Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Truyền thống

Thuở hàn vi mà ân tình đầy đặn


(01/10/2019 15:48:29)

Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Nội san Thông tấn xin giới thiệu một số câu chuyện của nhà báo Nguyễn Mạnh Hào (1925 - 2000), nguyên Phó trưởng ban biên tập tin Trong nước từng là giảng viên rèn kỹ năng làm tin thông tấn cho nhiều thế hệ phóng viên, biên tập viên trong ngành, trích trong cuốn “Thông tấn xã Việt Nam - nửa thế kỷ một chặng đường”. Những câu chuyện tác nghiệp, tình yêu của những nhà báo trẻ, cuộc sống và công tác còn vô vàn khó khăn nhưng thắm tình nghĩa của những năm 50, khi cơ quan mới tiếp quản trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội… hiển hiện qua những trang viết sinh động của ông.

Phóng viên, biên tập viên VNTTX tại trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, tháng 1/1961

Đến Cổng Đỏ bằng xe tải
 
Anh Nguyễn Mai, cán bộ miền Nam tập kết, phụ trách tổ xe, thực tế là tổ xe đạp, hàng chục chiếc chủ yếu là xe Trung Quốc để phóng viên mượn đi công tác. Ô tô chỉ có một chiếc xe con tàng tàng, không rõ mác, dành cho Bộ biên tập, hai chiếc xe Jeep trông chừng cũng đã đến lúc “dẹp” và hai chiếc xe tải Molotova. Hôm ấy, tôi được giao nhiệm vụ đi với anh Hoàng Tuấn, Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX - khi đó chưa có chức vụ Tổng giám đốc) đến Phủ Chủ tịch làm tin Bác Hồ tiếp một đoàn khách quốc tế. Lúc đầu, định là đi xe con với anh Tuấn, nhưng vì anh được lệnh phải đến trước nên tôi đi sau. Anh Nguyễn Phố kéo tôi tới gặp anh Mai. Anh Mai bảo: “Chỉ có đi Molotova thôi!”
 
Anh Phố cười: “Thì đi!”
 
Thế là tôi đi xe tải anh Mai lái đến Phủ Chủ tịch. Xe tải không được phép đi vào Cổng Đỏ, cũng không được đỗ gần cổng, phải đỗ phía rẽ tới đền Trấn Vũ. Tôi đi bộ tới Cổng Đỏ, trình giấy tờ, rồi anh Vũ Kỳ ra đón vào. Hoàn toàn không thấy tự ái, bực bội gì về chuyện phải “chui” xe tải. Chỉ thấy vui vẻ, phấn khởi đi làm nhiệm vụ.
 
Giảng viên “ngự” xe ba bánh
 
Lúc này, các cơ quan đã có kha khá xe con mới. Giảng viên đã được đưa đón bằng xe con. Tuy nhiên, xe con cũng chưa phải nhiều tới mức đáp ứng đủ mọi yêu cầu, cho nên vẫn có khi... kẹt. Sáng hôm đó, tôi được cử đến tòa soạn báo Công an để giảng về kỹ năng làm tin cho một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin báo chí. Tôi đang chờ xe thì nhận được chỉ đạo của anh Hoàng Tuấn: Anh nhờ đồng chí nào thay anh lên lớp, bây giờ anh đi với tôi.
 
Tôi nhờ anh Hiền ở Tiểu ban Văn xã, đến lớp học để báo cáo thực tế chuyến công tác của anh vừa rồi.
 
Anh Hiền nhận lời. Tôi đưa anh Hiền ra cổng VNTTX để gặp anh bạn đến đón tôi đặng xin lỗi và giới thiệu anh Hiền. Đến đón, không phải ô tô mà là Sidecar xe ba bánh. Anh Hiền nhìn thấy thế, quay lưng lên cầu thang, về phòng. Tôi thực sự lúng túng, luống cuống sợ thất hứa, lỡ việc của cả mấy chục học viên. May quá, anh Tuấn xuống cầu thang thấy vậy, nghe tôi trình bày rồi nói: “Thôi được, tin này tôi sẽ làm cho anh. Anh đi giảng đi”. Tôi mừng quá, vội cảm ơn anh và lên thùng xe đi luôn.
 
Chiếc xe đạp bánh to bánh nhỏ
 
Dạo ấy, đi công tác chủ yếu là đi xe đạp. Đoạn nào có tàu hỏa, có xe khách, thì đi tàu hỏa, ô tô. Đồng thời, mang theo xe đạp để đi ở những đoạn đường không có tàu hỏa, ô tô. Xe đạp đó không phải là “xe sở hữu tư nhân” mà là xe của cơ quan cho mượn.
 
