Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tìm hiểu báo chí

2011 - Năm đẫm máu với giới truyền thông quốc tế


(28/02/2012 16:15:33)

Với 66 phóng viên (PV) bị thiệt mạng khi đưa tin tại các điểm nóng chiến sự, ma túy và khủng bố, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF, trụ sở tại Paris, Pháp) đã ghi nhận năm 2011 là một trong những năm có số các nhà báo bị sát hại khi tác nghiệp trên toàn thế giới vào loại kỉ lục.

           Hầu hết PV bị sát hại khi đang đưa tin về tình hình chiến sự ở các nước Ả rập, khi trực tiếp điều tra về các băng đảng ma túy ở Mexico hay những bất ổn chính trị tại Pakistan...

Các nhà báo Pakstan biểu tình phản đối vụ nhà báo bị giết hại ở quốc gia này hồi tháng 1/2012

            Có tới 20 nhà báo trở thành nạn nhân của các băng đảng ma túy ở châu Mỹ Latinh trong bối cảnh tội phạm và bạo lực tràn lan. Riêng tại Mexico, trong vòng 5 năm qua đã có hàng chục nhà báo bị giết trong bạo lực liên quan đến ma túy (10 PV Mexico thiệt mạng năm 2011). Điển hình là vụ hai nhà báo nữ Rocío Gonzalez (48 tuổi) và Marcela Yarce (45 tuổi) bị sát hại mà thi thể của họ được tìm thấy trong tình trạng trần truồng, bị trói tại công viên El Mirador trong một khu phố nghèo, đông đúc ở Iztapalapa, ngoại ô thủ đô Mexico, ngày 1/9/2011. Nữ nhà báo Marcela Yarce từng giúp lập nên tạp chí tin tức Contralinea, còn Rocío Gonzalez từng là PV của mạng truyền hình Televisa, gần đây có tham gia vào một dự án xuất bản cho một công ty không xác định. 

            Ở Pakistan, 10 nhà báo đã thiệt mạng, trong đó hầu hết là bị sát hại, khiến quốc gia này trở thành nơi nguy hiểm nhất đối với các nhà báo trong hai năm liên tiếp. Các cuộc biểu tình ở Trung Đông và Bắc Phi cũng đã cướp đi sinh mạng của 20 PV, tăng gấp hai lần so với các năm trước.

Các cơ quan giám sát truyền thông quốc tế đã đưa ra một bản danh sách những nơi nguy hiểm nhất thế giới đối với các nhà báo năm 2011. Đứng đầu danh sách là thủ đô Manama của Bahrain - một trong những nơi nguy hiểm nhất đối với các nhà báo và giới truyền thông, nơi các cuộc biểu tình lớn chống Chính phủ thường xuyên diễn ra vào năm nay. Ngoài ra còn có thủ đô Cairô của Ai Cập; Abidjan, thành phố lớn nhất ở Bờ Biển Ngà, nơi có tới 1.000 người thiệt mạng vì bạo loạn; thủ đô Damascus và một số thành phố lớn của Syria; Mexico; một số đô thị ở Philippin; Misrata, một thành phố thuộc Libya; Thủ đô Sanaa của Yemen và cuối cùng là Thủ đô Mogadishu của Somali...

 

            Ngoài ra, hơn 1000 PV đã bị bắt giữ trái phép trong năm nay, tăng gấp đôi so với con số được báo cáo năm 2010. Phần lớn các PV bị bắt khi đưa tin về các cuộc biểu tình ở Ả rập cũng như tại Hi Lạp, Belarus, Uganda, Chile và Mỹ. Trong khi đó, Iran, Trung Quốc và Eritrea (quốc gia châu Phi, giáp Sudan và Ethiopia) được xem là nơi nhiều PV bị bắt giữ nhất, nhưng không thể xác định được con số chính xác đang bị giam giữ.

            Đại diện RSF cho biết: Trong năm 2011, từ quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo, Ai Cập tới tỉnh Khuzdar ở phía tây nam Pakistan; từ Mongadishu tới các thành phố của Philippin vào những thời điểm bất ổn chính trị, mối nguy đối với các nhà báo được xác định là lớn hơn bao giờ hết. RSF cũng nêu ra 10 địa điểm được đánh giá là nguy hiểm đối với các nhà báo, trong đó có Abidjan, thủ đô tài chính của Bờ Biển Ngà, với hai PV thiệt mạng vì bạo lực bầu cử. Các khu vực khác như Deraa, Homs và thủ đô Damascus của Syria, quảng trường Change ở thủ đô Sanaa của Yemen và một số thành phố của Libya cũng là những địa điểm nằm trong danh sách của RSF.

            Cá biệt có trường hợp PV nữ bị lạm dụng và cưỡng hiếp khi đến hiện trường đưa tin về biểu tình. Caroline Sinz, một nữ PV kênh truyền hình France 3 của Pháp đã bị một nhóm thanh niên tấn công và lạm dụng ở ngay giữa thủ đô Cairô, Ai Cập. Trước đó, một nữ PV người Mỹ gốc Ai Cập tên là Mona Eltahawy cho biết, cô cũng bị xâm hại ngay tại Cairô.

            Nhà báo đầu tiên bị sát hại trong những ngày đầu năm mới 2012 là Christopher Guarin, 41 tuổi, MC một đài phát thanh

Năm 2007 được ghi nhận là năm đẫm máu nhất đối với các phóng viên quốc tế, khi có tới 87 người bị sát hại, chủ yếu tại Iraq.

kiêm chủ bút một tờ báo ở thành phố General Santos, Philippin. Các tay súng đi trên một xe máy đã bắn sáu phát vào ông trong khi ông đang lái xe ô tô chở vợ và cô con gái chín tuổi về nhà vào cuối ngày 5/1. Vợ nhà báo Guarin cũng bị thương, còn con gái thì rơi vào trạng thái bị sốc nặng sau khi chứng kiến cái chết của cha.

            Chỉ sau đấy vài hôm, một nhà báo Mexico nữa đã bị sát hại bởi các tay súng chưa được xác định tại một thành phố tự trị phía Bắc của Monterrey. Cái chết của PV Raul Quirino Garza (30 tuổi) xảy ra chỉ một ngày sau khi Viện Báo chí quốc tế IPI có trụ sở đặt tại Vienna thông báo đã có 10 PV Mexico thiệt mạng trong năm 2011. Quirino Garza từng làm việc cho tờ báo địa phương Last Word, đã bị bắn chết khi đang lái xe ở thành phố Cadereyta.

            Dù được bảo vệ nhưng việc đưa tin tại những khu vực bất ổn vẫn là điều hết sức nguy hiểm. Những con số nêu trên cho thấy, làm báo là công việc cần sự dũng cảm, lòng yêu nghề cùng tinh thần trách nhiệm cao của những người cầm bút. 

Theo Nội san Thông tấn, số 02/2012