Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Truyền thống

Kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2021): Những khoảnh khắc ở trận địa tên lửa


(30/07/2021 12:35:06)

Nhà báo liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng (1934-1972) là phóng viên Thông tấn quân sự (Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) được biệt phái sang làm phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và được cử đi B (chiến trường miền Nam). Ông nổi tiếng với nhiều bức ảnh chân thực và khắc nghiệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ và được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với bộ ảnh Những khoảnh khắc để lại gồm 5 tác phẩm: Nữ pháo binh Ngư Thủy, Lửa vây máy bay Mỹ, Xốc tới, Xe tăng vào trận địa và Đánh chiếm cứ điểm 365. Ông hy sinh tại mặt trận Quảng Trị năm 1972 trong khi cùng đơn vị truy kích xe tăng địch. Nội san Thông tấn xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Lương Nghĩa Dũng, năm 1967, về những ngày sát cánh cùng các đơn vị tên lửa bảo vệ vùng trời Thủ đô.

1. Đầu tháng 11/1967, tổ phóng viên ảnh chiến sự cử tôi đi lấy một số hình ảnh chiến đấu của binh chủng tên lửa. Tôi và anh em trong tổ đều chưa có kinh nghiệm gì về vấn đề này, riêng tôi tay nghề còn mới nên càng bỡ ngỡ hơn. Tuy vậy, chúng tôi cũng thảo luận, đưa ra một số dự kiến ​​về cách thức làm việc và kỹ thuật chụp.
 

Nhà báo Lương Nghĩa Dũng trên đường đi công tác tại Quảng Bình, năm 1968

Khoảng 2 giờ chiều, tôi tới trận địa. Từ xa, tôi đã thấy những quả tên lửa mình khoác lá ngụy trang, nằm vươn dài, mũi hơi chếch lên như những con hổ đang rình mồi. Theo thói quen nghề nghiệp, tôi cho xe đi chậm lại như muốn kéo dài thêm một chút thời gian trước khi vào trận địa. Nắng tháng Mười ấm áp, hương rạ mới từ những thửa ruộng quanh trận địa bay lên thoang thoảng. Tôi thấy khoan khoái và dạt dào tình cảm, tự hào trước sự trưởng thành hùng vĩ của đất nước. Những suy nghĩ về sự nguy hiểm khi làm việc trong một trận đấu biến mất, mặc dầu những hố bom, rốc két của địch bắn xuống xung quanh trận địa còn mới nguyên. Đồng đội ở đây, vũ khí tiêu diệt địch của ta ở đây. Tôi thấy mình không có một chút lo âu. Mỗi lần vào trận địa, những tình cảm ấy trong lòng tôi lại bừng lên mãnh liệt.

Xe đi chầm chậm, tôi say sưa ngắm nhìn trận địa, suy nghĩ, dự tính những vị trí mình sẽ đứng tác nghiệp trong chiến đấu. Đoạn đường vào trận địa rút ngắn dần, những dự tính của tôi cũng thay đổi theo. Cho tới lúc vào đến cổng gác, tôi đã chọn được ba vị trí để tạm thời tác nghiệp được nếu có báo động ngay lúc ấy. Anh em pháo thủ thấy tôi vào, bên mình có đeo máy ảnh liền reo lên:

- Nhà báo đến rồi các cậu ơi! 

- Lại được quay phim, chụp ảnh rồi! 

Một pháo thủ vai đeo súng trường, người thấp, to ngang, mặt sạm nắng, đi từ một bệ phóng ra, vừa nháy đôi mắt sáng tinh nghịch ra hiệu, vừa nói với tôi:

- Yên trí! Chiều nay đánh “đẹp”. Anh chuẩn bị mà quay, mà chụp thả sức. Sau này, hỏi lại tôi mới biết đó là đồng chí Yến, một pháo thủ dũng cảm. Có lần, Yến đã cứu được một quả đạn trúng mảnh bom, thuốc nổ trong quả đạn phụt ra, lửa khói nghi ngút và cấp trên đã cho phép bỏ quả đạn ấy. 
 
