Thứ năm, ngày 02/05/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng phóng viên trong nước


(29/05/2012 10:56:34)

Trong thời kỳ phát triển mới, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân xã trong và ngoài nước là yêu cầu cấp thiết đối với TTXVN.

Trước yêu cầu của sự phát triển, cùng lúc phân xã phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau nên từ trưởng phân xã đến phóng viên đều phải chuyển động, phải có những cố gắng vượt bậc, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nâng cao không ngừng hiệu quả công tác. Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến công tác tuyển dụng cán bộ, phóng viên cho phân xã trong nước, một nội dung quan trọng trong toàn bộ công tác tổ chức cán bộ của ngành.
Tuyển dụng là khâu đầu vào trong công tác cán bộ, trước hết liên quan đến chất lượng cán bộ cũng như quá trình phát triển của cán bộ sau này. Từ trước đến nay, việc tuyển dụng viên chức nói chung cũng như phóng viên phân xã trong nước đều thông qua hai hình thức: Xét tuyển (không qua thi) và thi tuyển. Song dù có xét tuyển hay thi tuyển, do đặc thù của nghề báo, đòi hỏi trước hết đối với người làm báo, làm công tác phóng viên phải có năng khiếu. Không có năng khiếu, làm việc sẽ rất vất vả và khó có cơ hội phát triển. Đâu đó, đôi khi chúng ta chưa quan tâm đúng mức hoặc quên mất điều này. Báo chí cũng như hội họa, văn thơ... rất cần phải có năng khiếu. Sau năng khiếu, bên cạnh các tiêu chuẩn, điều kiện mà nhà nước qui định, người được tuyển dụng làm phóng viên cần có lòng nhiệt huyết, xác định được nghề nghiệp mà mình theo đuổi, luôn luôn nuôi dưỡng lòng yêu nghề, yêu ngành mà mình sẽ cống hiến.

Trong việc xét tuyển, thực ra, chúng ta mới chỉ thực hiện bằng cách nhận người cho ký hợp đồng thử việc, rồi hợp đồng lao động ngắn hạn, tiến tới thi sát hạch, nếu đạt thì ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Bởi thế, không ít người được xét tuyển dụng có hiệu quả công tác không cao, không ít phóng viên, biên tập viên (trong nước) chỉ ở mức độ làng nhàng và không phát triển được nghề nghiệp. Xét tuyển là xét kết quả học tập gồm điểm học tập và điểm tốt nghiệp; kiểm tra, sát hạch thông qua phỏng vấn hoặc thực hành về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển. Nếu thực hiện đúng được những nội dung này, chắc chắn chất lượng tuyển dụng sẽ tốt hơn. Cũng do đặc thù nghề nghiệp và có nhiều phân xã ở địa bàn khó khăn, cần thực hiện hình thức xét tuyển và có chính sách đãi ngộ tốt hơn đối với người trúng tuyển.

Một hình thức tuyển dụng nữa là tổ chức thi tuyển. Những năm gần đây chúng ta chủ yếu áp dụng hình thức này. Qua thi mới thực hiện được công bằng, công khai, mới chọn được những người có năng lực thực sự, giảm bớt được những người yếu kém. Cùng với điều kiện và tiêu chuẩn quy định, người dự thi tuyển phóng viên phải có năng khiếu, có đủ sức khoẻ, phải làm các bài thi về kiến thức chung, thi chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành, có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học văn phòng. Có một câu hỏi đặt ra cho người dự tuyển: Nếu trúng tuyển bạn xin đi phân xã nào hay tùy thuộc vào sự phân công của tổ chức? Muốn trả lời được câu hỏi này, người dự tuyển phải xác định rõ vị trí, việc làm trong tương lai.  

Các thi sinh thực hiện bài thi nghiệp vụ tại đợt thi tuyển PV, BTV năm 2011 

 Đợt tuyển dụng phóng viên cho 11 phân xã khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2009 và đợt tuyển dụng phóng viên cho các phân xã phía Bắc năm 2011 đã đổi mới một bước vì người dự tuyển đã xác định rõ được vị trí- việc làm ngay từ khâu đăng ký dự tuyển. Kinh nghiệm này nên được vận dụng cho những đợt tuyển dụng sau, như cụ thể hơn phân xã X hay Y mà phóng viên đến làm việc. Vì vậy, trong tuyển dụng  phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận tuyển dụng với đơn vị sử dụng phóng viên.

 Một thực tế đặt ra hiện nay trong ngành (và nhiều cơ quan báo chí trong nước) là sự mất cân bằng về giới. Trong các đợt tuyển dụng, nữ giới đăng ký dự tuyển và trúng tuyển đều chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với nam giới. Đến nay, gần như phân xã nào cũng có nữ, thậm chí có phân xã có 8 phóng viên thì trong đó có tới bảy phóng viên nữ.

Tóm lại công tác tuyển dụng nói chung, tuyển dụng phóng viên phân xã trong nước nói riêng cần được tiếp tục đổi mới, linh hoạt, sát hợp với thực tế  công tác nhằm nâng cao chất lượng. Song do đặc thù của nghề báo và yêu cầu của ngành, việc tuyển dụng phóng viên phân xã trong nước vẫn đòi hỏi phải hợp tốt hai hình thức xét tuyển và thi tuyển. 

Dương Hồng Tư (Phó Trưởng ban Tổ chức Cán bộ)
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hội nghị các Trưởng phân xã phía Bắc: Thời gian ngắn, chất lượng cao (02/05/2012 17:12:40)

Nâng cao chất lượng thông tin ảnh tai các phân xã (27/03/2012 16:01:11)

Hai ýº¿u tố nâng cao vị thế phân xã (27/03/2012 15:51:08)

Phân xã trong nước với tầm nhìn năm 2020 (28/02/2012 15:20:23)

Cần một "bản quy hoạch tổng thể" cho hệ thống Phân xã  (28/02/2012 15:09:41)

Trung tâm thông tin TTXVN ở địa phương: Tại sao không? (17/01/2012 12:20:18)

Nhiều việc cần làm ngay  (17/01/2012 12:14:48)

Niềm vui và thách thức (21/12/2011 10:23:47)

Phân xã vẫn còn "thiếu trước, hụt sau" (21/12/2011 10:15:35)

Trăn trở của "người trong cuộc" (21/12/2011 10:11:02)