Thứ năm, ngày 25/04/2024

Chân dung nhà báo

Nhà báo Đỗ Lê Châu - Một người thầy tận tâm


(04/12/2018 11:11:32)

Nhà báo Đỗ Lê Châu (bên trái) và một số phóng viên Ban biên tập tin Kinh tế - TTXVN khi mới thành lập
 
1. Đó là một ngày đầu Đông hơn 20 năm trước, “tổ văn công” chúng tôi được Tổng giám đốc Đỗ Phượng gọi lên gặp. Đây là lần đầu chú gọi cả nhóm lên một lúc như vậy. Mấy đứa nhìn nhau không rõ chuyện gì nhưng đều cảm thấy có điều gì đó rất quan trọng, liên quan đến công việc sau này.
 
Khi chúng tôi bước vào căn phòng tầng hai ở cánh phải tòa nhà số 5 Lý Thường Kiệt, chú Phượng đang làm việc với một vị khách đứng tuổi, chú chỉ ra bàn nước ở góc phòng nói: “Mấy đứa cứ ngồi ở đó đợi”.  Bỗng có tiếng gõ cửa to đến mức khiến chúng tôi giật thót mình, một người mặc áo hoa in hình cây dừa muông thú màu da cam, quần jean bạc ống côn ào vào phòng như một cơn lốc. Cơn lốc da cam họa tiết Hawai chẳng thèm nhìn “tổ văn công” lấy một liếc, thẳng tới bàn làm việc bắt tay chú Đỗ Phượng và người khách, cất giọng oang oang nói rất nhanh về một chuyện gì đó như là liền mạch với câu chuyện kia và rồi lại ào đi.
 
Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi, những người đầu tiên có mặt ở Ban biên tập tin Kinh tế với người sếp, người thầy trực tiếp đã diễn ra như thế. Dĩ nhiên, phải một thời gian sau chúng tôi mới biết rằng mình đã may mắn khi có được người thầy, người sếp, người anh đó trong những năm tháng bắt đầu nghề báo.
 
Cho đến tận bây giờ, những điều thầy đã dạy, đã chỉ bảo từ thuở đầu đó vẫn còn nguyên giá trị với mỗi chúng tôi - “tổ văn công” của Thông tấn xã hơn 20 năm về trước. Người mà tôi đang nói đến chính là Trưởng ban đầu tiên của Ban biên tập tin Kinh tế Đỗ Lê Châu.

2. Tôi muốn giải thích vài lời về “tổ văn công”. Chúng tôi thuộc lứa sinh viên mới ra trường được tuyển dụng vào TTXVN năm 1994. Khi đó, đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Ban lãnh đạo cơ quan, với tầm nhìn xa, đã quyết định đưa tin kinh tế trở thành một trong những lĩnh vực thông tin quan trọng của TTXVN.
 
Chúng tôi gồm 8 người, được Tổng giám đốc Đỗ Phượng chọn từ các đơn vị khác nhau trong cơ quan, tên ban đầu là Tổ tin Kinh tế, trực thuộc Ban Thư ký biên tập. Người có tuổi và có thâm niên làm báo lâu nhất là Tổ trưởng Ngô Học Hải. Bảy người còn lại có tôi, Ninh Hồng Nga (nay là Tổng biên tập báo Tin tức), Quỳnh Trang, Ngọc Thúy, Thu Hương (đã chuyển sang cơ quan khác), Tố Như (báo Việt Nam News) và Lê Thị Thanh Huyền, Trưởng ban biên tập tin Kinh tế hiện nay. Tất cả chúng tôi đều dưới 25 tuổi, trẻ trung, mới ra trường và chủ yếu là dân Hà Nội. Đã thế lại còn tụ về một chỗ và thế là, danh xưng “tổ văn công” ra đời gắn với chúng tôi nhiều năm.
 
Sau này khi thân tình, anh Đỗ Lê Châu chia sẻ, đã có nhiều ý kiến cản anh nhận “tổ văn công” vì  “lũ ranh” đó chỉ giỏi son phấn, áo quần lòe loẹt đi ra đi vào chứ chẳng biết làm báo và càng không thể làm báo kinh tế. Nhưng xu hướng làm báo chuyên lĩnh vực và có thể bán với giá cao của lãnh đạo ngành cũng chính là mong muốn của anh Châu. Buổi gặp trên phòng chú Đỗ Phượng chính là để xem mặt chúng tôi. Sau hôm đó, Tổ tin Kinh tế chuyển từ Ban Thư ký biên tập về cùng ngồi trong tòa soạn báo tiếng Anh Vietnam Courier, do anh Châu làm Tổng biên tập.
 
Trong một lần đi dự hội thảo quốc tế, tôi bất ngờ đụng “ông sếp” mới làm phiên dịch cho chính buổi hội thảo đó. Tôi trố mắt nhìn vào cabin phiên dịch nơi “ông sếp” đang khoanh tay nhắm mắt, nói như súng liên thanh, chả vấp câu nào. Về kể lại cho mấy chị em, chẳng ai tin. Ninh Hồng Nga còn bảo “chị nhầm thế nào, chứ làm gì mà giỏi thế!”.
 
