Thứ năm, ngày 25/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Nghỉ Tết dài hơn, lo tin nhiều hơn


(17/01/2012 13:14:44)

Lo tin tết là chuyện đương nhiên của các nhà báo. Nhưng kỳ nghỉ dài tới 9 ngày như tết năm nay thì sự lo của nhà báo cũng dày hơn. Xã hội thay đổi thói quen hoạt động, sinh hoạt, nghỉ ngơi, đòi hỏi người làm báo cũng phải thay đổi suy nghĩ, phương thức tác nghiệp cho phù hợp và chủ động hơn.

            Dân gian có câu "Đói quanh năm, no ba ngày tết". Đói này là đói cái ăn, cái mặc xưa kia. Câu nói trên không còn "vận" vào ngày nay nữa vì dân ta có cuộc sống vật chất hơn xưa nhiều. Nhưng thời nào cũng vậy, dân làm báo chúng ta có một cái lo thường trực, lo "đói" tin. Tết đến càng lo hơn vì đây là "vùng trũng" sự kiện trong năm. Nơi nơi đóng cửa nghỉ tết, sự kiện ắt không nhiều! Từ trăn trở này, người viết bài xin chia sẻ một số suy nghĩ ở góc độ truyền thông

            + Về mặt kinh tế: Thực tế, những kỳ nghỉ lễ, tết tương đối dài đã có từ 5-6 năm nay, khi Luật lao động cho phép Việt Nam có hai ngày nghỉ cuối tuần. Chúng ta đã quen được hưởng những kỳ nghỉ 2 - 3 ngày liền, kề sau đó là một thứ bảy, chủ nhật, hoặc thứ bảy và chủ nhật trùng luôn với ngày nghỉ tiêu chuẩn. Kỳ nghỉ tết Nhâm Thìn 2012 là kỳ nghỉ dài tết nhất từ trước tới nay, đương nhiên các thành phần kinh tế (người lao động và người sử dụng lao động) sẽ phải chuẩn bị thích nghi với điều này. Như vậy - trước, trong và cả sau Tết - phóng viên có thể phản ánh dư luận, phản ứng nhiều chiều của dư luận. Hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ có giảm không, giảm nhiều hay ít? Nghỉ 9 ngày liên tục liệu có gây sức ỳ cho công nhân, viên chức khi đi làm trở lại không? Ai thích nghỉ dài, ai không thích? Tiền lương có giảm? Hay có thể hiểu là ngày nghỉ một cách "tăng lương" tính theo thời gian đi làm tuyệt đối, nhất là trong bối cảnh lương luôn hụt hơi so với lạm phát hiện nay? Cách tổ chức, sắp xếp các ngành sản xuất, ngân hàng, cung ứng dịch vụ hành chính, tiếp dân như thế nào?

Các đơn vị thông tin luôn biết rằng phải "tích cốc phòng cơ" cho những dịp lễ tết. Song dịp tết này, "kho dự trữ" bài vở của các tòa soạn chắc chắn phải đầy đặn hơn những năm trước và sẽ rất yên tâm khi "kho" có nhiều bài dài hơi , bài phân tích sâu, mang tính tổng kết để tung ra "ăn dần" sau tết.  Việc này nhất cử lưỡng tiện: độc giả có thời gian đọc nhiều, thẩm thấu tốt hơn; phía đơn vị thông tin, tòa soạn bảo đảm dung lượng, thời lượng phát tin (truyền hình), lấp lỗ hổng thiếu tin thời sự  hoạt động kinh doanh, sản xuất. Các tòa soạn báo đối ngoại càng phải chú ý, vì thường tin đối nội đói thì tin đối ngoại cũng đói theo... 

