Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Chuyện nghề nghiệp:

Tản mạn chuyện tít


(15/05/2007 09:04:40)

Hơn 20 năm nay, trong không khí "đổi mới" chung và đặc biệt là ảnh hưởng của cơ chế thị trường, những người làm báo càng tỏ ra quan tâm hơn đến cái đầu đề của tin mà ta quen gọi theo tiếng Tây là "tít".

Thực tế mà nói, đối với tin điện của các hãng thông tin, tít vẫn không được xem là quan trọng vì người đọc và sử dụng thường là nhà báo, những biên tập viên dạn dày kinh nghiệm nghề nghiệp.

Nếu như phần lớn tin điện của các hãng thông tấn chỉ gồm một hay hai chữ, nặng tính ký hiệu thì tít của các báo viết lại "muôn hình vạn trạng" và vô cùng phong phú.

Trước hết, phải nói rằng, các tin bài giờ đây không còn tình trạng "một tin một tít" hay nói một cách hài hước là "một vợ một chồng" mà đã trở thành "đa thê thiếp".

Xin lấy một ví dụ. Đó là tin tường thuật về một phiên họp của Quốc hội đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngày 31/3/2007.

Tít dẫn: Quốc hội thảo luận chống tham nhũng, chất vấn Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo.

Tít chính: Chống tham nhũng: "Nước sạch phải từ đầu nguồn".

Tít phụ: Phấn đấu sau 3 năm giải quyết căn bệnh "ngồi nhầm lớp".

Trong tin lại có ba tít nhỏ: "Khả năng bỏ kỳ thi đại học từ năm 2006", "Giáo viên sẽ được nâng lương" và "Học sinh kém sẽ được phụ đạo hè".

Tổng số chữ của 6 tít cũng xấp xỉ một cái tin ngắn và ghép các tít lại, gia giảm chút đỉnh, người ta cũng có một cái tin báo đạo về phiên họp Quốc hội ngày 30/3.

Nhưng tại sao lại có tình trạng tít của tin trên các báo in ngày một dài ra, ngày càng được trau chuốt hơn?

Theo nghiên cứu ở một số nước châu Âu, là những nước có truyền thống lâu đời về báo in thì nếu trước đây, một độc giả ham đọc báo, một ngày dành trung bình 30 phút để đọc báo thì nay chỉ còn 20 phút. Vì vậy, để bán báo chạy, người ta phải tìm cách "gói ghém" tất cả những cái gì độc giả đọc trước đây trong 30 phút vào trong 20 phút. Độc giả lại có thói quen "lướt" qua các tít và chỉ dừng lại ở các tin, bài có cái tít hấp dẫn. Cái tít trở thành khuôn mặt duyên dáng của một cô gái để quyến rũ mọi chàng trai trong cái nhìn đầu tiên. Tít đã trở thành cái "nhãn" hàng hóa để khách hàng chọn lựa.

Những tờ báo ngày nay thường dày trên chục trang, đương nhiên là độc giả trước tiên phải đọc tít. Khi họ dừng lại ở một cái tít nào đó thì cái phần mào đầu (tiếng Pháp gọi là chapeau, tiếng Anh: lead) hay hay dở sẽ khiến họ đọc tiếp hay không.

Trước lúc bàn về các kiểu tít khác nhau, chúng ta cũng nên đề cập đến sự dài ngắn của chúng. Đương nhiên là tít không thể quá dài vì dài mà nhạt nhẽo thì như thế sẽ phản tác dụng. Ngược lại, tít không thể quá ngắn khiến cho người đọc không thể mường tượng được nội dung của cái tin.

Trong tiếng Việt, hiếm có những cái tít một hoặc hai từ cụt ngủn. Chúng thường chỉ xuất hiện dưới dạng tít nhỏ trong các tin, bài dài.

Có lẽ, nhà báo mạnh dạn dùng những cái tít ngắn chỉ có hai chữ là Bác Hồ, như "Lễ cưới" hay 'Bình đẳng'. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng các bài báo của Bác thường được đăng ở những chỗ trang trọng của tờ Nhân dân, ở những chuyên mục đặc biệt và độc giả biết rõ bút danh của Bác nên cái sự ngắn gọn của đầu đề lại càng thu hút sự chú ý của độc giả.

Thường thì tít ngắm nhất cũng là 3 từ như 'Huân chương xã' (báo Lao động ngày 23/3/1997). Nhiều bài báo của Bác chỉ gồm 4 từ như 'Hoa Việt thân thiện', 'Phải giữ bí mật'.

