Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Sổ tay phóng viên

Giải mã phóng sự ảnh trên Báo ảnh Việt Nam


(30/12/2008 19:20:37)

Có lẽ, tôi nên bắt đầu câu chuyện bằng chuyến đi Móng Cái (Quảng Ninh) của nhóm phóng viên Báo ảnh Việt Nam, trong đó có tôi, cây bút Tuấn Long và tay máy Trọng Chính để thực hiện phóng sự chuyên đề: "Từ cửa khẩu đến cửa khẩu".

Đây là một chuyên đề lớn 16 trang về ngành Hải quan Việt Nam hiện đại hóa để hội nhập quốc tế. Chuyên đề này được đánh giá thuộc loại khó. Khó là vì phần ảnh được thể hiện ở nhiều nơi: cửa khẩu biên giới, cảng biển, cảng hàng không, khu công nghiệp và khu chế xuất. Khó là vì hình ảnh làm việc của hải quan ở đâu cũng na ná như nhau, và khó hơn nữa là kết hợp như thế nào cho bài và ảnh (được các kíp phóng viên khác nhau, thực hiện từ nhiều nơi khác nhau) tạo nên sự gắn kết thành một phóng sự ảnh báo chí mang tính chuyên đề kéo dài mười mấy trang báo, liệu bạn đọc có chán ngấy? Báo ảnh Việt Nam vẫn thường được giới nghề đánh giá cao vì rất lành nghề và rất chuyên nghiệp trong việc giải mã những vấn đề khó này.

Hai kiểm tra viên Đinh Anh Quân, Trần Việt Lâm, chi cục Hải quan khu vực 3 (cục Hải quan Hải Phòng) giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu tại cầu tàu Cảng Hải Phòng. (Ảnh: Trọng Chính).
Đầu tiên, nhóm bắt tay vào tìm tài liệu, nghiên cứu các loại báo cáo và đề án của ngành Hải quan rồi lập đề cương sơ bộ, sau đó sang làm việc với Tổng cục Hải quan để hình thành đề cương chi tiết (cánh trong nghề gọi đó là làm luận án). Cuối cùng đến bước "bảo vệ luận án" trước Hội đồng biên tập. Chẳng dễ chút nào đâu vì ở Báo ảnh Việt Nam, phần ảnh có đứng được thì bài báo mới được chấp nhận. Những vị trong Hội đồng biên tập đều là những tay máy và cây bút lão luyện, "giờ bay" trong nghề cao, nên tường tận mọi ngõ ngách công việc. Thế nhưng qua được cửa ải này thì coi như "phiếu xăng" đã được ký và đường chân trời sẽ sáng, nhóm phóng viên coi như có được bảo bối, đỡ lúng túng.

Cửa khẩu trên bộ, chúng tôi chọn Bắc Luân vì hoạt động thông thương ở đây rất nhộn nhịp, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, người xuất nhập cảnh đông. Hai ngày ở Bắc Luân, Tuấn Long và Trọng Chính cứ xuôi ngược lúc ở cửa khẩu, lúc ở kho bãi hàng, khi chạy về Trung tâm thương mại rồi lại ra cửa khẩu, lúc sau đã thấy ở bến sông Ka Long... Chứng kiến phóng viên làm việc, Chi cục phó Chi cục Hải quan Móng Cái nói đùa với tôi: "Chắc xin các anh một đĩa ảnh để làm tư liệu về một ngày làm việc của chúng tôi là đủ, chẳng cần nhờ quay phim làm gì nữa...". Câu nói đùa đó đủ nói lên sự lao động cật lực của phóng viên Báo ảnh Việt Nam trong quá trình tác nghiệp một phóng sự ảnh báo chí.

Hải quan Tân Sơn Nhất dùng chó nghiệp vụ kiểm tra ma tuý. (Ảnh: Minh Quốc).

Cửa khẩu trên biển, nhóm chọn là cảng Hải Phòng. Cửa khẩu trên không, hai kíp phóng viên ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (B2) cùng lúc đi thực hiện ở hai cảng hàng không quốc tế lớn nhất nước ta là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Toàn bộ bài, ảnh B2 đều được chuyển ra Hà Nội để nhóm phóng viên thực hiện ghép bài, ảnh tạo thành một phóng sự hoàn chỉnh.

Có một công đoạn mà tôi dám chắc rằng phóng viên ở các toà báo khác chưa phải làm, đó là dựng makét bài, ảnh về phóng sự ảnh của chính mình, sau đó là thuyết trình trước Hội đồng biên tập. Với Báo ảnh Việt Nam thì đây là lần thứ hai các phóng viên phải gặp lại các vị trong Hội đồng biên tập, chỉ khác là lần này có thêm họa sĩ và biên tập viên. Tôi đang nói về những phóng sự ảnh "đinh" của số báo mang tính chuyên đề.

Nhóm phóng viên phải thuyết trình sản phẩm của mình. Khắt khe đôi khi như phán xét, tranh luận có lúc nảy lửa, nhưng sau mỗi cuộc trao đổi như vậy phóng viên thấy vỡ ra nhiều điều. Và qua đó Ban biên tập cũng dễ nhận ra điểm mạnh - yếu của từng tay máy, cây bút để bồi dưỡng thêm. Có những bài viết thoạt đầu rất khô khan, kể lể lê thê, nhưng sự bác bỏ rồi gợi mở của các vị "lão làng" làm tác giả thấy như được sống lại với sự kiện và bài viết mà họ sửa lại mang tính báo chí hơn. Có những tay máy khi biên tập bị "quay" cho tơi tả, họ thấm và hiểu ra nhiều điều. Cũng từ đó, theo thời gian, qua độ dày số lượng tác phẩm, họ kinh nghiệm hơn, dày dạn hơn và rồi trong tương lai, có thể chính họ sẽ lại tham gia Hội đồng biên tập để dẫn dắt lớp tiếp sau. Chính thế mà phóng sự ảnh của Báo ảnh Việt Nam đã trở thành "món đặc sản" truyền thống.

