Thứ năm, ngày 25/07/2024

Sổ tay phóng viên

Sổ tay phóng viên trẻ

Minh chứng về sự thành công trong phối hợp thông tin


(11/05/2009 11:04:50)

Trong qủ đầu năm 2009, khi mă câc đơn vị trong toăn Ngănh đang nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiíu đ€œNđng cao chất lượng, tính cạnh tranh trong thông tin vă hiệu quả công tâcđ€, thì một tin vui lại đến đối với khối phđn xê trong nước.

      Ngày 19/3, Ban lãnh đạo cơ quan đã quyết định tặng Bằng khen và kèm theo tiền thưởng cho tập thể phân xã và hai phóng viên phân xã Lâm Đồng vì đã thông tin tốt về vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều du khách người Nga tại đèo Lò Xo (tỉnh Bình Thuận). Tuy nhiên, một số người không khỏi "lăn tăn": TNGT xảy ra thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận, vậy tại sao lại do phân xã Lâm Đồng thông tin và được khen thưởng? Từ sự kiện thông tin này, chuyên mục Sổ tay phóng viên xin được mạn bàn về một số kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp.

      Còn nhớ, tại một buổi giao ban đầu tuần, TGĐ Trần Mai Hưởng đã nói: Trong sự kiện TNGT tại đèo Lò Xo,dTTXVN đưa tin nhanh hơn hẳn so với các cơ quan báo chí trong cả nước. Chỉ điều đó thôi cũng đáng để khen phóng viên phân xã. Hơn nữa, trong bối cảnh sự kiện này xảy ra ngoài địa phận tỉnh Lâm Đồng, vậy mà phóng viên phân xã đã không hề có sự phân biệt "đây là việc của người khác" mà lao ngay vào cuộc, việc này cũng lại rất nên khen.

      

Phóng viên Sơn Tùng (ngoài cùng bên phải) đang gặp gỡ những người cứu hộ
Còn theo như Trưởng PX Phan Văn Đông, người chỉ huy và trực tiếp tác nghiệp vụ này thì được biết: Khoảng 6 giờ sáng ngày 14/3, sau khi nhận được tin cấp báo về vụ TNGT xảy ra vào đêm 13/3 tại đèo Lò Xo, thuộc địa bàn xã Phan Sơn, Bắc Bình, Bình Thuận, hiện một số nạn nhân đã được chuyển tới Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng. Vì sợ "lấn sân" đội bạn, tôi vội liên lạc với anh Phạm Tấn Hùng, Trưởng PX Bình Thuận. Anh Hùng nói đang mắc công chuyện ở TP.Hồ Chí Minh.  Thời gian lúc này rất gấp, tôi lại bấm máy báo cáo tình hình với anh Nhật Nam, Phó giám đốc Cơ quan đại diện tại TP. Hồ Chí Minh. Được anh giao nhiệm vụ phải đưa tin gấp, tôi và Sơn Tùng điện thoại hỏi thêm một số chi tiết từ  các nguồn tin ở bệnh viện và công an tỉnh, nhanh chóng đưa ngay tin đầu tiên về Tổng xã, đồng thời gọi điện báo cho Trưởng ban BT tin Trong nước chờ duyệt tin (sau này mới biết đây là tin phát sớm nhất). Tiếp đó, PX lập tức chia làm hai mũi: Sơn Tùng tìm mọi cách đi tới hiện trường vụ tai nạn một cách nhanh nhất, còn tôi tới bệnh viện tìm hiểu công tác cứu chữa những người bị  nạn.

