Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Chân dung nhà báo

Nhớ một nhà báo... humour


(04/09/2018 16:33:10)

Nhà báo mà tôi kể ra đây chắc không nhiều người biết nhưng riêng tôi vẫn nhớ vì anh là thủ trưởng của tôi gần hai năm công tác ở Sơn La. Đó là anh Lương Văn Mạnh, thuộc lớp phóng viên “công nông binh” của TTXVN, như anh vẫn tự nhận. Từ trong những chuyện đời thường, tôi thấy ở anh có tính hài hước rất cao, một nhà báo... humour!

Nhà báo Lương Văn Mạnh (bên trái) với đội bay M21 tại sân bay Tân Sơn Nhất sau ngày 30/4/1975

Giữa năm 1979, anh Lương Văn Mạnh đang làm công tác biên tập ở Tiểu ban tin Nông nghiệp (Ban biên tập tin Trong nước) thì được điều động lên Sơn La. Thời gian này, Sơn La mới chỉ có một phóng viên mới là tôi. Vì là đảng viên lâu năm, lại lớn tuổi nên đương nhiên anh giữ cương vị phụ trách chứ thực ra không có quyết định bổ nhiệm Tổ trưởng.
 
Nhìn dáng người cao, trán dô, trông khắc khổ, lần đầu gặp tôi gọi bằng chú. Anh gạt đi bảo: “Chú cháu gì, gọi tao là anh thôi để tao dễ làm việc với... chị em”. Ban đầu làm việc với anh, thấy anh là người có nội tâm phức tạp, vui buồn bất chợt, nóng giận bất thường... Có thể do cuộc đời vất vả hay bệnh tật gì đó. Nhưng càng về sau càng thấy không hẳn là như thế nên tôi có phần thương anh nhiều hơn.
 
Nhớ hồi mới về cơ quan, tôi được điều động vào TP. Hồ Chí Minh học lớp nghiệp vụ, rồi lên thẳng Sơn La, không quen biết nhiều ở Tổng xã. Mọi chuyện anh kể, những người anh nhắc tên ở Tổng xã, chả biết già hay trẻ, anh cứ gọi thằng nọ, thằng kia tuốt tuột, tôi chỉ biết há mồm nghe.
 
Anh kể, năm 1954 anh đi bộ đội, mang lon Thượng sĩ, do bị bệnh dạ dày nên được hưởng chế độ thương binh hạng 5 tạm thời mấy năm. Năm 1962, chuyển ngành về TTXVN, hai năm sau anh đi thường trú tại Hải Phòng tới 10 năm.
 
Năm 1974, anh được cử tham gia Ban liên hiệp quân sự bốn bên đóng ở trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn). Cuối mỗi tuần có máy bay đưa anh em ngoài Bắc ra Hà Nội, nghỉ tại nhà khách của sân bay Gia Lâm chứ không được về nhà. Sài Gòn giải phóng, anh tham gia tiếp quản Việt tấn xã, chả biết thế nào bị đồn thổi là kiếm được nhiều của nả, anh tức “định bắn bỏ mấy thằng”?! Anh bảo, vợ con anh ở quê, sống rất vất vả, cam chịu. Một lần anh chìa ngón tay khoe cái nhẫn, bảo: “Của nả của vợ chồng tao có cái nhẫn này, khi lên đây, vợ tao đưa đem theo để phòng thân”.
 
Năm 1980, phân xã có thêm điện báo viên Lê Xuân Chính. Ba chúng tôi đều ăn, ở nhờ Văn phòng Tỉnh ủy. Mang tiếng là “bếp ăn tỉnh ủy” nhưng cơm thường phải độn mì sợi và thức ăn cũng chỉ có su su xào với bơ. Anh Mạnh bị đau dạ dày nên không ăn được nhiều. Một sáng chủ nhật, anh rủ tôi ra cửa hàng ăn uống số 4 (cách trụ sở Tỉnh ủy khoảng 200m) định bồi dưỡng bát phở thịt lợn nhưng đến nơi thì hết, đành kéo nhau về.
 
Một lần chúng tôi về Hà Nội họp, khi chuẩn bị quay lại Sơn La, anh bảo đi máy bay và dặn tôi mua vé. Thấy tôi lo không được thanh toán, anh thì thầm: “Mày cứ mua vé, việc thanh toán để tao”. Lúc tôi mang vé về, anh cầm thẳng vào phòng Phó tổng giám đốc Phạm Dân, đưa sếp ký “Đồng ý thanh toán” vào mặt sau vé.
 
