Nghiên cứu khoa học
Một số đề xuất về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của các cơ quan thường trú trọng điểm ở trong nước
(04/10/2016 16:03:26)
Một buổi làm việc của nhóm nghiên cứu với CQTT tỉnh Gia Lai
Đề tài đã tập trung nghiêm cứu nhiều khía cạnh của Cơ quan thường trú trong nươc (CQTTTN), trong đó đi sâu phân tích thực trạng hoạt động tổ chức sản xuất thông tin tại các CQTTTN; đưa ra những luận điểm minh chứng sức mạnh. sự liên kết của CQTTTN trong bối cảnh mới nhằm tăng hiệu quả hoạt động bằng việc tổ chức và tiếp tục hoàn thiện các mô hình CQTT trọng điểm (TĐ).
Dựa trên kinh nghiệm thực tế, kết hợp với quá trình tổ chức nghiên cứu, đề tài đã đưa ra những giải pháp và kiến nghị cho quá trình xây dựng các CQTTTĐ của TTXVN về tất cả các khía cạnh như: Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu nhân sự, cơ chế hoạt động, mối quan hệ trong công tác, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, đào tạo bồi dưỡng nhân lực…
Đề tài cũng đưa ra những luận điểm và kiến nghị cụ thể về việc xây dựng ba CQTTTĐ của TTXVN tại Hải Phòng. Nghệ An và Khánh Hòa, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, gia tăng sức mạnh cho hệ thống CQTTTN của TTXVN, khắc phục những hạn chế, khó khăn trong bối cảnh mới, theo kịp đà phát triển mạnh mẽ của truyền thông trong nước và thế giới, đáp ứng yêu cầu, định hướng phát triển của TTXVN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Đinh Đức Tường (đứng), Trưởng CQTTTĐ Yên Bái duyệt ảnh của phóng viên trước khi phát về Tổng xã. |
I. Vị trí, vai trò của CQTTTĐ
CQTTTĐ là đơn vị hạt nhân trong hệ thống các CQTTTN. Vai trò lớn nhất, xuyên suốt và cũng là yêu cầu quan trọng đối với CQTTTĐ là đầu mối chủ trì, phối hợp với các CQTT khác thuộc địa bàn để thực hiện tốt nhất các tuyến thông tin của vùng, thực hiện sự chỉ đạo thông tin của Tổng xã đối với vùng, khu vực được thống nhất. Trước đây, mỗi CQTT thường chỉ có trách nhiệm thông tin về các sự kiện, vấn đề trên địa bàn của tỉnh, những sự kiện, vấn đề liên quan đến địa phương lân cận cần sự phối hợp giữa các CQTT còn có trường hợp chưa thực hiện tốt, chờ đợi sự điều hành của lãnh đạo ngành, cơ quan TTXVN khu vực. Điều đó ảnh hưởng đến tính kịp thời, nhanh nhạy, chính xác của thông tin, ảnh hưởng đến thông tin nguồn của TTXVN. Sự phối hợp chớp nhoáng, không có chủ định, kế hoạch trước nhiều khi cũng có bất cập về nhân sự, phương tiện đi lại, trang thiết bị làm ảnh hưởng đến chất lượng thông tin. CQTTTĐ với chức năng phối hợp với các CQTT thuộc địa bàn trong công tác thông tin sẽ chủ động kế hoạch triển khai, điều phối nhân lực, trang thiết bị… để triển khai thực hiện thông tin nhanh hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn.
II. Đề xuất về cơ chế hoạt động
1. Về mô hình tổ chức
Theo kết quả khảo sát của Hội đồng nghiên cứu phát triển về mô hình CQTTTĐ, 32,33% ý kiến cho rằng, biên chế của mỗi CQTTTĐ cần có từ 3-5 phóng viên (PV); 41,67% cần biên chế từ 5-7. Về PV chuyên trách làm tin truyền hình, tin ảnh, 33,33% cho rằng cần thiết, trong khi 50% thấy không cần thiết. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất về mô hình tổ chức của CQTTTĐ như sau:
Mỗi CQTTTĐ có biên chế ít nhất 4 PV (kể cả Trưởng CQTT), gồm PV tin, ảnh và truyền hình.
Việc bổ nhiệm, điều động Trưởng CQTTTĐ và PV do Tổng giám đốc TTXVN quyết định.
Ngoài Trưởng CQTTTĐ, tùy theo tình hình thực tế và yêu cầu công việc, Tổng giám đốc sẽ xem xét bổ nhiệm một Phó Trưởng CQTTTĐ.
