Thứ hai, ngày 29/07/2024

Tin trong ngành

Những dòng tin đầu tiên viết ở Sài Gòn


(08/05/2015 15:36:41)

… Năm 1974, tôi và một PV ảnh cùng với một tổ điện đài, được lãnh đạo TTXGP biệt phái sang Bộ Tư lệnh quân giải phóng Miền, phối hợp đưa tin chiến sự. Buổi sáng ngày 29/4/1975 ấy, tôi ở khu căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh) của Bộ Tư lệnh Miền. Bầu trời như sáng bừng lên. Các phòng ban rậm rịch đuổi bắt gà, heo, mổ thịt ăn mừng chiến thắng, cũng là để chia tay nhau, người ở lại giữ cứ, người hăm hở chuẩn bị lên đường “Tiến về Sài Gòn”. Không biết từ đâu mà lắm xe đến thế. Toàn Zin ba-cầu của Liên Xô. Rừng che bộ đội, che zin ba-cầu, lúc ấy tất cả bung ra. Dễ chừng cả ngàn xe, cái nào cũng mang cờ nửa đỏ nửa xanh hùng dũng trên mui. Trên xe, chúng tôi hát vang: “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù, tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô”.


Ngày 30/4, khi đài phát thanh phát lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh, đoàn chúng tôi tới Bà Quẹo. Cái nắng Sài Gòn và cái nóng từ trong lòng, không biết cái nào nóng hơn. Cơn khát trong cổ họng hay khát khao được tiến vào Dinh Ðộc Lập, cái nào khát hơn? Một rừng cờ hoa đổ tràn xuống đường. Cái đói và khát được giải tỏa ngay lập tức nhưng lửa đốt trong lòng lại bùng cháy dữ dội hơn lên. Cờ nửa đỏ nửa xanh, cờ đỏ sao vàng ngập phố. Bánh tét, dừa trái, xoài, chôm chôm thảy lên xe tới tấp. Bà con cô bác thân thương quá, như người thân lâu ngày gặp lại. Tới ngã tư Bảy Hiền, xe không còn nhích bánh được. Tiếng còi của nữ biệt động ré lên lảnh lót để dẹp đường nhưng tác dụng chẳng là bao. Niềm vui bị kìm nén, giờ vỡ òa không sức nào cản nổi. Nhiều cô bác nói giọng Bắc trèo cả lên xe tìm đồng hương. Những em gái Sài Gòn áo dài tươi tắn, tay vẫy miệng cười như đã thân quen. Những bó hoa hồng, hoa lay ơn thắm đỏ tung lên.
Gần 9 giờ tối, chúng tôi được đưa đến trụ sở Tổng cục chiến tranh chính trị, cách Dinh Ðộc Lập hơn cây số. Dưới ánh sáng của mấy ngọn đèn tròn mắc vội thay đèn neon đã bị phá, chúng tôi tranh thủ thu dọn giấy tờ tài liệu, báo, tạp chí, tranh ảnh… xếp vào những kệ tủ, dán giấy niêm phong, bàn giao cho đơn vị bảo vệ.
Cánh nhà báo chúng tôi được bố trí sang nghỉ ở ngôi nhà đối diện, vốn là Nha Xổ số tái thiết quốc gia. Mấy anh lính trẻ Sư đoàn10 tíu tít chào đón, luôn miệng gọi “thủ trưởng” và kể cho chúng tôi nghe cuộc hành tiến thần tốc đi gần hết chiều dài đất nước. Mười hai giờ khuya, tôi kiếm một chỗ yên tĩnh, viết bài ghi nhanh đầu tiên giữa Sài Gòn giải phóng. Bài “Niềm vui và nước mắt” ghi lại những sự kiện nóng hổi trong ngày. Viết thêm tin “Tiếp quản Tổng cục chiến tranh chính trị” trong cảm xúc dâng trào.
