Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Sổ tay phóng viên

Tôi làm phóng sự ảnh "Bản Vẽ - nỗi đau xé lòng"


(07/07/2008 09:45:29)

Khoảng ba giờ chiều chủ nhật 5/12/2007, tôi nhận được tin báo của đồng nghiệp bên báo Hà Nội Mới về vụ sập núi đá trên công trình thủy điện Bản Vẽ ở Nghệ An, vùi lấp nhiều người. Sau hơn một tiếng đồng hồ chuẩn bị, nai nịt gọn gàng, tôi có mặt tại điểm hẹn để lên đường. Đúng 17 giờ, chúng tôi xuất phát, vào nơi mà cách đó hai tháng chúng tôi đã đến đưa tin về việc tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm sớm đưa các tổ máy đi vào hoạt động. Do đã thạo đường nên chúng tôi "chạy" một mạch đến công trường vào 3 giờ sáng hôm sau nơi 18 con người cùng máy móc, thiết bị bị vùi sâu dưới hơn nửa triệu mét khối đất đá.

            Không như hình dung của tôi khi ngồi trên xe đi suốt đoạn đường hơn 400 cây số,  hiện trường vắng lặng, chìm trong tang tóc. Trong chiếc lều mới được dựng tạm, một hàng những bát cơm quả trứng xếp san sát trên bàn thờ khói hương nghi ngút. Sau khi thắp hương cho những người xấu số, chúng tôi leo lên con dốc. Đột ngột có người xuất hiện, ngăn lại, chúng tôi mới biết đã tiến quá gần nơi nguy hiểm. Trời lạnh, từng đám sương mù cuộn đến rồi cuốn đi cũng thật nhanh. Đám côn trùng bu quanh những chiếc đèn pha đang dọi ngược lên đống đá đổ khổng lồ lẫn tiếng dế kêu đêm khiến cho không khí càng thêm âm u, tang tóc. Những người bảo vệ hiện trường luôn miệng nhắc nhở khi nhiều lần tôi tiếp cận thật gần để chụp ảnh. Do đá vẫn còn lở, nên công việc cứu hộ chưa thể bắt đầu, trong máy ảnh của tôi mới chỉ có hình ảnh những công nhân Sông Đà, nhân viên y tế, lực lượng công an bảo vệ hiện trường... 5 giờ sáng, những tấm hình đầu tiên được phát về Tổng xã. Các hình ảnh tiếp theo được chụp và kịp  thời truyền về liên tục như ảnh Phó Thủ  tướng Hoàng Trung Hải vào chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn; ảnh phỏng vấn người công nhân duy nhất may mắn thoát chết; ảnh bộ đội công binh vác trên vai những hòm đựng thuốc nổ, đánh sập những khối đá có khả năng gây nguy hiểm cho việc cứu hộ; ảnh các tập thể, cá nhân quyên góp ủng hộ gia đình các nạn nhân...

Hàng tấn thuốc nổ được bộ đội công binh sử dụng để loại bỏ các vị trí nguy hiểm cho công tác cứu nạn. (Ảnh: Ngọc Hà).

            Ba ngày sau, khi công tác cứu hộ đạt được kết quả bước đầu, tôi mới có được những tấm hình chủ chốt của sự kiện thương đau này, đó cũng là sự chờ đợi trong căng thẳng của bao thân nhân người bị nạn mong mỏi sớm tìm thấy người thân của mình dưới đống đá khổng lồ  kia. 9 giờ sáng ngày 19/12, tôi trở lại hiện trường, đi theo mấy anh bộ đội biên phòng để chụp ảnh hai chú chó nghiệp vụ lần tìm dấu vết nạn nhân. Không có nhiều hy vọng, bởi từ mấy hôm trước những cái mũi chó thính nhạy đã bị hơi mìn đánh lạc hướng nên không phát hiện được gì. Mọi người vẫn hối hả làm việc, tiếng máy khoan vang rền khắp nơi. Bỗng nghe những tiếng sủa dứt khoát của chú chó Pô-ma phía  bên phải của đá. Những chiếc cờ hiệu được cắm xuống để đánh dấu vị trí. Máy xúc công suất lớn được điều đến ngay lập tức, chiếc gầu xúc to lớn hối hả gạt, cào, múc. Tôi đưa danh thiếp cho người có vẻ là chỉ huy ở khu vực đó để nhờ anh ta gọi điện báo khi phát hiện được thi  thể  nạn nhân. Cẩn thận hơn, tôi xin số điện thoại của anh ta rồi tranh thủ thời gian chạy đi chụp cảnh những người thợ Sông Đà đứng cheo leo trên các tảng đá lớn để khoan, chuẩn bị nổ mìn. Nhận được điện báo: chỗ đang đào có khả năng  thi thể. Tôi khẩn trương quay trở lại, vừa leo vừa chạy muốn đứt hơi. Trong cái hố sâu hoắm mới được đào đã thấy một phần thi thể của một công nhân. Máy xúc được lệnh dừng hẳn để tốp thợ dùng những chiếc cào sắt nhỏ tiếp tục bới. Họ cẩn thận, nhẹ nhàng để khỏi làm đau người đã khuất. Tôi xuống tận hố chụp cận cảnh hình ảnh những người thợ Sông Đà tỉ mỉ gom nhặt từng phần thi thể của đồng đội.

Không để sót phần thi thể nào của người bị nạn. (Ảnh: Ngọc Hà).

