Thứ sáu, ngày 26/07/2024

Sổ tay phóng viên

Đất mỏ thân yêu ơi!


(04/11/2008 09:06:15)

Vậy mà thấm thoắt đã gần 2 năm tôi tạm rời xa thành phố Hoa Phượng Đỏ - nơi có phân xã Hải Phòng tôi từng gắn bó, nơi có một gia đình nhỏ thân yêu của tôi ở đó... để khoác ba lô lên đường nhận nhiệm vụ mới nơi địa đầu phía Đông Bắc của Tổ quốc, theo sự điều động của Ban lãnh đạo cơ quan. Gần 2 năm, quãng thời gian chưa phải là dài đối với một phóng viên thường trú nhưng cũng đủ để cho một Trưởng xã nữ cảm nhận được niềm vui và cả sự vất vả trong công việc hằng ngày.

            Đến đất mỏ Quảng Ninh, từ con người đến những con phố nhỏ nơi đây, tất cả đều lạ lẫm với tôi. Gác lại chuyện "bếp núc" gia đình, cho dù điều đó là vô cùng khó khăn đối với một phụ nữ, tôi bắt đầu làm quen và nhập cuộc với môi trường mới.

            Ai đã một lần đến thường trú tại Quảng Ninh đều cảm nhận được sự gian nan vất vả sau mỗi cuộc hành trình. Quảng Ninh mênh mông và xa thẳm. Chiều dài toàn tỉnh gần 300 km. Mỗi chuyến đi cơ sở đều phải mất từ 2 đến 5 ngày...Nhưng sau mỗi chuyến đi dài ấy đều lưu lại trong tôi một cảm xúc riêng với nhiều kỷ niệm khó quên. Đó là lần đầu tiên tôi tới Khe Lặc - thung lũng nằm về phía tây dãy núi Thông Châu thuộc xã Đại Thành, huyện miền núi Tiên Yên, được chứng kiến một nền văn hoá lâu đời của người Sán Chay mà chẳng phải tộc người nào cũng có được - "Slạm nhịt hụi" (tổ chức vào đêm trăng tròn tháng 2, hình thức giống như người Kinh hát đúm và còn gọi là ngày hiến tế của tình yêu tự do). Để rồi, khi tạm biệt Khe Lặc, tôi đã có thêm bài khai bút đầu xuân. Chưa đủ, đó còn là những khi xuống các thôn bản của người dân tộc, do không thông thạo tiếng bản địa nên phải rất khó khăn tôi mới hiểu được họ nói gì, cần gì. Đó là những lần chui xuống lò than sâu thẳm và ăn bánh mỳ cùng thợ mỏ. Đó còn là những lần say sóng biển, nằm ngắc ngoải bên mạn tàu khi theo chân các chiến sỹ ra Đồn biên phòng cửa khẩu, ra Đảo Trần - nơi được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho gió và nước biển mặn mòi... Kết thúc mỗi hành trình ấy, tôi như thấy mình bản lĩnh hơn, vững vàng hơn, góp nhặt thêm nhiều kinh nghiệm sống hơn.

            Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy, nhà báo nữ vừa dễ lại vừa khó khi tác nghiệp. Với ưu điểm là phái đẹp nên hình như cái nhìn đầu tiên của những người có trách nhiệm ở cơ sở cũng thiện cảm hơn, vì thế việc khai thác đề tài cũng phần nào dễ dàng hơn. Nhưng bên cạnh sự dễ dàng, nhà báo nữ cũng phải chịu áp lực từ nhiều phía, từ công việc chung đến gia đình. Để có được những bài viết sinh động, mang hơi thở cuộc sống hay những bài điều tra về tiêu cực, tham nhũng, lại phải đòi hỏi sự năng động và bản lĩnh nghề nghiệp của mỗi nữ nhà báo... Để có được những thành công trong công việc, họ phải nỗ lực và hy sinh rất nhiều điều và quan trọng nhất là phải biết "nịnh" chồng và con. Song trên tất cả, đó là sự động viên kịp thời của Lãnh đạo cơ quan và bạn bè đồng nghiệp. Trong nhiều nhiều lắm sự động viên, tôi rất nhớ và xúc động với cú phôn lúc nửa đêm của một đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác thông tin của Ngành khi tôi đang ở Móng Cái - tâm bão số 6. Đồng chí nhắc nhở chúng tôi cố gắng khắc phục khó khăn, vất vả để chuyển về Tổng xã sớm nhất những tin nóng, những bài ghi nhanh từ tâm bão. Và khi cơn bão lũ đi qua, Lãnh đạo cơ quan đã quyết định biểu dương và thưởng nóng, kịp thời động viên anh em phân xã... Những lời động viên đúng lúc như thổi một nguồn sinh lực mới giúp chúng tôi, những phóng viên thường trú vơi dần nỗi nhớ gia đình và cảm thấy ấm lòng.

