Chủ nhật, ngày 05/05/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Cần một "bản quy hoạch tổng thể" cho hệ thống Phân xã


(28/02/2012 15:09:41)

Thế mạnh của Phân xã đã được nhiều ý kiến đề cập đến ở nhiều bài tham gia diễn đàn. trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin nêu ra một số căn cứ khẳng định đây là thế mạnh tuyệt đối, lâu dài của TTXVN và đưa ra một vài đề xuất về giải pháp ý tưởng.

Phóng viên Phân xã Bình Phước tác nghiệp truyền hình

            Trước hết, cần xác định cụ thể thế mạnh tiềm năng của các Phân xã trong hệ thống thông tin của TTXVN. Nhiều văn bản, diễn đàn, bài viết đều xác định TTXVN có thế mạnh đặc biệt về tin tức, gần đây là tái khẳng định cơ chế "phát ngôn", "phản hồi". Các loại hình báo chí như tin văn bản, tin ảnh và truyền hình của TTXVN có lợi thế được tiếp cận nguồn thông tin cấp cao, thông tin nguồn. Thông tin của ngành cũng được xây dựng từ hàng trăm phóng viên thường trú tại tất cả tỉnh, thành trong nước và 27 Phân xã trên thế giới. Khi mà không ít lợi thế truyền thống khác của ngành sẽ ngày càng bị thu hẹp trong xã hội bùng nổ thông tin và công nghệ thông tin phát triển nhanh, đây là những ưu thế đặc trưng, lâu dài.

            Riêng đối với hệ thống Phân xã, thế mạnh được thể hiện ở điểm gì?

            Theo tôi, nổi bật là sự trải rộng của hệ thống các Phân xã và tính chất thường trú của đội ngũ phóng viên (PV). Đất nước trải dài, vùng miền rõ rệt, địa hình núi đồi là chủ yếu, cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc chưa phát triển, dân cư phân bố không tập trung, trình độ văn hóa không đồng đều, đa dân tộc, đa ngôn ngữ, thiên tai xảy ra thường xuyên cả trên biển lẫn đất liền... nên hệ thống Phân xã trong nước rộng khắp tất cả các tỉnh thành là ưu thế lớn. Nếu nhìn sang hệ thống Phân xã ngoài nước, được phân bố khắp 5 châu lục và ở hầu hết các địa bàn trọng điểm tin tức, mạng lưới Phân xã của TTXVN sẽ là mỏ vàng về thông tin. Nhiều năm nữa, sẽ khó có cơ quan báo chí nào ở nước ta xây dựng được mạng lưới đó. Trên cơ sở hệ thống Phân xã rộng khắp, đội ngũ PV thường trú có ưu thế trong việc tiếp cận nguồn thông tin, duy trì mối quan hệ xã hội lâu dài ở địa phương, am hiểu tình hình, thông thuộc địa hình, di chuyển nhanh trong địa bàn khi có yêu cầu thông tin. Hệ thống Phân xã và PV thường trú cũng góp phần mang lại độ tin cậy, tính chính thống và sức nóng, tính đa dạng của thông tin. Các cơ quan báo chí có thể có một vài cơ quan thường trú nhưng số lượng không nhiều nên phải sử dụng cộng tác viên hoặc tác nghiệp theo sự kiện, chuyến công tác, nên không dễ tạo được thương hiệu của PV thường trú "chính hãng".

Khi có sự kiện quan trọng về thông tin, phóng viên phân xã phải thể hiện được sự hiện diện ở địa bàn. Sự hiện diện mang tính thường trú tại địa bàn thông qua tầm quan trọng của thông tin, nguồn thông tin, đầu óc quan sát, phân tích, dự báo và bằng hình ảnh trong điều kiện phù hợp.

            Nhận thức rõ vai trò, thế mạnh cụ thể của hệ thống PV thường trú, chúng ta cần sớm xây dựng mô hình tổ chức vận hành cho hệ thống các Phân xã nói chung và thông tin của các PV thường trú nói riêng. Nhiều năm nay, hệ thống Phân xã vẫn chưa phát huy được vai trò như mong đợi một phần vì thiếu hình hài tổng thể, cẩm nang chi phối các chủ trương, chính sách, quyết sách cụ thể đối với các Phân xã và anh em thường trú ở địa phương. Đã lâu rồi, anh em đồng nghiệp ở Phân xã, nhất là Phân xã trong nước, mong muốn có một "đồ án", "bản thiết kế tổng thể" cho hệ thống Phân xã, bao gồm những quy định cụ thể, tương đối đồng nhất về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quyền lợi, quy chuẩn cơ sở vật chất và trang thiết bị, bộ máy nhân sự cũng như các cơ chế thuận tiện để mở rộng tầm hoạt động của Phân xã... Từ đó phải xác lập hệ thống Phân xã nên tập trung làm cái gì? Làm như thế nào? Trả lời câu hỏi cho một vài Phân xã có lẽ không khó khăn, nhưng cho cả một hệ thống với sự đồng nhất tương đối vẫn còn chưa rõ ràng, chưa sát thực tiễn. Thực chất đây là việc phân vai thông tin giữa các đơn vị ở Tổng xã với mạng lưới Phân xã và mô hình chỉ đạo, điều tiết thông tin của Tổng xã đối với phân xã, cơ chế phối hợp hai chiều. Các bộ phận liên quan thông tin cần có sự phân vai, phối hợp giữa thông tin tại Tổng xã và nguồn thông tin từ các Phân xã chuyển về để tránh trùng lặp, lãng phí và không khai thác được thế mạnh đặc thù.

