Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Chúng tôi đã nhập cuộc kịp thời


(02/05/2012 17:04:21)

Con tàu du lịch mang tên Trường Hải 06 QN 5198 chở theo 21 khách du lịch cùng 6 thuỷ thủ đã bị đắm chìm vào lúc 5 giờ ngày 17/2/2011 tại khu vực đảo Ti Tốp - Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)"... Từ nguồn tin của cộng tác viên lúc gần 5 giờ 30 phút, cả phân xã (PX) chúng tôi (Trưởng phân xã Đoàn Minh Huệ và PV Đinh Mạnh Tú) bật dậy, chỉ kịp xách đồ nghề (laptop, camera, máy ảnh...) lên xe phóng thẳng đến Cảng tàu Du lịch Bãi Cháy để ra hiện trường.

Nhà báo Đoàn Minh Huệ (đứng thứ ba bên phải) trong một lần thăm Vịnh Hạ Long
 

Trên đường ra cảng tàu, chúng tôi liên tục điện thoại cho các đồng chí Thanh tra giao thông đường thuỷ, Ban quản lý vịnh Hạ Long, Cảng vụ để đi nhờ canô, nhưng họ đều từ chối. Hơi thất vọng. Nhưng rồi chúng tôi cũng tìm được đầu mối: Anh Phó trưởng Công an TP. Hạ Long (khá thân thiết với anh em PX và chính là người trực tiếp chỉ huy điều tra vụ đắm tàu) đang từ hiện trường trở vào bờ để lấy lời khai của những người sống sót, sau đó ít phút sẽ trở lại hiện trường. Điều may mắn đã đến, nhưng cũng chỉ một mình Đinh Mạnh Tú được đi ra hiện trường với điều kiện phải thật gọn nhẹ và "bí mật cách ra đảo". Tú vứt chân máy quay lại, cho chiếc máy quay nhỏ vào túi và nhảy lên canô. Tôi được "ưu tiên" ở trên bờ, chờ tin của PV và từ nguồn khác từ hiện trường đọc về để gõ luôn tại cầu Cảng... Hơn 8 giờ (sớm nhất so với các báo), những dòng tin đầu tiên về vụ đắm tàu kinh hoàng đã được TTXVN phát mạng và được rất nhiều báo truy cập.

Đến gần nơi xảy ra vụ tai nạn, anh Phó Trưởng Công an Thành phố gọi một tàu nhỏ ra đón, để Đinh Mạnh Tú và người lái canô ở lại nơi cách xa hiện trường khoảng 100 mét cùng lời dặn dò: "Chú quay thật nhanh và kín đáo nhé, anh ưu tiên nhất cho TTXVN đấy!". Tú liền nhờ người lái canô đi lòng vòng để quay lại toàn bộ hiện trường và công tác cứu hộ, việc tìm vớt thi thể những người thiệt mạng. Tú kể: Việc quay phim rất khó khăn, bởi chiếc máy quay nhỏ, cầm tay đã rung, lại thêm sóng lớn khiến chiếc canô nhỏ cứ ngả nghiêng, chao đảo (sau này anh em ở Trung tâm Truyền hình Thông tấn cứ đùa: "Xem tin Tú, bọn anh tý say sóng").

Tại cuộc họp nhanh của UBND tỉnh Quảng Ninh và các ngành liên quan ngay sau khi xảy ra vụ đắm tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc đã ghi nhận và đánh giá cao những thông tin của TTXVN tại Quảng Ninh, góp phần định hướng dư luận xã hội, không gây ảnh hưởng đến tâm lý của du khách và môi trường du lịch của tỉnh Quảng Ninh, của Di sản Vịnh Hạ Long (lúc ấy đang trên "đường về đích" trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới).

