Thứ sáu, ngày 26/07/2024

Sổ tay phóng viên

45 ngày tôi "thử sức" ở Lào Cai


(13/05/2008 10:52:43)

Kết thúc một tháng rưỡi học tập tại Tổng xã, chúng tôi - những phóng viên, biên tập viên - của Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn K24A được "tung" đi thử sức tại nhiều đơn vị khác nhau của TTXVN.

Ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, hầu hết học viên được cử đi thực tập ở những địa bàn 'lạ'. Những bạn đang làm việc ở các phân xã được thực tập tại Tổng xã, trong khi những người làm việc tại Tổng xã lại được cử đến các phân xã địa phương, xa có Lào Cai, Bắc Cạn, Yên Bái,... gần có Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên,... và gần hơn nữa là Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh... Tôi - một biên tập viên thuộc Ban Biên tập tin Thế giới cùng phóng viên Tuấn Anh của Ban biên tập - Sản xuất ảnh báo chí, được Ban phụ trách lớp phân công lên Lào Cai.      

Định mức chúng tôi phải hoàn thành trong đợt thực tập một tháng rưỡi là 2 bài, 6 tin đối với PV tin; 6 chủ đề ảnh đối với PV ảnh. Tối 16/2/08, hai chúng tôi lên tàu tại ga Hà Nội và 7h30 sáng hôm sau đặt chân lên đất Lào Cai. Đón chúng tôi tại trụ sở, số 001 phố Đăng Châu, là Trưởng phân xã Lào Cai Lục Văn Toán cùng hai phóng viên thường trú Hoàng Ngọc và Thanh Hải. Sau màn "chào hỏi", chúng tôi được Trưởng xã mời về ăn cơm trưa tại nhà riêng. Sự hiếu khách, dễ gần của Trưởng xã cùng phu nhân và anh em đồng nghiệp tại đây đã khiến hai chúng tôi bớt đi phần nào lo lắng ban đầu.

Đang trong những ngày trời rét đậm, sau khi xin ý kiến Trưởng xã, ngay sáng 18/2, chúng tôi đã lên đường tới Sa Pa, với hy vọng có được những hình ảnh cuối cùng về đợt băng giá tại đây. Trên chiếc xe Dream được gọi vui là 'con la già' của Tuấn Anh, bọn tôi vượt qua hơn 30 cây số với rất nhiều con dốc, khúc cua nguy hiểm, đi trong giá lạnh và sương mù dày đặc mới tới được Sa pa.

Chúng tôi tìm đến Phòng Kinh tế huyện để lấy số liệu về đợt rét đậm, rét hại đang hoành hành tại đây. Trưởng phòng Dương Đức Huy cho biết băng giá đã tan gần hết nhưng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên còn một số điểm cao, và đặc biệt là khu Cổng Trời vẫn còn bị băng giá che phủ. Không chậm trễ, chúng tôi nhằm những nơi đó thẳng tiến. Đoạn từ Sa Pa lên Cổng Trời chỉ chừng 10 km nhưng gian nan hơn đoạn từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa rất nhiều, bởi chặng Lào Cai - Sa Pa là đường nhựa, còn chặng Sa Pa - Cổng Trời chỉ toàn đá sỏi, đường đang sửa chữa, lại cộng thêm sương mù, mưa gió nên cực kỳ lầy lội và khó đi. Sau gần một giờ "đánh vật" với đường hai chúng tôi cũng đến được Cổng Trời và Vườn quốc gia Hoàng Liên, nhưng thật tiếc là ở những nơi này băng giá cũng đã tan nên không chụp được bức ảnh nào. Trên đường về thị xã, chúng tôi ghé thăm Trại nuôi cá hồi Thác Bạc, chụp ảnh, lấy tư liệu và thu thập được nhiều thông tin về của đồng bào dân tộc cứu gia súc, hoa màu trong đợt rét lịch sử này.

Ngay tối hôm đó, tôi đã "gõ" được 3 tin đầu tiên, còn anh Tuấn Anh cũng thực hiện xong 3 chủ đề ảnh. Sau khi được Trưởng xã duyệt, toàn bộ sản phẩm của chúng tôi được chuyển về Tổng xã qua mạng sản xuất thông tin nội bộ. Hồi hộp, hy vọng. Cuối cùng, "lứa con đầu lòng" (tin bài và ảnh) của chúng tôi đã thấy xuất hiện trên mạng cơ quan. Tâm trạng vui sướng, nhẹ nhõm, chúng tôi tiếp tục vững tâm đi tiếp kỳ thực tập.

Những ngày sau, hai chúng tôi được cử tới các huyện, tham dự các cuộc họp và tiếp cận với một vài cơ sở. Được sự chỉ bảo tận tình của Trưởng phân xã Lục Văn Toán và hai đồng nghiệp trẻ Hoàng Ngọc, Thanh Hải, cộng thêm tinh thần sẵn sàng học hỏi và tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi nên chỉ trong 10 ngày đầu của đợt thực tập, tôi đã hoàn thành định mức gồm 1 bài và 8 tin; anh Tuấn Anh cũng hoàn thành định mức 6 chủ đề ảnh. Thế nhưng, phóng viên ảnh Tuấn Anh vẫn phàn nàn rằng lẽ ra có thể hoàn thành định mức sớm hơn nữa, bởi ít nhất hai chủ đề ảnh đã không thể gửi về Hà Nội được do máy tính của Phân xã liên tục bị trục trặc. Nếu không ra quán Internet ngoài phố thì chưa chắc Tuấn Anh đã hoàn thành định mức sớm được như vậy.

Sau khi hoàn thành định mức "cứng" do Ban phụ trách lớp đặt ra, chúng tôi dành thời gian thực tập còn lại tiếp tục đi thâm nhập thực tế, tiếp cận thêm nhiều lĩnh vực khác nhau, học cách khai thác tư liệu, dựng ma-két ảnh theo chủ đề... "Quyển sổ, cây bút, máy ảnh, máy ghi âm là những thứ không thể thiếu đối với người phóng viên. Ghi chép không những thể hiện sự tôn trọng người cung cấp thông tin mà còn là tư liệu quý, không dùng nay thì dùng mai", Trưởng xã Lục Văn Toán nhắc nhở anh em chúng tôi.

Cái gì chưa rõ hoặc chưa biết, hai lính mới đều hỏi Trưởng xã và trao đổi với các đồng nghiệp khác tại đây. Những ngày thực tập đã giúp chúng tôi "vỡ" ra nhiều điều về nghiệp vụ phóng viên trong nước; hiểu thêm những khó khăn khi tác nghiệp ở vùng xa và cảm thông hơn về cuộc sống vất vả của đồng bào các dân tộc vùng cao. Qua đó, chúng tôi càng ý thức rõ hơn về trách nhiệm và nhiệm vụ của một phóng viên, nhất là phóng viên Hãng thông tấn quốc gia.

Tiến Trung
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2008