Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Tâm sự của một Trưởng xã trẻ


(14/04/2008 15:47:53)

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, NSTT có cuộc trò chuyện với một đoàn viên - anh Nguyễn Văn Cảnh, Trưởng phân xã Ninh Bình về vấn đề sử dụng tài năng trẻ.

            Là nhà báo trẻ được cơ quan tin tưởng giao phó trọng trách Trưởng phân xã, anh suy nghĩ gì về sự tin cậy này?

            Xin mọi người đừng ngạc nhiên khi thấy các bạn trẻ được giao giữ nhiều trọng trách khác nhau. Tôi biết là cùng với tôi, có nhiều bạn trẻ khác đã được trao nhiệm vụ Trưởng phân xã. Tại Tổng xã, đã có nhiều người trẻ tuổi là cán bộ cấp phòng, thậm chí cấp ban. Chúng tôi hiểu đây là cách làm mạnh dạn hiện nay của TTXVN, là cách đặt niềm tin vào lớp trẻ, để họ phát huy khả năng và theo tôi là hướng đi thích hợp. Tuy nhiên, càng được cơ quan, cấp trên tin tưởng, chúng tôi càng phải cố gắng hết sức mình.

            Hiện cơ quan đang báo động về hiện tượng chảy máu chất xám trong cả đội ngũ phóng viên, kỹ thuật, thậm chí quản lý. Anh nghĩ sao?

            Tại một số hội nghị, khi bàn đến vấn đề con người, các đồng chí lãnh đạo ngành cũng đã thẳng thắn đề cập đến hiện tượng chảy máu chất xám. Qua đó, tôi rất hiểu những trăn trở và lo lắng của Ban lãnh đạo cơ quan. Chúng tôi - những người trẻ tuổi luôn chia sẻ với niềm trăn trở ấy. Chảy máu chất xám, xét ở nhiều khía cạnh, theo tôi, chủ yếu là có mấy dạng sau: có người tài muốn ra đi để thử sức; có người tài nhưng lại không phát huy tốt; có người tài mà chưa được đánh giá lựa chọn đúng để đào tạo phát triển; có người tài không được đặt đúng sở trường...

            Theo anh, người tài, nói cụ thể trong ngành Thông tấn tức là những cây bút, tay máy giỏi, phải hội tụ những yếu tố gì?

            Một số người gọi người tài trong nghề báo là "những nhà báo có quyền uy". Một bài báo hay, có hiệu quả là bài báo có thể tác động tới hàng triệu độc giả và hướng họ theo một cách nhìn nhận cụ thể, đánh giá cụ thể, hành động cụ thể. Khi ấy, quyền uy của báo chí được xác lập trong khi các sức mạnh khác khó có được.

            Tuy nhiên, để có "quyền uy", bên cạnh cái tài, nhà báo giỏi còn phải có cái tâm. Cái tâm để nuôi dưỡng cái tài và làm cho người tài biết sử dụng khả năng của mình vào những mục đích tốt. Một nhà báo giỏi phải say mê nghề nghiệp, có sự kiện là lao vào làm, làm hết mình. Người giỏi cũng cần có bản lĩnh, dám làm dám chịu và biết chấp nhận rủi ro. Nói chung có rất nhiều yếu tố tích cực hội tụ trong một nhà báo được gọi là tài năng.

            Nhưng nếu quá khuôn sáo và máy móc dựa vào các tiêu chí, liệu chúng ta có gặp khó khăn trong việc chọn lựa người tài? 

            Không ai hoàn hảo cả, trong số những tiêu chí được đưa ra, nếu phóng viên trẻ hội tụ được một số yếu tố cơ bản thì cần được tổ chức nhìn nhận sớm, bồi dưỡng sớm để phát huy được hiệu quả. Trong quá trình đào tạo, cùng với tích lũy nghiệp vụ nâng cao tay nghề thì bản lĩnh và kinh nghiệm của nhà báo cũng sẽ được bồi đắp và nâng cao. Điều này được ví như là "diều gặp gió". Chứ nếu để người tài "ẩn dật" lâu ngày cũng hoá "cùn", không được sử dụng dẫn đến tự ti, không có động cơ, mục tiêu phấn đấu dần thui chột tài năng. Theo tôi, để không bị "lọt lưới" người tài, khâu đánh giá cán bộ cần được làm thường xuyên.

            Khi đã có người tài, theo anh, cần có những chính sách, chủ trương gì để khuyến khích họ?

            Nhiều người cho rằng một số bạn trẻ có năng lực rời bỏ cơ quan vì lý do kinh tế. Tôi cho không hẳn là như vậy hoặc đó không phải là lý do cơ bản nhất. Có thể là với một số bạn có trình độ ngoại ngữ, có khả năng tiếp cận và làm việc với các công ty nước ngoài thì vấn đề thu nhập đúng là một thử thách lớn vì tiền lương của các công ty liên doanh, nước ngoài thường rất cao. Tuy nhiên, nhìn mặt bằng chung, so sánh thu nhập của ngành ta với một số báo có thể không cao nhưng cũng không hề thấp đặc biệt là so với thu nhập của các đồng nghiệp ở địa phương.