            Trực tiếp tác nghiệp hằng ngày, tôi thấy rõ sức ép cạnh tranh thông tin ngày càng lớn. Làm thế nào để cung cấp thông tin "thật nhanh, thật chính xác, thật phong phú và hấp dẫn" đến bạn đọc? Trả lời được câu hỏi này, không chỉ riêng tôi mà tất cả phóng viên đều phải nỗ lực hết mình trong công việc. Thực tế, nhiều vụ việc nóng đã được phân xã Quảng Ninh phản ứng khá tốt như: Vụ tại nạn lao động nghiêm trọng ở công ty than, các vụ tai nạn, hoả hoạn xảy ra trên địa bàn, trận lũ lịch sử kinh hoàng (26/9) vừa qua, gây thiệt hại nặng nề cho 3 huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu (cách trụ sở Phân xã hơn 100 km)... đã được Bộ Biên tập biểu dương khen thưởng.

            Không chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, Quảng Ninh còn vinh dự được đón nhiều đoàn khách quốc tế của cơ quan đến thăm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Mỗi khi có điện chỉ đạo của Ban Thư ký, anh em Phân xã lại thay nhau mỗi người một việc, người thì lo đặt phòng nghỉ bên khách sạn, người thì lo việc đặt tàu du lịch và cùng đưa khách đi thăm Vịnh... Nhiều lúc chúng tôi cũng thấm mệt vì vừa phải lo công tác chuyên môn vừa phải chạy đôn chạy đáo chuẩn bị đón khách nhưng khi bắt gặp những nụ cười thật tươi và đầy thân thiện của các vị khách quốc tế, mọi mệt mỏi dường như tan biến. Phân xã Quảng Ninh cũng tự hào đấy chứ, đâu phải phân xã trong nước nào cũng được đón nhiều đoàn khách "Tây" như thế. Nhưng có lẽ quan trọng hơn tất cả, những phóng viên phân xã Quảng Ninh đã góp phần nhỏ bé của mình vào sự thành công trong công tác đối ngoại của TTXVN.

            Những ngày thường trú ở đất mỏ Quảng Ninh mãi mãi sẽ là những kỷ niệm để đời trong tôi.

Minh Huệ
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Sự đột phá công nghệ mang tên TTXVN (07/10/2008 09:51:47)

Luýằ‡n nghỏằ qua lÅâ dỏằ¯ (07/10/2008 09:20:46)

"SẢẶn" áỨặnh voi dáỪố (07/10/2008 09:13:23)

Đối tượng và điều kiện xét nâng ngạch không qua thi (29/08/2008 09:32:50)

Cảnh giác các hình thức quấy rối bằng mã độc (29/08/2008 09:31:58)

Tôi đi thực tập ở phân xã Bắc Ninh (29/08/2008 09:27:54)

ChuýãƯn ẵỔi ẳâm õãênh mẳ u da cam (29/08/2008 09:27:07)

Ngô Mỹ và những tác phẩm đáng nhớ (29/08/2008 09:25:49)

Ảnh Bác Hồ - Kỷ vật quý thời phóng viên chiến trường của tôi  (29/08/2008 09:10:44)

Bảo hiểm tai nạn con người 24/24 và quy trình giải quyết (01/08/2008 11:03:35)