Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Sổ tay phóng viên

Tôi đi thực tập ở phân xã Bắc Ninh


(29/08/2008 09:27:54)

7h15 sáng 9/6/2008 tôi đặt chân lên đất Bắc Ninh sau hơn một tiếng đồng hồ rong ruổi trên xe buýt. Người đầu tiên tôi gặp là chú Đàm Đình Dũng, Trưởng phân xã Bắc Ninh.

            Chú Dũng giản dị và rất hiền. Những lúc rỗi rãi, chú kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về vùng đất Kinh Bắc giàu truyền thống văn hoá, vùng đất vốn được mệnh danh là nơi sản sinh ra "một giỏ ông cống, một đống ông nghè, một bè tiến sĩ, một bị trạng nguyên, một thuyền bảng nhãn." Chú như một cuốn từ điển sống vậy. Nghe chú kể mà tôi thấy giật mình vì những điều mình biết về nơi đây còn quá ít.

            Thành phố Bắc Ninh hiền hòa trong những ngày này trở nên sôi động hơn bởi sự có mặt của các nữ võ sĩ tham dự Giải quyền anh nữ trẻ toàn quốc. Ngồi chưa nóng chỗ, tôi được Trưởng xã giao cho theo dõi giải. Giải khai mạc ngay buổi tối 9/6 và kết thúc sau đó 4 ngày tại Nhà thi đấu đa năng thành phố. Điều này làm tôi rất vui vì có được sự khởi đầu suôn sẻ. Cảm giác căng thẳng và lo lắng trước khi bước vào kỳ thực tập phần nào tan biến.

            Tin đầu tiên tôi viết khá dễ dàng. Và có lẽ tôi là một trong những học viên ở lớp K24B có tin phát lên mạng của cơ quan sớm nhất.

            Không biết có phải tôi có duyên với thể thao hay không mà tôi khép lại kỳ thực tập 45 ngày bằng hai tin về Giải vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc. Việt Nam sẽ là nước chủ nhà của Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ 3 (ASIAN Indoor Games 3) trong năm tới, và Bắc Ninh là một trong 4 tỉnh, thành phố được lựa chọn để tổ chức một số nội dung thi đấu. Vì vậy, năm nay, tỉnh đăng cai rất nhiều giải thể thao toàn quốc. Tôi đã thật may mắn khi có mặt tại Bắc Ninh vào thời điểm này.

            Công việc của một biên tập viên Ban biên tập tin Đối ngoại mà tôi thường làm tiếp xúc với rất nhiều tin, bài của các đồng nghiệp ở phân xã. Đôi khi tôi cảm thấy khó chịu khi gặp phải những tin mà lượng thông tin chưa đầy đủ, viết không rõ ràng, mạch lạc. Tôi hiểu rằng tin làm càng rõ ràng, mang đầy đủ thông tin bao nhiêu thì sẽ thuận lợi cho người biên tập bấy nhiêu, nên trong quá trình làm tin, tôi luôn cố gắng viết tin ngắn gọn, đủ ý. Không biết có phải vì "nhiễm" cách viết tin của Ban Đối ngoại hay không mà khi làm tin cứ viết xong một ý, tôi lại xuống dòng làm chú Dũng phải nhắc nhiều. Nhưng tôi lại nghĩ dù là tin trong nước hay tin đối ngoại cũng nên có một sự thống nhất về cách đặt vấn đề, cách trình bày... (đây chỉ là ý nghĩ chủ quan của tôi xin được "mạo muội" nói ra).

            Một kỷ niệm vui, hay có thể nói là "tai nạn nghề nghiệp" mà tôi sắp kể sau đây xảy ra với anh Lưu Anh Tuấn, còn gọi là Tuấn "Zidane", biên tập viên Ban Biên tập tin Thế giới cùng về thực tập tại phân xã Bắc Ninh với tôi.

