Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Sổ tay phóng viên

Chúng tôi nói về chúng tôi

Phóng viên ảnh, nghề tàn phai nhan sắc


(08/04/2009 09:38:59)

Có lẽ đã lâu lắm rồi tôi mới lại có khoảng lặng để ngồi nhìn lại và ngẫm nghĩ viết bài. Viết về nghề khó thật, bởi thời gian cầm máy chưa lâu, kinh nghiệm có thể nói không nhiều bằng các chị Dương Ngọc, Bích Ngọc... Các thế hệ đi trước cũng đã có khá nhiều bài viết về những khó khăn mà phóng viên ảnh gặp phải trên con đường tác nghiệp. Đặc biệt với phái nữ thì khó khăn chồng chất khó khăn, mà chỉ người trong nghề mới hiểu và cũng chỉ có người yêu nghề mới có thể tiếp tục con đường mà mình đã chọn.

          Trong những chuyến đi hiện trường, phóng viên viết có thể đưa người đọc đi theo những câu chuyện từ nơi này sang nơi khác bằng những câu văn, ngôn từ trước những gì được trực tiếp chứng kiến, đôi khi bằng cả lời kể của những nhân chứng hoặc qua tìm hiểu. Còn với phóng viên ảnh, câu chuyện phải được kể bằng hình ảnh, mà không phải hình ảnh thường mà là bằng khoảnh khắc, giây phút hội tụ sâu sắc nhất những hình ảnh nối tiếp nhau. Tóm lại là phải mang đến cho người đọc cái nhìn thực tế về nơi mình đã đi qua. Vì thế, một lẽ dĩ  nhiên, có đi thì mới có ảnh. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời tiết mưa hay nắng, phóng viên ảnh buộc phải xuống tận hiện trường, trực tiếp ghi lại sự kiện, sự việc đang diễn ra thì những bức ảnh mới có tính thời sự và có giá trị thuyết phục cao. Thậm chí, gặp thời tiết bất thường như bão giông, mưa đá, lụt lội, hạn hán,... phóng viên ảnh càng phải xuống đường để ghi lại những giây phút ấn tượng đó, những giây phút không phải ai cũng có cơ hội trải qua và ghi lại được.

          Chính cái sự đi, sự có mặt tại chỗ đã tạo nên bao cơn bĩ cực cho phóng viên nữ. Khi đã cầm máy ảnh, bạn đừng bao giờ dùng từ "phái yếu" để gán cho mình cũng như cho nhiều đồng nghiệp nữ khác. Đơn giản là vì khi đã vào cuộc, phóng viên nam hay nữ đều trở nên bình đẳng. Sẽ chẳng có "ông" phóng viên nào kịp để ý sang bên cạnh nhường chỗ cho đồng nghiệp nữ khi đang chen vai thích cánh để tác nghiệp cả!

          Nếu phóng viên viết, hành lý thật gọn với chỉ một cuốn sổ, cây bút, chiếc máy ghi âm, đôi khi có thêm chiếc máy vi tính xách tay, nhưng với phóng viên ảnh, đồ nghề lỉnh kỉnh và nặng khủng khiếp. Chiếc ba lô to xù chứa các loại máy ảnh, ống kính, máy tính, thậm chí là túi ngủ... dễ thường lên đến 20 kg (chưa kể có phóng viên đeo hai máy ảnh để cơ động trong mọi tình huống). Thử tưởng tượng một người phụ nữ trèo đèo lội suối, lăn xả vào hiện trường, từ sáng đến tối bám dính một chiếc ba lô như thế trên lưng... chỉ nghĩ đến thôi đã có ối người cảm thấy nhức xương.