Lần đó, tôi đi công tác tận Vĩnh Linh. Đoạn đường Hà Nội - Vinh, tôi được ngồi xe com-măng-ca của cơ quan chở máy móc, thiết bị cho Phân xã khu IV đóng ở Vinh do anh Mai Thanh Hải làm Phân xã trưởng. Xe đạp “của tôi” anh Mai buộc sau xe com-măng-ca. Đến Vinh, tôi ở lại một đêm đến sáng hôm sau “khởi đạp” đi Hà Tĩnh. Đạp đi mà cứ có cảm giác là lạ, tại sao xe không có tí trơn tí đà nào, cứ như có cái gì “cản mũi” vậy. Thôi cứ đạp, đến quán bên đường, uống nước chè xanh, ăn kẹo bột, kẹo cu đơ đặc sản của xứ Nghệ, rồi xem cái xe nó thế nào. Trời! thì ra ông Mai lắp cho tôi cái xe có một bánh to và một bánh nhỏ mà bánh to lại là bánh trước. Hoàn toàn bó tay chịu mệnh trời rồi, làm sao mà tìm được hai bánh bằng nhau bây giờ, loay hoay mãi rồi cũng xong chuyến công tác Vĩnh Linh, trở về Hà Nội, tôi liền giao chiếc xe “bất bình đẳng” ấy cho anh Mai.
 
Phóng viên VNTTX Đinh Chương (người đang ghi) tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nông dân ngoại thành Hà Nội thu hoạch vụ mùa, ngày 23/11/1958

Bữa “tiệc” chia tay
 
Mai Hữu Phúc và tôi có hẹn với nhau: Hai đứa đi ăn gì đó trước ngày Phúc lên xe đi B. Tối hôm ấy, tôi đang trực đêm ở cơ quan. Khoảng 22 giờ, Phúc tới, bảo: “Sắp vù rồi”. Tôi nói với anh Đoàn Dũng cùng trực: “Mình đi với Phúc một lát, ông lo hết mọi việc nghe!”. Hai anh em chúng tôi đi bộ, đến hàng phở quen ở phố Hàn Thuyên, làm cái món gọi là “bốc mả” hoặc “hốt cốt”. Thời ấy, chưa có nhiều bột ngọt, mì chính. Gánh phở, tiệm phở thường nấu xương gà xương bò xương lợn để làm cho nước phở ngọt. Gọi “bác cho xương”, thế là mấy đĩa bày xương dọn ra, thêm vài chén rượu “quốc lủi” nữa, rồi hai bát tái gầu tái nạm, anh em chúng tôi ngồi với nhau cả tiếng đồng hồ. Bữa tiệc chia tay đó chỉ vỏn vẹn có hai đồng, nhưng chứa đựng biết bao kỷ niệm.
 
“Độc củ” buồng tắm
 
Hồi ấy, trừ mấy vị cán bộ cấp cao có phòng  riêng, còn anh chị em chúng tôi ở tập thể. Số nhà 36 phố Trần Hưng Đạo, gác hai, trông ra đường, 20 mét vuông, chúng tôi ở 4 người, 4 cái giường cá nhân, một cái bàn, toàn là gỗ tạp, không véc ni, không sơn, kiểu đơn giản nhất. “Tài sản” cá nhân gói gọn trong chiếc ba lô, chẳng có tủ lớn. Anh em tự đóng cái tủ con hoặc cái giá bằng ván thùng, đựng ấm chén, điếu cày, điếu bát, dăm chồng sách báo. Buổi tối, anh em nào ở nhà thì chơi tú lơ khơ, cờ tướng, tán chuyện... Ai muốn học thêm, đọc thêm cái gì, cần yên tĩnh thì “tùy nghi di tản”.
 
Gần đấy, có một buồng tắm bị bỏ không, chẳng có ống, chẳng có vòi, chẳng có nước, chẳng có gì cả ngoài cái bồn đã sứt mẻ. Tôi xin với vị “trưởng nhà”: “Mình ở trong cái buồng tắm đó, ngoài này thừa cái giường của mình, có thể bố trí thêm cho một đồng chí nữa”. Anh ấy đồng ý ngay. Tôi quét dọn sạch sẽ, ba lô và các đồ vật linh tinh đem bỏ vào trong bồn. Đặt một tấm ván lên làm mát giường. Tự làm và tự mắc một bóng đèn điện. Sách để đầy dưới sàn. Thế là tôi có một chỗ ở riêng, tha hồ đọc, tha hồ viết và vô cùng yên tĩnh.
 
