Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Mở rộng tầm nhìn khi tới Trường Sa


(10/10/2016 16:31:02)

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, tôi may mắn được tham gia chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức cho các kiều bào tiêu biểu. Chuyến đi tuy không dài, nhưng hơn 10 ngày lênh đênh trên biển, đặt chân lên 11 điểm đảo và nhà giàn DK1 cũng giúp tôi hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo và dư luận thế giới về vấn đề này.

Những trải nghiệm đặc biệt
Dù đã được nghe về cuộc hải chiến ngày 14/3/1988 ở Trường Sa và đọc về Gạc Ma, nhưng khi nghe diễn văn tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh ở quần đảo Trường Sa, tôi đã rất xúc động. Trong ráng chiều chạng vạng, biển lặng yên, những giọt nước mắt chảy xuống trên khuôn mặt của mỗi người tham dự. Nhạc “Hồn tử sỹ” vang lên giữa không gian trầm lắng khiến tất cả như chùng xuống. Đã từng chứng kiến nhiều lễ tưởng niệm, nhưng chưa bao giờ tôi cảm nhận được sự xúc động, linh thiêng đến thế…
Phóng viên Hứa Chung (hàng đầu thứ hai bên phải) cùng nhóm phóng viên trong chuyến công tác tại Trường Sa

Đứng từ phía đảo Colin, nhìn thấy hòn đảo Gạc Ma đang bị chiếm giữ và xây dựng một cách đồ sộ thì không chỉ tôi mà rất nhiều người trong đoàn đều rất xót xa, phẫn nộ. Nếu không có chuyến đi này, tôi sẽ không biết được lý do vì sao 64 cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đảo Gạc Ma lại hy sinh; vì sao quần đảo Trường Sa chúng ta chỉ có 21 điểm đảo…
Nếu không đi Trường Sa, tôi sẽ không biết cách đây gần 30 năm, những đảo chìm như Colin, Đá Lát, Đá Tây… thật ra chỉ là những bãi cạn san hô giữa biển. Nếu không đi, tôi cũng sẽ không thể hiểu và thông cảm với điều kiện kinh tế của đất nước sau chiến tranh, chúng ta khó mà có đủ nhân lực cũng như tài chính để ra xây dựng và giữ các đảo. Cũng trong hoàn cảnh đó, các cán bộ, chiến sĩ ở các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng thì làm sao có thể đối phó lại với “người bạn” láng giềng luôn lăm le kiểm soát biển Đông…
Nếu không có chuyến đi này thì những sự mập mờ đó sẽ chẳng bao giờ có cơ hội sáng tỏ. Không chỉ mình tôi, có rất nhiều kiều bào trong chuyến đi đã nói rằng, nếu không về Việt Nam, không tham gia những chuyến đi thăm Trường Sa thì họ cũng tin vào những lời bóp méo sự thật ở hải ngoại, rằng biển đảo của chúng ta đã bị mất. Đó cũng là lí do mà tôi đã viết bài “Hành trình đi tìm sự thật” trong loạt bài “Kiều bào về với Trường Sa”.
Cùng đoàn kiều bào tham gia chuyến đi này, tôi khá ấn tượng với những chia sẻ của bà Trương Kim Anh - một kiều bào Mỹ, nguyên Ủy viên Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam khóa VII, nguyên cố vấn đối ngoại cộng đồng người châu Á của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ: “Là người hiểu khá rõ luật pháp quốc tế, vậy mà có lúc tôi tức giận, phải hét toáng lên rằng, tại sao Việt Nam cứ phải ôn hòa? Nhưng khi đến Trường Sa, tôi mới hiểu đó là mình đang suy nghĩ, phát biểu khi đứng trên đất Mỹ”. Dĩ nhiên, một chuyến đi không thể làm người ta thay đổi cả thế giới quan nhưng ít nhiều cũng giúp họ có cái nhìn rộng lượng hơn về vấn đề biển đảo của đất nước.
 
Hiểu hơn về những người lính biển
Trong số các điểm đảo đã đặt chân trong chuyến đi Trường Sa lần này, nhà giàn DK1 là nơi để lại nhiều ấn tượng nhất với tôi. Tôi vốn sợ độ cao nên chỉ cần leo mấy bậc thang từ xuồng lên nhà giàn thôi cũng khiến tim đập mạnh, chân run. Khi lên được đến nơi, tôi phải ngồi gần 10 phút để lấy lại bình tĩnh.
Tuần tra trên biển ở đảo Sinh tồn, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa

Tận mắt thấy cuộc sống của những người chiến sĩ nơi đây, tôi không khỏi ngưỡng mộ. Trong không gian chật hẹp, với điều kiện khắc nghiệt, họ vẫn trồng được rau xanh để ăn, vẫn nuôi được heo, gà để cải thiện bữa ăn; rảnh rỗi thì ngồi câu cá, cá dư thì ủ lấy mắm ăn… Giữa biển khơi, những nhà giàn như những “cây nấm” sẵn sàng chống chọi với sóng to, gió lớn, khiến cho ta cảm phục bội phần với những anh lính nhà giàn.
“Đứng trước biển, con người sẽ cảm thấy mình thật nhỏ bé, thế nhưng, theo quy luật, sẽ có một thứ gì đó lớn mạnh lên. Đối với người lính hải quân thì đó chính là tình yêu quê hương đất nước.” - câu nói của một Đại tá Hải quân đã gắn bó hơn 30 năm với biển đảo như lý giải được phần nào những hy sinh, cống hiến của những người lính biển.
Có người hỏi tôi rằng, nếu có cơ hội đi Trường Sa lần nữa thì có đi không? Tôi đã trả lời ngay: Đi một lần là quý rồi, để cho người khác được đi. Quả thật, cơ hội để được đi Trường Sa của các phóng viên trẻ thường trú tại các tỉnh không nhiều, họ khá thiệt thòi trong việc tiếp cận với những chuyến đi như thế này. Vậy nên, nếu ai đó có một lời mời đi Trường Sa lần thứ hai thì xin hãy dành cơ hội đó cho những phóng viên thường trú.

Theo Nội san Thông tấn, số 8/2016