Tác phẩm “Đơn vị tên lửa bảo vệ Thủ đô đánh máy bay Mỹ, tháng 11/1967” của nhà báo Lương Nghĩa Dũng bắt đúng khoảnh khắc quả đạn tên lửa bay lên bầu trời

Tôi vừa đi vừa chào hỏi anh em, vừa tranh thủ hỏi tình hình xem mấy hôm nay đơn vị có đánh không, hay đánh hướng nào, cấp trên nhận định tình hình chiều nay ra sao... Câu chuyện đang rôm rả thì đồng chí chỉ huy tới. Đồng chí chính trị viên thân mật, cởi mở bắt tay tôi. Tôi đưa giấy giới thiệu và tranh thủ lúc anh đang xem giấy tờ để chuẩn bị lại phim máy. Anh xem xong giấy, rót nước mời tôi uống và chưa kịp nói chuyện gì thì còi báo động vang lên. Đài báo máy bay địch cách thành phố 60km, tiếp luôn 50km, 40km. Tôi vơ vội máy, chỉ kịp nói với đồng chí chính trị viên “xin phép anh cho tôi ra làm việc” rồi quên cả mũ sắt, tôi lao ra trận địa. Dựa vào vài điều đơn giản vừa hỏi được anh em lúc nãy và hướng máy bay địch do đài báo, tôi chạy đến một vị trí thích hợp trong ba vị trí đã chọn. Một đồng chí thấy tôi đầu trần liền chạy theo, lấy mũ sắt của mình chụp lên đầu tôi, vừa đẩy tôi đi, không chịu nhận lại mũ, vừa nói:

- Nhanh lên anh! Sắp bắn rồi đấy! 

Tôi chạy đi, lòng xúc động trước tình yêu thương của đồng chí, ân hận là mình quá vội vàng, không chuẩn bị chu đáo để ảnh hưởng đến chiến đấu của anh em và càng thấy trách nhiệm nặng nề đối với đồng đội.
Vị trí tôi đứng cách quả đạn gần nhất khoảng 80-90m. Máy tôi lắp ống kính 135 và đã để sẵn khoảng cách 00, tốc độ 1/125. Hôm ấy, trời nắng nhưng đứng ở trên cao chụp xuống một phông sẫm nên tôi để chế độ quang giữa 8-5,6 (phim 22 ĐIN đã quá hạn hai tháng). Cũng vì chưa có kinh nghiệm, tôi ngại tên lửa phóng sẽ gây chấn động mạnh, làm rung máy và bay nhanh quá sẽ vượt ra ngoài ống kính mắt, nên tôi đổi lại tốc độ 1/250 và lùi xa thêm chừng 20m. Tên lửa đã ngóc lên, thời cơ bắn sắp tới, nhưng tôi chưa biết bắn quả nào nên chỉ cầm máy ngang mặt và đưa mắt vào khắp trận địa.

Một tiếng nổ lớn, trầm và một lùm khói da cam phụt lên ở góc trận địa. Tôi vội đưa ống kính chụp lấy góc ấy, nhưng khi bắt được quả đạn thì nó đã bay lên  trên ngọn cây. Bối cảnh cây cối, nhà cửa... đã thoát khỏi ống kính. Bấm máy và lên phim xong thì quả đạn đã bay hơi xa. Tôi đang ngơ ngẩn tiếc để mất một “pha” đẹp thì ầm một tiếng nữa. Tôi quay ống kính lại, cũng lại chậm rồi, chỉ chụp được một kiểu như kiểu trước (khi tráng phim mới biết kiểu thứ hai tôi lên phim vội, chưa hết nấc nên hai kiểu phim này có một đoạn chồng lên nhau và kết quả thế là mất sạch).

Trận đánh kết thúc, anh em ríu rít hỏi tôi có chụp được không. Nghe tôi kể lại (lúc ấy tôi chưa biết phim bị chồng) đồng chí nào cũng suýt xoa tiếc cho tôi chưa chụp được đúng lúc đẹp nhất. Và mỗi người mỗi ý, chỉ cho tôi cách đoán nhận ra quả đạn lúc sắp bắn. Khi tên lửa quay về hướng nào thì sẽ bắn ra những quả nào… Sau đó, trong lúc ngồi nói chuyện, ngoài tình hình của đơn vị, các đồng chí cán bộ còn cho tôi biết những điều cần thiết về kỹ thuật để chụp. Qua trận này tôi rút ra mấy điểm:

- Tên lửa lúc phóng nổ có lớn nhưng thường mình không bấm máy vào lúc đó, mà sau đó một phút, nên không nhất thiết phải dùng tốc độ cao.

- Nếu như chụp cao xạ bắn, phải để sao cho hình khẩu pháo chiếm độ từ 3/5 đến 2/5 phim, phần còn lại là khói lửa, thì với chụp tên lửa, hình quả tên lửa chỉ nên chiếm nhiều nhất là 1/4 phim thôi.

- Không nhất thiết phải dùng ống kính tầm xa mà dùng ống kính tiêu chuẩn cũng được.

- Vị trí đứng phải chụp được ít nhất là hai hướng khác nhau - những hướng hay bắn.

- Tốc độ quả tên lửa lúc mới bay không nhanh, lửa kéo dài nên thời cơ bấm máy thuận lợi hơn khi chụp cao xạ.

- Cái khó là phải tinh mắt để phát hiện kịp thời quả nào sắp bắn.

