Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

"Nhà bÃắo - ngẳồáỪŨi làm du láỪỀch thÃƠng thÃắi"


(07/06/2007 10:53:00)

Nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti, tác giả cuốn sách Un Vietnamien bien traquille (được dịch là "Một người Việt Nam thầm lặng") viết về Anh hùng, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, đã nói như vậy về cuộc đời làm báo của mình. NSTT ghi lại những bộc bạch của ông về nghề báo và những kỷ niệm trong nghề với độc giả Việt Nam và những người làm báo Việt Nam trong buổi giao lưu thân mật tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội giữa tháng 4/2007.

            - Với 15 năm theo dõi khu vực Đồng Nam Á, đặc biệt là nhiều lần đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam trước đây, ông  có kỷ niệm hay ấn tượng sâu nặng gì về đất nước chúng tôi?

            Tôi may mắn được làm nghề báo từ rất sớm với vai trò biên tập viên của báo Le Monde. Năm 1968, tôi được tòa soạn cử đến theo dõi và đưa tin về chiến tranh ở Việt Nam. Năm 1991, khi về hưu, tôi cùng một số đồng nghiệp mở nguyệt san "Tiêu điểm Đông Nam Á". Vì vậy, tôi càng có nhiều cơ hội được tìm hiểu về khu vực cũng như đất nước của các bạn.

            Tôi phải thừa nhận mình là người rất may mắn vì trong cuộc đời làm báo, tôi đã được tiếp xúc với những con người xuất sắc của Việt Nam. Trong đó, đáng nhớ nhất là cuộc gặp gỡ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2004 nhân kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Hôm đó, tôi được ông kể cho nghe những câu chuyện về cuộc kháng chiến vĩ đại của các bạn.

            Trước đó, tôi được gặp tướng Nguyễn Chuông và được ông kể cho nghe chính cuộc đời ông, về quá trình trưởng thành từ một tiểu đội trưởng lên một vị tướng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Tôi đã hiểu thêm rất nhiều về con người, đất nước các bạn.

            Nhưng có lẽ may mắn nhất là cơ hội làm việc cùng Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, Anh hùng quân đội của các bạn. Tôi quen biết ông ở Sài Gòn và từ đó tôi coi ông như người thầy chiến lược trong cuộc đời làm báo. Năm 1984, gặp lại ông, được làm việc cùng ông, tôi ngày càng thấy rõ ông là một nhà chiến lược tài ba, người mà tôi có thể tham khảo ý kiến, học tập được rất nhiều. Hơn 20 năm quen biết, tôi rất ấn tượng ở ông một trí nhớ siêu phàm, một nhà báo tuyệt vời luôn giúp đỡ đồng nghiệp trong khó khắn. Ông là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời làm báo của tôi.

            - Nếu để nói về nghề mà ông đã chọn, ông sẽ nói gì?

            Tôi rất tâm đắc câu nói của một nhà báo nổi tiếng: "Nhà báo là người làm du lịch một cách thông thái". Nhà báo sẽ đến những nơi mà những người du lịch khác không muốn đến vì quá nguy hiểm. Tức là sẽ đến chỗ nào có thông tin, sự kiện xảy ra. Điều hấp dẫn tôi trong nghề chính là tôi có thể đi du lịch đến nhiều nơi trên thế giới mà không mất tiền (cười).

            Tôi rất hài lòng về công việc của mình. Làm báo, bạn sẽ được sống hai cuộc sống có nghĩa là bạn được sống nhiều hơn. Dù khó khăn và đầy thách thức nhưng nếu được chọn lại tôi vẫn sẽ chọn cái nghề mà tôi đã cống hiến suốt hơn 40 năm qua, cái nghề mà không bao giờ chúng ta phải buồn phiền vì nó.

            - Theo ông người làm báo cần có những tố chất gì?

            Nghề báo là một nghề đồi hỏi tổng hợp nhiều tố chất. Nhưng theo tôi, người làm báo cơ bản phải hội tụ 4 phẩm chất sau:

            Thứ nhất là tò mò, ham hiểu biết. Đây là phẩm chất nuôi dưỡng lòng nhiệt tình làm báo. Thích khám phá những điều mới mẻ sẽ khiến những bài báo luôn mới mà giàu sức sống. Khi cần nhà báo phải biết hy sinh những quyền lợi cá nhân, những ngày nghỉ cùng gia đình để theo đuổi thông tin mà mình thấy hấp dẫn.