Đối với CQTTTĐ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cần có biên chế trung bình 10 PV (tin, ảnh truyền hình) và nhất thiết phải có Trưởng và Phó trưởng CQTT.
Trong thực tế, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của CQTTTĐ, cần thiết phải có một PV chuyên trách thông tin truyền hình, một PV chuyên trách thông tin ảnh, đảm bảo có đầy đủ sản phẩm các loại hình thông tin về các sự kiện quan trọng trên địa bàn thuộc khu vực hoạt động trong mọi điều kiện, mọi tình huống.
2. Về quan hệ công tác
Về công tác tổ chức, CQTTTĐ ở khu vực nào, chịu sự quản lý về tổ chức của Cơ quan đại diện TTXVN ở khu vực đó.
Hiện nay, CQTTTĐ tại Hà Nội và Yên Bái, do Ban biên tập tin Trong nước quản lý; CQTTTĐ tại Đắk Lắk do Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên quản lý; CQTTTĐ tại TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ do Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam quản lý.
Về công tác thông tin, CQTTTĐ chịu sự chỉ đạo thông tin từ lãnh đạo ngành.
CQTTTĐ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công tác thông tin cho các đơn vị thông tin nguồn, nhằm thực hiện chức năng thông tấn nhà nước.
Khi thực hiện nhiệm vụ thông tin cho các đơn vị thông tin nguồn, CQTTTĐ cần chủ động đề xuất về những vấn đề thông tin mang tính khu vực, để thống nhất kế hoạch, nội dung, phương thức tổ chức thực hiện.
Khi thực hiện nhiệm vụ thông tin đột xuất, CQTTTĐ thực hiện theo chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo ngành về các loại hình thông tin, thông qua đơn vị được giao điều phối thông tin, có sự thống nhất với đơn vị quản lý về tổ chức và đơn vị thông tin nguồn tiếp nhận, xử lý thông tin, nhằm đảm bảo sự chỉ đạo, tổ chức thông tin toàn diện, thống nhất.
CQTTTĐ có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin cho các đơn vị thông tin khác trong ngành (báo in, báo điện tử, báo ảnh…) theo yêu cầu của Lãnh đạo ngành, các tòa soạn báo, hoặc trực tiếp đề xuất, trao đổi với các tòa soạn báo nhằm tăng cường thông tin, tạo sự lan tỏa của thông tin thông tấn.
Về các công tác khác, CQTTTĐ khi triển khai các nhiệm vụ công tác khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cần báo cáo với đơn vị quản lý về tổ chức, đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện, nhằm tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành và tổ chức hoạt động.
3. Về nhiệm kỳ công tác
Nhiệm kỳ công tác của PV CQTTTĐ thực hiện như nhiệm kỳ của PV các CQTT tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quy chế hoạt động của các CQTT TTXVN ở trong nước.
Nhiệm kỳ công tác đối với Trưởng CQTTTĐ cần có tính ổn định, đảm bảo thời gian công tác trên địa bàn khu vực, ít nhất 5 năm.
4. Về chế độ chính sách
Cán bộ, PV CQTTTĐ được hưởng phụ cấp khu vực theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Cán bộ, PV CQTTTĐ được hưởng các chế độ chính sách theo Quy chế về định mức chi thường xuyên cho các CQTT TTXVN ở trong nước (trong đó có quy định cụ thể đối với CQTTTĐ); theo Quy chế định mức sản phẩm thông tin của PV CQTTTN.
Hiện nay, ngoài được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ (hệ số 0,5/tháng), Trưởng CQTTTĐ được hưởng thêm phụ cấp trách nhiệm 0,1. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đề nghị nâng mức phụ cấp trách nhiệm đối với Trưởng CQTTTĐ lên mức 0,2 và phụ cấp trách nhiệm đối với Phó trưởng CQTTTĐ là 0,1. (Theo kết quả khảo sát của Hội đồng nghiên cứu phát triển TTXVN về mô hình CQTTTĐ, 58,33% ý kiến thống nhất với đề xuất trên).
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đối với Trưởng CQTTTĐ trong việc nắm bắt tình hình khu vực; xây dựng kế hoạch thông tin; báo cáo tình hình; chỉ đạo phối hợp thông tin với các CQTT trong khu vực; biên tập tin, bài cho PV…và tham gia thực hiện các nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đề nghị cần có cơ chế giảm 50% định mức tin, bài cho các Trưởng CQTTTĐ.