            Tuy nhiên, điều những nhà báo trẻ chúng tôi quan tâm không chỉ là vấn đề tiền bạc mà còn là các hình thức động viên, khuyến khích khác nữa khiến chúng tôi cảm thấy mình được tin cậy, tôn trọng và vì nó chúng tôi có thể dấn thân.

            Một nhà báo giỏi cần môi trường để thể hiện tài năng, để cho tài năng được đơm hoa kết trái. Thực tế, thời gian qua, ở các địa phương, phóng viên trẻ ít khi được giao cáng đáng những sự kiện lớn một cách bài bản, lớp lang vì thế ít có cơ hội để thể hiện. Tất nhiên, nhà báo giỏi cần chủ động, xông pha để có được chủ đề hay, cách thể hiện tác phẩm hấp dẫn... Nếu được cơ quan động viên, khuyến khích cả vật chất và tinh thần, phóng viên trẻ sẽ dấn thân, làm tới cùng.

            Quá trình sử dụng chất xám chưa hợp lý sẽ làm hạn chế tài năng. Đặt người không đúng chỗ, không đúng trình độ chuyên môn thì người đó không phát huy được, tôi nghĩ đó cũng là lý do để "chảy mất" nhiều "chất xám".

            Hiện nay, một số phóng viên trẻ kêu ca rằng, cơ quan mới chỉ sử dụng được một nửa công suất làm việc của họ thôi và họ gọi đó là hiện tượng rò rỉ, lãng phí chất xám. Anh nghĩ sao?

            Tôi không đồng ý quan điểm ấy. Không thể nói là làm một nửa công suất, mà chính xác hơn là phóng viên đang lãng phí một nửa thời gian. Nếu ai thừa một nửa thời gian thì cũng cần phải xem lại mình. Ngay cả tôi có khi thừa thời gian đi chơi quên công việc, giật mình mới thấy lãng phí khi còn có bao nhiêu việc phải làm. Rõ ràng đấy là do mình lơ đãng, chưa đặt hết tâm ý vào công việc. Là phóng viên phải tự tìm tòi, sáng tạo công việc chứ đâu phải đợi cơ quan chỉ cho từng công việc để làm.

            Vậy theo anh, để tránh lãng phí, chúng ta cần có biện pháp gì?

            Theo tôi, về vấn đề này rất cần sự đóng góp tích cực từ nhiều phía, trong đó có vai trò quan trọng của những người quản lý ở cấp phòng, ban, trưởng phân xã (nghĩa là ở cấp quản lý trực tiếp). Vì Ban lãnh đạo cơ quan chỉ đưa ra các chủ trương, chính sách, chứ khó có giám sát, đánh giá cụ thể từng phóng viên, biên tập viên.

            Các cụ đã dạy: "Quý hồ tinh bất quý hồ đa". Theo tôi, ở những phân xã địa bàn nhỏ không cần bố trí quá nhiều nhân lực, tránh gây lãng phí. Nên tập trung những người trẻ, khoẻ, có năng lực về các địa bàn trọng điểm nhằm cạnh tranh thông tin với các tờ báo lớn. (Nhìn lại thời gian qua thấy có nhiều sự kiện xảy ra đột xuất ở các tỉnh, thành phố lớn, trong khi chúng ta còn chậm trễ thì thông tin của các báo bạn vừa nhanh nhạy lại vừa hấp dẫn). Bố trí phóng viên hợp lý, công việc chạy chắc chắn thu nhập sẽ tăng, khiến cho họ tâm huyết, chú trọng vào nghề hơn.

            Có một điều còn làm nhiều người băn khoăn: Những người tài trẻ tuổi thường có cá tính rất mạnh như các cụ nói "Ngựa hay thường có tật". Nếu được chiều chuộng, khuyến khích sẽ khiến "ngựa" hư. Anh thấy có đúng không?

            Đúng là người giỏi thường có cá tính rất mạnh cả trong công việc lẫn cuộc sống riêng. Ngay trong nghề báo, cá tính được đưa vào tác phẩm sẽ làm cho tác phẩm có sức mạnh riêng, nổi bật và thu hút. Cá tính càng mạnh sức thể hiện càng cao và họ thường hay phải bảo vệ chính kiến, quan điểm của mình trước phản biện của nhiều đồng nghiệp. Tuy nhiên, chính cái cách bảo vệ quan điểm của một số người tài có lúc thiếu tế nhị, không đúng lúc, đúng nơi sẽ trở thành lập dị. Và như vậy, đứng ở góc độ nào đó, họ bị đánh giá là người có tật. Câu hỏi của bạn, mình chỉ thấy đúng một phần ở những người có chút tài năng nhưng lại bất chấp tổ chức. Chứ những người tài năng thực sự, họ thường điềm tĩnh và dường như không cần biết tới đàm tiếu của người đời bởi vì họ còn phải lo công việc.

            Xin cảm ơn anh vì buổi trò chuyện thú vị!

Hiền Anh (thực hiện)
Theo Nội san Thông tấn, số 3-2008