Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Tìm hiểu báo chí

Những xu hướng công nghệ truyền thông số trong năm 2012


(17/01/2012 13:00:24)

Hội nghị Truyền thông số châu Á 2011 (Digital Media Asia - DMA) diễn ra từ ngày 22 đến 25/11 tại Hong Kong, lần đầu tiên chứng kiến sự quan tâm cực lớn của giới báo chí đến các nền tảng công nghệ mới, như máy tính bảng và điện thoại di động (ĐTDĐ).

            Mới cách đây hai năm, khi hội nghị kiểu này được khởi xướng, chỉ có vài tham luận, thuyết trình nói về ĐTDĐ như một nền tảng xuất bản của tương lai, thì tại hội nghị vừa qua gần như tất cả các bài thuyết trình đều nhắc đến các thiết bị này, từ các "ông lớn" như Financial Times, Wall Street Journal, Axel Springer, Thomson Reutes... cho đến các báo của Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Đại diện VietnamPlus cũng có bài thuyết trình về ứng dụng mobile hiện đã có hơn 170.000 người sử dụng.
            Trong hội nghị này, bốn xu hướng công nghệ truyền thông số được dự đoán sẽ nổi lên trong năm 2012.
 

            1. Tiếp tục bùng nổ cơn sớt máy tính bảng (tablet)

            Tính đến cuối năm 2011, ước tính số lượng máy tính bảng bán ra trên toàn cầu là khoảng 63 triệu thiết bị, trong đó chiếc iPad của Apple chiếm đến 68%. Riêng tại Mỹ, tỷ lệ lướt web bằng máy tính bảng iPad chiếm đến 97%. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Kindle Fire với mức giá chỉ 199 USD vào ngày 15/11 báo hiệu một làn sóng các loại tablet cạnh tranh với iPad vào năm tới. Tuy chưa được đánh giá cao về công nghệ nhưng việc dựa trên hệ điều hành Android và kết nối với hệ thống bán hàng khổng lồ của Amazon giúp cho mức tiêu thụ Kindle Fire nhanh chóng tăng vọt và thiết bị này "nóng" chỉ kém iPad trong mùa mua sắm cuối năm 2011.

            Trước mắt, nội dung trên máy tính bảng chưa thể tạo doanh thu lớn nhưng dường như không một ai, từ các công ty cung ứng dịch vụ tiện ích đến các hãng trò chơi, giải trí, truyền thông hay tin tức, chịu đứng ngoài cuộc chơi. Sau thời gian đầu thử nghiệm và cho dùng miễn phí, hầu hết các ứng dụng đọc tin tức của các hãng tin, tờ báo lớn đã chuyển sang hình thức thu phí thường kỳ. Financial Times là một trong những báo đi đầu về ứng dụng công nghệ truyền thông mới, không chỉ nhanh chóng có ứng dụng cao cấp trên AppStore để thu về 1 triệu USD sau 4 tháng mà đi một bước xa hơn là tạo ứng dụng chạy bằng HTLM5 để không bị phụ thuộc vào Apple và tất nhiên là không phải chia sẻ doanh thu. New York Times thì gây sốc bằng mức phí "khủng" 35 USD/tháng, cao hơn nhiều lần so với nhiều tờ báo khác, nhưng lượng người dùng không hề giảm.

Tại DMA 2011, VietnamPlus đã giới thiệu về ứng dụng dành cho ĐTDĐ với khả năng độc đáo là có thể chạy trên cả những điện thoại đắt tiền lẫn các điện thoại rẻ tiền - thị trường mà các hãng truyền thông lớn trên thế giới bỏ qua. Tiếp theo việc ra mắt phiên bản VietnamPlus Mobile cho hệ điều hành Android vào ngày 11/11/2011 và dự kiến sắp tới là các phiên bản cho iPhone và Windows Phone cũng như phiên bản cho iPad, VietnamPlus thực sự sẽ bao phủ toàn bộ các nền tảng công nghệ hiện nay.

