Thứ năm, ngày 25/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Một vài lời khuyên khi viết phóng sự


(29/02/2012 09:54:25)

1. Trước khi lên đường phải chuẩn bị

- Có một vài ý tưởng về chủ đề, tìm hiểu thông tin về chủ đề, bối cảnh, nhân vật.

- Xác định địa điểm.

- Liên hệ: Chuẩn bị danh sách những người cần gặp, hẹn trước nếu cần.

- Chuẩn bị kỹ các phương tiện làm việc: Sổ, bút, máy ghi âm, pin, máy ảnh, giấy tờ tùy thân...

- Xác định thời gian: Điều này giúp chúng ta làm chủ thời gian, hạn chế hay tăng số lượng người phỏng vấn, loại bớt hay thêm vào một số chi tiết.

- Chọn góc độ: Sẽ tốt hơn nếu lên đường với một góc độ đã chọn trong đầu hoặc đã suy nghĩ về nhiều cách xử lý khác nhau. Cũng phải biết thay đổi góc độ, vì đôi lúc chúng ta bị ngạc nhiên hoặc thất vọng khi đến hiện trường.

 

2. Trong lúc thực hiện phóng sự, hãy là một khán giả tích cực

- Hãy ngạc nhiên: Hình ảnh, âm thanh, hoạt động, sự im lặng, mùi vị, cảm giác. PV nhất thiết phải có ý kiến chủ quan.

- Để ý đến chi tiết: Một sự việc nhỏ, một chi tiết, một câu chuyện, một phát biểu độc đáo đều mang đến cho bài báo sức mạnh và sự quyến rũ. Chi tiết làm độc giả tin ở bài báo, chứng tỏ PV đã có mặt ở hiện trường. Đừng ngần ngại ghi chép những chi tiết.

- Hỏi người này, hỏi người khác: Hãy đặt câu hỏi, ghi âm những lời phản ứng, những cuộc hội thoại, hãy gặp càng nhiều người càng tốt, tìm kiếm những phát biểu chân thật, phản ánh thực tế.

- Hãy khiến người khác chấp nhận mình, thậm chí quên mình đi, đến mức độ, người ta quên sự có mặt của mình.

- Phải biết di chuyển: Phóng sự là thể loại đối lập với báo chí "máy lạnh". Cần phải đi đến những nơi diễn ra những chuyện thú vị.

- Hãy nghĩ đến độc giả, nhất là khi làm việc cho một tờ báo có đối tượng độc giả mục tiêu riêng.

- Đừng quên chụp ảnh, nhất là khi chỉ có mình chúng ta ở hiện trường. Khi thông tin bị thiếu, chúng ta có thể bổ sung sau, nhưng với hình ảnh, điều này khó thực hiện.

 

3. Viết

- Đừng chờ đợi: Đặt bút viết khi sự việc vẫn còn nóng hổi, khi trong đầu còn đầy cảm nhận thu lượm được. Viết liền một mạch.

- Ý chính: Sau khi gạn lọc thật nhanh ý tứ để làm chín muồi cảm tưởng chủ yếu, hãy liệt kê những gì chúng ta muốn giữ lại, rồi xác định ý chính. Xung quanh ý chính này chúng ta sẽ xây dựng một kịch bản. Đó sẽ là thông điệp chính.

- Dàn ý: Viết ra một cái nền, sắp xếp lại thực tế cần miêu tả, ngay cả khi chúng ta đã có trong đầu phần mở đầu và đã biết đại ý sẽ kể câu chuyện như thế nào. Không có một dàn ý mẫu nào, người ta thường nói đến kịch bản (câu chuyện, cảnh, nhân vật...).

- Dựng lại không khí: Chuyển những cảm tưởng ghi được thành từ ngữ.

- Tìm ra giọng điệu: Cấu trúc các câu, chọn lựa từ ngữ, thể văn tự sự.

- Làm cho sống động: Câu ngắn, đơn giản, mạnh mẽ. Dùng hình ảnh, trích dẫn, câu thoại, miêu tả, so sánh, tính từ, câu đanh thép... Việc lựa chọn từ ngữ là cốt yếu. Dùng thời hiện tại.

- Say mê chi tiết: Đây chính là chất kích thích của phóng sự. Nó giúp cho độc giả hình dung một cách chính xác cảnh được miêu tả.

- Chăm chút cho tít và cách trình bày bài báo.

                                                                              Theo cuốn "Kỹ thuật và thể loại báo in"

Theo Nội san Thông tấn, số 02/2012