Khi ra sân bay Gia Lâm, cô nhân viên hàng không cứ nhìn anh rồi hỏi nhỏ: “Chú ơi, chú có phải là diễn viên Trịnh Thịnh không ạ. Hôm nay chú đi đóng phim ở Sơn La à”. Hóa ra cô ấy tưởng anh là nhân vật Củng do diễn viên Trịnh Thịnh thủ vai trong phim “Chuyến xe bão táp” đang chiếu rộng rãi lúc bấy giờ. Anh càng lắc đầu cô lại càng tin. Chuyến bay hôm ấy bị chậm vì ở Sơn La có nhiều sương mù nên bữa trưa mỗi hành khách được ăn một bát phở nhưng bị đánh dấu vào vé và được mua một gói kẹo. Riêng “diễn viên Trịnh Thịnh” được ăn phở không cần đánh dấu vào vé và mua hai, ba gói kẹo cũng được. Tất nhiên tôi cũng được “ăn theo”! Cũng nhờ có anh mà lần đầu tiên trong đời tôi được đi máy bay, dù là máy bay nhỏ, chòng chành và sóc như ngồi trên ô tô gặp ổ gà.
 
Sống cùng chúng tôi còn có mấy cán bộ độc thân của Tỉnh ủy, là bạn chơi cờ hoặc tổ tôm buổi tối và hút thuốc lào của anh. Cứ chập tối, trước khi đi chơi tổ tôm, anh lại bảo tôi: “Mày xuống chỗ các em mà chơi, đèn đóm tù mù thế đọc sách hại mắt lắm”. Và đúng 10 giờ tối, anh lại về giục tôi đi đánh răng kẻo đến giờ cắt điện. Rồi hai anh em, mỗi người một giường, trò chuyện trên trời dưới đất, mà chủ yếu là anh nói, cho đến khi cả hai chìm vào giấc ngủ.
 
Ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La khi đó có anh Ph. người Nghệ An, ngoài giờ làm việc hay qua phân xã ngồi nói chuyện báo chí, tình hình thông tin. Một hôm, anh đọc báo Nhân Dân thấy có đăng tin của TTXVN viết về một cơ sở sản xuất mà anh cho rằng cơ sở này làm ăn không đúng với tin đưa. Anh Mạnh lặng lẽ ngồi nghe, rồi nghiêm túc trả lời anh Ph.: “Tin này Tư viết khi đi dự hội nghị cùng với mấy anh ở Ban Kinh tế, sao lại cho là tin không đúng. Ph. có đến đó đâu mà biết. Tuyên giáo là lĩnh vực rộng lắm Ph. ạ, còn phải học nhiều”. Anh Ph. đỏ mặt không nói gì, đứng dậy ra về và từ đó ngại không góp ý gì nữa dù vẫn gặp chúng tôi hằng ngày.
 
Cuối năm 1980, tôi được điều động đi Campuchia, anh Mạnh than: “Thế là tao gẫy mất cánh tay phải rồi!”. Đêm trước khi rời Sơn La, anh cho tôi cái quần bảo làm quà cưới (cứ như tôi về cưới vợ) và dặn sáng mai đi sớm, anh không dậy tiễn vì anh dễ khóc lắm. Thế mà khi tôi dậy đã thấy anh ngồi bàn nước, tay cầm điếu cày đã tra thuốc nhưng chưa châm lửa, mắt đăm đăm nhìn ra khoảng sân rộng đầy sương mù giăng.
 
Sau chuyến công tác Campuchia về, tôi đi thường trú tại Quảng Ninh, biết tin anh đã về phân xã quê hương Hà Nam Ninh để gia đình đoàn tụ... Mấy năm sau, tôi và anh gặp nhau ở một hội nghị tại Tổng xã. Anh Mạnh về thường trú tại quê nhà chừng mươi năm thì mất vì bệnh. Những tháng ngày được sống và làm việc cùng anh, được anh chỉ bảo, dìu dắt vẫn in đậm trong tâm trí tôi.

Dương Hồng Tư
Nội san thông tấn số 8/2018

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Viết tiếp ước mơ Đinh Hữu Dư (01/11/2017 11:23:17)

Chuyện về phóng viên trẻ đầy quả cảm Đinh Hữu Dư (20/10/2017 17:57:44)

Xin vĩnh biệt một nhân cách thông tấn (01/09/2017 15:22:47)

Tinh thần tự học của chú Phúc (21/08/2017 15:32:31)

Bác Khương - Người thầy mẫu mực của tôi (04/04/2017 16:32:27)

Nhớ Trần Kim Xuyến - Huynh trưởng hướng đạo sinh mẫu mực (02/03/2017 08:35:31)

Phóng viên báo Việt Nam News và giải Nhất cuộc thi Pháp ngữ (01/12/2016 15:44:06)

Nhà báo Đinh Chương và bản tin được bác Hồ sửa (12/10/2016 16:26:06)

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng CQTT Bắc Kạn: Đi và khám phá cái mới (25/02/2016 14:56:41)

Nhà báo Bùi Duy Trinh - Trưởng CQTT Moskva: Lên đường để có thông tin hay (25/02/2016 14:53:04)