Thứ năm, ngày 02/05/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Hai ýº¿u tố nâng cao vị thế phân xã


(27/03/2012 15:51:08)

Nếu là phóng viên (PV) trẻ, nhất là PV mới vào nghề, có lẽ vui nhất là khi xuống cơ sở gặp cán bộ và người dân, sau khi giới thiệu tên tuổi, cơ quan thì họ ồ lên một tiếng kèm theo nụ cười cảm mến:

Nhà báo Lục Văn Toán tác nghiệp tại điểm nút giải phóng
 mặt bằng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
 À, đồng chí ở chỗ anh A hoặc ông B hả? Rồi sau đó là một loạt những câu thăm hỏi từ Trưởng xã tới các anh chị PV trong phân xã (PX).
Tôi nghĩ, để kiểm chứng vị thế của một PX tại địa phương, đó chính là liều thuốc thử. Để có được điều đó không hề dễ, cũng không phải ngày một ngày hai là được bởi nó cần sự đóng góp tích cực của nhiều thế hệ PV đã từng công tác tại PX đó. Chính vì vậy, để nâng tầm vị thế PX, theo tôi, cần phải chú trọng vào hai vấn đề chủ chốt là nhân lực và vật lực, nói nôm na là con người và nhà ở, trang thiết bị.

Phân xã - Môi trường tốt để thử thách PV

Để có được một PV có đạo đức, có trình độ chuyên môn và say nghề, hẳn nhiên yếu tố đầu tiên là khâu tuyển chọn "đầu vào" của cơ quan. Nếu là chọn PV đi PX thì lại càng cần phải kỹ càng hơn. Vì sao? Hiện nay, như chúng ta đều biết, mỗi PV phân xã đều phải đảm nhiệm nhiều công việc: Làm tin trong nước, làm tin truyền hình từ A đến Z (quay phim, viết lời bình, dựng phim, dẫn hiện trường và có thể còn trực tiếp đọc tin...), phát hành các ấn phẩm của ngành. Ngoài ra, chúng tôi còn phải biết nghiệp vụ kế toán, thủ quỹ để đi giao dịch với kho bạc. Anh em PX Lào Cai vẫn nói đùa với nhau rằng: "Làm ra tiền đã khó, có tiền rồi làm sao rút được còn khó hơn". Mỗi lần PX chuẩn bị rút tiền là anh em phải dành hẳn một ngày làm các thủ tục mà Kho bạc nhà nước yêu cầu, vì thế xấp giấy tờ giao dịch có khi còn dày hơn xấp tiền được lĩnh. Có thể nói không ngoa rằng mỗi PV phân xã Lào Cai (và phóng viên các PX trong nước khác) đều thông thạo các cụm từ chẳng mấy liên quan đến nghiệp vụ của mình như: mã số, quan hệ ngân sách, chương, loại, khoản, tính chất... đã được mã hóa trên các lệnh chuyển của kho bạc.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Làm PV phân xã, nhất là PX miền núi (kể cả phóng viên nữ) nhất thiết không được phép "không biết uống rượu". Và nữa, không được say xe. PV Hương Thu khi mới chuyển từ PX Phú Thọ lên Lào Cai than thở: "Số rượu uống ở Phú Thọ gần 5 năm còn ít hơn ở Lào Cai một tháng". Nhập gia tùy tục, nếu không thể hòa nhập với cuộc sống người dân vùng cao thì khó mà trò chuyện lấy được thông tin, khó mà khiến họ thẳng thắn chia sẻ hay giãi bày bất cứ điều gì. Nếu say xe thì đi lên đường đèo núi ngoằn ngoèo coi như PV chào thua, hoặc có cố gắng đến nơi thì cũng không còn sức mà tác nghiệp nữa. Bên cạnh đó còn phải hiểu biết về phong tục tập quán của người bản địa. Nhiều PV từng lên thường trú ở PX Lào Cai trong thời gian đầu đã bị phạt tiền oan vì xuống nhà đồng bào mà không để ý đến thói quen của họ. Ví dụ như đến nhà người Mông, nếu thấy cành cây treo trước cửa thì cấm không được tự tiện gõ cửa hay đẩy cửa vào vì có thể nhà họ làm lễ, có người mới sinh hoặc kiêng kỵ gì đó... Tất nhiên, tất cả những kiến thức nghiệp vụ hay ngoài nghiệp vụ trên đều sẽ dần được bồi đắp trong quá trình thường trú tại địa phương, nhưng chỉ dành cho những PV thực sự cầu thị, còn với những người mà sức ỳ lớn thì khi về PX sẽ trở thành cái "bóng" chẳng ai biết đến. Bởi vậy, PX chính là môi trường thử thách, cũng là nơi sàng lọc PV chuẩn xác nhất. Tôi tin tất cả những PV đã và đang ở PX sẽ cảm nhận rất rõ điều này.

