Thứ sáu, ngày 26/07/2024

Sổ tay phóng viên

Quê Bác Làng Sen


(02/06/2008 09:07:48)

Không phải đợi đến tháng 5 mà suốt các ngày trong năm, hàng chục triệu bước chân, tấm lòng của đồng bào, đồng chí, bè bạn lại tìm đến xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống những năm thời niên thiếu dưới mái nhà tranh với niềm thành kính, xúc động.

Di tích lịch sử - văn hoá Kim Liên (gọi tắt là Khu di tích Kim Liên) được Đảng và Nhà nước cho xây dựng từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Năm 1979, được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hoá - lịch sử về thời niên thiếu của Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác. Toàn bộ Khu di tích bao gồm nhà tranh nhỏ của các cụ thân sinh của Bác: cụ Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan; ngôi nhà của ông bà ngoại của Bác; nhà thờ chi họ Hoàng Xuân (thuộc cụm di tích Hoàng Trù); nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; giếng Cốc; lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý - thầy học khai tâm của Bác; nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhâm - ông nội của Bác; di tích cây đa, sân vận động Làng Sen; khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và nhà tưởng niệm Bác (thuộc cụm di tích làng Sen); phần mộ bà Hoàng Thị Loan ở Động Tranh trên dãy Đại Huệ và cụm di tích núi Chung. Toàn khu di tích rộng trên 205 ha, các điểm và cụm di tích cách nhau 2-10km. Từ năm 1990, khi tổ chức UNESCO của Liên Hiệp quốc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất của nhân loại", các đoàn khách trong nước và quốc tế tìm về Kim Liên để tham quan, tưởng niệm, tìm hiểu, nghiên cứu về Người ngày một nhiều thêm.

Là phóng viên trẻ của TTXVN, tôi vinh dự được cơ quan phân công thường trú tại Nghệ An, quê hương Bác. Sau hơn 3 năm làm báo, quả thật tôi khó nhớ nổi mình đã đến với Kim Liên, Nam Đàn bao nhiêu lần, nhưng có điều chắc chắn rằng lần nào đến cũng trào dâng trong tôi nhiều cảm xúc. Một làng quê bình dị như bao làng quê Việt Nam, cũng cây đa, bến nước và luỹ tre làng, đó là làng Chùa (làng Hoàng Trù), quê ngoại Bác, nơi Bác đã chào đời. Từ làng Chùa quê ngoại sang làng Sen quê nội đi qua hồ sen thơm ngát và giếng Cốc trong vắt. Ngôi nhà tranh mà Bác đã sống thuở nhỏ này do nhân dân trong vùng góp công xây dựng để mừng cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng vào năm 1901. Nằm ẩn dưới rặng tre xanh, bên trong ngôi nhà mộc mạc ấy là những đồ dùng sinh hoạt của một gia đình nhà nho nghèo: thư án, bút nghiên, ghế ngồi, mâm gỗ... Nơi đây Bác đã từng sống những năm tháng tuổi thơ và chứng kiến những buổi bình văn, luận thời cuộc giữa thân phụ người với nhà ái quốc Phan Bội Châu, nhà thơ Vương Thúc Quý. Cảnh quan quê Bác thân thuộc, dung dị với luỹ tre làng, đường đất nhỏ, se sợi, khung cửi, bờ dâu và văng vẳng đâu đây những câu hò, điệu ví phường Vải mượt mà, đêm trăng quay xa của nam thanh nữ tú.

Về với Khu di tích Kim Liên, du khách như để thoả mãn một niềm khát khao trong đời là tìm về với cội nguồn Người lãnh tụ kính yêu của mình, để được tiếp thêm sức mạnh, vượt qua bao khó khăn thử thách. Tôi còn nhớ, trong lần tác nghiệp tại Kim Liên vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2005), một vị khách nước ngoài là cựu chiến binh người Mỹ đã xúc động nói: "Tôi đến đây suy ngẫm, để cắt nghĩa vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có thể sinh ra trên mảnh đất này và chính mảnh đất này đã cùng cả nước nuôi lớn một con người hiến trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, một nhà hoạt động quốc tế lỗi lạc, một nhân cách hoàn hảo". Tôi nghĩ rằng, tâm sự đó không chỉ của riêng cựu binh người Mỹ kia mà còn là suy nghĩ và cảm nhận của nhiều người và cả du khách quốc tế, mỗi lần về thăm quê Bác.

Thời điểm này, cả nước đang sôi nổi thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Các đoàn khách về với quê hương Bác càng nhiều hơn. "Ở Bác cái gì cũng đáng để chúng ta học tập", cô Bùi Thị Đảm, người có thâm niên 18 năm làm hướng dẫn viên tại Khu di tích Kim Liên bày tỏ. Học Bác ở đức tính giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; học ở lề lối, phong cách làm việc khoa học, học ở ý chí vượt khó, vượt khổ, không ngừng học hỏi trau dồi kiến thức...

Học tập và làm theo lời Bác, Kim Liên nay đã đổi thay nhiều. Kinh tế phát triển, nhà cửa khang trang, ngõ xóm văn minh, trường học cao tầng, đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi được kiên cố hoá, thiết chế văn hoá thể thao đồng bộ... Con người Kim Liên thân thiện, hoà nhã, niềm nở với du khách gần xa. Đảng bộ và nhân dân xã Kim Liên hiện đang có những bước đi riêng mang tính đột phá, từng bước thực hiện lời mong muốn của Bác Hồ, trở thành "xã kiểu mẫu của cả nước".

Riêng tôi, mỗi lần về tác nghiệp trên quê hương Bác, tôi lại cảm nhận và học được thêm bao điều quý giá. Tấm gương của Bác bao la quá. Tôi soi vào đấy để nhắc nhở mình phải không ngừng nỗ lực rèn luyện vươn lên cả trong nghề nghiệp và cuộc sống.

Bích Huệ
Phân xã Nghệ An
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Để có "khoảng khắc vàng" trong nhiếp ảnh (02/06/2008 09:04:41)

VoIP một thành phần cơ bản của Truyền thông hợp nhất (02/06/2008 09:03:01)

Microsoft Outlook 2007: tiện ích đa năng, kết nối đơn giản  (02/06/2008 09:02:06)

"23 ngày tÃƠi ẢẶn, ngáỪậ cÃỰng BáỨặn VáỨơ" (02/06/2008 08:56:57)

Đối tượng và tiêu chuẩn nâng bậc lương trước thời hạn (13/05/2008 11:05:43)

Làm việc lâu trước máy vi tính dẫn đến tăng nhãn áp (13/05/2008 11:04:27)

Truyền thông hợp nhất cuộc cách mạng mới trong công nghệ thông tin (13/05/2008 11:03:26)

Phóng viên thường trú ngoài nước - 5 yếu tố cần thiết (13/05/2008 11:02:24)

45 ngày tôi "thử sức" ở Lào Cai  (13/05/2008 10:52:43)

Bình minh trên Si Ma Cai (13/05/2008 10:51:38)