Trên thế giới này, có những cái tít ngắn những coi như là mẫu mực. Cách đây nửa thế kỷ khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người 'Sputnik', báo chí thế giới đã  ganh đua nhau để 'giật' những cái tít độc đáo. Nhưng cái tít được khen ngợi nhất là của nhà thơ cộng sán Pháp Louis Aragon. Đương nhiên, Aragon vốn là bậc thầy về ngôn từ của nền văn chương Pháp hiện đại. Hơn thế nữa, ông lại rất uyên bác. Mọi người đều biết rằng trong lịch sử phát triển của loài người, từ thời kỳ hoang dã bước sang thời kỳ văn minh, việc sử dụng lửa đánh dấu một bước ngoặt đặc biệt, vô cùng quan trọng. Vì vậy, Aragon đã đặt tít  cho bài báo của mình là 'Người Nga đã tìm ra lửa'. Cái tít của Aragon không dựa vào kỹ xảo ngôn ngữ. Nhưng tư duy của ông chứng tỏ sự uyên bác và thâm thúy của một trí thức lớn.

Phải nói rằng, ngày nay, báo chí của chúng ta đã tận dụng khá hay các tiểu xảo ngôn ngữ cũng như các thủ pháp văn học để đặt tít. Nhiều câu Kiều đã trở thành tít cho bài báo. Các câu ca dao nổi tiếng cũng thường xuyên xuất hiện. Các thành ngữ như 'Gậy ông đập lưng ông', 'Bắt cóc bỏ đĩa' thường xuyên xuất hiện trên các trang báo khi nói đến những hiện tượng xã hội tương tự. Thậm chí, các nhà báo còn sáng tạo nên những hình tượng văn học mới mẻ như: 'Nắng muỗi mưa ruồi', (bài 'Khu vực kênh 19/5: Nắng muỗi mưa ruồi', báo Sài Gòn Giải phóng ngày 30/3/2007).

Chỉ tiếc rằng, một vài hình tượng dùng một vài lần thì hay nhưng nhiều người dùng quá thì trở nên nhạt nhẽo. Người đầu tiên dùng tít: '...thổi hồn cho đá' để ca ngợi tài năng của một nghệ sỹ điêu khắc thì thu hút sự chú ý của độc giả. Nhưng rồi sau đó, liên tục xuất hiện các tít '... thổi hồn cho gỗ', '... thổi hồn cho đất', hoặc '... thổi hồn cho tiếng sáo' thì độc giả đã ngán đến tận cổ!

Đương nhiên, trong một số báo, một bản tin phải có nhiều cách, nhiều kiểu đặt tít khác nhau. Bên cạnh những cái tít nghiêm trang, phải có những cái tít lửng lơ như 'Xe dù' dễ nhận biết, chỉ tại...'(báo Sài Gòn giải phóng 30/3/2007).

Sử dụng thể nghi vấn cũng là một thủ pháp thông dụng nhưng đang bị lạm dụng. Trên mặt báo nhan nhản những 'Bao giờ'?, 'Tại sao?' đang làm cho độc giả mỏi mắt.

Ngược với cái áo ngôn ngữ, đủ màu sắc, tít chỉ có hai dạng cấu tạo'

Dạng thứ nhất là khái quát nội dung của tin, bài: đây là dạng tít phổ biến nhất. Từ cái tít đơn giản như: 'Phong tặng danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Viện vũ khí' (tin TTXVN) đến cái tít màu mè hơn 'Xóm Rẫy trù phú giữa rừng U Minh' (báo Nhân dân ngày 2/4/2007) đều cùng một nguyên lý cấu tạo là thông tin nội dung của sự việc. Ví dụ đầu tiên trong bài viết này, một cái tin với 4 loại tít cũng thuộc dạng này.

Dạng thứ hai nêu lên khía cạnh hay vấn đề, sự kiện nổi bật có nhiều sự việc, nhiều lời phát biểu nhưng chỉ nêu lên trên tít, sự kiện hoặc lời phát biểu quan trọng nhất, nổi bật nhất. Ví dụ 'Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khen thưởng phải cho đúng, cho trúng' (tin TTXVN). Trong tin về phiên họp thứ 22 Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngày 1/4/07, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu ý kiến chỉ đạo về nhiều vấn đề nhưng tin chỉ nêu lên tít một ý kiến mà phóng viên cho là quan trọng nhất.

Trong bài 'Khi sỹ quan trẻ 'bỏ ống' mua máy vi tính' đăng trên báo Quân đội nhân dân ngày 31/3/07, tác giả không bàn nhiều về công nghệ thông tin và những đặc trưng khác trong nhân cách của sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam mà nhấn mạnh về tính tiết kiệm chi tiêu để mua máy tính.

Mở các tờ báo hàng ngày, chúng ta có thể tìm thấy đủ các loại ví dụ về hai dạng tít nói trên. Một cái tít không thuộc loại này tất thuộc loại kia. Những cái tít có vẻ 'lơ lửng con cá vàng' xét cho kỹ cũng thuộc một trong hai loại trên.