             Máy tính bảng cũng được kỳ vọng là nền tảng cứu giúp cho ngành báo in đang trên đà sa sút. Máy tính bảng có một điều không làm được là tạo cảm giác khi lật tờ báo in trên tay, nhưng nó tiến xa hơn rất nhiều về công nghệ để giúp người dùng mua bất kỳ tờ báo của bất kỳ quốc gia nào với giá rẻ. Điều quan trọng hơn là nó tích hợp được cả multimedia vào tờ báo in để nội dung thêm phần sống động, và đặc biệt là nội dung quảng cáo nay đi theo một xu hướng hoàn toàn khác. Quảng cáo giờ đây không dẫn người dùng sang một trang khác mà được tích hợp ngay trong ứng dụng của báo hoặc tạp chí để độc giả dễ dàng tương tác và trở về nội dung.
 

            2. Mobile thay thế cho máy tính để bàn

            Theo một nghiên cứu của Morgan Stanley về số người sử dụng ĐTDĐ và máy tính để bàn (PC) truy cập Internet trên toàn cầu trong thời gian từ năm 2007 đến 2015, dự kiến ĐTDĐ sẽ vượt máy tính để bàn trong khoảng thời gian cuối năm 2013 hoặc đầu 2014. Vào năm 2007, thời điểm bắt đầu nghiên cứu, có khoảng 1,2 tỷ người lướt web bằng máy tính để bàn trong khi chỉ có khoảng 400 triệu người dùng mobile. Nhưng đến năm 2015, con số truy cập Internet bằng mobile ước tính sẽ lên tới 2 tỷ còn truy cập bằng máy tính để bàn chỉ vào khoảng 1,6 tỷ.

            Cơ hội lớn khi ĐTDĐ trở nên quá phổ biến và trở thành công cụ lướt web chủ chốt chính là với ngành quảng cáo. Câu hỏi giờ đây là quảng cáo sẽ đi theo hướng nào - nhắn tin ngắn (SMS), các trang Wap hay ứng dụng (application), và làm thế nào để tạo sự đột phá. Ảnh hưởng của màn hình ĐTDĐ sẽ vô cùng to lớn nên hiệu quả quảng cáo để đưa thông tin từ doanh nghiệp đến người dùng (B2C) là không phải bàn cãi, song người ta sẽ bắt đầu phải quan tâm đến mô hình kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B)

            Sự lấn át của ĐTDĐ trong thời gian tới còn thể hiện ở những dịch vụ mà chỉ vài năm trước chúng ta cho rằng chỉ tồn tại trong phim khoa học viễn tưởng. Hiện có những ứng dụng được bổ sung các lớp thông tin (layer) để người dùng ĐTDĐ trỏ vào các hướng hoặc đối tượng cụ thể là được cung cấp thông tin tức thời, từ những chòm sao, các chương trình giảm giá của cửa hàng, chỉ dẫn giao thông cho đến việc tìm kiếm những người bạn kết nối qua mạng xã hội. Trừ phi có những quy định hạn chế để bảo vệ tính riêng tư, nếu không, trong thời gian tới chỉ cần hướng ĐTDĐ vào một cá nhân là sẽ biết được đủ thứ về họ. 
 

            3. Mạng xã hội trở nên "nghiêm túc" hơn

            Trong năm 2012, người ta cho rằng Facebook sẽ bắt đầu phải hứng chịu sự soi xét của chính phủ một số quốc gia liên quan đến những cáo giác về việc mạng xã hội này thu thập quá nhiều thông tin cá nhân của người dùng. Nhưng mặt khác, những mạng xã hội như Facebook đang tạo ra những giá trị vô cùng to lớn về mặt truyền thông và marketing. Với hơn 800 triệu người sử dụng (tính đến tháng 7/2011), Facebook có "dân số" đứng thứ ba thế giới và có khả năng tạo ra những tác động quan trọng, ví dụ có thể giúp thúc đẩy sự trung thành với nhãn hàng trong một nhóm đối tượng nhất định, khả năng "truyền miệng" để làm tăng doanh thu tiêu thụ. Hiện tại thị trường Mỹ, Facebook chiếm tới 25% quảng cáo hiển thị (display ads) và các "fan" của mạng xã hội này chi tiêu nhiều hơn các đối tượng khác tới 72 USD.

