Thứ năm, ngày 25/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Thông tin đối ngoại trước yêu cầu đổi mới


(29/02/2012 09:04:37)

Thông tin đối ngoại (TTĐN) là gì? Làm thế nào để nâng cao hiệu quả tuyên truyền của TTĐN? Cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền của TTĐN như thế nào? Những câu hỏi như vậy luôn khiến những người làm báo đối ngoại trăn trở. Qua Nội san thông tấn, tôi xin được chia sẻ cùng các đồng nghiệp về những vấn đề nói trên.

    

Phó Chủ tịch Tân Hoa xã Chu Thụ Xuân thăm phòng tiếng Trung - Ban BT tin Đối ngoại (tháng 12/2011)

                                                                                   Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ của thông tin đa phương tiện và sự xuất hiện của các loại hình thông tin mới, thông tin đối ngoại đứng trước nhiều thách thức gay gắt, đòi hỏi phải được đổi mới để ngày càng hấp dẫn, đồng thời nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Trong nhiều giải pháp đưa ra, chúng tôi quan tâm đặc biệt tới việc đảm bảo kết hợp hài hòa tính định hướng và tính chiến đấu của thông tin đối ngoại.

          Nếu thông tin đối nội nhằm làm tăng sự đồng thuận và niềm tin của xã hội thì TTĐN trong quá trình tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giới thiệu và quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam, phải góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tranh thủ được sự hợp tác, ủng hộ, đóng góp của các nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm đảm bảo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. TTĐN phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch núp dưới các chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận... âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam.

 

Kết hợp hai tuyến tin "Xây" và "Chống"

               Trong TTĐN, hai chức năng thông tin và thông tin phản bác phải thể hiện rõ tính định hướng và tính chiến đấu, trong đó tính định hướng là yêu cầu thường trực, luôn hiện hữu trong mọi thông tin, đặc biệt là thông tin phản bác. Song song với hai chức năng nêu trên, cần xác định hai tuyến tin quan trọng là xây và chống. "Xây" là thông tin chủ đạo, cần được đầu tư để bên cạnh các tiêu chí như kịp thời, chính xác, trung thực, khách quan, phải ngày càng hấp dẫn. "Chống" hay còn gọi là thông tin phản bác, phải kịp thời, sắc sảo, mạnh mẽ và có sức thuyết phục cao. Giữa hai tuyến, cần có hình thức chuyển tải linh hoạt, kết hợp hài hòa, bổ sung hỗ trợ lẫn nhau, tránh để bạn đọc có cảm giác là thông tin áp đặt, thông tin một chiều.

               Tin bài cần đa dạng về thể loại để có thể tiếp cận vấn đề dưới nhiều góc độ, qua đó làm nổi bật quan điểm, thông điệp cần chuyển tải. Mỗi thể loại tin bài đều có chức năng riêng. Bên cạnh tin thời sự, rất cần có các bài tổng hợp và phân tích sau mỗi đợt thông tin trọng điểm... Thí dụ, trong đợt thông tin về Hội nghị cấp cao ASEAN, bên cạnh tin thời sự, các bài phân tích, trả lời phỏng vấn của lãnh đạo Bộ Ngoại giao về nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, phân tích các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông sẽ là những điểm nhấn giúp bạn đọc hiểu được bản chất vấn đề. Trong đợt thông tin tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, cần có bài phân tích của các chuyên gia, các luật gia về dân chủ XHCN thể hiện qua các kỳ bầu cử Quốc hội, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN... Những bài viết này thường đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu, vì vậy cần có sự đặt hàng với các chuyên gia của các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành, cơ quan quản lý và chỉ đạo báo chí.

               Một thể loại báo chí khác cũng cần phát triển, đó là các phóng sự. Mang đậm hơi thở cuộc sống, có tính thuyết phục rất cao, các phóng sự được người nước ngoài đặc biệt ưa thích. Thời gian tới, chúng tôi chủ trương có thêm nhiều bài dạng "lạt mềm buộc chặt" hay "mưa dầm thấm lâu" này, để một cách tự nhiên nhất, bạn đọc nước ngoài yêu mến và ủng hộ Việt Nam.

               "Chống" là loại hình thông tin khó, đòi hỏi sự chủ động và nhạy bén, khả năng phản ứng nhanh và sắc sảo. Do ranh giới giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại đang ngày một mờ đi, hoạt động tuyên truyền chống phá nhằm thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch ngày càng tăng lên, cần chủ động tuyên truyền về những vấn đề nhạy cảm nhằm thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam, lập trường chính nghĩa của Việt Nam, tránh để các phương tiện truyền thông nước ngoài và thế lực thù địch lấn sân, cố tình thông tin sai lệch theo dụng ý của họ. Khi chúng ta chậm trễ, chúng ta sẽ rơi vào thế bị động của người đi thanh minh. Cần thông tin sớm để định hướng dư luận. Hồi tháng 6, 7 năm 2011, toàn bộ hệ thống của chúng ta đã thông tin chậm về việc tụ tập đông người mang tính tự phát trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh trong khi trên các diễn đàn, các mạng xã hội có nhiều phản ứng thái quá, còn các trang web phản động và các blog của một số cá nhân - những người mà theo cách nói của phương Tây là "các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền"- ra rả nói là "Nhà nước Việt Nam đứng sau các cuộc biểu tình chống Trung Quốc". Thông tin đó đã lan truyền khá lâu chúng ta mới có phản ứng. Đây là một bài học cho các cơ quan báo chí và cả hệ thống chính trị về việc cần phải sớm vào cuộc trước những thông tin nhạy cảm như vậy.