        Làm sao để xứng mặt "đại diện cơ quan"?

Ai cũng biết, PX chính là "bộ mặt" của cơ quan tại địa phương. Vậy làm sao để gương mặt ấy đừng nhếch nhác và tự ti? Ngoài nỗ lực của các PV, cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức của cơ quan, trước hết về cơ sở vật chất. Trụ sở (hay còn gọi là Trung tâm thông tin) ở các địa phương cần phù hợp với cảnh quan môi trường trên địa bàn và tương xứng với các cơ quan bên cạnh. Nói thế không có nghĩa là phải xây làm sao thật to lớn, hoành tráng (dễ bị lãng phí). Vấn đề là các trụ sở PX cần có đầy đủ phòng chức năng như: phòng tiếp khách, phòng họp, phòng làm việc, phòng nghỉ cá nhân, nhà vệ sinh, nhà để xe, nhà kho... Sự thật là nhiều trụ sở PX bị xuống cấp, dột nát, hư hỏng, gây khó khăn cho PV trong công tác và sinh hoạt. Với những PX như vậy, cho dù anh em có cố gắng dọn dẹp, lau chùi đến đâu vẫn không ăn thua. Hầu hết PV phân xã xa nhà nên ăn uống, ngủ nghỉ ngay tại cơ quan. Nếu không quan tâm thật sự đến đời sống của anh em, tất yếu dẫn đến tình trạng PV ăn tạm, ngủ tạm, ở tạm và cuối cùng là thành "người tạm", khó có thể đòi hỏi họ chuyên tâm làm việc và cống hiến cho cơ quan với những trọng trách đã nói trên.

Trang thiết bị cho PV tác nghiệp cũng là vấn đề gây trăn trở đối với các PX, đặc biệt là máy quay để làm thông tin truyền hình. PV Tạ Toàn (PX Phú Thọ) đã từng bị nhân viên bảo vệ "mời" ra khỏi Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng năm 2011 chỉ bởi quay phim bằng máy quay nhỏ do cơ quan cấp, mặc cho anh ra sức phân bua mình là PV của TTXVN. Chỉ đến khi anh đưa thẻ của Ban tổ chức cấp, họ mới đồng ý cho tác nghiệp. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Thực ra, máy quay nhỏ tiện lợi khi phải di chuyển xa hay cần ghi hình trong những trường hợp khẩn cấp, nhưng nếu sử dụng để phỏng vấn lãnh đạo hoặc ghi hình tại các sự kiện lớn thì dễ gây khó khăn cho phóng viên vì người được phỏng vấn có thể có tâm lý thiếu tin tưởng nhà báo.

Ngoài ra, còn một vấn đề "Biết rồi! khổ lắm nói mãi" nhưng thiết nghĩ vẫn cần được nhắc đến ở đây, đó là việc thống nhất cách tính định mức và công tác phí hàng tháng một cách linh hoạt trên cơ sở đánh giá được thực chất PV, khuyến khích PV phát huy tay nghề, tích cực thực hiện các loại hình thông tin của ngành, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và đảm bảo tính đa dạng trong thông tin thông tấn. Xây dựng và thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ, đãi ngộ xác đáng, công khai cũng là những yếu tố quan trọng để anh chị em PV phân xã yên tâm công tác.

Lục Văn Toán (Trưởng Phân xã Lào Cai)
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phân xã trong nước với tầm nhìn năm 2020 (28/02/2012 15:20:23)

Cần một "bản quy hoạch tổng thể" cho hệ thống Phân xã  (28/02/2012 15:09:41)

Trung tâm thông tin TTXVN ở địa phương: Tại sao không? (17/01/2012 12:20:18)

Nhiều việc cần làm ngay  (17/01/2012 12:14:48)

Niềm vui và thách thức (21/12/2011 10:23:47)

Phân xã vẫn còn "thiếu trước, hụt sau" (21/12/2011 10:15:35)

Trăn trở của "người trong cuộc" (21/12/2011 10:11:02)

Cần có "chiếc áo mới" cho phân xã (22/11/2011 15:03:16)

Xây dựng phân xã toàn diện: Cần có con người, tổ chức và cơ chế chính sách phù hợp (22/11/2011 14:54:08)

Hệ thống phân xã trong nước nhìn từ góc độ quản lý (11/10/2011 08:40:04)