            Theo mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí nước ngoài có hệ thống phân xã mà tôi biết, các PV thường trú có nhiệm vụ bao quát thông tin nổi bật tại địa bàn, không bỏ sót thông tin quan trọng, nhất là các sự kiện lớn, sự cố đột xuất. Trong thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ truyền tin, tin tức nhiều, đa chiều nhưng dòng thông tin chính thống, chủ lưu luôn có chỗ đứng. Độc giả, khán giả, thính giả có thể tiếp cận nguồn tin khác nhau nhưng cũng thường có nhu cầu tìm đến các cơ quan thông tin có uy tín. Đây cũng là một trong những thế mạnh của TTXVN nhờ thương hiệu truyền thống và nguyên tắc thông tin của ngành.

            Để phát huy vai trò của các Phân xã, việc tìm kiếm và xây dựng được mô hình chỉ đạo, điều tiết có ý nghĩa quan trọng. Thực tế công tác ở địa phương và nước ngoài cho thấy, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, không phải lúc nào PV thường trú cũng biết được sự kiện, vấn đề ở địa bàn. Đối với PV thường trú nước ngoài thì điều này càng thấy rõ một phần do hoạt động đối ngoại, hoạt động cộng đồng và những công việc kiêm nhiệm. Ngoài ra là nguồn thông tin rất nhanh nhạy của các hãng tin nước ngoài khiến thông tin của Phân xã có thể bị chậm, trùng lặp với thông tin trong nước đã biết. Đối với PV trong nước cũng vậy, trong điều kiện nhân sự hạn chế, không thể nắm bắt hết các thông tin trên một địa bàn rộng lớn, thậm chí cả những sự cố, sự kiện đột xuất hoặc lịch hoạt động tại địa phương của các cơ quan trung ương... Như vậy, việc chỉ đạo, cung cấp, gợi ý thông tin từ Tổng xã đối với các PV thường trú sẽ hỗ trợ hoạt động của anh em.

            Ngoài việc kết nối thông tin, việc trao đổi nghiệp vụ báo chí cũng rất quan trọng nhằm nâng tầm thông tin của các Phân xã. Trong trường hợp thông tin tuyến thì sự phân vai, phân mảng, tổ chức phối hợp giữa các Phân xã có thể tạo sự đa dạng, không đơn điệu khi phản ánh cùng chủ đề. Vấn đề là trong mô hình TTXVN có nhiều đơn vị cùng chức năng thông tin nhưng đặc thù khác nhau, sự điều tiết, phối hợp như thế nào cho hiệu quả, tránh chồng chéo nhưng cũng không làm mất giá trị của tốc độ thông tin, độ xác thực có kiểm chứng của thông tin.

Thời gian qua, với sự tham gia tích cực của anh em PV thường trú, nhất là tại các Phân xã trong nước, Truyền hình Thông tấn đã tạo được dấu ấn riêng. Bên cạnh đó, anh em Phân xã cũng khẳng định được vai trò, sự đóng góp quan trọng của mình đối với ngành cũng như đối với địa bàn công tác. Mặc dù tác nghiệp trong điều kiện hỗ trợ khá khó khăn, lĩnh vực mới mẻ, nhưng những gì lực lượng PV thường trú thể hiện trong thời gian qua góp phần mang lại cái nhìn ngày càng chân thực hơn, công bằng hơn về một lực lượng đặc thù của TTXVN.

Vũ Duy Hưng (Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Thông tấn)
Theo Nội san Thông tấn, số 2/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trung tâm thông tin TTXVN ở địa phương: Tại sao không? (17/01/2012 12:20:18)

Nhiều việc cần làm ngay  (17/01/2012 12:14:48)

Niềm vui và thách thức (21/12/2011 10:23:47)

Phân xã vẫn còn "thiếu trước, hụt sau" (21/12/2011 10:15:35)

Trăn trở của "người trong cuộc" (21/12/2011 10:11:02)

Cần có "chiếc áo mới" cho phân xã (22/11/2011 15:03:16)

Xây dựng phân xã toàn diện: Cần có con người, tổ chức và cơ chế chính sách phù hợp (22/11/2011 14:54:08)

Hệ thống phân xã trong nước nhìn từ góc độ quản lý (11/10/2011 08:40:04)

Nhanh lên chứ, đừng "túc tắc" vậy chứ... (11/10/2011 08:35:56)

Hệ thống phân xã - thế mạnh tuyệt đối của TTXVN (08/09/2011 12:06:51)