            Nhân chung kết cuộc thi Hoa hậu Bắc Ninh, anh Tuấn được Trưởng phân xã "ưu tiên" cử đi đưa tin về sự kiện này. Không biết có phải vì đây là một cuộc thi người đẹp hay vì đây là lần đầu tiên làm phóng viên mà anh Tuấn tỏ ra rất hồi hộp. Tối hôm đó (thứ sáu, ngày 13/6), anh Tuấn có mặt tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc từ sớm, độc lập tác chiến và không bỏ sót một màn trình diễn nào của các người đẹp (tôi được xem rất nhiều ảnh anh chụp). 23 giờ cuộc thi mới kết thúc. Anh Tuấn còn cẩn thận nhắn tin hỏi lại tôi "tin đã sơ duyệt là được rồi phải không em?" Tôi hiểu anh Tuấn rất lo cho sản phẩm đầu tay của mình. Tin "đã sơ duyệt", chỉ còn chờ xem Tổng xã có quyết định "xuất bản" hay không thôi, tôi trả lời.

            Nhưng... "Ôi thôi, tin của Tuấn hỏng rồi," là câu đầu tiên mà chú Dũng thốt lên khi kiểm tra. Lẽ ra thi hoa hậu phải ở phần tin văn hóa, không hiểu sao anh Tuấn lại gửi vào mục "Z-Gửi cho ban Kinh tế"! Và thế là tin không được xuất bản. Kể lại chuyện này cho các bạn ở lớp, ai cũng buồn cười, trêu anh Tuấn chỉ vì mấy cô hoa hậu "chân ngắn" mà để mất tin. Còn anh Tuấn thì tiếc ngẩn tiếc ngơ cho công sức đã bỏ ra chỉ vì "lỗi kỹ thuật" ngớ ngẩn mình mắc phải đã thành công cốc. Nhưng đây cũng là một kinh nghiệm cho tất cả chúng tôi phải thật cẩn thận khi phát tin.

            Thấm thoắt 6 tuần đã trôi qua. Tôi đã nhận được sự hướng dẫn và giúp đỡ rất tận tình của chú Dũng và em Phương, phóng viên phân xã. Tôi cảm nhận được sự xông xáo cũng như khả năng làm việc độc lập của phóng viên thường trú ở địa phương. Điều tôi không hài lòng lại chính là bản thân mình. Lẽ ra số tin tôi làm đã có thể nhiều hơn con số 10 (như định mức đề ra), lẽ ra tôi đã có thể đặt chân tới nhiều làng nghề, nhiều di tích lịch sử, nhiều vùng đất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hơn nữa. Có thể trong tôi còn thiếu sự nhiệt tình và nhạy bén cần thiết của một người phóng viên! Nếu có lần thực tập nữa, chắc chắn tôi sẽ làm khác để không phải hối tiếc vì mình đã bỏ phí quá nhiều thời gian.

            Khoảng cách Hà Nội - Bắc Ninh vẫn là 30km, nhưng mỗi lần đi từ Hà Nội sang tôi như cảm thấy đoạn đường đó ngắn lại. Phải chăng tôi đã gắn bó với mảnh đất này? Nhớ trong buổi sơ kết lớp trước khi tiễn chúng tôi đi thực tập, chị Hồng Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn, nói hi vọng sau 6 tuần thực tập, Ban Tổ chức - Cán bộ sẽ nhận được nhiều đơn xin đi thường trú phân xã trong nước của các học viên K24. Câu hát "Người ơi... người ở... đừng về... " chợt ùa về trong tôi.

Phương Chi
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

ChuýãƯn ẵỔi ẳâm õãênh mẳ u da cam (29/08/2008 09:27:07)

Ngô Mỹ và những tác phẩm đáng nhớ (29/08/2008 09:25:49)

Ảnh Bác Hồ - Kỷ vật quý thời phóng viên chiến trường của tôi  (29/08/2008 09:10:44)

Bảo hiểm tai nạn con người 24/24 và quy trình giải quyết (01/08/2008 11:03:35)

Khắc phục lỗi kết nối không dây (Wifi) (01/08/2008 11:00:12)

Nghề phóng viên giờ đây tôi đã hiểu... (01/08/2008 10:55:54)

Đoàn Tử Diễn đi tìm giá trị của niềm tin (01/08/2008 10:53:38)

Mức giảm trừ gia cảnh theo Luật thuế thu nhập (07/07/2008 09:48:38)

Gửi file ÂM THANH và VIDEO cho TRUNG TÂM NGHE-NHÌN qua mạng Internet (07/07/2008 09:47:47)

Tôi làm phóng sự ảnh "Bản Vẽ - nỗi đau xé lòng" (07/07/2008 09:45:29)