            Cũng cần nhắc tới tiểu blog Twitter với hơn 380 triệu người dùng, tuy chưa đạt được nhiều doanh thu nhưng là một sức mạnh đáng nể tại nhiều nước. Và đương nhiên không thể quên Google+, mạng xã hội được đánh giá là đạt mức tiếp nhận nhanh nhất từ trước tới nay khi nó chỉ mất 88 ngày là đạt mốc 50 triệu người dùng (trong khi Twitter mất 1.096 ngày, Facebook mất 1.325 ngày).

            Xét về góc độ báo chí, cuối tháng 9/2011, Facebook tung ra các ứng dụng hợp tác cùng 33 thương hiệu truyền thông ở châu Âu. Những ứng dụng này đều là "loại ứng dụng mới" theo như lời nhà sáng lập kiêm CEO của Facebook, Mark Zuckerberg, và "có khả năng không chỉ thay đổi cách chúng ta nghĩ về tin tức mà còn có khả năng thay đổi toàn bộ cách thức hoạt động của ngành tin tức". Facebook và Twitter cũng đã chứng minh khả năng hỗ trợ nhà báo và các cơ quan báo chí khi xảy ra các sự kiện như thảm họa kép động đất - sóng thần ở Nhật Bản hay các vụ bạo động ở Trung Đông và Bắc Phi...
 

            4. Dữ liệu là sáng tạo

            Vụ WikiLeaks bùng nổ trong năm 2010 đã cho thế giới thấy, chỉ những dữ liệu thô đã có sức mạnh như thế nào. Trong năm qua, báo chí dữ liệu (data journalism) được chú ý đến rất nhiều bởi người ta nhận thấy rằng nhiều khi chỉ cần liệt kê hoặc sắp xếp các con số là đủ thu hút mà không cần có thêm bình luận nào. Ngày càng nhiều cơ quan báo chí tạo lập các kế hoạch quản lý dữ liệu riêng của mình. Dữ liệu đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng, những mạng xã hội như Facebook trở nên hùng mạnh vì nắm trong tay không chỉ hồ sơ cá nhân mà cả những con số phân tích thói quen của người dùng - một tài sản vô cùng giá trị mà bất kỳ nhân viên marketing nào cũng mơ ước có được để đưa vào các kế hoạch thuyết phục khách hàng. 
               Đương nhiên, việc sử dụng hoặc tiết lộ các dữ liệu liên quan đến hàng loạt các vấn đề khác về pháp lý, quyền sở hữu dữ liệu, giá trị thực sự của dữ liệu cũng như nhiều luật quốc tế. Sử dụng dữ liệu hiệu quả hay không cũng phụ thuộc vào khả năng hiểu rõ mục đích của chương trình, hiểu rõ đối tượng, nếu không sẽ bị sa vào việc cung cấp tràn lan, lãng phí.

Lê Quốc Minh (Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus)
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2011+01/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thể loại ảnh báo chí (22/12/2011 10:11:22)

Trang Nhất - "mặt tiền" của tờ báo (08/09/2011 13:52:08)

Virus "News of the World" ẢỔang lan nhanh trong táỨễp ẢỔoàn Murdoch (04/08/2011 18:41:19)

Giải ảnh báo chí thế giới 2010 (15/04/2011 10:43:48)

Các cấp độ đọc (16/12/2010 17:05:51)

Một số thể loại truyền hình (16/12/2010 17:03:33)

2009 - năm đẫm máu với ngành truyền thông quốc tế (06/07/2010 13:12:12)

Toàn cảnh về một thế giới bất ổn (08/04/2010 10:21:16)

Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông Trung Quốc (09/02/2010 08:53:57)

Nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2009) SPOUTNIK, cuốn giáo khoa của tôi  (27/11/2009 09:21:04)