Thứ năm, ngày 25/07/2024

Sổ tay phóng viên

Tâm sự phóng viên ảnh


(08/07/2009 15:24:14)

Giống như nhiều đồng nghiệp khác, mỗi dịp 21/6, phóng viên ảnh chúng tôi lại có dịp ôn lại những gì mình đã làm, hàn huyên chuyện nghề. Ngày 21/6 năm nay, chủ đề chúng tôi bàn thảo lại là những điều rất cụ thể.

           Ước có máy ảnh

           Một đồng nghiệp trẻ của tôi mới về nhận công tác tại Ban Biên tập - Sản xuất ảnh báo chí. Ngay lập tức, anh đầu tư hơn 15 triệu đồng để mua một thân máy ảnh số "dùng tạm". Mừng cho bạn có máy mới, thuận lợi hơn trong công việc, nhưng lại tủi phận mình vẫn đang phải dùng "máy còi" cũ kỹ.

           Phải có máy phóng viên ảnh mới có thể tác nghiệp. Những người như đồng nghiệp trẻ của tôi có điều kiện và lo xa nên bỏ tiền túi sắm thiết bị, âu cũng vừa phục vụ bản thân, vừa phục vụ công việc, nhưng số này không nhiều. Vẫn biết cơ quan có lời hứa rằng "sẽ trang bị máy đầy đủ", nhưng chủ động vẫn hơn. Nhiều đồng nghiệp lớn tuổi của chúng tôi, ít ra cũng đã hơn 10 năm công tác, vẫn phải hàn g ngày "đánh vật" với những chiếc máy ảnh cũ kỹ.

           Cũng bởi khó khăn chung: Số phóng viên thì nhiều, lượng máy bổ sung hàng năm lại có hạn. Những chiếc máy ảnh tốt, hiện đại được cơ quan ưu tiên cho những phóng viên làm nội chính - ngoại giao. Một số máy mới "thường thường bậc trung" được dồn cho vài phóng viên chuyên đề lớn. Phần đông số phóng viên chuyên đềâ khác tạm bằng lòng với những chiếc máy cũ, thấp thỏm chờ đợi máy mới.

           Trong lúc đó, công việc hàng ngày vẫn đổ về, buộc phóng viên ảnh không thể tay không đứng ngóng. 15 triệu đồng mà đồng nghiệp trẻ của tôi mới bỏ ra mua máy chưa là gì so với những khoản chi tiêu vài nghìn đô la mà những phóng viên ảnh khác bỏ ra sắm máy ảnh, máy vi tính để "ảnh của mình không xấu", như lời một phóng viên mới đây, đã đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy.

           Những người không có điều kiện như tôi thoáng chút ngậm ngùi khi ai đó nhắc đến chuyện máy ảnh mới. Hàng ngày, chúng tôi vẫn "chiến đấu" với máy ảnh cũ. Thậm chí, nhiều lúc tôi vẫn chụp bằng chiếc máy ảnh du lịch bé xíu. Chất lượng hình ảnh, dung lượng file ảnh... là những điều không được phép nghĩ đến sau những cú bấm máy ấy.

           Lúc đó, những người điều kiện hạn hẹp như tôi chỉ nghĩ: Ước gì có chiếc máy ảnh mới!

 

            Ước có "đầu ra" ổn định

            Phóng viên ảnh chúng tôi nổi tiếng vì "quan hệ tốt với cơ sở". Cũng phải thôi vì nếu đồng nghiệp làm tin nhiều lúc chỉ bằng mấy cú điện thoại là có thể viết tin, bài vô tư, thì phóng viên ảnh phải xuống tận cơ sở, phải áp sát hiện trường mới có thể tác nghiệp. Đi nhiều, nên chúng tôi gắn bó với cơ sở, thân thuộc với địa phương.

           Càng quan hệ chặt chẽ, cơ sở càng quí. Càng sát với địa phương, người dân càng mến, càng thân, nhất là khi chúng tôi được tiếng "phóng viên trung ương". Nhưng sau mỗi chuyến công tác, với sự đón tiếp tận tình của cơ sở và trước bao kỳ vọng của người dân, chúng tôi lại thêm một lần áy náy vì không thể chắc ảnh của mình sẽ được đăng ở đâu.