          Đã bước vào nghề, đừng bao giờ ngồi phân biệt đàn ông hay phụ nữ vì trong khi mình còn "cân đo đong đếm" thì các đồng nghiệp nam đã làm hết việc của mình rồi. Vì thế, đàn ông lăn xả một thì mình phải lăn xả mười. Đàn ông vất vả một thì phụ nữ vất vả mười. Sở dĩ tôi nhân mười lần vì phụ nữ, xét về tự nhiên, có rất, rất nhiều thiệt thòi phải tự mình bù đắp mà đàn ông không bao giờ thấu hiểu nổi. Bỗng dưng tôi nhớ đến một đồng nghiệp, chị Thùy Dung (báo Sài Gòn Giải phóng Thể thao), mỗi khi chị vác bộ máy to vật vã chuyên dành cho phóng viên thể thao ra sân cỏ là các đồng nghiệp khác, kể cả nam giới đều phải kính nể. Chị luôn chuẩn bị tư thế "sẵn sàng chiến đấu" cùng với các đồng nghiệp nam, nơi mà những khoảnh khắc không chờ đợi những người chậm tay bấm máy.

          Thời gian dần trôi, những ngày đầu mới bước vào nghề, bao nhiêu nhọc nhằn, vất vả giờ đã trở thành món hành lý nho nhỏ, góp kinh nghiệm cho tôi ngày một vững vàng hơn. Đó là lần tôi được cử đi theo một đoàn công tác chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Các phóng viên nữ được cảnh báo về mức độ nguy hiểm và đề nghị "ở nhà chờ", khi nào bắt được hàng lậu, dẫn về địa điểm tập kết thì sẽ gọi ra để chụp ảnh. Các đồng chí hải quan và quản lý thị trường Lạng Sơn sợ rằng lúc đó ai cũng mải lao vào việc, khó đảm bảo an toàn cho nữ phóng viên. Nhưng "máu nghề" nổi lên, lại chưa lần nào được đi thực tế bắt buôn lậu tại trận nên tôi quyết đi bằng được. Kết quả là cùng với những bức ảnh thời sự thu được thì "con bé 4 mắt" với máy móc lỉnh kỉnh là tôi đã bị ngã hai lần vì không nhìn rõ đường và bị đá vào đầu. Rất may là có chiếc mũ cối của một anh hải quan đưa cho nên người đau tím nhưng đầu tôi thì vẫn an toàn. Chỉ tiếc do trời tối, vừa chạy vừa chụp lại ít kinh nghiệm nên kết quả không được như ý. Trong gần hai cuộn phim chụp đêm đó chỉ chọn được vài kiểu. Dẫu sao cũng là một bài học, một kỷ niệm khó quên.

          Đấy là chưa kể đến việc đôi khi một mình "thân gái dặm trường" rong ruổi trên những chặng đường xa để tìm kiếm những tấm hình mang tính thời sự. Có thể nói không ngoa rằng đây là nghề làm tàn phai nhan sắc nhanh nhất. Có lẽ chỉ có niềm đam mê mới đủ sức lôi kéo những nữ nhi vào một nghề đòi hỏi phải xông pha sương gió, chưa kể hiểm nguy luôn rình rập trên những chặng đường xa tác nghiệp...

Phạm Hậu
Theo NSTT số 3/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

CÁC CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC (19/01/2009 10:51:44)

Một phen hú vía (19/01/2009 10:42:36)

Chuýằ‡n Ä‘ỏằi chuýằ‡n nghỏằ, bỏằ—ng dặ°ng mỳằ‘n kỏằƒ  (19/01/2009 10:40:11)

THẮT CHẶT AN NINH MÁY TÍNH VÀ TỐI ƯU CẤU HÌNH (19/01/2009 10:36:19)

Trực Tết đâu phải chuyện chơi (19/01/2009 10:20:23)

Nhớ những ngày đón Tết ở Washington (19/01/2009 10:11:34)

Mừng - Lo của phóng viên chuyên trách trong những ngày Tết (19/01/2009 09:43:23)

Giải mã phóng sự ảnh trên Báo ảnh Việt Nam (30/12/2008 19:20:37)

Liên quan đến thuế thu nhập (30/12/2008 19:16:43)

Lưu nội dung dạng truyền phát (30/12/2008 19:14:24)