Bỗng có người theo xuống, chăm chú nhìn vào thi thể khiến tôi chú ý   hướng ống kính theo sát nhân vật đó. Tôi  bấm được ba kiểu lúc anh ta trèo lên miệng hố chắp tay ngước mặt lên khấn: "Sơn ơi, có phải Sơn đấy không?". Hình ảnh đó xúc động hơn cả và trở thành một trong những ảnh "đinh" của phóng sự ảnh "Bản Vẽ - nỗi đau xé lòng". Thi thể nạn nhân được đưa ra khỏi mỏ đá để khâm liệm và làm lễ truy điệu trước khi chở về quê. Lúc đó là 12 giờ trưa. Tôi gọi điện về báo Tin Tức thông báo tòa soạn chờ ảnh. Chui vào xe ô tô, mở máy tính, tôi gõ chú thích và truyền ảnh về. Được anh Tiến lái xe cơ quan giúp theo dõi việc truyền ảnh qua điện thoại di động, tôi ra ngoài chụp cảnh khâm  liệm, lễ truy điệu và "chớp" được khuôn mặt đau đớn của người anh ruột đang khóc em. Quay lại xe, tôi tiếp tục truyền một loạt hình ảnh công tác cứu hộ cũng như những hình ảnh xúc động về lễ truy điệu đưa tiễn người đã khuất về quê hương.

            Trong chuyến công tác đó, tôi đã chụp gần một ngàn bức ảnh, chọn lọc và chuyển về Tổng xã 64 ảnh. Các thông tin và hình ảnh được chuyển về Tổng xã luôn sớm hơn, nhanh hơn các báo khác phần nào đáp ứng được yêu cầu thông tin thời sự của TTXVN.

 

ĐÁNH GIÁ TỪ CÁC NHÀ CHUYÊN MÔN

 

            * Phóng sự "Bản Vẽ - nỗi đau xé lòng" của phóng viên Ngọc Hà tương đối sinh động hơn cả trong các bộ ảnh phóng sự dự thi của Ban Biên tập - Sản xuất ảnh báo chí. Trong tình huống  này, việc xử lý của phóng viên khá vững, nắm được các tiêu chí của ảnh báo chí, phản ánh trung thực sự kiện xảy ra. Bộ ảnh chú  trọng được những cận cảnh mang yếu tố tâm lý, khắc họa một cách tự nhiên những khoảnh khắc tâm lý đáng nhớ. Ý thức thường trực quan sát của phóng viên đã mang lại sức sống cho phóng sự. Ít nhiều, bộ ảnh đã tác động được người xem qua cách thể hiện và lựa chọn chủ đề nỗi đau trong một tai nạn thương tâm. Như vậy, hình ảnh nạn nhân xuất hiện ít hơn, tránh được sự phản cảm không cần thiết. Khi xem ảnh người xem không bị tâm trạng nặng nề lấn át mà vẫn tìm được sự đồng cảm với những nhân vật trong cuộc. Bố cục của các bức ảnh khá tốt.

            Tuy nhiên về tổng thể, những bức ảnh tham gia phóng sự mới chỉ rõ được hiện trường và bối cảnh của tai nạn, chưa để lại ấn tượng thật mạnh cho người xem.

Vũ Đức Tân

Thành viên Ban sơ khảo Giải báo chí quốc gia 2007.

 

 

            * Âm hưởng tiêu đề phóng sự "Bản Vẽ - nỗi đau xé lòng" như thấm đẫm trong từng chi tiết ảnh. Lăn lộn trên hiện trường từ những giờ đầu tiên xảy ra sự cố, một cách có nghề, Ngọc Hà đã ghi lại câu chuyện đau thương bằng hình ảnh về số phận của những người lao động trên công trường Bản Vẽ trong sự cố sập mỏ đá sáng 15/12/2007. Mở đầu phóng sự là một khuôn mặt co rúm bởi nỗi đau mất em của anh trai nạn nhân Hoàng Anh Vũ. Người xem như thấy những giọt nước mắt ứa ra không phải từ đôi mắt mà được ép lên từ quằn quại nỗi đau vô bờ. Bất lực và đau đớn. Hình ảnh đoàn bộ đội khuân vác thiết bị hỗ trợ tìm kiếm nối dài lên đỉnh núi; những chiếc  máy  khoan, máy xúc hoạt động khẩn trương, cẩn trọng, những bàn tay "cận cảnh" đang nâng niu từng vốc đất đá lẫn xương thịt ai đó... Tất cả những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ ấy đã dựng lên sống động nỗi đau quá lớn - Một Nỗi Đau Hóa Đá. Bức ảnh "đinh" của phóng sự thể hiện rất rõ điều ấy. Hình ảnh về anh trai của Cao Thế Sơn đang chắp tay khẩn cầu sớm tìm thấy em với hậu cảnh là chiếc gầu xúc khổng lồ thực sự là một bức tượng tạc bằng ánh sáng. Chút nắng cuối  của buổi chiều như òa lại trên khuôn mặt câm lặng của anh. Le lói một chút hy vọng cuối cùng trên bờ môi đang cắn chặt. Phóng sự kết lại là bức ảnh gia sản còn lại của một công nhân xấu số để người thân mang về gia đình sau bao năm lăn lộn trên công trường: Đôi hòm gỗ nhỏ nhoi, xộc xệch, vài vật dụng  vội trong một chiếc chiếu dây quấn sơ sài... "Nỗi đau xé lòng" khép lại là một sự cảm nhận đến thắt lòng - sự hy sinh vô giá của những đời thợ mỏ đá nhọc nhằn.

Phạm Quyền

Phó Trưởng ban Biên tập - Sản xuất ảnh báo chí

 

Ngọc Hà
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2008