Để kết thúc bài viết lan man về tít này, chúng ta thử bàn xem thế nào là một cái tít hay. Rõ ràng là có nhiều yếu tố và tiêu chuẩn khác nhau. Một cái tít ngắn gọn, dùng từ đắt, tạo ra một hình ảnh độc đáo hay mang tính 'tư tưởng' cao như trước đây ta thường nói- tất cả đều là những yếu tố không thể xem nhẹ. Tuy nhiên, nguyên tắc cao nhất để đánh giá một cái tít chính là sự tương thích giữa tít và tin, bài mà nó được chọn làm nhân viên 'tiếp thị'.

Đã có những cái tít rất 'kêu', cuốn hút ngay độc giả nhưng rồi đọc xong, độc giả thất vọng và cảm thấy mình bị lừa. Với chuyện treo 'đầu dê bán thịt chó' này, cả cái tin sẽ bị coi như một cô gái xấu xí đánh lừa mọi người bằng son phấn. Cũng tương tự như vậy là một bài viết 'bị thương' mang một cái tít chọc cười và một cái tin lạc quan có cái tít buồn như đưa đám.

Tạm lấy hai ví dụ từ tờ Tin Tức của chúng ta. Đó là hai cái tít hay gây chú ý. 'Con kênh xanh xanh màu... cỏ dại' - nói về chuyện bỏ hàng trăm triệu đồng để xây dựng một con kênh không dẫn nước mà chỉ để cho cỏ dại mọc. Cái tít đại diện cho nội dung cái tin bên dưới. Có thể nói là một cái tít hay nếu chúng ta không quá khắt khe hoặc sau này phát hiện ra rằng các chi tiết là bịa đặt.

Còn một cái tít khác cũng có vẻ hay hay: 'Hoà thượng Thích Tố Liên - tấm gương quy y'. Nhưng đọc hết tin không thấy tấm gương quy y ở đâu trừ việc từ 13 tuổi lên tu ở chùa Hương Tích... Và càng không hiểu Hòa thượng đã góp phần 'xây dựng Phật giáo Việt Nam và Phật giáo quốc tế' như thế nào. Là một cái tít hay nhưng mất hay nếu người ta đọc cả cái tin.

Chúng ta biết, báo chí có nhiều thể loại. Giữa chính luận và tiểu phẩm, giữa tin thông tấn và phóng sự đòi hỏi những cách đặt tít khác nhau. Và tuỳ theo chủ đề: ca nhạc, hội họa, kinh tế, chính trị, thể thao, y học... cần có những cái tít thích hợp. Và giờ đây, thêm những danh từ mới xuất hiện, khiến cho tít mang tính thời đại hơn.

Chỉ cần thêm bớt mấy chữ, một cái tít 'bình bình' có thể 'sáng' hẳn lên. Mấy hôm nay, các báo đều đưa tin về ông Bao Xishun 56 tuổi, người Trung Quốc và là người cao nhất thế giới cưới vợ. Các báo đều giật tít na na nhau: 'Người cao nhất thế giới cưới vợ'. Cái tít của phóng viên hãng Reuter ở Bắc Kinh ngắn gọn, hàm xúc nhưng khá đặc sắc vì chứa đựng nhiều thông tin và hóm hỉnh: 'Tall man falls for girl under his nose', có thể phỏng dịch là 'Người đàn ông cao kều si mê cô gái thấp hơn mũi'. Cái tít phản ánh một cuộc hôn nhân có tình yêu vì có thể lấy nhau, cưới nhau mà không yêu nhau và cô dâu thấp hơn chú rể 60cm, nghĩa là đứng thấp hơn mũi chú rể.

Xét cho cùng, cái tít cũng là chuyện còn phải bàn dài dài.

Nguyễn Đức Giáp
Nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

15 phóng viên TTXVN trẻ dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ (08/05/2007 14:24:53)

Kết quả giải báo chí Trẻ TTXVN năm 2007 (18/04/2007 16:39:16)

Đồng nghiệp ơi, thương lấy chúng tôi cùng! (18/04/2007 15:55:42)

"ChÃỨng tÃƠi khÃƠng sáỪỔng tháỪŨ ẳắ, thÃễch hẳồáỪỲng tháỪầ" (18/04/2007 15:05:53)

Phóng viên TTXVN giành giải nhất cuộc thi viết về nhân vật tiêu biểu 2006 trên VTV.VN (08/03/2007 09:58:39)

TTXVN đoạt một giải cá nhân báo chí viết về tài chính (08/03/2007 09:56:11)

Cả hai phóng viên phân xã Lâm Đồng đều đoạt giải báo chí (08/03/2007 09:55:26)

"Thời trai trẻ" Cuốn hồi ký của một tấm lòng đầy ân tình (08/03/2007 09:13:27)

Từ một bài báo, nghĩ về công tác phóng viên ở nước ngoài (06/03/2007 10:22:13)

Viết tin kinh tế - những lầm lẫn về số liệu và khái niệm (06/03/2007 10:18:40)