             Tết là dịp kích cầu tiêu dùng mạnh nhất trong năm. Mua sắm diễn ra nhộn nhịp trước tết, tích trữ vật dụng, đồ ăn uống cho cả kỳ nghỉ. Kỳ nghỉ dài còn kích thích mọi người tăng chi phí cho hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa, chuỗi cung cấp bị ngắt quãng, tạo điều kiện giá cả tăng kiểu tát nước theo mưa. Người bán hàng không ngại hét giá cao cho bõ công phục vụ trong lúc mọi người nghỉ ngơi. Và do đó không thiếu việc cho PV theo dõi mảng bình ổn giá, chống đầu cơ trục lợiâẠẩ

            + Về giao thông: Ngày nghỉ dài thì người lao động có thêm thời gian sum họp ở quê nhà, đi lại cũng đỡ vất vả hơn. Các nhà ga, bến xe sẽ được giảm tải. Các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và tp. Hồ Chí Minh sẽ dễ thở hơn, không khí trở nên thoáng đãng hơn ngày thường.

            Nhưng nghỉ dài cũng có mặt trái của nó. Tết năm nào cũng xảy ra những tai nạn giao thông nghiêm trọng do người đi chúc tết uống rượu bia nhiều nên dễ vi phạm luật giao thông, gây tai nạn. Anh chị em phóng viên sẽ vất vả hơn nếu sự cố xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, ít phương tiện đi lại trong ngày tết mà công việc vẫn đòi hỏi phải có mặt kịp thời ở hiện trường. Còn nhớ cách đây 3 năm, phân xã Quảng Bình đã rất vất vả đi làm tin vụ lật đò ở Quảng Hải, làm chết nhiều người.

            Tai nạn giao thông không chỉ xảy ra ở thành phố, trên các trục giao thông lớn mà nông thôn ngày nay cũng trở nên không an toàn. Các đường liên thôn, liên xã được mở mang rộng hơn trước nhưng lại vắng mặt cảnh sát giao thông  dễ khiến mọi người có tâm lý chủ quan coi thường, vi phạm luật, gây ra rất nhiều tai nạn thảm khốc. Vì vậy, truyền thông nên tăng cường thông tin cảnh báo tai nạn giao thông, cũng như nạn chè chén, đánh bạc, gây mất trật tự an ninh.

            + Về văn hóa - du lịch: Nghỉ dài đương nhiên nhu cầu văn hóa, giải trí, du lịch sẽ tăng hơn nhiều. Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Vùng, miền nào cũng có những lễ hội mang sắc thái đặc trưng, độc đáo riêng biệt. Trước mắt, có thể thấy phân xã Thừa Thiên-Huế và một số phân xã khác sẽ bận rộn với Festival Huế với một lịch dầy đặc sự kiện. Bộ VH, TT&DL vừa họp báo công bố ngày 30/1/2012 sẽ diễn ra Lễ khởi động Năm du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 mang tên "Du lịch di sản", mở màn cho một chương trình suốt năm kết nối các kinh đô cổ Việt Nam. Như vậy, các phân xã khu vực này nói riêng và phóng viên Tổng xã nói chung sẽ có rất nhiều cơ hội quảng bá danh lam thắng cảnh, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và các sản phẩm du lịch đặc sắc của các địa phương sở tại.

            Mặt khác, trong cộng đồng người Việt xuất hiện một bộ phận thích ăn tết ở ngoài biên giới quốc gia. Tết là một dịp làm ăn lớn của các hãng du lịch lữ hành. Nếu phối hợp tốt với các cơ quan du lịch thì TTXVN sẽ là một kênh hiệu quả phục vụ du lịch quốc gia thông qua mạng lưới phân xã nước ngoài.
            Và còn rất nhiều những vấn đề xã hội liên quan đến hệ quả nghỉ lễ tết dài ở mọi tầng lớp xã hội. PV có thể phỏng vấn người dân về cách nhìn mới của họ với kỳ nghỉ tết dài, ví dụ thay đổi việc chuẩn bị tết, thói quen nghỉ ngơi, nhu cầu mới phát sinh, các dịch vụ mới phục vụ nghỉ dài; về chương trình giáo dục, quản lý học sinh trong kỳ nghỉ, ý kiến của nhà trường, phu huynh về vấn đề nàyâẠẩ

Trang Lê
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2011+01/2012