Thứ năm, ngày 02/05/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Nâng cao chất lượng thông tin ảnh tai các phân xã


(27/03/2012 16:01:11)

Phải khẳng định rằng, với một đội ngũ phóng viên hùng hậu, được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ ở khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 27 phân xã tại các điểm trọng yếu về thông tin trên thế giới, TTXVN có lợi thế rõ rệt trong việc thực hiện thông tin bằng ảnh.

           Trong năm 2011, lượng ảnh của phóng viên các phân xã gửi về Ban Biên tập Ảnh đã tăng đáng kể với chất lượng được nâng cao, nội dung phong phú, đa dạng hơn, phản ánh khá kịp thời các sự kiện thời sự, góp phần tích cực trong việc thông tin bằng ảnh. Tính đến hết tháng 11/2011, Ban Biên tập Ảnh đã nhận và xử lý 2843 chủ đề của phóng viên thường trú địa phương, cộng tác viên trong và ngoài nước với tổng số trên 6700 ảnh được phát trên mạng thông tin dịch vụ của TTXVN.

Đi thường trú nước ngoài là dịp tốt hiếm có để ghi vào ống kính cái hay, cái đẹp, nét độc đáo trong đời sống văn hóa, xã hội của nước bạn. Máy ảnh số sẽ giúp các nhà báo thực hiện công việc đó. Ngoài ra, các phóng viên phân xã nước ngoài hoàn toàn có thể phối hợp với Ban Biên tập Ảnh nghiên cứu tổ chức các cuộc triển lãm ảnh về Việt Nam ở nước ngoài cũng như về nước bạn ở Việt Nam. Thực tế, chúng ta đã tổ chức thành công các triển lãm về các nước Anh, Nga, Cuba, Mexico... ở Việt Nam và triển lãm về Việt Nam ở một số nước như Anh, Cuba, Mỹ...

 

Tổng số cộng tác viên của Ban Biên tập Ảnh tính đến thời điểm này là 132 người, trong đó có 91 cộng tác viên trong nước thuộc 58/63 phân xã và 41 cộng tác viên ở nước ngoài thuộc 22/27 phân xã. Ban Biên tập Ảnh luôn ghi nhận và trân trọng sự hợp tác tích cực của đội ngũ phóng viên tại các phân xã, có những người trong một năm gửi về hàng trăm ảnh, tỷ lệ sử dụng cao như: Minh Tâm (Hà Giang), Văn Đức (Quảng Ninh), Công Hải (Lai Châu), Quốc Việt (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Văn Nhật (Nghệ An), Công Tường (Hà Tĩnh), Văn Sơn (Đà Nẵng), Đăng Lâm (Quảng Ngãi), Công Thử (Ninh Thuận), Huỳnh Sử (Bạc Liêu), Đình Lanh, Cường Dũng (LB Nga), Hoàng Chương (Lào), Chí Hùng (Campuchia), Xuân Vịnh (Trung Quốc)... Nhiều phóng viên tự đầu tư máy móc phương tiện còn "xịn" hơn cả trang bị của phóng viên Ban Biên tập Ảnh.

Nhưng bên cạnh những nhân tố tích cực, nhiều phân xã rất ít, thậm chí chưa một lần góp mặt trong hoạt động thông tin bằng ảnh. Thời gian gần đây, nhiều sự kiện xảy ra như băng tuyết giá lạnh kỷ lục ở châu Âu, vận động bầu cử, biến động kinh tế, chính trị tại nhiều nơi trên thế giới... nhưng hầu như không có ảnh của phóng viên các phân xã nước ngoài gửi về.

Phóng viên tại phân xã có điều kiện thuận lợi là nắm chắc tình hình địa phương, có nhiều mối quan hệ, thông thuộc địa bàn... nên rất thuận lợi cho việc tiếp cận nhân vật, sự kiện để tác nghiệp về ảnh. Tuy nhiên, số phóng viên tại phân xã tận dụng được ưu thế này chưa nhiều. Ảnh của một số phóng viên gửi về nhiều khi còn quá tự nhiên chủ nghĩa, thiếu chọn lọc đối tượng, thiếu sự chỉn chu về bố cục, ánh sáng, hàm lượng thông tin báo chí trong ảnh chưa cao. Có thể do quan điểm, với phóng viên phân xã, làm ảnh chỉ là nhiệm vụ thứ yếu, lại thêm thời gian tác nghiệp gấp rút, cần làm tin gửi về ngay nên nhiều người không dành thời gian thích đáng cho ảnh. Nhiều trường hợp phóng viên "dán" nguyên cả tin để làm chú thích ảnh (có khi dài cả trang) gửi về, trong khi chú thích chỉ cần ngắn gọn, đủ thông tin. Nhiều ảnh gửi về chỉ thông tin vặt vãnh, mang tính địa phương, rất khó dùng vì không xứng tầm với một hãng thông tấn quốc gia (Ban Biên tập Ảnh đã chọn một số ảnh không sử dụng được, góp ý trên Nội san Thông tấn để các tác giả rút kinh nghiệm).
Học viện lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ ảnh báo chí cho phóng viên các phân xã phía nam đi thực tập ở tỉnh Bình Phước.

