Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Chân dung nhà báo

Trí thức đến với cách mạng


(02/10/2018 16:30:58)

Đón đồng chí Trần Thanh Xuân từ Pháp trở về tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội

1. Anh Trần Thanh Xuân và chị Mai Thị Trình quen nhau trong thời gian tham gia phong trào của Tổng hội sinh viên Việt kiều tại Pháp. Chị thấy ở anh, một chàng trai hiền hậu, lịch lãm, đặc biệt tiếng nói dịu dàng, dễ thương. Anh Xuân là người ít nói, tính tình trầm lặng, thông minh, có trí nhớ rất tốt. Tư duy khoa học nên nói năng chính xác đến từng câu, từng chữ, sắp xếp công việc hợp lý. Chị rất thích anh thuyết trình trên diễn đàn, mạch lạc, khúc chiết, không ồn ào, đao to búa lớn mà dịu dàng, dễ lọt tai và đặc biệt luôn kết thúc đúng giờ. Chị kể về anh như vậy và cảm mến anh từ khi nào chẳng rõ.
 
Có lần chị hỏi anh thấy thế nào khi chị là người hay nói thẳng, nhiều khi nghe ngang tai khó chịu hoặc vấp phải những điều tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình. Anh cười hiền, thẳng thắn trả lời: Ai chứ tôi thì không ngán ngại bởi những điều em nói tôi thấy đúng. Ai không thích nhưng tôi lại thích thế. Tôi cần một người bạn đời mà tôi nói gì đừng vội ừ ngay!
 
Chị kể rằng, càng nói chuyện với anh, chị càng nhận ra đầy đủ tư cách và tính cách một người bạn đời của mình. Có khi mấy tuần lễ liền, ngày nào anh chị cũng gặp nhau, trò chuyện say mê, có hôm đến hai ba giờ sáng. Họ bàn đủ lĩnh vực: Văn chương, hội họa, âm nhạc, chính trị, đời sống. Những tối làm việc ở Hội Ái hữu tới khuya, anh đưa chị về nhà còn bịn rịn chưa muốn xa nhau. Chị còn nhớ mấy câu cuối bài thơ tỏ tình của anh:
 
Đường Saint Jacques thường dài đằng đẵng
Khuya đêm nay ngắn chẳng cạn lời
Biết nhau một dạ thương người
Con đường dân tộc là nơi hẹn hò...
 
Đầu năm 1952, anh chị tổ chức lễ cưới. Trước Tòa thị chính Paris, họ cầm tay nhau ký vào tờ hôn thú trước sự chứng kiến của Giáo sư - thi sỹ Phạm Huy Thông và Giáo sư - nhạc sỹ Trần Văn Khê.
 
2. Quê anh Trần Thanh Xuân ở Vĩnh Bình, Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Thị trấn nhỏ không có trường tiểu học, anh phải lên học tận Gò Công. Không có tiền trọ, anh được thầy giáo quen biết gia đình cho ở nhờ. Mỗi chủ nhật về với cha mẹ, anh phải đi bộ hơn chục cây số.
 
Hết bậc tiểu học, anh thi đậu vào trung học (cấp hai) Mỹ Tho. Vì học giỏi nên anh được cấp học bổng và bắt đầu đi dạy thêm, kiếm tiền ăn học, đỡ gánh nặng cho cha mẹ. Lên Sài Gòn, anh học Trường Petrus Ký. Năm 1939, anh thi đỗ đầu bảng tú tài, được cấp học bổng toàn phần du học tại Pháp.
 
Đến Pháp, anh thi đậu vào một số trường đại học và quyết định chọn học ngành máy bay. Đang thời kỳ chiến tranh, kinh tế khó khăn, giá cả đắt đỏ, học bổng không đủ sống, lại học nhiều nên anh bị lao phổi, phải nghỉ học đi chữa bệnh ở Grenoble. Ra viện, anh xin chuyển vào Trường Đại học Bách khoa Grenoble - ngành vô tuyến điện (được miễn thi). Lớp vô tuyến điện năm đó là khóa đầu tiên của trường nên danh sách sinh viên khóa đầu, trong đó có tên Trần Thanh Xuân, còn được lưu tại phòng truyền thống cho đến nay.
 
Anh Trần Thanh Xuân vào Đảng Cộng sản Pháp năm 1946. Khi ấy, đa số trí thức Việt Nam ở Pháp ngả theo nhóm Đệ tứ. Bất đồng quan điểm, anh Xuân đăng ký xin về nước để được trực tiếp tham gia kháng chiến. Nhưng Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói với Bác Hồ để anh ở lại phục vụ Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Trần Ngọc Danh làm trưởng đoàn, anh Trần Thanh Xuân làm Tổng thư ký.
 
Năm 1949, anh Trần Thanh Xuân chuyển sang hoạt động phong trào sinh viên Việt Nam. Vừa là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp - Bí thư Liên chi hội Việt kiều toàn nước Pháp, vừa là người của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm cầu nối liên lạc giữa Đảng Cộng sản Pháp và Đảng ta.
 