Trên cơ sở những điều rút ra ở trên và những điều anh em chỉ dẫn, tôi đã biết cách chọn vị trí đứng cho trận đánh sau.

Lần này, tôi sẽ đứng ở vị trí thấp ngang với mặt bệ phóng, khoảng cách tới hai quả đạn gần nhất ở hai bên từ 30 đến 40m, đảm bảo có thể chụp được ở hai hướng. Hướng thứ nhất, phần dưới là một lùm cây con, một cành phi lao, một phần ngôi nhà và cột điện, phần trên là khoảng trời tên lửa bay. Hướng thứ hai có mấy cành cây tạo thành một phe hình phễu. Máy dùng ống kính tiêu chuẩn, tốc độ 1/125, tôi định lấy quả đạn hơi nhòe đi một chút khi bay.

2. Sáng hôm sau trận đánh diễn ra. Tôi bình tĩnh chuẩn bị bấm máy. Quả đạn quay dần và khi đuôi của nó hướng đúng về phía tôi thì phụt lên. Đất đá, khói bụi mù lên trước mặt, rơi ào ào xuống mũ sắt, quần áo, tôi không nhìn thấy quả đạn đâu. Tôi vội ôm máy vào lòng tránh đất, bụi, đành để lỡ cơ hội. Đoạn tôi đưa luôn máy Rôlây (Rollei) đã chuẩn bị sẵn ở bên lên (vì máy kia ống kính đã bị bẩn), vừa kịp chụp lại quả đạn thứ hai. Nhưng vì vội quá nên bối cảnh không lấy được như ý và hình quả tên lửa hơi bé. 
 
Tác phẩm “Nhân dân Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc lưu luyến chia tay các chiến sỹ xe tăng lên đường vào Nam chiến đấu” của nhà báo Lương Nghĩa Dũng

Lại thất bại vì tôi chưa nghiên cứu tình hình kỹ, chuẩn bị chưa chu đáo. Nếu đứng cách xa khoảng 60-70m thì đất đá không đến được, nhưng tôi nghĩ dù thế nào chụp ở góc độ đuôi quả tên lửa quay thẳng về phía mình cũng không đẹp.

Tôi tiếp tục chuẩn bị cho trận đánh thứ ba. Lần này, tôi dự định dùng máy Rôlây chụp lúc mới bắn và máy con cỡ ống kính 135mm chụp lúc đạn đã lên cao và những quả đạn ở xa. Các yếu tố của máy để như lần thứ hai. Tôi vẫn chọn vị trí cũ nhưng lùi lên cao một chút cho dễ quan sát toàn trận địa và chọn thêm một vị trí phụ nữa, hai vị trí cách nhau chừng 30m. Khoảng cách từ vị trí phụ tới hai quả tên lửa gần nhất cũng khoảng từ 30-40m. Tôi dọn đường thật tốt để có thể cơ động từ vị trí này sang vị trí kia. Thực tế tôi đã chọn một dãy vị trí đứng kế tiếp nhau, tạo thành một tuyến dài hình cung. Tôi cũng dự kiến cả phương án chụp đêm.

 Ngày đêm máy móc luôn bên mình, các phần tử trong máy luôn thay đổi cho phù hợp với ánh sáng từng lúc. Anh em pháo thủ hết lòng giúp đỡ. Có lần báo động đêm, tôi chạy ra vội quá không kịp mặc áo ấm, một đồng chí liền lấy áo bông của mình khoác cho tôi. Có lần báo động lâu quá anh em mang cơm ra tận nơi để tôi vừa ăn vừa sẵn sàng làm việc. Anh em còn kể lại cho tôi nghe cách làm việc và tinh thần dũng cảm của một tổ quay phim đến đơn vị hồi tháng trước, chỉ cho tôi chỗ đứng của các đồng chí ấy để tôi tham khảo. Như thế cũng chưa yên tâm, các đồng chí còn chuyển máy điện thoại đến gần chỗ tôi và đề nghị Chỉ huy sở lúc sắp bắn thì báo cho tôi biết sẽ bắn quả nào. Chỉ huy sở đồng ý.

3. Mọi việc đã sẵn sàng, chu đáo. Ngày 6/11, địch lại đến. Quả đạn quay đầu. Tôi cũng dịch dần trên đoạn đường đó, chuẩn bị cho được góc độ phù hợp. Được anh em pháo thủ báo cho biết thời điểm sắp bắn và quả đạn sẽ bắn, tôi hướng ngay ống kính vào quả đạn đó. Một tiếng “cắc” nhỏ. Tiếp theo là một tiếng nổ trầm, mạnh quen thuộc và một lùm khói da cam bùng lên. Quả đạn rung lên, rũ rạch lá ngụy trang rồi vươn mình lao vút đi kéo theo một cột lửa sáng rực nối từ đuôi quả đạn tới bệ phóng. Tôi theo dõi quả đạn qua kính mờ của máy Rôlây, chờ cho đuôi quả đạn sắp tách khỏi đường chân trời thì bấm máy. Ý định của tôi là lấy hình ảnh quả đạn đen sẫm trên nền trời, cột lửa sáng in trên phông sẫm là đồng ruộng cây cối và cột khói da cam thì nửa trên nền trời, nửa dưới phông sẫm.
 