Thực tế, chỉ cần các phóng viên mang tư duy khi làm tin đưa vào ảnh, có ý thức nâng cao tay nghề, khi chụp trau chuốt khuôn hình một chút thì chất lượng tác phẩm sẽ tốt. Theo chúng tôi, để nâng cao chất lượng thông tin ảnh của các phân xã, việc tổ chức các lớp học về nghiệp vụ ảnh là rất hiệu quả. Trong năm 2011, Ban Biên tập Ảnh phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn tổ chức thành công hai lớp nghiệp vụ ảnh báo chí cho phóng viên các phân xã phía Bắc và phía Nam. Thực chất những khóa học ngắn ngày này là những buổi trao đổi kinh nghiệm giữa phóng viên Ban Biên tập Ảnh với phóng viên tin của phân xã, bổ túc kiến thức cơ bản về ảnh báo chí, kỹ năng khai thác thiết bị hiện có, qui chuẩn về kỹ thuật xử lý ảnh và truyền phát... Sau chương trình lý thuyết ngắn gọn, học viên được hướng dẫn thực hành ngay, thể hiện một số đề tài đã chọn và được nhận xét, phân tích ảnh chụp một cách khách quan, cụ thể. Nhiều học viên đã phát biểu rằng, trước đây cứ giơ máy lên là chụp, sau lớp học này tư duy về ảnh báo chí đã thay đổi. Quả thực, sau các khóa học, chất lượng ảnh của các phóng viên phân xã đã được cải thiện rõ rệt. Tác dụng tích cực của các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bước đầu đã được khẳng định, năm nay Ban Biên tập Ảnh sẽ tiếp tục cùng với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn triển khai các khóa tập huấn mới cho các phân xã tại địa bàn miền Trung và Tây Nguyên, tiến tới là các lớp nâng cao.

Chúng tôi cũng thấy một hình thức sinh hoạt nghiệp vụ khác, có thể sẽ rất hữu ích, đó là hằng năm cơ quan tổ chức bình chọn những bức ảnh đẹp do phóng viên các phân xã thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Những giải thưởng của cơ quan có thể không lớn, nhưng đó là sự ghi nhận, làm tăng thêm nhiệt huyết và niềm say mê nhiếp ảnh báo chí cho mỗi phóng viên phân xã.

Ban Biên tập Ảnh luôn mong muốn được là người bạn đồng hành tin cậy trong lĩnh vực tác nghiệp thông tin ảnh báo chí với các PV phân xã toàn ngành, sẵn sàng cùng thổi bùng và duy trì ngọn lửa say mê nhiếp ảnh trong đội ngũ phóng viên để chung tay hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin của cơ quan.

Nguyễn Hồng Kỳ (Trưởng phòng Tổng hợp, ban Biên tập Ảnh)
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hai ýº¿u tố nâng cao vị thế phân xã (27/03/2012 15:51:08)

Phân xã trong nước với tầm nhìn năm 2020 (28/02/2012 15:20:23)

Cần một "bản quy hoạch tổng thể" cho hệ thống Phân xã  (28/02/2012 15:09:41)

Trung tâm thông tin TTXVN ở địa phương: Tại sao không? (17/01/2012 12:20:18)

Nhiều việc cần làm ngay  (17/01/2012 12:14:48)

Niềm vui và thách thức (21/12/2011 10:23:47)

Phân xã vẫn còn "thiếu trước, hụt sau" (21/12/2011 10:15:35)

Trăn trở của "người trong cuộc" (21/12/2011 10:11:02)

Cần có "chiếc áo mới" cho phân xã (22/11/2011 15:03:16)

Xây dựng phân xã toàn diện: Cần có con người, tổ chức và cơ chế chính sách phù hợp (22/11/2011 14:54:08)