Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Truyền thống

T6 - Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống


(03/05/2018 10:22:46)


Trong không khí cả nước kỷ niệm 43 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 25/4, hơn 60 cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên từng công tác tại đài thu phát T6, biệt danh nơi sơ tán của cơ quan TTXVN trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội đã có cuộc gặp mặt đầy cảm động. Đã rất lâu rồi, những mái đầu bạc mới lại có dịp hàn huyên những câu chuyện không thể nào quên trong khói lửa chiến tranh. 
 


Tới dự buổi gặp mặt, Phó tổng giám đốc Đinh Đăng Quang khẳng định, cơ quan luôn trân trọng những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên trong những năm tháng chiến tranh, để dòng tin, ảnh của cơ quan thông tấn không bị gián đoạn. T6 luôn là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống vẻ vang của ngành với thế hệ hôm nay.

Hơn năm mươi năm trước, họ là những chàng trai cô gái sục sôi bầu nhiệt huyết sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, gian khổ. Họ tham gia làm nhà, lắp máy, dựng ăng ten thu phát sóng... để xây dựng cơ sở dự phòng chiến lược của cơ quan VNTTX trong chiến tranh, với quyết tâm không để làn sóng thu, phát ngưng nghỉ dù chỉ một phút giây. Trong đó có thể kể đến những cái tên quen thuộc như: Đỗ Viết Hiệu, Nguyễn Văn Lộng, Phạm Lộc, Trương Việt Cường, Phạm Hữu Châu, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Hằng, Trần Thị Nga, Nguyễn Khắc Lộc, Nguyễn Đức Nam, Vũ Huy Quang, Phùng Việt Thắng…
 
“T6 đã phát huy sức mạnh, khẳng định giá trị rất rõ rệt trong chiến tranh, đặc biệt trong chiến dịch quân và dân Hà Nội đánh trả B52 Mỹ năm 1972. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ, chuyến đi thị sát Hải Phòng trở về đúng thời điểm ngôi nhà số 5 Lý Thường Kiệt mất điện, toàn bộ máy móc ngừng hoạt động. Như thế là mất tin! Thông tấn xã đã hẹn với Trung ương là không để mất một phút. Tôi hoảng sợ lao lên phòng, gọi điện về T6. May quá, T6 không việc gì. Tin vẫn được thu phát đầy đủ”. 
Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, trả lời phỏng vấn Nội san Thông tấn, năm 2014

Năm 1965, sau thất bại của Chiến tranh đặc biệt tại Việt Nam, Mỹ chuyển sang chiến lược Chiến tranh cục bộ với mục tiêu đè bẹp quân Giải phóng miền Nam, đồng thời dùng không quân đánh phá miền Bắc. Nhận được chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo cơ quan đã cử một số cán bộ về huyện Quốc Oai làm công tác tiền trạm, đặt nền móng xây dựng đài thu phát T6. Đài phát T6A đặt tại động Hoàng Xá dưới chân núi Tượng Linh thuộc xã Hoàng Ngô được xây dựng trước. Đài thu T6B cách đó gần hai cây số, xây dựng năm 1967 dưới chân núi Sơn Tượng cao gần 60m.

Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn Phạm Lộc, người có tới 21 năm gắn bó với cơ sở T6 và là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng T6B, nhớ lại: Nhiệm vụ trước hết của chúng tôi là lựa chọn địa điểm sao cho không gần, không xa Hà Nội, thuận tiện cho việc truyền thông tin nhanh nhất. Nhiệm vụ thứ hai là bắt tay vào xây dựng cơ sở kỹ thuật, trang thiết bị xứng tầm với vị thế của một cơ sở dự phòng chiến lược của TTXVN trong chiến tranh. Và nhiệm vụ thứ ba là tuyển chọn cán bộ, kỹ thuật viên, điện báo viên được đào tạo chính quy, có tay nghề, vừa tốt nghiệp đại học, trung cấp từ mọi miền Tổ quốc về phục vụ cho hoạt động của T6… 
 