Quá trình hoạt động trong phong trào sinh viên cũng như Hội Việt kiều, dường như mật thám Pháp thấy được sự bất lợi, nguy hiểm cho Chính phủ Pháp lúc bấy giờ nên họ theo dõi anh, khám xét nơi ở của anh. Chưa bắt được anh, họ bắt tạm giam, tra hỏi chị. Tổ chức của Đảng Cộng sản Pháp đã giúp anh lui vào hoạt động bí mật.
 
3. Sau hơn một năm hoạt động, cuối năm 1953 đầu 1954, theo đề nghị của Nhà nước ta, tổ chức của Đảng Cộng sản Pháp bí mật giúp anh vượt biên giới Bỉ qua Đông Âu, Trung Quốc về Việt Bắc. Lúc đầu, anh được phân công về làm Phó giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
 
Do yêu cầu công tác đối ngoại nên sau một thời gian ngắn, đầu năm 1955, Nhà nước ta thuyên chuyển anh về VNTTX và trở lại Paris làm phóng viên thường trú VNTTX. Biết sức khỏe của anh không được tốt, cơ quan tạo điều kiện cho vợ anh, chị Mai Thị Trình được học lớp phóng viên đồng thời thâm nhập thực tiễn trong nước, sau đó đưa chị sang Paris để vừa có thêm phóng viên cộng tác với anh, vừa chăm sóc sức khỏe cho anh. Trở lại Paris, chị Trình từng nói đây là trường hợp đặc cách đối với anh chị, bởi vì nhiều lẽ, quy chế ngoại giao khi ấy chưa có việc vợ theo chồng đi công tác ngoài nước.
 
Buổi tiễn Phó tổng biên tập Trần Thanh Xuân (người đội mũ) và đoàn phóng viên GP10 vào chiến trường miền Nam, Hà Nội, năm 1973

Ở Paris, anh vẫn bị Nhà nước Pháp theo dõi. Cuối năm 1960, họ bắt anh và trục xuất khỏi Pháp. Về nước, anh được Đảng và Nhà nước tăng cường cho Ban lãnh đạo VNTTX với cương vị Phó tổng biên tập. Tháng 3/1973, sau Hiệp định Paris hai tháng, anh Trần Thanh Xuân lên đường đi B, lãnh đạo TTXGP chuẩn bị cho ngày kháng chiến toàn thắng về tiếp quản Sài Gòn.
 
Những ngày ở cứ (còn gọi ở R) trong rừng Tây Ninh giáp biên giới Campuchia, cuộc sống rất gian khổ, thiếu thốn, vốn sức đã yếu chỉ còn một lá phổi, bệnh tình tái phát, anh vẫn làm việc quên mình.
 
Khi cơ quan về Sài Gòn, trăm công ngàn việc lại nảy sinh những phức tạp trong tình hình mới của những ngày đầu hòa bình, là thủ trưởng, anh đã cùng lãnh đạo cơ quan và cán bộ từ R về tiếp quản cơ ngơi Việt Tấn xã của chính quyền cũ, sớm ổn định tổ chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của TTXVN.
 
Sau 12 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bệnh cũ tái phát, anh Trần Thanh Xuân đã từ trần năm 1987, ở tuổi 68.
 
Phó tổng giám đốc Trần Thanh Xuân, một trí thức yêu nước đến với cách mạng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cơ quan. Anh còn sống mãi trong lòng cán bộ, phóng viên, biên tập viên TTXVN.
 
"May mắn lớn nhất đời tôi là được gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, sau đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhờ cách mạng, tôi thay đổi như một người lột xác, luôn giữ được lòng trong sạch, sống đúng lương tâm mình trong mọi hoàn cảnh. Điều may thứ hai là tôi gặp được anh Xuân. Chúng tôi khác nhau về tính cách nhưng bù lại bằng tình yêu và cùng chung lý tưởng. Tôi hạnh phúc vì bên anh, tôi được chiều chuộng, tôn trọng, nâng đỡ trưởng thành, tâm phục anh lòng say mê công việc. Vợ chồng chung một tâm hồn và lý tưởng, cùng trình độ hiểu biết, tôn trọng nhau nên bổ sung cho nhau rất hòa hợp..."
Bà Mai Thị Trình, phu nhân Phó tổng giám đốc Trần Thanh Xuân

Thanh An
Nội san thông tấn số 9/2018

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhớ một nhà báo... humour (04/09/2018 16:33:10)

Viết tiếp ước mơ Đinh Hữu Dư (01/11/2017 11:23:17)

Chuyện về phóng viên trẻ đầy quả cảm Đinh Hữu Dư (20/10/2017 17:57:44)

Xin vĩnh biệt một nhân cách thông tấn (01/09/2017 15:22:47)

Tinh thần tự học của chú Phúc (21/08/2017 15:32:31)

Bác Khương - Người thầy mẫu mực của tôi (04/04/2017 16:32:27)

Nhớ Trần Kim Xuyến - Huynh trưởng hướng đạo sinh mẫu mực (02/03/2017 08:35:31)

Phóng viên báo Việt Nam News và giải Nhất cuộc thi Pháp ngữ (01/12/2016 15:44:06)

Nhà báo Đinh Chương và bản tin được bác Hồ sửa (12/10/2016 16:26:06)

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng CQTT Bắc Kạn: Đi và khám phá cái mới (25/02/2016 14:56:41)