Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tin tức trong ngành

Nhớ anh Nguyễn Công Khuyến!


(04/05/2022 14:03:41)

Anh Nguyễn Công Khuyến (1936-2022), nguyên Tổng biên tập báo Việt Nam News (Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN), đã mất ngày 22/4/2022, hưởng thọ 87 tuổi. “Quy tiên” ở tuổi này cũng có thể coi là “hồng tang” rồi, nhưng rất nhiều người quen thân anh vẫn bàng hoàng, thương nhớ, tiếc một cây bút viết báo tiếng Anh tài đến mức “Tây” phải “ngả mũ” nể trọng. Vậy là một bậc kỳ tài về báo chí tiếng Anh của TTXVN trong những thập niên cuối của thế kỷ 20 đã ra đi.

 

Nhà báo Nguyễn Công Khuyến (1936-2022)

Khi tôi mới “chập chững” vào nghề làm báo tiếng Anh đầu năm 1972, thì anh đã là một trong ba người Việt Nam chuyên làm nhiệm vụ hiệu đính tin, bài tiếng Anh ở Ban biên tập tin Đối ngoại. Nói ba người Việt Nam vì khi đó còn có chuyên gia người nước ngoài là ông Malcolm Salmon, một đảng viên cộng sản Australia. Hai người Việt Nam khác là các cụ Trần Văn Chương và Phạm Thịnh, cũng đều đã quá cố. 
 
Được học những năm đầu phổ thông ở Hải Phòng thời thuộc địa, rồi sau hòa bình 1954, được gia đình đưa lên Hà Nội học ở các trường trung học Nguyễn Trãi và Chu Văn An (từ 1955-1958), anh Nguyễn Công Khuyến đã giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp từ hồi ấy, giỏi đến mức đọc được tiểu thuyết bằng tiếng Anh từ khi  chưa học trung học.
 
Anh là lớp sinh viên đầu tiên của khoa Anh văn, Đại học Sư phạm Hà Nội (năm 1958, nay là khoa Tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Hàng trăm người làm báo tiếng Anh ở TTXVN, thuộc nhiều thế hệ, được “luyện” từ “lò” đào tạo tiếng Anh danh tiếng này.  
 
Ngay khi còn là sinh viên, anh đã được thày Đặng Chấn Liêu, một người thày đáng kính của hàng chục thế hệ sinh viên Anh văn Đại học Sư phạm Hà Nội, chọn làm trợ lý cho thày. Thày cho phép anh chữa bài cho các bạn cùng lớp.
 
Tổng biên tập Nguyễn Công Khuyến giới thiệu măng sét mới của báo Việt Nam News, năm 1996

Năm 1961, vào làm việc ở TTXVN, anh vẫn giữ thói quen say mê đọc sách báo tiếng Anh, nhất là sách báo do Mỹ, Anh hoặc Australia xuất bản. Nhờ thế, cách viết tiếng Anh của anh rất “Tây”, khác hoàn toàn với lối viết qua tư duy chuyển ngữ. Tuy nhiên, sự đam mê tiếng Anh đáng quý này có lúc đã “phản” lại anh. Do quá chú tâm vào chuyên môn, anh hầu như không quan tâm đến các hoạt động mang tính phong trào ở Ban biên tập nói riêng và cơ quan nói chung. Phần nữa, cũng là do cá tính của anh khiến những người không hiểu anh, chụp cho anh cái mũ  “bất cần” kiểu “phớt Ăng-lê”, hoặc “kiêu kỳ”, thậm chí là  “ngang”…
 
Cho đến trước khi anh được điều đi Campuchia làm chuyên gia tiếng Anh cho hãng thông tấn SPK năm 1983, vấn đề “vào Đảng” không được đặt ra, không chỉ với riêng chi bộ nơi anh công tác mà có lẽ cả với bản thân anh.
 
Vậy mà cuối năm 1984, chi bộ Đoàn chuyên gia TTXVN tại Campuchia xét kết nạp anh vào Đảng. Cả chi bộ giơ tay biểu quyết tán thành. Tôi vẫn nhớ có lần đồng chí Đỗ Phượng, hồi đó là Phó tổng giám đốc, kiêm Trưởng đoàn chuyên gia TTXVN tại Campuchia (kiêm nhiệm từ 1979-1983), nói với chúng tôi: nếu không vì chuyện vào Đảng của anh Khuyến, lãnh đạo cơ quan đã không điều anh ấy đi chiến trường Campuchia. Xin nói thêm, Camphuchia không phải là chiến trường đầu tiên mà anh Khuyến có mặt. Anh đã từng đến tác nghiệp báo chí tại tuyến lửa Quảng Bình hồi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nước ta và ở Lạng Sơn trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Trong chuyến đi Lạng Sơn này, nhà báo Nhật Bản Takano, đi cùng đoàn phóng viên các anh, đã hy sinh.
 
Khi chuẩn bị hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, ra quyết định chuẩn y kết nạp Đảng cho anh Khuyến, chi ủy Đoàn chuyên gia TTXVN tại Campuchia cử tôi về nước, làm nhiệm vụ “thẩm tra, xác minh lý lịch” của anh tại quê gốc (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) và tại Hải Phòng, nơi gia đình anh sống từ hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
 
Một anh cán bộ cấp ban ở TTXVN mà tôi không tiện nêu tên, nhân gặp tôi ở hành lang cơ quan khi tôi đến Văn phòng Đảng ủy xin giấy giới thiệu đi xác minh lý lịch anh Khuyến, đã rút từ túi áo ra một cuốn sổ tay, đọc cho tôi nghe những ghi chép của anh về anh Khuyến, như năm nào được cơ quan ưu ái cho đi nghỉ ở Bulgaria, năm nào được ưu ái tăng lương trước thời hạn… Đại loại toàn là những thứ anh Khuyến được “ưu ái”, rồi đặt câu hỏi: “Một con người chỉ biết hưởng thụ mà các ông định “nhuộm đỏ” à?”.
 