Kiểm tra viên Phạm VănPhòng, Chi cục hải quan cửa khẩu Móng Cái làm thủ tục xuất khẩu hàng cho khách tại cửa khẩu Bắc Luân. (Ảnh: Trọng Chính).

Tuy nhiên, món đặc sản chưa hẳn đã thơm ngon đẹp đẽ nếu thiếu bàn tay của Tòa soạn. Là người đã từng kinh qua phóng viên rồi sang làm công tác tòa soạn, tôi thực sự hiểu và thông cảm với cả hai lĩnh vực này. Lĩnh vực nào cũng có cái khó, cái khổ riêng, nhưng để ra được một tác phẩm báo chí hoàn chỉnh không thể thiếu lĩnh vực nào cả.

Bài viết của phóng viên được chỉnh sửa lại theo ý kiến Hội đồng biên tập sẽ được chuyển lại cho Tòa soạn. Các biên tập viên bắt đầu "cạo lông lá" và "gọt rửa". Nhưng việc cắt, gọt cũng không thể dễ vì chấp bút cho phóng sự chuyên đề là những cây bút đã "có số có má" cả rồi. Vì thế biên tập những bài này cũng phải là biên tập viên lão làng.

Phần ảnh cũng được biên tập viên chau chuốt lại, tạo thành những folder riêng, chi tiết hơn để giúp họa sĩ dễ hiểu, dễ lựa chọn ảnh khi trình bày. Phần biên tập ảnh công phu lắm, nếu kể ra đây e mất thời gian, vì thế biên tập ảnh của Tòa soạn cũng phải là tay máy dày dạn, kinh nghiệm đầy mình.

Dựa trên makét và thuyết trình của nhóm phóng viên thực hiện, dựa trên những ý kiến đóng góp của Hội đồng biên tập và phần ảnh đã biên tập lại, Thư ký tòa soạn phải có sự trao đổi kỹ càng với họa sĩ để hình thành được một mạch bài chuẩn xác và thẩm mỹ nhất.

Họa sĩ ở Báo ảnh Việt Nam cũng khá vất vả. Họ phải đọc, nhiều lúc như nhai đi nhai lại cho hiểu bài viết, như thể cùng tham gia vào công tác của phóng viên. Có như thế, việc trình bày mới đạt chất lượng cao.

Trở lại phóng sự chuyên đề Từ cửa khẩu đến cửa khẩu, thông thường theo mạch thực hiện có thể đưa từ cửa khẩu trên bộ đến cửa khẩu trên biển, tiếp đến hai cửa khẩu hàng không rồi đến khu công nghiệp và khu chế xuất. Tuy nhiên, sau khi trao đổi, chúng tôi quyết định tách phần hải quan tại các khu công nghiệp và khu chế xuất riêng thành một bài 4 trang vì đây là một trong những cải tiến điển hình của ngành Hải quan trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, giúp cho các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp và khu chế xuất thuận tiện hơn rất nhiều. Vả lại, hình ảnh hải quan ở đây là làm thủ tục, kiểm tra hàng hoá trong nội địa, không thể đưa cùng phần cửa khẩu được.

Phần tại các cửa khẩu, chúng tôi quyết định đưa cửa khẩu hàng không lên trước tiên, bởi đây là cửa ngõ chính đón khách đến Việt Nam và hình ảnh ở đây bắt mắt, hiện đại hơn cả. Tiếp theo là ở cửa khẩu biên giới Bắc Luân, với đặc thù là vừa có khách du lịch vừa có xuất nhập khẩu hàng hóa. Cuối cùng là hải quan ở cảng biển Hải Phòng, hơi khô hơn vì ở đây chỉ có làm thủ tục hàng hóa và đâu đâu cũng thấy cần cẩu với container. Rõ ràng việc điều chỉnh này làm cho phóng sự ảnh gây được ấn tượng ngay từ những trang đầu và nhẹ nhàng đưa bạn đọc vào với công việc đặc thù của ngành hải quan vốn đã nhiều thủ tục giấy tờ, kiểm tra, xem xét...

Một mạch bài hợp lý, một sự đan xen hòa quyện khéo léo cả bài viết và hình ảnh từ các nhóm thực hiện khác nhau ở nhiều địa bàn khác nhau sẽ làm nên một phóng sự ảnh chuyên đề thành công, mang lại cho bạn đọc một cái nhìn khá tổng thể về vấn đề đặt ra.

Có một đề tài hay, được thực hiện bởi những cây bút và tay máy lành nghề, cộng với sự huy động trí tuệ của cả tập thể, kết hợp nhuần nhuyễn và trách nhiệm cao giữa các bộ phận trong dây chuyền ra báo, đã tạo nên thành công cho những phóng sự ảnh hấp dẫn trên Báo ảnh Việt Nam. Bí quyết giải mã "món" phóng sự ảnh của chúng tôi đơn giản chỉ có vậy.

Nguyễn Thắng
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2008