       Phóng viên Sơn Tùng thì kể: Em cùng một số PV báo bạn thuê một xe ô tô 7 chỗ lập tức lên đường. Cấp tốc vượt hơn 80 km, đến được hiện trường vụ tai nạn, em đã thấy "đủ mặt" phóng viên báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong, Người Lao động, VnExpress... Vùng đèo Lò Xo nóng như rang, lực lượng cứu hộ phải dùng hàng trăm mét dây cáp để lôi xe bị nạn ra khỏi vực. Cảm giác kinh hoàng và sự xúc động phải gác sang một bên. Xác định đây là một cuộc chạy đua về thông tin, em vội lao vào chụp ảnh, hỏi chuyện những người cứu hộ. Phải bằng mọi cách tiếp cận công nhân của nhà máy thuỷ điện Đại Ninh, em băng đèo chạy vào nhà máy. Đến nơi đã thấy có PV báo Tuổi trẻ ở đó, khiến cảm giác "chạy đua" trong em càng nôn nóng hơn. Em chỉ tác nghiệp 20 phút ở đây rồi trở ra ngay. Khu vực đèo Lò Xo sóng điện thoại rất yếu, nhà máy thuỷ điện cũng không có mạng Internet nên tất cả đành quay xe về Đà Lạt. Ai cũng đói lả nhưng không thể dừng lại ăn cơm. Gần đến thành phố, thấy có quán cà phê bên đường, em tấp vào. Biết có WIFI, em vội lấy máy tính ra, đánh liền một mạch. Bài "Kinh hoàng trên đỉnh đèo Lò Xo" hơn 1.000 từ được hoàn thành trong vòng 30 phút. Sau đó, em viết tiếp bài "Nghĩa cử cao đẹp của những người cứu nạn". Em đã "thắng" trong cuộc đua với các báo bạn. Tin, bài TTXVN nhanh hơn hẳn so với các báo có truyền thống nhanh. Sau này, em nghe nói trong một buổi giao ban thông tin, Tổng Giám đốc khen bài đó PV viết nhanh nhưng tiếc là cách thể hiện chưa nhuần nhuyễn lắm. Nhận xét này thật tinh. Thực tình lúc đó, trong em chỉ nghĩ chạy đua về tốc độ, viết làm sao cho thật nhanh, cho đúng là một bài thông tấn, chứ chưa để ý trau chuốt câu chữ.

       

Vượt rừng vào hiện trường cứu người bị nạn trong đêm 13/3/2009
Cũng trong chuyến đi đó, Sơn Tùng đã phát về Ban BT-SX ảnh báo chí 12 bức ảnh hiện trường, trong đó có những bức ảnh rất quí do anh Nguyễn Văn Hiệu, cán bộ nhà máy thuỷ điện, người đầu tiên phát hiện vụ TNGT trong đêm 13/3 cung cấp, nhưng rất tiếc, không hiểu do "sự cố" nào đó, loạt ảnh này đã không được Ban khai thác và phát mạng; trong khi các báo in và báo mạng khác đã dùng rất tốt những tấm ảnh này!

        Trong sự kiện thông tin vừa qua, PX Lâm Đồng thực hiện được 10 tin, bài và chụp 30 chủ đề ảnh. Hầu hết các tin, bài đều có lượt truy cập rất cao, có tin 38- 45 lượt truy cập. Khi nhận được thông tin Lãnh đạo cơ quan biểu dương và khen thưởng, Trưởng PX Phan Văn Đông xúc động: Không phải nói để lấy lòng nhau, nhưng trong vụ này, PX đã nhận được sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ rất hiệu quả từ nhiều phía: Ban BT tin Trong nước xử lý rất nhanh tin, bài. Việc dùng ảnh lúc đầu có trục trặc nhưng sau đã tốt hơn. Báo Tin Tức cũng "dành đất", đăng bài, ảnh của phóng viên phân xã. Đặc biệt, lần thông tin này, rõ ràng có sự chỉ đạo, phối hợp thông tin rất là bài bản từ trên xuống dưới: Ngay sau tin cấp báo đầu tiên của PX về vụ TNGT nghiêm trọng (8 giờ 30 sáng 14/3) , thì  vào hồi 15 giờ cùng ngày, Ban BT tin Trong nước đã phát tin về quan điểm của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Tiếp đó, khi các nạn nhân người Nga được chuyển từ  Lâm Đồng về bệnh viện Chợ Rẫy và sau đó đưa về nước bằng đường hàng không thì Cơ quan đại diện đã chỉ đạo PX TP. Hồ Chí Minh tiếp tục bám sát và đưa rất đầy đủ, kịp thời chuỗi sự kiện tiếp theo. Do vậy, PX thành phố đã đưa được 5 tin, kèm nhiều ảnh, phản ánh toàn diện các hoạt động xung quanh việc này và cũng được nhiều khách hàng truy cập, khai thác sử dụng. 

Thành công của tuyến tin này là một minh chứng cho sự cần thiết phải đổi mới phong cách làm việc và tư duy thông tin. Đây chính là tiền đề cho tính cạnh tranh và đi đôi là chất lượng thông tin. Nếu như phản ứng của PX Lâm Đồng không kịp thời, tổ chức thông tin không hợp lý; nếu như thiếu sự chỉ đạo nhanh nhậy của Cơ quan đại diện TP. Hồ Chí Minh, sự tiếp nối thông tin sát sao của PX thành phố và việc xử lý nhanh tin, bài, của các Ban biên tập... thì khó đạt được hiệu quả thông tin như đã có. Tuy nhiên, cũng qua sự kiện này, công bằng mà nói, chúng ta "thua" về ảnh. Đây là vấn đề cần phải được rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.

Đức Linh
Theo NSTT số 4/2009