Dạo đó, có những cặp vợ chồng gặp nhau, cả vợ chồng mới sau bữa tiệc tân hôn, không biết “trú” ở đâu. “Lịch sử” Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) ta đã có “sự kiện”: Cô dâu chú rể đêm tân hôn ngồi với nhau ở ghế đá vườn hoa Tao Đàn (trước cửa trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt). Tôi đã nhiều lần tự nguyện đi ngủ nhờ với anh em khác, nhường buồng tắm đó làm buồng hạnh phúc cho các cặp vợ chồng. “Buồn ngủ gặp chiếu manh” đã được vào ca dao tục ngữ như một may mắn hạnh phúc tuyệt vời, huống gì “buồn gấp vô vàn lần cái ngủ” mà được một buồng riêng. Tấm ván tạp trên mặt bồn tắm như vậy đã trở thành “thất bảo sàng”. Và tôi - một vị “Mạnh Thường Quân” - được cảm ơn rối rít.
 
Bộ đồ lớn
 
Đi làm tin ở các hội nghị lớn, lễ đón tiếp khách quốc tế... thì bộ đại cán là rất phổ biến và thuận tiện. Khi cần comple, cà vạt thì mượn ở Bộ Tài chính, ở đấy có kho áo quần dành cho cán bộ đi nước ngoài. Đi mượn, về trả. Quần áo vì thế nhiều lúc không hợp khổ người mượn, khi quá rộng, khi quá chật, màu sắc và kiểu dáng có lúc cũng “dị hợm”.
 
Có lần, mượn về cho anh Trần Văn Chương một bộ, áo mặc vào trở thành áo khoác dài, còn quần thì tròng hai chân vào mà kéo không lên. Một số anh em thường đi làm tin về các cuộc lễ lớn, các hoạt động quốc tế của Chính phủ… đã có “sáng kiến” sắm một hai bộ ở chợ Trời Hòa Bình. Đó cũng là một loại hàng thùng, nhưng khi đó chưa có hàng thùng nhập khẩu, mà là hàng thùng “nội địa”, áo quần thời “trước Hà Nội giải phóng” của người Hà Nội bán ra. Thời ấy, sống cực kì giản dị, tiết kiệm. Vải hoa chỉ dành cho trẻ con. Các chị hiếm ai dám mặc áo vải hoa, áo dài thì tuyệt nhiên vắng hẳn rồi. Comple, cà vạt, giày da, mũ phớt đều không phải thứ thông dụng như bây giờ. Thường ngày đi chơi, đi làm ở cơ quan mà mặc đồ lớn như vậy là bị góp ý phê bình, nên những thứ đó ở chợ Trời là rẻ nhất.
 
Năm người hai ly chanh vắt
 
Hôm ấy, Phòng tin Trong nước tiếp hai nhà báo Trung Quốc. Đi với họ, có một phiên dịch viên người Trung Quốc sành tiếng Việt. Anh Phố tiếp. Có lẽ cảm thấy “đơn thương độc mã” quá nên anh bảo tôi: “Cậu ngồi cùng tiếp với mình”. “Ngũ vị” ngồi được một lát, anh Lệ cho một cô bưng vào hai ly nước chanh vắt (tôi biết chắc là vậy vì lúc đó đâu có 7UP, Coca-Cola, Tiger... gì đâu. Đồ uống thường chỉ là chanh quả, bổ đôi, vắt vào nước đun sôi để nguội, pha đường, cũng chẳng có đá lạnh). Hai ly nước được đặt trước mặt hai vị khách Trung Quốc. Làm việc hai tiếng đồng hồ xong, hai ly chanh vắt vẫn y nguyên. Phiên dịch không dám uống, đã đành. Khách cũng không dám uống, vì trước mặt chủ, chả có gì cả! Khách uống sao đang, sao phải lẽ.
 
Anh Lệ như tôi, là người miền Nam tập kết, tôi nói dễ hơn anh Phố: “Này, ông Lệ, sao năm người chỉ cho có hai ly nước hở ông?”
 
Anh Lệ trả lời tỉnh khô: “Khách mới có tiêu chuẩn. Phiên dịch, mình, không có tiêu chuẩn”.
 
Thuở ấy hàn vi mà ân tình đầy đặn, là những ngày tháng không bao giờ có thể quên đối với mỗi cán bộ, phóng viên Thông tấn chúng tôi.

Nội san Thông tấn số 9/2019

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Đẹp mãi một thời Phòng C  (05/09/2019 16:43:53)

Tấm lòng của Chey Beaupha (30/01/2019 15:56:36)

Le Courrier du Vietnam: 25 năm dưới mái nhà Thông tấn (04/09/2018 13:53:19)

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên những bản tin Thông tấn (01/06/2018 15:49:44)

T6 - Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống  (03/05/2018 10:22:46)

Những con đường mang tên các nhà báo thông tấn (22/02/2018 16:37:19)

Hai mươi năm bản Thông tin tư liệu  (22/02/2018 10:28:29)

"Cầu người" năm ấy… (13/02/2018 14:54:59)

Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Phóng viên thông tấn trong chiến dịch Mậu Thân (13/02/2018 14:46:41)

Những người lái xe thông tấn (03/10/2017 09:57:19)