến vô cùng độc đáo, không chỉ chứa đựng tình yêu thương đồng chí, đồng đội, mà còn thể hiện ý chí vượt lên khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh chiến tranh. 

Ông nói thêm: Cũng có người hỏi tôi vì sao cô gái trong bức ảnh lại cười dù phải chịu sức nặng khi đồng đội đang tải thương phía trên? Là phóng viên chiến trường, tôi nhận thức được ý nghĩa nhân văn trong việc làm của những thanh niên xung phong khi ấy và đã nhanh tay ghi lại, đảm bảo tính chân thực. Hình ảnh cô gái cười càng làm tăng thêm giá trị cho bức ảnh, bởi tinh thần lạc quan, yêu đời với khát vọng chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước.

Năm 1976, bức ảnh “Cầu người” được triển lãm ở Hungary và được biết đến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. 

Một điều đặc biệt nữa về bức ảnh là cuộc gặp gỡ như một mối lương duyên giữa tác giả Phạm Văn Thính và nhân vật là “trụ cầu người” đang cười trong bức ảnh. Năm 2008, nhà văn Trầm Hương khi đi sưu tầm ảnh phục vụ triển lãm “Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định trong năm Mậu Thân 1968” nhân kỷ niệm 40 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, đã kết nối để ông Phạm Văn Thính được gặp lại nữ thanh niên xung phong Giáp Thị Thanh Tiến thuở nào, nhân vật trong bức ảnh để đời của ông…
 
PV chiến trường Phạm Văn Thính (phải) và tác giả, tháng 1/2018

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang trên đường đổi mới, phát triển và hội nhập, nhưng những chiến công và ký ức về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cách đây tròn 50 năm đã, đang và sẽ mãi được khắc ghi. Ở đó, “Cầu người” của phóng viên ảnh TTXVN Phạm Văn Thính là một trong những nốt nhạc đẹp nhất trong giai điệu chiến thắng của bài ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20.

Việt Hồng
Theo Nội san thông tấn số Xuân 2018