Sáng hôm sau, bất ngờ chúng tôi được lệnh hành quân, trở lại đường Hồng Thập Tự, đi tiếp về hướng cầu Thị Nghè, dừng lại ở số nhà 2bis, lên dốc nhỏ, hai bên lô cốt với lỗ châu mai đầy khiêu khích, đó là bản doanh của Ðài phát thanh Quân đội và nhật báo Tiền tuyến, hai cơ quan khét tiếng “chống cộng” của Mỹ ngụy. Biết được nơi đóng quân trong những ngày tới, tôi xin phép Thiếu tá Nguyễn Viết Tá về cơ quan phát tin, bài.
Ra khỏi vọng gác chưa kịp định hướng đã có một thanh niên cưỡi xe Honda chạy tới: - Chú đi đâu con chở?
- Anh có biết Việt Tấn xã ở đâu không?
- Dạ biết, nằm chung đường này.
- Cho tôi tới đó, hết bao nhiêu tiền tôi trả.
- Con cho chú quá giang thôi, ai lại lấy tiền của giải phóng.
Chưa đầy 10 phút sau, tôi đã đứng trước tấm biển khắc chữ “Việt Tấn xã” trên một phiến đá gần như hình vuông. Cạnh đó, một chiếc tăng T54 án ngữ cùng một người lính còn khá trẻ. Chà TTX oai phong quá!
Bước vội lên cầu thang gỗ mà tim tôi đập còn nghe rõ hơn cả tiếng giầy da sĩ quan. Tôi gõ cửa căn phòng có dòng chữ “Tổng giám đốc” và đẩy cửa. Nhìn thấy ông Trần Thanh Xuân, không nén được mừng rỡ, tôi kêu lên: Trời ơi, chú Năm! Ông cũng mừng không kém, đôi mắt cười sau cặp kính cận, hỏi han tôi đủ điều. Tôi đưa ông duyệt tin, bài rồi xin phép vì biết ông còn bộn bề công việc. Trở về số 2bis Hồng Thập Tự, trước hết tôi lo thủ tục để tổ điện báo trở về cơ quan theo yêu cầu.
Sau đó, dưới “vỏ bọc” một sĩ quan Phòng Tuyên huấn Cục chính trị Miền, tôi tiếp tục tác nghiệp ở những nơi mà bình thường lúc đó rất khó tiếp cận, như: Bộ Tư lệnh Hải quân, Ủy ban Quân quản, Ban quản lý tướng tá trình diện… để viết những tin, bài mà tôi tâm đắc và được nhiều báo dùng như: “Giải phóng Côn Ðảo”, “Giải phóng Trường Sacác đảo thuộc lãnh hải VN”các bài: “Ngóng chờ trong tuyệt vọng” (về những người vợ hàng ngày bồng con ngóng chờ chồng là những binh sĩ, sĩ quan hải quân ngụy), “Nỗi niềm của tướng tá bại trận” (phỏng vấn một số tướng tá ngụy)
Đầu tháng 6/1975, tôi trở về cơ quan, kết thúc chuyến biệt phái đáng nhớ của một phóng viên chiến trường.
 

Theo Nội san Thông tấn, số 4/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Một thời không thể quên (08/05/2015 15:33:43)

Câu chuyện về bức ảnh chiếc xe tăng 846 (08/05/2015 15:27:26)

Nhìn lại một quá khứ hào hùng (08/05/2015 14:46:09)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 3/2015) (03/04/2015 16:09:06)

Đào tạo báo chí trong lĩnh vực kinh tế (03/04/2015 15:14:11)

Công ty In - Thương mại TTXVN: Bước tiến mới cùng chứng chỉ ISO (03/04/2015 10:08:52)

Tự hào là "dân Thông tấn" (03/04/2015 09:34:16)

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện sách 70 năm Thông tấn xã Việt Nam (02/04/2015 15:44:11)

Năm sản phẩm thông tin mới - bước tiến mới của TTXVN (02/04/2015 15:38:58)

Phụ nữ thông tấn vượt khó làm nghề (02/04/2015 15:25:20)