Thứ sáu, ngày 26/07/2024

Sổ tay phóng viên

Chuýằ‡n cặĂ quan nhỏằ¯ng ngày õ€œnặ°ỏằ›c nỏằ•iõ€


(03/12/2008 14:47:34)

Những ngày đầu tháng 11, Hà Nội hứng chịu một trận mưa lịch sử. Đường phố biến thành sông, giao thông đình trệ, cuộc sống đảo lộn, nhiều trường học đóng cửa, công sở vắng người... Thật may, các cơ sở của TTXVN đóng trên địa bàn thành phố hầu như không thiệt hại gì về tài sản, tính mạng. Bất chấp thiên tai, bất chấp trăm ngàn khó khăn nguy hiểm, những phóng viên tin, ảnh của TTXVN như đàn kiến nhỏ vẫn toả ra lặng lẽ. Những câu chuyện trên đường tác nghiệp của các anh, chị chứa đựng rất nhiều điều thú vị và cảm động.

Đâu có lụt... là ta cứ đi

11giờ 30 phút ngày 6/11, điện thoại sang phân xã Hà Nội, tôi gặp chị Hồng Hạnh, Phó Trưởng phân xã. Chị cho biết chị được phân công ở nhà "giữ gôn", tổng hợp tình hình thông tin, còn từ Trưởng phân xã đến phóng viên đều "xuống đường", có mặt tại những "điểm nóng" về mưa lụt. Tôi ngạc nhiên: "Mưa lụt đã tạm yên rồi mà!". Chị cười giải thích: "Mưa tạm yên ở nội thành, bây giờ lại kéo nhau ra ngoại thành, đến những nơi đê xung yếu, rồi tình hình y tế, giáo dục... bao nhiêu vấn đề cần phải thông tin".

Kể lại những ngày tác nghiệp căng thẳng vừa qua, chị cho biết: Phân xã huy động tổng lực 9 phóng viên cùng vào cuộc trong đợt cao điểm này. Điều đặc biệt là nhiều phóng viên chưa một lần làm thông tin PCLB nhưng đều nhập cuộc nhanh chóng và "bài binh bố trận" để đưa tin tốt nhất. Đồng chí Trưởng phân xã Đinh Thị Thanh Bình túc trực tuyến đầu, trực tiếp đến những điểm nóng, theo sát Trung tâm chỉ huy PCLB thành phố để nắm bắt thông tin nhanh nhất. Liên lạc qua điện thoại, lúc thì chị đang ở đập Thịnh Liệt, khi thì theo đoàn của Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo đi thị sát tình hình đê Yên Sở.

Ngập lụt tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. (Ảnh: Xuân Trường).

Để không bỏ sót thông tin, phân xã luôn có sẵn lực lượng cơ động, khi  phát sinh vấn đề sẽ đến ngay điểm nóng để có thông tin kịp thời. Ngoài ra phân xã bố trí một số phóng viên tác nghiệp tại hiện trường, kết hợp với phóng viên chuyên theo dõi ngành để cập nhật thông tin tại một số điểm thoát nước quan trọng của thành phố.

Người ở nhà có trách nhiệm cập nhật, tổng hợp những thông tin, công điện khẩn về tình hình và chủ trương phòng chống mưa lũ của Thành phố. Những ngày cao điểm, các chị đã phát 4-5 thông báo và công điện khẩn, trong hai ngày mùng 1 và 2 /11, phân xã đã phát 16 tin, bài, có lượng truy cập cao.

Tôi liên lạc tiếp với phân xã Ninh Bình. Bằng giọng xứ Nghệ kể gấp gáp, Trưởng phân xã Nguyễn Văn Cảnh cho biết: Phân xã chỉ có 3 người nhưng đã không để sót thông tin quan trọng trong những ngày căng thẳng nhất. Năm nay vùng hữu sông Hoàng Long nguy hại. Thế là bất chấp dòng sông nước xoáy cuồn cuộn, phóng viên TTX cổ đeo máy ảnh, lưng cõng lap top chạy ngược xuôi liên hệ đi nhờ thuyền cứu hộ, thuyền di dân để sang vùng đê vỡ. Cả ngày chờ trong không khí căng thẳng. Trên trời mưa như trút, dưới sông mực nước ngày một dâng lên, dòng sông hung hãn xô nước lên những bao tải cát. Có khả năng phải xả lũ để tránh vỡ đê... Leo lên bờ, căng ni lon che mưa, gõ vội máy tính cái tin đầu tiên: "Có khả năng phải xả tràn Lạc Khoái". Anh cho biết đây là tin dự báo, có tác dụng như là thông tin chính thức đầu tiên cho 16 xã với hàng ngàn hộ dân để mọi người có chủ trương chủ động đối phó. Tin được gửi về Tổng xã ngay sau thời điểm đó, được rất nhiều người truy cập và các báo khác sử dụng. Quả nhiên 5 giờ chiều đê vỡ.