Khoảng 10 giờ sáng hôm ấy, 12 thi thể nạn nhân đã được vớt lên một chiếc thuyền gỗ. Chiếc canô chở Đinh Mạnh Tú lại được dùng để dẫn đường cho con thuyền đó vào bờ. Chạy được một lúc, canô đột nhiên chết máy, sóng khá to khiến nó nghiêng ngả. Mấy anh em trên canô mặt tái mét, sởn gai ốc nhìn nhau rồi lại nhìn sang chiếc thuyền chở các nạn nhân, nghĩ đến những câu chuyện gặp nạn trên sông nước... Rất may, sau 15 phút sửa chữa, chiếc canô lại nổ để tiếp tục lên đường.

Phải đến 12 giờ trưa, chiếc thuyền đưa 12 thi thể mới cập bờ đảo Tuần Châu. Đinh Mạnh Tú lao lên bờ nhanh chóng tác nghiệp, sau đó trở về PX để dựng hình, gửi ảnh về Tổng xã. Lúc này chiếc điện thoại của Tú nóng ran bởi vô số những cuộc điện thoại hỏi tình hình, mua tin, ảnh của các bạn đồng nghiệp ở các báo trong nước và nước ngoài thường trú tại Việt Nam; thậm chí, một nhà báo người Đức còn xin mua ảnh với giá cả triệu đồng một tấm, nhưng PV từ chối vì "ăn cây nào rào cây nấy" mà! Chưa hết, một số đại sứ quán có người bị nạn (không hiểu sao cũng có số điện thoại của Tú) gọi hỏi về thông tin chính xác những người thiệt mạng. Vừa làm, nghe, trả lời điện thoại, vừa viết tin, dựng hình, gửi ảnh, phóng viên quên cả ăn.

Gần 14 giờ, được "mật báo" chỗ nghỉ của những người sống sót, Đinh Mạnh Tú cùng một đồng nghiệp lại nhảy lên xe lao sang khách sạn ở Bãi Cháy. Do có bằng ĐH ngoại ngữ tiếng Anh nên phỏng vấn người nước ngoài đối với Tú không khó khăn. Đến 18 giờ, Tú cùng đồng nghiệp trở về Phân xã và tiếp tục dựng tin truyền hình và viết một bài ghi nhanh về toàn bộ vụ tai nạn thương tâm. Công việc hoàn thành, vươn vai đứng dậy, nhìn lên đồng hồ đã 23 giờ.

Những thông tin tiếp theo của vụ tai nạn: Khởi tố vụ án, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm; tạm dừng hoạt động trên Vịnh đối với Công ty Trường Hải; bàn giao thi thể các nạn nhân và tài sản của họ cho gia đình; khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với thuyền trưởng và máy trưởng tàu Trường Hải 06... đã được PV phân xã thông tin kịp thời.

Có thể nói, sự chỉ đạo, phối hợp ăn ý cùng với sự nhập cuộc năng động của nhóm phóng viên PX Quảng Ninh chúng tôi đã làm nên thành công: Tác phẩm "Vụ chìm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long" đoạt giải B thể loại tin bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép (thể loại này không có Giải A). Chúng tôi rất hạnh phúc vì qua việc làm tốt thông tin đã góp một phần nhỏ bé nâng cao vị thế của hãng thông tấn quốc gia.

Đoàn Minh Huệ
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trở về từ LIbi - Thử thách với lớp trẻ Vnews (02/05/2012 16:56:27)

Bước nhảy vọt về số lượng tác phẩm dự thi (02/05/2012 16:40:37)

Liên Chi hội Nhà báo TTXVN: Kỷ niệm 62 năm Hội Nhà báo VN và trao Giải báo chí TTXVN 2011 (02/05/2012 16:30:53)

Hướng chiếu của ánh sáng (28/03/2012 11:48:11)

Nghề báo - Nghề vất vả (28/03/2012 11:16:26)

Màu sắc (28/03/2012 11:03:55)

Trung Đông nóng bỏng trong Giải ảnh báo chí thế giới 2011 (28/03/2012 10:56:06)

Nâng cao chất lượng thông tin ảnh tai các phân xã (27/03/2012 16:01:11)

Hai ýº¿u tố nâng cao vị thế phân xã (27/03/2012 15:51:08)

Một vài lời khuyên khi viết phóng sự (29/02/2012 09:54:25)