Theo chỉ đạo của Tổng giám đốc Đào Tùng, mọi nguồn lực được ưu tiên tăng cường cho công tác kỹ thuật. Để chuẩn bị cho cuộc chiến dự đoán sẽ vô cùng khốc liệt, VNTTX đã xây dựng kế hoạch “300% Thông tấn xã” với một loạt nơi sơ tán: T6 ở Hà Tây, T7 ở Hòa Bình và T8 ở Tuyên Quang, với quyết tâm không để đứt mạch thông tin, bảo đảm cơ quan thông tấn quốc gia có thể hoạt động liên tục trong mọi tình huống chiến tranh. Tại T6, bên cạnh đài phát, đài thu, cơ quan còn xây dựng hệ thống máy phát điện; trang bị hơn hai chục bộ máy thu phát KMPU hiện đại; máy thu phát ảnh được cải tiến, từ chỗ chỉ được 5 - 6 bức ảnh tăng lên 50 - 60 bức mỗi ngày. T6 trở thành nơi được VNTTX trang bị đầy đủ nhất, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi Tổng xã gặp sự cố.
 

Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các ban biên tập và nhiều bộ phận khác lần lượt chuyển về T6. Cơ quan VNTTX được chính quyền và nhân dân địa phương giúp đỡ tận tình, nhường cơm sẻ áo, cùng tham gia góp công góp sức xây dựng cơ sở. Nhiều đồng chí lãnh đạo VNTTX như: Tổng giám đốc Đào Tùng; các Phó tổng giám đốc: Hoàng Tư Trai, Trần Thanh Xuân, Ngô Điền, Đỗ Phượng... đã lần lượt về đây trực tiếp chỉ đạo công việc.

Có được kết quả này, không thể không kể đến những nỗ lực vượt bậc của hơn 90 cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên, điện báo viên của bộ phận kỹ thuật đã tham gia từ những ngày đầu xây dựng T6 cho đến khi chuyển giao cho Văn phòng cơ quan quản lý. Hàng chục kỹ thuật viên sau khi được đào tạo chuyên sâu tại T6 đã tỏa đi chi viện cho các chiến trường. Trong đó, có một điện báo viên luôn được nhắc đến với niềm thương nhớ khôn nguôi - liệt sỹ Phạm Thị Đệ. Chị hy sinh tại chiến trường Khu V - Tây Quảng Nam Đà Nẵng, tháng 11/1973, khi mới ngoài đôi mươi. Nhớ về người con gái hiền hậu, quê Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội), kỹ thuật viên Bùi Ngọc Thạch xúc động: Hồi ở trong cứ, Đệ từng tâm sự “được trở ra Bắc, mình sẽ đi học đại học”. Ước mơ chưa được chạm tới thì Đệ ngã xuống ở chiến trường và phải sau 20 năm (năm 1993), cơ quan và gia đình mới đưa được hài cốt Đệ trở về quê nhà.
 

Sau hơn 20 năm hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, năm 1989, thực hiện yêu cầu của lãnh đạo ngành, Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn chuyển giao T6 sang Văn phòng cơ quan quản lý. Từ đó đến nay, T6 tiếp tục trở thành một trong những điểm di tích quan trọng của ngành. Chánh văn phòng Đào Đức Huệ, thuộc lớp kỹ sư cuối cùng được điều động về công tác tại T6 cho biết: Không chỉ các đơn vị ở Tổng xã mà cả B1, B2 cũng thường chọn T6 là nơi tổ chức lễ kết nạp Đảng, giao lưu, gặp gỡ các thế hệ từ khắp mọi miền Tổ quốc và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. 

T6 hôm nay trải qua bao thăng trầm, vẫn giữ được hồn cốt của năm mươi năm về trước, từ hang động đến ao cá; từ những dãy nhà hai tầng khang trang đến vườn cây xanh mướt, ghi dấu đậm nét một thời sống và chiến đấu hào hùng.

Hiền Anh
Theo Nội san thông tấn số 4/2018