Anh Nguyễn Công Khuyến đã được kết nạp Đảng tại chi bộ Đoàn chuyên gia TTXVN ở Campuchia, nơi anh đến chắc chắn không phải để “hưởng thụ”.
 
Quả thật, nếu anh Khuyến không được điều đi Campuchia công tác thì có lẽ anh không thể đứng trong hàng ngũ của Đảng, bởi trở ngại chính là những đảng viên cùng công tác với anh mà không hiểu anh, thậm chí là “ganh tị”,  như người cán bộ cấp ban mà tôi kể trên đây.
 
Và nếu không là đảng viên thì chắc chắn anh không thể được giao nhiệm vụ Tổng biên tập báo Việt Nam News - tờ báo đối ngoại hàng đầu của Việt Nam.
 
Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở tờ báo tiếng Anh này, từ khi được thành lập năm 1991 đến khi anh nghỉ hưu năm 1999, với vai trò “đứng mũi chịu sào” mà lúc đầu là Phó tổng biên tập thường trực (khi đồng chí Đỗ Phượng còn kiêm nhiệm Tổng biên tập), rồi Tổng biên tập từ năm 1993.
 
May mà một tài năng như anh đã không bị bỏ phí, nhất là bị bỏ phí chỉ vì những định kiến cá nhân.
 
Terry Hartney, nhà báo người Australia, từng có nhiều năm làm việc với báo Việt Nam News, trong một bài viết đề ngày 3/11/1999 về anh Khuyến, khi anh nhận quyết định nghỉ hưu, đã nhận xét: “Khuyến là một người thày - người lãnh đạo biết truyền cảm hứng”. Rồi Hartney kể: “Một người châu Âu đến tòa soạn tìm Tổng biên tập. Khi được thông báo rằng bây giờ Khuyến không còn ở đây nữa và rằng hôm trước ông ấy đã thông báo nghỉ hưu, người lạ mặt này thốt lên: ‘Đó thực sự là một tổn thất. Ông ấy là tổng biên tập tốt nhất mà tôi từng gặp’, rồi người châu Âu này rời tòa soạn mà không một ai trong chúng tôi biết ông là ai, đã gặp Khuyến như thế nào” (theo cuốn “Ship with Paper Sails - Story of a Ha Noi Newsman”).  
 
Gần như toàn bộ cuộc đời anh Khuyến và hoạt động báo chí của anh gắn với tiếng Anh để cuối cùng được “nén” lại trong cuốn hồi ký “Ship with Paper Sails – Story of a Ha Noi Newsman” (tạm dịch: Con tàu với những cánh buồm báo chí – chuyện về một phóng viên Hà Nội), anh viết bằng tiếng Anh và được Nhà xuất bản Thông tấn xuất bản lần đầu năm 2016.
 
“Con tàu”, theo lý giải của anh trong cuốn sách, chính là tờ Việt Nam News mà đồng chí Đỗ Phượng là “thuyền trưởng” đầu tiên, rồi tiếp đó là anh.
 
Anh lao tâm khổ tứ cùng đồng nghiệp xây dựng tờ báo từ những ngày khởi nghiệp đầy khó khăn và đã thành công. Việt Nam News đã trở thành tờ báo tiếng Anh ở tầm quốc gia. Anh gắn bó với “con tàu” Việt Nam NewsViệt Nam News đã làm nên tên tuổi Tổng biên tập Nguyễn Công Khuyến!
 
Nguyễn Công Khuyến là con người “đặc biệt”. Chỉ những ai hiểu được anh mới có cái nhìn chuẩn xác về anh.
 
Nhà báo Nguyễn Công Khuyến cùng tập thể tòa soạn báo Việt Nam News tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập, năm 2016

Kể lại chuyện anh nhất định không chịu thay đổi tên cuốn sách của anh, theo yêu cầu của một nhà xuất bản trong nước khi định cho dịch ra tiếng Việt để ấn hành, nhà báo lão thành Nguyễn Văn Trường, nguyên Trưởng ban biên tập tin Trong nước, nhận xét: “Khuyến là vậy, ‘bất cần’! Một người, nếu không hiểu nhau thì cho là kiêu kỳ, ngang ngạnh. Với tôi, nể trọng anh vì tính tình cương trực, chơi với ai thì hết tâm, hết tình”.
 
Đó là một nhận xét ngắn gọn nhưng chuẩn xác về tính cách của anh Nguyễn Công Khuyến!

Nguyễn Quốc Uy - Nguyên Tổng giám đốc TTXVN
Nội san Thông tấn số 4/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2022): Phân xã B Vĩnh Linh ngày ấy  (04/05/2022 10:02:42)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Lời khẩn cầu từ dòng Đà giang (04/05/2022 09:57:18)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Chúng tôi được học, được làm và chơi với nghề (04/05/2022 09:56:03)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Tìm lời giải cho vấn đề “cố hữu” (28/04/2022 16:37:13)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Giải báo chí trong đỉnh dịch (28/04/2022 16:30:25)

Lễ trao Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2021 (28/04/2022 16:27:49)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Góp sức cho cuộc bầu cử thành công (28/04/2022 16:22:39)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Phản ánh thực tiễn bằng góc nhìn lý luận (28/04/2022 16:20:45)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Lan tỏa những điều tốt đẹp (28/04/2022 16:18:09)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Danh sách Giải báo chi TTXVN năm 2021 (28/04/2022 16:16:33)