Tác phẩm “Trận đánh ngày 4/7/1967, khẩu đội 2, phân đội 174 pháo cao xạ Hải Dương bắn rơi tại chỗ hai máy bay Mỹ” của nhà báo Lương Nghĩa Dũng

Kết quả, tấm ảnh chưa được đẹp nhưng đại thể cũng đúng với ý định của tôi. Bấm máy Rôlây xong, tôi giơ máy con có ống kính 135mm chụp thêm kiểu lúc quả bay trên ngọn cây. Tôi đang lên phim gấp để chuẩn bị chụp quả thứ hai thì một đồng báo chí cho biết máy bay rơi. Tôi nhìn lên thấy một đám khói lớn, đục và một vệt khói dài vằn vèo nối liền với đám khói trên, cuối vệt khói là chiếc máy bay đã gần xuống đất. Đồng chí Văn Lượng có chụp được tấm ảnh này. Quả đạn đã bắn trúng máy bay. Đó là chiếc máy bay thứ 2.500 của giặc Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi. Tôi không chụp được máy bay rơi, lại để sổng mất quả đạn thứ hai. 

Phương án lại phải xây dựng lại. Giờ đây phải tính toán sao để vừa chụp được tên lửa bắn, vừa chụp được máy bay rơi, rồi chụp tên lửa đánh đêm, trong một chừng mực nào đó cần chụp được những tấm ảnh phản ánh sự phối hợp chiến đấu của các binh chủng trong đó có binh chủng tên lửa... Và một vấn đề quan trọng nữa là con người - các chiến sỹ dũng cảm và tài trí của chúng ta trong hình ảnh chiến đấu của tên lửa cũng như tất cả các binh chủng khác. Những vấn đề đó đặt ra cho tôi và cho tất cả chúng ta - những phóng viên nhiếp ảnh phải suy nghĩ, suy nghĩ nhiều hơn nữa. Song tôi chưa kịp xây dựng phương án mới. Trước mắt, tôi phải mang phim về tráng cho kịp.

Qua mấy ngày cùng ăn, cùng ở, cùng thức khuya dậy sớm trực chiến, cùng chiến đấu với nhau, tình cảm giữa tôi và anh em trong đơn vị đã gắn bó. Anh em đối với tôi thân mật, chân thành, đơn giản làm tôi có cảm tưởng mình được coi như một người lính của đơn vị. Lúc tiễn chân tôi, anh em quyến luyến hẹn tôi mai lại xuống để dự trận chiến đấu tới. Đồng chí chính trị viên xiết chặt tay tôi cười lớn, cởi mở và nói nửa đùa nửa thật:

- Chúng tôi đánh bao nhiêu trận rồi nhưng các nhà báo đến với chúng tôi ít quá và chưa có tấm ảnh chiến đấu nào đẹp của binh chủng chúng tôi. Món nợ ấy các anh phải trả đấy!

 Trên đường về, tôi suy nghĩ miên man về lời trách nhẹ của đồng chí chính trị viên và tấm lòng của anh em đối với mình trong mấy ngày qua. Nhưng ngày hôm sau tôi được cử đi khu vực khác. Cuộc chiến đấu của chúng ta đang diễn ra ở đây và nhiều nơi nữa trên toàn đất nước thân yêu./.

Tư liệu Nội san Thông tấn/ Nội san thông tấn số 7/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020): Để mạch máu thông tin thông suốt (04/08/2020 11:47:54)

Nhớ anh Hai Nghĩa!  (29/04/2020 10:48:08)

Tết ở chiến trường Tây Nguyên (20/01/2020 15:15:12)

Một lần được phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (31/10/2019 15:30:12)

Thuở hàn vi mà ân tình đầy đặn (01/10/2019 15:48:29)

Đẹp mãi một thời Phòng C  (05/09/2019 16:43:53)

Tấm lòng của Chey Beaupha (30/01/2019 15:56:36)

Le Courrier du Vietnam: 25 năm dưới mái nhà Thông tấn (04/09/2018 13:53:19)

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên những bản tin Thông tấn (01/06/2018 15:49:44)

T6 - Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống  (03/05/2018 10:22:46)