Nhưng rồi, chúng tôi bằng mỗi cách, ở mỗi thời điểm khác nhau đều đã nhận ra rằng, sếp của mình là người có nhiều ý tưởng và giỏi ở nhiều lĩnh vực. Không chỉ chúng tôi, bất cứ ai từng gặp, từng làm việc đều thán phục khả năng tư duy sáng tạo và sức làm việc không mệt mỏi của anh Châu.
 
Tác giả và nhà báo Đỗ Lê Châu

 3. Anh Đỗ Lê Châu chính là người thầy đã uốn nắn chúng tôi từ văn phong đến tư duy làm báo, tiếp cận vấn đề, cách săn tin khi còn ngỡ ngàng bước vào nghề. Cách đây 20 năm, chúng tôi đã đi làm tin theo những gì thị trường cần. Tin phải bán được, đó là mệnh lệnh. Nhưng người sếp đó không chỉ ra lệnh, anh gợi mở, giới thiệu các mối quan hệ, anh sửa từng lỗi chính tả, từng dòng tin, cách đặt tít… vô cùng tỉ mỉ và dễ hiểu.
 
Nguyên tắc là không chấp nhận tin hội nghị, hội thảo và báo cáo. Anh Châu là người có trí nhớ kỳ lạ, chỉ liếc qua là biết số liệu sai, bài nào lấy lại những chi tiết cũ của bài trước. Bởi vậy, đừng có hòng qua mặt được cho dù chúng tôi cũng được coi là “những cô gái lắm chiêu”.
 
Nhờ anh, chúng tôi trưởng thành lên, văn phong của Ban biên tập tin Kinh tế khi đó không có từ thừa, không dài dòng. Một cái tin chỉ được khống chế từ 170 - 250 chữ. Bài không bao giờ được quá 1.100 chữ. Không có mào đầu và đặc biệt đừng bao giờ kết luận. Bài học đó là sợi dây xuyên suốt cuộc đời làm báo của tôi, cũng đã được tôi truyền thụ lại cho nhiều lớp đàn em sau này: Hãy nhớ chúng ta là nhà báo, không phải công an, quan tòa!
 
Người sếp ấy không bao giờ quản lý về thời gian, nhưng anh có cách làm cho chúng tôi có tính kỷ luật, tự giác cao. Người của Ban bao giờ cũng đến cơ quan sớm, về muộn nhất và chúng tôi chẳng bao giờ về trước 7 giờ tối.
 
Anh Châu chính là người tìm ra những nguồn mua đầu tiên theo kiểu bán gói thông tin. Không những vậy, bản tin kinh tế còn được bán cho các báo bạn, hợp đồng trọn gói hằng tháng đem lại một khoản thu nhập thêm. Cơ chế định mức khi đó cũng vô cùng mới mẻ, không cào bằng, làm theo năng lực, hưởng theo thành quả.
 
Anh cũng là người đưa công nghệ thông tin vào quy trình tác nghiệp. Hình ảnh khá quen thuộc là các buổi trưa hoặc chiều muộn, anh cùng hai kỹ thuật viên kiêm mi trang xoay trần với đống dây dợ và những chiếc máy tính cũ rích được lắp ráp từ linh kiện chắp nhặt. Nhờ vậy, chúng tôi mỗi người đã có một máy tính riêng. Ban biên tập tin Kinh tế cũng là đơn vị đầu tiên lắp mạng WAN và chuyển tin bài trên hệ thống, từ làm tin, sửa tin và xuất file để chuyển đi in. Khi đó Việt Nam chưa hòa mạng internet.
 
Nhắc đến internet, một kỷ niệm không thể quên của tôi với anh Châu là do quá nhiều bài viết liên quan đến việc hòa nhập mạng thông tin toàn cầu mà thời đó chưa nhận được ủng hộ do sự bất cập về thông tin khiến nhiều người chưa hiểu hết về internet, tôi đã bị mời lên làm việc ở cơ quan an ninh quản lý về báo chí. Đưa giấy mời cho anh, anh gọn lỏn “để anh, anh là sếp”. Sau này, dù đã rời TTXVN nhưng anh vẫn luôn dõi theo chúng tôi, có gì hay cho nghề có thể giúp các em, anh đều lập tức chia sẻ.
 
Người thủ trưởng luôn trả tiền mọi cuộc liên hoan lớn nhỏ, luôn quan tâm đến đời sống riêng của từng người và sẵn sàng giúp nếu có thể, luôn tận tâm uốn nắn chúng tôi làm nghề và làm người có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng… đã ra đi vào một ngày đầu năm 2016, sau hơn một năm phát hiện ra khối u ác tính.
 
Và hôm nay, kỷ niệm 20 năm ngày Ban biên tập tin Kinh tế ra bản tin đầu tiên, những thành viên ngày đầu đó cùng về với căn nhà xưa, cùng nhớ lại những ký ức về anh Đỗ Lê Châu, một người thầy tận tâm, một tấm chân tình còn mãi…

Đoàn Ngọc Thu (Phó tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus)
Nội san thông tấn số 11/2018