Ngoài các chế độ được hưởng theo quy định hiện hành, cán bộ, PV CQTTTĐ khi được phân công hoạt động nghiệp vụ ngoài địa bàn thường trú và cán bộ, PV các CQTT khác trong khu vực khi được điều động tăng cường hoạt động nghiệp vụ ngoài địa bàn thường trú, còn được hưởng chế độ lưu trú khi đi công tác ngoài tỉnh theo quy định của ngành trong thời gian được tăng cường.
5. Về trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện tác nghiệp
CQTTTĐ được đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để làm việc theo quy định của ngành. Đảm bảo trang bị máy tính bàn, máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim chuyên nghiệp… và các trang thiết bị cần thiết phục vụ tác nghiệp trong mọi tình huống.
Cần trang bị mỗi CQTTTĐ một ô tô phục vụ tác nghiệp trong khu vực. Trước mắt, có thể ưu tiên trang bị cho các CQTTTĐ tại địa bàn miền núi (Tây Bắc, Tây Nguyên) do địa bàn rộng, điều kiện địa lý phức tạp, giao thông trong khu vực còn khó khăn…
Trong thực tế, phương tiện, trang thiết bị tác nghiệp của CQTT nói chung, CQTTTĐ nói riêng chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác thông tin.
6. Đề xuất về nhiệm vụ, quyền hạn của các nhân sự trong tổ chức CQTTTĐ
Về tiêu chuẩn của Trưởng CQTTTĐ, thực hiện theo quy định chung về Tiêu chuẩn chức danh Trưởng CQTT TTXVN ở trong nước.
Trưởng CQTTTĐ là đảng viên, PV chính, có kinh nghiệm trong công tác chuyên monn và quản lý, trình độ nghiệp vụ vững vàng, có khả năng thực hiện các loại hình thông tin, đã qua công tác trưởng CQTT ít nhất một nhiệm kỳ.
Trưởng CQTTTĐ nên là PV tin.
Theo đề xuất về nâng mức phụ cấp trách nhiệm đối với Trưởng CQTTTĐ lên 0,2, như vậy, hệ số phụ cấp sẽ là 0,7. Do đó, đề nghị Trưởng CQTTTĐ là cán bộ cấp ban, hàm Phó trưởng ban, nhằm khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của Trưởng CQTTTĐ tại khu vực.
Trong thực tế, hiện nay, Trưởng CQTTTĐ trong khu vực nên khó có vai trò chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thông tin và các nhiệm vụ khác trong khu vực hoạt động.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng, Phó CQTTTĐ, Trưởng CQTTTĐ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung theo quy định tại Quy chế hoạt động của các CQTT TTXVN ở trong nước.
Trưởng CQTTTĐ chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc TTXVN về công tác thông tin, công tác quản lý và các công tác khác của CQTTTĐ.
Thực hiện nhiệm vụ công tác thông tin trong khu vực, Trưởng CQTTTĐ chủ trì, phối hợp với các Trưởng CQTT khác trong khu vực, thống nhất kế hoạch, nội dung, phương thức tổ chức, chỉ đạo thực hiện thông tin; điều phối PV CQTTTĐ hoặc PV CQTT khác trong khu vực đến địa bàn thực hiện nhiệm vụ.
Trong trường hợp thông tin đột xuất, Trưởng CQTTTĐ cần chủ động đề xuất, chủ trì, phối hợp với các Trưởng CQTT khác trong khu vực tổ chức và triển khai các nhiệm vụ công tác thông tin trên địa bàn.
Trưởng CQTTTĐ chịu trách nhiệm chính về hoạt động của PV CQTTTĐ trên địa bàn CQTT khác, khi được giao nhiệm vụ.
Trưởng CQTTTĐ không tự ý cử PV đến địa bàn của CQTT khác mà không có sự trao đổi, thống nhất với Trưởng CQTT ở địa bàn đó.
Việc phân công PV thực hiện nhiệm vụ công tác ngoài địa bàn thường trú, Trưởng CQTTTĐ cần báo cáo đơn vị quản lý về tổ chức.
Trưởng CQTTTĐ phối hợp với các Trưởng CQTT trong khu vực thực hiện chế độ báo cáo tình hình khu vực, theo định kỳ hàng quý, 6 tháng, một năm hoặc báo cáo đột xuất gửi lãnh đạo cơ quan (qua Thường trực Ban Quản lý chỉ đạo CQTTTN).