Bức ảnh chụp khoảnh khắc xả lũ, nước tràn đê, một mái nhà chỉ còn nhô phần nhỏ lên giữa biển nước của phóng viên phân xã đã được nhiều báo dùng. Anh Cảnh tâm sự: "Tại đây, có những khoảnh khắc rất đắt giá, nhưng chúng tôi lực bất tòng tâm vì máy ảnh mi ni kỹ thuật số không có ống tê lê, không mở rộng được tầm ngắm. Giá như phóng viên ở vùng lũ chúng tôi được trang bị phương tiện tốt, chắc chắn sẽ có những bức ảnh chất lượng hơn"!

Can trường trong tác nghiệp nhất có lẽ phải kể đến những phóng viên ảnh. Ngay ngày đầu tiên mưa lũ, Ban Biên tập - Sản xuất ảnh báo chí đã cử bốn phóng viên chuyên theo dõi chụp 4 quận vùng thấp trũng ở Hà Nội, đồng thời cử phóng viên đi về các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình... để kịp thời phản ánh tình hình thiên tai và phòng hộ đê điều.

Phóng viên Ngọc Hà, người có ảnh về mưa lụt ở Hà Nội phát mạng sớm nhất đã... kéo theo hai cậu con trai cùng tác nghiệp với bố. Số là sáng thứ 6 (31/10), khi đưa con đi học qua đường Đào Tấn, thấy cảnh ô tô xe máy chết chìm trong biển nước, anh đã dừng lại chụp. Đưa con thứ hai tới trường xong, quay về phát mạng. Chiều về, ba bố con cùng dừng lại ở tuyến đường Nguyễn Chí Thanh đang ngập nặng. Phân công đứa lớn đứng trông xe, cổ đeo máy ảnh, vai cõng đứa nhỏ, cứ thế lội bộ vào từng điểm ngập để chụp. Ba bố con đi từ 4 giờ chiều đến 7 giờ tối mới về được nhà. Hôm đó anh đã có 11 tấm ảnh phát lên mạng về tình hình ngập lụt, giao thông hỗn loạn trên địa bàn thủ đô.

Xông pha, chinh chiến là những phóng viên đã quen nếm mùi bão lũ Xuân Trường, Huy Hùng, Tuấn Anh... Mặc dù vợ và hai con nhỏ bị kẹt tại Hà Đông, nhưng khi nghe tin  đê khu vực nào xung yếu, đoạn đường nào ngập lụt nặng là phóng viên Xuân Trường lao ngay tới. Anh Xuân Trường nói rằng tác nghiệp ở những nơi đó nguy hiểm lắm, chủ yếu là ảnh phải chất lượng.

Để có những tấm ảnh "níu mắt" độc giả, các anh đã phải dầm nước ngang người, phải vật lộn với sóng gió, thậm chí phải gửi tạm con xe chết  máy vào nơi gần nhất, gò lưng mải miết đạp xe đạp hơn 20 km dưới trời mưa gió để có thể mượn chiếc xe máy thứ hai đi tiếp đến nơi tác nghiệp.

Đồng chí Hà Mùi, Trưởng ban Biên tập-Sản xuất ảnh cho biết: Chỉ trong bốn ngày đầu tiên, đơn vị đã phát mạng hơn 100 tấm ảnh về tình hình thiên tai và việc phòng hộ đê của Hà Nội  cũng như các tỉnh lân cận. Rất nhiều ảnh phát mạng sớm, đạt mức truy cập cao.

Kiên quyết không để xảy ra sự cố

"Chưa bao giờ chúng tôi thấy một trận mưa kéo dài và ghê gớm như đêm 30 và cả ngày 31/11. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) của cơ quan đã họp và đề ra phương án đối phó cụ thể. Phó Tổng Giám đốc Hà Minh Huệ, Trưởng ban PCLB cơ quan và các đồng chí trong Ban chỉ huy PCLB đã đến hiện trường để xem xét, đánh giá. Chúng tôi khoanh vùng những địa điểm quan trọng cần bảo vệ đặc biệt, tránh xảy ra sự cố về điện, ngập nước: Công ty in Thương mại dưới Hạ Đình, khu nhà số 5 đang thi công và hai tầng hầm toà nhà 11 Trần Hưng Đạo, 79 Lý Thường Kiệt..." Anh Nguyễn Văn Giai, Trưởng phòng bảo vệ, uỷ viên Ban PCLB của cơ quan cho biết.

Theo đó, trên tinh thần huy động lực lượng tại chỗ, tất cả sẵn sàng ứng cứu khi địa điểm nào gặp nguy hiểm. Khu công trường số 5 Lý Thường Kiệt được lệnh dừng thi công, gia cố vững chắc các đế kê cần cẩu tránh sạt lở, đồng thời tăng cường máy bơm để hút nước đọng trong công trình.