            Thứ hai là cá tính. Dù khó khăn đến mấy, người làm báo phải luôn duy trì lòng quyết tâm chuyển thông tin đến cho công chúng. Nhà báo phải luôn có chính kiến của mình trong tác nghiệp.

            Thứ ba là khả năng sư phạm. Đó chính là khả năng truyền đạt thông tin đến với công chúng. Như một đầu bếp giỏi, nhà báo phải biết cho độc giả "ăn" những món ăn ngon, dễ tiêu hóa và phong phú từ những nguyên liệu mà anh ta thu thập được.

            Phẩm chất thứ tư là sự nhạy cảm. Đây chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt trong việc lựa chọn đề tài. Nhà báo phải biết "đánh hơi" được vấn đề. Điều này sẽ giúp cho anh ta đi thẳng vào vấn đề, đỡ tốn công tốn sức. Và vì thế, có thể cùng đi khai thác thông tin nhưng những nhà báo nhạy cảm sẽ có được những sản phẩm trúng hơn, sắc hơn.

            Ngoài ra, còn phải kể đến những yếu tố khác như tính kỷ luật, khả năng khai thác thông tin... Nhà báo phải biết ghi lại thông tin và quan trọng hơn là có thể sử dụng thông tin đó sau 20 năm. Rất nhiều người trong chúng ta chỉ biết ghi lại thông tin một cách chăm chỉ mà không tiếp tục khai thác nó như một nguồn tư liệu quý giá. Nhà báo giỏi phải biết lưu trữ những gì sẽ là quý báu sau này.

            - Nhiều người cho rằng để có được thông tin tốt nhà báo phải sống cuộc sống của nhân vật, sự kiện. Ông nghĩ sao?

            Đúng thế, điều đó sẽ tạo nên sức sống của tác phẩm báo chí. Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng hơn lại chính là việc giữ khoảng cách với nhân vật, sự kiện, con người. Quá "dính sát" vào đối tượng mà không tạo được khoảng cách cần thiết thì có thể việc truyền đạt hình ảnh về con người, sự kiện đó sẽ không có được sự khách quan cần thiết. Nhà báo phải biết cách làm chủ tình hình, không để bị cuốn theo những việc xa rời nội dung chính...

            - Đâu là điều quan trọng nhất trong một bài báo? Kinh nghiệm của ông trong việc tạo sự hấp dẫn cho các bài viết của mình?

            Tiêu đề, tít bài báo phải thể hiện được nội dung chính của bài báo. Sự hấp dẫn của chủ đề hay sẽ quyết định đến sự hay dở của bài báo đó, đây là yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó bài báo phải lực chọn được tiêu điểm. Nói cách khác là phải làm tốt kỹ thuật khai thác thông tin. Biết cách đi đúng con đường để việc truyền đạt thông tin hiệu quả nhất. Sau đó, phải kể đến là sapo. Độc giả khi đọc nó là muốn đọc ngay bài báo và đọc đến cùng. Sappo là con đường dẫn người đọc tiến được chủ đề gần hơn. Phần kết luận phải có sự đúc rút thỏa mãn độc giả và đảm bảo tính logic trong toàn bài viết.

            - Cảm ơn ông và chúc ông thật nhiều sức khỏe!

Lâm Khánh (ghi)
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nâng cao chất lượng biên tập, biên soạn tin, bài tư liệu (15/05/2007 11:15:48)

Cần làm việc chuyên nghiệp hơn (15/05/2007 11:13:42)

Người hai lần được giải A giải báo chí trẻ - Nữ nhà báo Phạm Thùy Hương (15/05/2007 09:06:53)

Tản mạn chuyện tít (15/05/2007 09:04:40)

15 phóng viên TTXVN trẻ dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ (08/05/2007 14:24:53)

Kết quả giải báo chí Trẻ TTXVN năm 2007 (18/04/2007 16:39:16)

Đồng nghiệp ơi, thương lấy chúng tôi cùng! (18/04/2007 15:55:42)

"ChÃỨng tÃƠi khÃƠng sáỪỔng tháỪŨ ẳắ, thÃễch hẳồáỪỲng tháỪầ" (18/04/2007 15:05:53)

Phóng viên TTXVN giành giải nhất cuộc thi viết về nhân vật tiêu biểu 2006 trên VTV.VN (08/03/2007 09:58:39)

TTXVN đoạt một giải cá nhân báo chí viết về tài chính (08/03/2007 09:56:11)