Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tìm hiểu báo chí

Những kẻ nghe lén ở News of the World bị xét xử


(03/12/2013 10:24:14)

Trong bối cảnh thế giới đang sôi sục vì những thông tin do cựu điệp viên E.Snowden tung ra, theo đó nhiều chính phủ, tổ chức, cá nhân (trong đó có một số nguyên thủ quốc gia)... bị người Mỹ nghe lén đã nhiều năm qua, thì việc nước Anh đưa vụ News of the World nghe lén ra xét xử đã được công luận đặc biệt chú ý.

 

Bà Rebekah Brooks tại tòa hình sự Anh ở London

Phiên tòa xét xử vụ nghe lén đình đám liên quan đến các nhân viên của công ty truyền thông News Corp do tỉ Rupert Murdoch sở hữu bắt đầu diễn ra hôm 30/10/2013 ở London, Anh. Các công tố viên cho biết, ba cựu phóng viên của báo News of the World và một thám tử tư đã thú nhận hành vi nghe lén điện thoại.

 

Lời khai nhận này mở đầu cho một loạt những bí mật sẽ được hé lộ khi mà các công tố viên bắt đầu tiến hành xét xử các cựu tổng biên tập của tờ News of the World là Rebekah Brooks, Andrew Coulson và sáu bị cáo khác; trong đó ông Andrew Coulson đã có thời gian là phát ngôn viên của Thủ tướng Anh David Cameron trước khi phải rời khỏi vị trí này vào năm 2011- lúc xì căng đan nghe lén điện thoại bị hé lộ.

 

Rebekah Brooks, cựu tổng biên tập và đồng thời là tay chân một thời của nhà tài phiệt Rupert Murdoch, nổi lên như là tâm điểm của vụ án này. Bà đã nắm giữ chức vụ tổng biên tập của tờ báo (đã ngừng phát hành) News of the World và sau đó là tờ The Sun. Kế tiếp, bà trở thành giám đốc điều hành chi nhánh của News Corp ở Anh. Bà từ bỏ vai trò đó vào năm 2011 giữa lúc cảnh sát bắt đầu tiến hành điều tra vụ việc nghe lén điện thoại.

 

Các điều tra viên dành ngày đầu tiên để nói về cái mà họ gọi là vai trò trung tâm của bà Rebekah Brooks trong việc nghe lén điện thoại và hối lộ ở News Corp. Nhưng bà không thừa nhận các tội danh liên quan đến nghe lén điện thoại, hối lộ các quan chức và cản trở pháp lý.

 

Ông Coulson cũng phủ nhận các cáo buộc liên quan đến việc nghe lén và hối lộ các quan chức để đổi lấy các thông tin.

Tại tòa hình sự Anh ở London, các công tố viên đã vạch rõ mưu đồ đen tối trong việc nghe lén điện thoại và hối lộ quan chức của tờ News of the World và hành vi đưa hối lộ của tờ The Sun. Tại phiên tòa diễn ra hôm 30/10, các công tố viên đưa ra các bằng chứng chi tiết cho thấy, bà Brooks đã ký duyệt chi các khoản tiền lớn cho các quan chức để đổi lấy những thông tin trong thời gian bà làm tổng biên tập tờ The Sun. Cụ thể, họ cáo buộc bà cho phép chi khoảng 40.000 bảng Anh (64.000 đô la Mỹ) cho một quan chức Bộ Quốc phòng Anh. Đối với ông Coulson, các công tố viên cáo buộc rằng, khi làm tổng biên tập News of the World, ông đã duyệt các khoản tiền chi cho các sĩ quan cảnh sát để đổi lấy những cuốn danh bạ điện thoại có số điện thoại của các thành viên hoàng gia.

 

Các công tố viên cũng cho biết, Neville Thurlbeck, Greg Miskiw và James Weatherup - các cựu phóng viên của tờ báo News of the World - đã thừa nhận tội nghe lén điện thoại trước khi phiên tòa bắt đầu diễn ra. Những lời thú nhận đó chưa được công khai, nhưng các công tố viên sẽ sử dụng chúng trong phiên tòa xét xử Rebekah Brooks, Andrew Coulson và sáu bị cáo khác.

 

Nhân vật thứ tư - Glenn Mulcaire, một thám tử tư làm việc cho tờ News of the World nhằm giúp tờ báo này thu thập thông tin, đã thú nhận nghe trộm điện thoại của Milly Dowler, một nữ sinh bị mất tích năm 2002 và sau này được phát hiện đã chết.

 

Tin tức về việc News of the World nghe lén điện thoại Dowler - bắt đầu xuất hiện trên tờ The Guardian vào năm 2011 - đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của công chúng về việc nghe lén điện thoại diễn ra âm ỉ bấy lâu. Chẳng bao lâu sau, News Corp đóng cửa tờ News of the World, và nhà tỉ phú Murdoch phải xin lỗi gia đình Dowler.
 

Phát biểu trước bồi thẩm đoàn về các bị cáo bị đưa ra xét xử lần này, công tố viên trưởng Andrew Edis cho biết: "Điều mà tòa phải tìm hiểu là các bị cáo biết nhiều đến đâu về những sự vụ diễn ra ở tòa soạn của họ".

 

Các công tố viên cũng cáo buộc bà Brooks và cựu trợ lý của bà- Cheryl Carter- đã bí mật cất giấu 7 cuốn sổ tay ghi chép tài liệu và máy tính vào tháng 7/2011, vài ngày sau khi những cáo buộc nghe lén điện thoại của sinh viên Dowler được công bố. Các tài liệu này hiện chưa được tìm thấy. Tuy nhiên, bà Carter phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào liên quan đến việc cản trở pháp luật.

 

Ông Edis, công tố viên trưởng, cho biết, News of the World đã trả cho ông Mulcaire 100.000 bảng Anh một năm để nghe lén các cuộc điện thoại nhằm mục đích khai thác thông tin cho các bài báo. Ông Mulcaire cũng bày cho các phóng viên News of the World cách nghe lén điện thoại của nhau, ông Edis tiết lộ.

 

Vẫn theo công tố viên trưởng Edis, một bị cáo khác là Ian Edmondson, cựu biên tập viên cao cấp của News of the World, đã nhiều lần giao nhiệm vụ cho Mulcaire nghe lén điện thoại. Song ông Edmondson phủ nhận mọi cáo buộc này.

 

Câu chuyện nghe lén điện thoại lần đầu xuất hiện vào năm 2005, khi những người hầu cận của Thái tử William cảnh báo giới chức chính quyền về khả năng News of the World đã nghe lén các cuộc điện thoại gọi đến Thái tử. Cuộc điều tra ban đầu của cảnh sát có kết quả, sau đó, Mulcaire và thông tín viên của hoàng gia, Clive Goodman bị truy tố. Cả hai bị kết án tù vào năm 2007 sau khi thú nhận đã lén thâm nhập tin nhắn điện thoại. Goodman đang phải đối mặt với những cáo buộc vi phạm quy định nơi công sở.

 

Phiên tòa xét xử vụ bê bối nghe lén này có thể kéo dài tới 4 tháng.
 

Phát ngôn viên News Corp, chi nhánh ở Anh, từ chối đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ việc này.

Khánh Chi (Tổng hợp)
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2013