Tầng hầm toà nhà số 11 Trần Hưng Đạo được nhận định là điểm có nguy cơ ảnh hưởng nhất. Cuối ngày 31/11 trời vẫn mưa như trút, con phố Hàn Thuyên ngập nặng, mỗi khi có ô tô chạy qua, nước dềnh lên cao, bắt đầu có dấu hiệu tràn vào, nơi đang chứa hơn trăm xe máy và 5-7 chiếc ô tô. Lực lượng bảo vệ của VNA8 được giao nhiệm vụ sẵn sàng tác chiến chống ngập. Bao tải cát, ni lông chắn sóng, máy bơm  nước, phương án túc trực để di chuyển ô tô, xe máy lên hè phố Trần Hưng Đạo... Tất cả đã sẵn sàng. 20 giờ 30 phút, đồng chí Hà Minh Huệ đội mưa sang kiểm tra, dặn dò anh em: "Cố gắng, kiên quyết không để xảy ra sự cố". Trong khi đó, tin về tầng hầm của những toà nhà ở Định Công, Mỹ Đình chìm trong nước, dân tình đau xót, hoang mang vì lượng tài sản bị thiệt hại quá lớn, khiến anh em rất lo, nhưng vẫn đặt quyết tâm bảo vệ đến cùng. Một đêm thức trắng của lãnh đạo và nhân viên VNA8. Họ chia nhau toả ra khắp nơi để khơi cống rãnh thoát nước, kiểm tra lại đường điện tránh cháy nổ, túc trực không rời tại hai cổng giáp con phố Hàn Thuyên. Rất may, mưa cũng ngớt, tầng hầm đã thoát khỏi sự nguy hiểm. Lúc đó mọi người mới thở phào.

Còn ở phía Công ty In thương mại, hai đường truyền thông tin từ Tổng xã tới Công ty đã bị sét đánh và ngập lụt làm hỏng. Xung quanh Công ty ngập nặng, nước bắt đầu tràn vào sân, nơi đang để gần trăm tấn giấy in, trong đó có khối lượng lớn giấy đắt tiền dùng để in lịch năm 2009 của khách hàng; một công nhân đêm 31/11 trên đường đến giao ca đã gặp tai nạn chấn thương chân, phải nhập viện. Ông Dương Văn Trung, Phó giám đốc Công ty kể lại: "Sự cố liên tiếp xảy ra. Lúc đó chúng tôi quán triệt tinh thần của lãnh đạo cơ quan: kiên quyết không để gián đoạn sản xuất. Việc đầu tiên là cứu giấy, nối thông tin. Một mặt chúng tôi huy động toàn bộ nhân lực dùng cần cẩu, sức người vận chuyển gần trăm tấn giấy in lên hành lang tầng hai, tầng ba của các dãy nhà sản xuất. Mặt khác, chúng tôi thông báo cho bưu điện và Tổng xã về sự cố đứt đường truyền thông tin. Rất may, Trung tâm Kỹ thuật đã kịp thời cử người xuống vận hành đường truyền dự phòng. Khâu quan trọng nhất cho sản xuất đã được khôi phục". Đáng biểu dương nhất phải kể đến tinh thần làm việc của anh chị em công nhân. Dù mưa to, các tuyến phố ngập, giao thông tắc nghẽn, nhưng mọi người vẫn đến giao ca đúng giờ, đủ người. Với phương châm ưu tiên cho ấn phẩm cơ quan được phát hành đúng hẹn, Công ty đã chủ động lùi ngày giao sản phẩm cho khách hàng bên ngoài để tập trung in báo ngày của Ngành.

Trong khi đó, Trung tâm Tiếp thị, Phát hành và Dịch vụ quảng cáo đã linh hoạt vận dụng mọi biện pháp tối ưu và an toàn nhất để vận chuyển báo chí  từ Công ty về: xe máy cho cơ động, đoạn nào ngập sâu thì dùng ô tô gầm cao. Đến lúc đường tắc cứng thì bọc báo vào ni lon cho khỏi ướt, chằng lên xe đạp và dắt bộ, len lỏi qua biển nước và biển người. Tại Trung tâm, bộ phận làm việc hành chính cũng chủ động ở lại, ăn mì tôm, nhanh chóng phát hành báo đi các tỉnh xa và cố gắng đưa đến tận tay khách hàng trong địa bàn Hà Nội...

Trong giao ban thông tin đầu tuần, Ban lãnh đạo cơ quan đã biểu dương tinh thần tác nghiệp của anh chị em phóng viên, trong đó có các phân xã: Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc... và tinh thần chủ động sẵn sàng ứng phó với mưa lũ của các lực lượng phòng chống lụt bão của các đơn vị ở Tổng xã.

Thục Hiền
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2008