Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Sổ tay phóng viên

Phóng viên thường trú ngoài nước - 5 yếu tố cần thiết


(13/05/2008 11:02:24)

Làm thế nào để "tạo bước đột phá" trong tin của phóng viên thường trú nước ngoài như lãnh đạo cơ quan yêu cầu? Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, nguồn tin ngày càng phong phú, khó khăn của phóng viên thường trú là rõ ràng. Đành rằng phát hiện, thông tin nhanh, trúng vẫn thuộc những yêu cầu cốt lõi của báo chí nhưng phóng viên thường trú địa bàn còn có thể sử dụng thêm những lợi thế khi có điều kiện tiếp cận, quan sát để tường thuật, đưa ra quan điểm sát với thực tế.

Tôi luôn nghi vấn khẩu hiệu "tin tức báo chí hoàn toàn khách quan". Khách quan chỉ tương đối còn tin tức thường thể hiện quan điểm của cơ quan báo chí hoặc ít ra là của phóng viên, biên tập viên. Cách lựa chọn vấn đề, im lặng lờ đi hay phản ánh mức độ đậm nhạt khác nhau đều cho thấy quan điểm của người làm báo. Xem hình ảnh một cuộc biểu tình trên CNN thấy gương mặt sắc khí của những người thuộc một tổ chức công đoàn, hàng trăm cảnh sát vây quanh, xô đẩy và la ó. Cảnh tượng ấy xuất hiện nhiều lần trên truyền hình khiến khán giả cảm nhận sự khốc liệt của cuộc biểu tình. Nhưng trên thực tế công đoàn viên tham gia sự kiện hôm đó chỉ vài chục người. Góc quay hẹp của phóng viên cộng với tần số xuất hiện liên tục khiến khán giả bị ngộ nhận. Báo chí phương Tây nhiều khi "bé xé ra to", "ít xít ra nhiều", nhất là đối với các cuộc xung đột, mâu thuẫn. Điều này xuất phát từ quan điểm của họ, thêm chút yêu cầu hấp dẫn thông tin được nhào luyện trong những cái đầu lành nghề. Vậy đâu là khách quan và làm thế nào để thể hiện được vai trò phóng viên thường trú trong giai đoạn hiện nay? Xin mạn phép nêu một vài suy nghĩ đối với công việc của phóng viên thường trú ở ngoài nước.

- Phát hiện vấn đề: Chủ động phát hiện sự kiện và vấn đề là yếu tố  rất quan trọng nhưng nhìn chung chúng ta hiện nay vẫn phải dựa vào nguồn tin của cơ quan báo chí địa phương là chính. Hãng tin phương Tây sử dụng nhiều phóng viên và nguồn tin báo chí địa phương làm tư liệu chế tác. Khác với biên tập viên tổng xã, phóng viên thường trú có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin nước sở tại, theo các khuynh hướng khác nhau, lại có thể tham khảo ý kiến của các cá nhân. Đó là những điều kiện khách quan để phản ánh, đưa ra những nhận định về sự kiện; tìm kiếm, so sánh phát hiện cái mới để thông tin kịp thời.

- Đưa tin bài phù hợp với quan điểm của Việt Nam: Báo chí trong nước khi sử dụng tin phương Tây thường phải ghi rõ nguồn tin một phần do khó kiểm chứng trực tiếp. Phóng viên thường trú có điều kiện thuận lợi để so sánh, xử lý nhiều nguồn tin trước khi phát về Tổng xã. Trong bề bộn nguồn tin, báo chí Việt Nam, độc giả Việt Nam, trong đó có lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn cần những thông tin chính xác, chính thống, kịp thời của phóng viên thường trú TTXVN.

- Chú trọng những vấn đề liên quan đến Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước sở tại: đang được dư luận chú ý như vụ cô dâu người Việt lấy chồng nước ngoài, người lao động Việt Nam bị ngược đãi, Việt kiều bị mất chỗ buôn bán, thủy thủ viễn dương bị bắt cóc...là nguồn tin tương đối độc quyền của TTXVN mà các báo trong nước khi sử dụng thường phải ghi rõ nguồn.

- Ghi chép tại hiện trường.

- Gặp gỡ, phỏng vấn các nhân vật tại nước sở tại.

Về kỹ thuật, bên cạnh văn phong truyền thống, trong nhiều trường hợp phóng viên nên có cả tin bài theo văn phong mở, trích nguyên văn phát biểu hay văn bản cần thiết, cộng thêm các ý kiến phỏng vấn hoặc nhận định của nhân vật liên quan; không nên phản ánh sự kiện một chiều. Xu hướng báo chí hiện nay, nhất là báo điện tử, sử dụng nhiều thông tin mở, có tác dụng lôi cuốn độc giả.

 

Một đề xuất nhỏ: Nên chăng, lãnh đạo cơ quan xem xét thay đổi hình thức trình bày tin thế giới "Phổ biến" theo kiểu TTXVN (Hà Nội x ngày/x tháng) đối với tin phân xã như hiện nay mà thống nhất hình thức trình bày như trên trang web của cơ quan hoặc trong Tin nhanh, tin Tham khảo, tin Kinh tế... Đề rõ nguồn tin phát từ phân xã nước ngoài TTXVN (Tôkiô x ngày/x tháng). Làm như vậy trong không ít trường hợp sẽ giảm thiểu cách dẫn dắt nguồn tin: "Theo phóng viên TTXVN tại...khắc phục việc mào đầu quá dài dòng, lặp đi lặp lại một từ hay cụm từ riêng. Việc hợp nhất như vậy cũng có những khúc mắc nhất định xảy ra nhưng đó là xu thế chung của các hãng tin.

Vũ Duy Hưng
Trưởng Phân xã TTXVN tại Xơ-un
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2008