           Tôi về biển. Doanh nghiệp bố trí riêng một xuồng máy đưa phóng viên ra tít ngoài khơi, nơi có trạm nhân giống cua nằm trên những ngôi nhà nổi giữa biển xanh. Doanh nghiệp nhỏ nhưng lại nuôi và nhân giống được những con cua quý, đạt hiệu quả kinh tế cao, là một điển hình tốt để tuyên truyền. Mất trọn một ngày "quần thảo" trên những lồng cua, tôi lại lên xuồng vào bờ, mang theo những tấm ảnh về hoạt động của trạm.

           Phát mạng. Tôi chỉ biết đưa những tấm ảnh của mình lên mạng thông tấn rồi hồi hộp chờ đợi xem báo nào sẽ đăng ảnh của mình để rồi báo lại cho  doanh nghiệp, mong lần sau gặp lại vẫn vui vẻ như lần đầu.

           Cũng giống lần trước, sau đợt người dân một vùng ngoại thành Hà Nội đã tạo mọi điều kiện cho tôi "ba cùng" để ghi lại được những hình ảnh về việc chính quyền địa phương có nhiều sai phạm trong sử dụng đất công, tôi chỉ có thể chờ đợi trong sự mắc nợ với những kỳ vọng của mọi người, chừng nào những bức ảnh kia chưa được đăng trên báo.

           Không thể nói với cơ sở hay người dân rằng ảnh đang có trên trang www.vnanet.vn, tôi mong ảnh của mình được đăng trên báo, để hiện thực hóa thành quả công tác, để cơ sở thấy những gì tôi có thể làm được. Nhưng tôi vẫn luôn ý thức được rằng mình là người của TTXVN; cơ quan là nơi trả công tác phí cho tôi... Trong giằng xé nội tâm, tôi gửi về cơ quan những bức ảnh đúng theo gu thông tấn. Một số bức ảnh không "chính thống" hơn tôi đành âm thầm cộng tác với báo ngoài.

           Ước gì những tác phẩm báo chí của tôi có đầu ra ổn định với thương hiệu TTXVN!

 

            Ước gì được học

           Tôi không học ảnh. Thi tay ngang, vào làm phóng viên ảnh thông tấn, hy vọng làm mãi thành quen hoặc có thể được theo học những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu sau này.

           Nhưng đồng nghiệp già mấy chục năm cầm máy mắng tôi mơ hão. Ông nói, đã bao lâu nay, có lớp nghiệp vụ chuyên sâu ảnh báo chí nào đâu. Thỉnh thoảng có lớp ngắn ngày, vài người được theo học. Phần lớn phóng viên cầm máy, cứ theo lối mòn lớp đi trước đã làm và được chấp nhận. Còn đổi mới ư? Cứ từ từ và phải trong khuôn khổ.

           Tôi không biết từ từ là đến bao giờ và trong khuôn khổ ra sao, chỉ thấy chưa thể hài lòng về ảnh của mình.

           Tôi chụp ảnh, vẫn được phát mạng và đăng báo, nhưng quả thật, những bức ảnh ấy nhạt nhòa, tĩnh tại. Tôi hay chụp trung cảnh bởi... dễ chụp, cái gì cũng có, tuy chả rõ cái gì. Nhiều người khác cũng đang chụp như thế. Những cận cảnh đặc tả chi tiết đắt giá hay khoảnh khắc cao trào của tâm trạng, của sự kiện, vẫn biết là ấn tượng hơn, nhưng khó chụp, lại phải tốn nhiều thời gian và công sức.

           Tôi rất thích những bức ảnh báo chí sống động, nhưng không biết làm thế nào để thể hiện được như thế. Tôi cũng tự nhận thấy cách sử dụng hình khối, màu sắc, đường nét... trong ảnh của mình là yếu nhưng chưa thể tự thay đổi.

       Vì thế, tôi muốn được học.

            Học nghề ảnh, quý nhất là có người chỉ cho mình chỗ được và chưa được trong ảnh. Vì thế, học ảnh không nhất thiết phải là những lớp tập trung dài ngày, bàn nhiều về lý thuyết. Mô hình lớp học ngắn ngày với một nhóm phóng viên có phần lớn thời gian chụp và nhận xét ảnh, kèm vào đó là những lý thuyết có dẫn chứng cụ thể, sẽ tác động nhanh nhất tới quan điểm, làm thay đổi thói quen chưa tốt của người cầm máy. Mô hình này rất phụ hợp với đào tạo tại chỗ, cho cả phóng viên trẻ và những người đã lâu năm cầm máy.

Minh Khôi
Theo NSTT số 6/2009