Phó trưởng CQTTTĐ giúp cấp Trưởng trong thực hiện nhiệm vụ và được ủy quyền trong thời gian cấp Trưởng vắng mặt tại địa bàn CQTTTĐ.
III. Đề xuất thống nhất việc quản lý, chỉ đạo thông tin đối với CQTTTĐ và các CQTT trong khu vực.
Việc quản lý, chỉ đạo thông tin đảm bảo sâu sát, kịp thời, toàn diện, thống nhất đồng thời đảm bảo tính khoa học, sát thực tế, tránh nhiều tầng nấc trung gian. Cần có sự thống nhất trong công tác quản lý, chỉ đạo thông tin với công tác tiếp nhận, xử lý thông tin.
Các đơn vị thông tin nguồn, gồm các BBT tin Trong nước, tin Kinh tế, Ảnh, Trung tâm truyền hình thông tấn chỉ đạo CQTTTĐ thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch thông tin của đơn vị, theo các loại hình thông tin, đồng thời là đơn vị trực tiếp nhận, xử lý thông tin.
Ban Thư ký biên tập: là đầu mối truyền đạt chỉ đạo thông tin của lãnh đạo ngành, điều phối thực hiện các loại hình thông tin đối với các sự kiện thông tin lớn mang tính quốc gia, các vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trên các địa bàn.
Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam phối hợp trong chỉ đạo, đôn đốc các CQTT trong khu vực thực hiện.
Trên cơ sở nắm bắt tình hình từ công tác quản lý của các bộ, ngành trung ương, từ thực tiễn địa phương, các đơn vị trên chủ động đề xuất lãnh đạo ngành chỉ đạo thực hiện các chuyên đề thông tin về các vấn đề mang tính liên vùng, khu vực, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, chỉ đạo các CQTT thực hiện.
IV. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các CQTTTN, đáp ứng yêu cầu phát triển thông tin của ngành.
1. Tổ chức thi tuyển PV “đầu vào” có chất lượng, có năng lực thực tế.
2. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ gắn lý thuyết với thực tế, nâng cao kỹ năng tác nghiệp của PV.
3. Xây dựng kế hoạch và chính sách điều động, luân chuyển PV thường trú theo nhiệm kỳ.
- Có kế hoạch luân chuyển PV giữa các CQTT, giữa tổng xã (các ban biên tập, tòa soạn báo...) và các CQTT.
- Thực hiện công bằng, khách quan việc điều động, luân chuyển PV thường trú, có chính sách hỗ trợ thỏa đáng để PV yên tâm công tác.
- Ðối với những trường hợp đã hoàn thành thời gian công tác tại CQTT cần tạo điều kiện cho PV chuyển công tác khi có nhu cầu về công tác tại Tổng xã hoặc CQTT khác sau khi kết thúc nhiệm kỳ (trừ những trường hợp không có nhu cầu chuyển công tác).
- Các đơn vị điều động PV đi thường trú có trách nhiệm tiếp nhận các PV này sau khi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở CQTT; đồng thời ưu tiên đưa vào diện quy hoạch cán bộ những PV đã có thời gian công tác tại CQTT, nếu đáp ứng đủ các tiêu chí về cán bộ nguồn theo quy định.
V. Kiến nghị về việc thành lập thêm ba CQTTTĐ trong thời gian tới
Nghiên cứu điều kiện thực tế và yêu cầu công tác thông tin, đề xuất mở rộng thành lập thêm ba CQTTTĐ tại Hải Phòng, Nghệ An, Khánh Hòa. Đây là những địa bàn có vị trí khá đặc biệt về địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, có nhiều mặt tương đồng với các địa bàn trong khu vực, giao thông thuận lợi.
Việc mở rộng thành lập CQTTTĐ tại các tỉnh, thành phố trên nhằm thực hiện tốt vai trò là đầu mối công tác thông tin trên địa bàn vùng duyên hải Bắc Bộ; khu vực Bắc Trung Bộ và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2016
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
Đề xuất thống nhất nội dung tuyên truyền về biển đảo (14/06/2016 14:19:21)
Nâng cao chất lượng tuyến tin phản hồi, định hướng, bác bỏ thông tin sai lệch (11/05/2016 15:40:38)
Giá trị thực tiễn của đề tài nghiên cứu khoa học (11/05/2016 15:33:26)
Bước khởi đầu cho chặng đường nghiên cứu khoa học (25/02/2016 15:55:30)