Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Truyền thống

Ký ức Thông tấn


(01/06/2023 10:56:36)

Khai giảng lớp phóng viên khóa đầu tiên
 

Các học viên lớp phóng viên, biên tập viên VNTTX khóa I tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, tháng 5/1955

Ngày 6/5/1955, lớp đào tạo phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã khóa đầu tiên được khai giảng tại số nhà 65 phố Văn Miếu, Hà Nội, với gần 100 học viên. Đây là khóa đào tạo phóng viên chính quy đầu tiên của VNTTX sau ngày miền Bắc được giải phóng, nhằm cung cấp nhân lực cho các phòng biên tập, phát triển mạng lưới phân xã ở miền Bắc, đồng thời cung cấp phóng viên cho Đài Tiếng nói Việt Nam và một số cơ quan báo chí. Đồng chí Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã theo dõi, chỉ đạo và tham gia giảng dạy. Đồng chí Đào Tùng, Phó giám đốc VNTTX, trực tiếp phụ trách lớp học.
 
Bên cạnh những bài giảng về nghiệp vụ do các phóng viên của VNTTX, Tân Hoa xã (Trung Quốc) và báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp thực hiện, các học viên còn được các nhà báo: Hoàng Tùng, Thép Mới, Hồng Hà, Ngô Điền... chia sẻ những kinh nghiệm sống động trong cuộc đời làm báo cách mạng. Lớp học bế giảng ngày 17/11/1955.
 
Phần lớn học viên sau này đều trở thành cán bộ cốt cán của TTXVN, đóng góp tích cực vào sự nghiệp Thông tấn nói riêng và sự nghiệp báo chí nói chung. Trong đó có các đồng chí: Lam Thanh, Nguyễn Văn Trường, Trưởng ban biên tập tin Trong nước; Phạm Nho Nghĩa, Trưởng ban biên tập Ảnh; Đặng Văn San, Chánh văn phòng cơ quan; Lê Văn Lâm, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ; Đoàn Dũng, Đinh Trọng Quyền, Phó trưởng ban biên tập tin Trong nước; Phước Quỳnh, Phó trưởng ban biên tập tin Đối ngoại; Nguyễn Văn Tung, Phó trưởng ban bên tập tin Thế giới...
 
Ra đời tên gọi TTXVN
 
Nghị định số 165-CP của Hội đồng Chính phủ về việc sửa đổi nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của VNTTX, năm 1977

Ngày 12/5/1977, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 84/UBTVQH phê chuẩn việc đổi tên VNTTX thành Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Tên viết tắt tiếng Việt là TTXVN, viết tắt tiếng Anh là VNA (Vietnam News Agency), tiếng Pháp là AVI (Agence Vietnammian D’ Infomation). Đồng thời, quyết định thay đổi chức danh trong Ban lãnh đạo TTXVN, cụ thể: Tổng biên tập thành Tổng giám đốc kiêm Tổng biên tập; Phó tổng biên tập thành Phó tổng giám đốc kiêm Phó tổng biên tập.
 
Trước đó, sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất về mặt lãnh thổ, nguyện vọng của nhân dân cả nước là sớm có một nhà nước chung, một cơ quan quyền lực chung. Hội nghị lần thứ 24 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa III (tháng 9/1975) đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Cuối năm 1975, Bộ Chính trị quyết định Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung sẽ diễn ra sớm và đúng thủ tục.
 
Trước tình hình đó, nhà báo Đỗ Phượng, khi ấy là Phó tổng biên tập VNTTX phụ trách phía Nam, cũng là Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXGP) đã đề nghị Trung ương cho phép thống nhất sớm VNTTX và TTXGP để đảm bảo một nguồn tin duy nhất đưa tin cuộc bầu cử Quốc hội thống nhất.
 
Tháng 5/1976, thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, VNTTX và TTXGP hợp nhất thành VNTTX, đánh dấu một giai đoạn mới trong bước phát triển của ngành Thông tấn./.

Nội san Thông tấn số 5/2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ký ức Thông tấn  (10/05/2023 08:19:29)

Ký ức Thông tấn Xuân 2023 (17/01/2023 11:05:54)

Ký ức Thông tấn (29/12/2022 11:08:27)

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2022): Chúng tôi viết tường thuật trong ánh nến (29/12/2022 10:19:13)

Ký ức Thông tấn (01/12/2022 16:24:55)

Ký ức thông tấn (02/11/2022 16:19:52)

Ký ức Thông tấn (12/10/2022 16:19:11)

Kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2021): Những khoảnh khắc ở trận địa tên lửa (30/07/2021 12:35:06)

Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020): Để mạch máu thông tin thông suốt (04/08/2020 11:47:54)

Nhớ anh Hai Nghĩa!  (29/04/2020 10:48:08)