 

Nhà chính trị đồng thời là nhà văn hóa

Về tầm quan trọng của việc tiếp cận dưới góc độ văn hóa và tác động tích cực của việc am hiểu văn hóa của đối tác, có thể kể ra đây câu chuyện Tổng thống Mỹ Bill Clinton "lẩy Kiều" khi đến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/ 2000. Trong bài đáp từ Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại buổi chiêu đãi, ông đã đọc hai câu Kiều: "Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân", ý nói băng giá của quá khứ đã tan, đã đến lúc hai nước có thể trở thành đối tác, hãy cùng nhau làm nên trang sử mới... Nhiều người có mặt hôm đó thầm phục ông Bill Clinton đã hiểu được sức mạnh của Truyện Kiều trong tâm hồn người Việt.

 

               Trong quá trình đưa tin, TTĐN phải đưa câu chuyện từ đầu đến cuối chứ không phải chỉ là một lát cắt của vấn đề thời sự, tin tức cần được bổ sung tư liệu bối cảnh (background) để bạn đọc dễ hình dung trình tự, nguồn gốc vấn đề, nhất là đối với người nước ngoài. Bên cạnh đó, người làm báo đối ngoại phải có kiến thức sâu rộng về các vấn đề chính trị cũng như văn hóa, lịch sử của Việt Nam và thế giới. Nói một cách khác, người làm báo đối ngoại vừa phải là nhà chính trị vừa là nhà văn hóa. Cần phải giỏi ngoại ngữ, am hiểu văn hóa các nước để đảm bảo chuyển tải đúng nội dung thông tin và có cách tiếp cận gần với văn hóa của người đọc.

 

               Học ngoại ngữ là một câu chuyện không đơn giản. Để có thể sử dụng các thành ngữ, diễn đạt được các hình ảnh ẩn dụ bằng tiếng nước ngoài đòi hỏi quá trình học tập lâu dài. Cách đây không lâu, tại một buổi tọa đàm về công tác thông tin -tuyên truyền đối ngoại do Bộ Ngoại giao tổ chức, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có ý chê trách những người làm thông tin - tuyên truyền đối ngoại (bao gồm cả các cán bộ ngoại giao lẫn các nhà báo đối ngoại) chưa giỏi ngoại ngữ, "nói năng còn lập bập", do đó rất khó thuyết phục độc giả nước ngoài. Theo ông, độc giả nước ngoài đa phần học vấn cao, hàng ngày lại được các phương tiện truyền thông tuyên truyền về hệ tư tưởng cũng như các quan niệm giá trị của xã hội họ, vì vậy không dễ dàng để họ nghe chúng ta nếu cứ nói theo kiểu hô hào, đưa ra những khẳng định suông. Cần phải đổi mới phương thức và cách tiếp cận thông tin.

            Tóm lại, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, kết hợp thông tin đối nội và đối ngoại nhằm đảm bảo tính định hướng và tính chiến đấu, chuyển tải linh hoạt giữa hai hình thức "xây" và "chống" cũng như xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên đủ khả năng kết hợp nhuần nhuyễn công tác tuyên truyền chính trị và tăng tính thuyết phục dưới góc độ văn hóa là một nhiệm vụ nặng nề đặt ra cho các cấp các ngành làm công tác TTĐN trong giai đoạn hiện nay. 

Phạm Bích Hà (Trưởng Ban Biên tập tin Đối ngoại)
Theo Nội san Thông tấn, số 02/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Những bức ảnh làm thay đổi thế giới (28/02/2012 16:31:29)

2011 - Năm đẫm máu với giới truyền thông quốc tế (28/02/2012 16:15:33)

Phân xã trong nước với tầm nhìn năm 2020 (28/02/2012 15:20:23)

Cần một "bản quy hoạch tổng thể" cho hệ thống Phân xã  (28/02/2012 15:09:41)

Bế giảng lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ thôn tấn K25 (17/01/2012 14:44:18)

Nhật ký 150 ngày trên "ghế nóng TT&VH"  (17/01/2012 13:20:15)

Nghỉ Tết dài hơn, lo tin nhiều hơn  (17/01/2012 13:14:44)

Những xu hướng công nghệ truyền thông số trong năm 2012 (17/01/2012 13:00:24)

Báo Tết - mệt mà vui  (17/01/2012 12:53:59)

Trung tâm thông tin TTXVN ở địa phương: Tại sao không? (17/01/2012 12:20:18)