Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Sổ tay phóng viên

Những nẻo đường Tây Bắc


(07/07/2008 09:42:36)

Nghề báo "mỗi ngày một chuyện", thế là chạy, vắt chân lên cổ mà chạy, mà hóng hớt, nghe, nhòm. Làm gì thì làm, nhưng cuối ngày phải "có chuyện" để gửi về cơ quan. Xin được kể đôi ba câu chuyện của bản thân, của bạn bè về những chặng đường lấy tin, làm ảnh ở vùng miền núi Tây Bắc "quê tôi".

            Những kinh nghiệm... ngã xe

            Đi làm báo ở Tây Bắêc tốt nhất cứ cái xe máy dính vào người, tiện lợi vô cùng, tạt đâu cũng được, nếu nhỡ việc phải ở lại thêm đâu đó đôi ngày thì chi phí cũng không đến nỗi phải đắn đo nhiều. Có điều đường Tây Bắc... quý người lắm, lơ mơ đo đường liền. Phóng viên nào ở vùng này hình như cũng từng kinh qua cái chuyện ngã xe máy. Cái thằng tôi hồi tháng 10/2005 mới lên, bị ngay một cú ngã biết thế nào là đường. Cú ngã làm gãy một tay, mất thêm hai nửa cái răng, coi như bài học đầu tiên. Theo thời gian tôi ngã thêm dăm cú nữa, được cái lần sau nhẹ hơn lần trước. Giờ đi đường miền núi "lụa" lắm, hơn năm nay không ngã thêm cú nào nữa.

            Thâm niên phải kể như bác Tới (Điêu Chính Tới, Trưởng phân xã Sơn La), mấy mươi năm bám đường, ấy vậy mà đợt tháng 4/2006 gặp ông bác toàn thân sưng vù, đi đứng lom khom không thẳng lên được. Thì ra hôm ấy bác Tới vào công trình thủy điện Sơn La, ham việc, tối mới nháo nhào về để viết bài. Đường công trường vừa trơn vừa bụi, đang tối tăm mặt mũi  tránh đám bụi, dính ngay cái vệt nước, thế là xoài ra đường. Không may mà lại may, ngã nhào vào đống cát, không gãy cái gì, chỉ xây sát toàn thân. Riêng cái thủy điện Sơn La, bác Tới ưu ái cho nó cả thảy năm cú ngã. Tôi cũng dính một cú nhưng đau nhất, ấy là cú ngã gãy tay kể ở trên. Lúc vui hai anh em huênh hoang bảo nhau "công trường này  thấm máu bọn ta".

Trưởng phân xã Lai Châu Chu Quốc Hùng (đi đầu) cùng đồng nghiệp đang vượt lũ bằng bè mảng đến các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ, Lai Châu. (Ảnh: Xuân Trường).

            Đường Tây Bắc cong, cua bất thường, không hiểu do thiết kế kém đường không tốt là xuống vực nhỡn tiền. Đợt đầu năm 2005 tôi đưa Huy Hùng, phóng viên trẻ của Ban Biên tập-Sản xuất ảnh báo chí lên Sơn La, cũng vào công trường thủy điện. Đi một đoạn, không thấy chú em đâu, quay lại tìm, thấy chú em mặt xanh nhợt như tàu lá, đậu xe ngay sát mép vực. Cũng cái tội bám cua không tốt, tí lao xuống vực thẳm. Sau cú ấy, Hùng đi tiến bộ trông thấy, cắt cua, vượt ngầm... y người nhớn.

            Chuyện ngã, phá xe còn phải kể đến Mạnh Hà (phóng viên Phân xã Lai Châu). Hồi mới lên, Mạnh Hà đi con Honda 67 trông ngầu lắm. Hôm ấy (3/2007) mấy anh em đi tìm hiểu về tình trạng thiếu nước trầm trọng ở Mù Sang - xã biên giới của huyện Phong Thổ (Lai Châu) - đi vào gần đến xã, đợi mãi vẫn không thấy Hà, cuối cùng nhận được thư nhắn từ người đi đường "Mọi người cứ đi làm trước, Hà hỏng xe vào sau". Hỏng hóc gì đâu, anh chàng chưa quen đường núi nhưng lại bóp côn thả trôi xe xuống dốc, không lường được đến lúc nhả côn ra, phá vỡ luôn cả hộp số. Khốn khổ, cả cái xe bán lại được 2 triệu đồng. Người mua, nghe đâu cũng chỉ vì thích xe Hà có cái thùng đèo hàng rất sành điệu. Mạnh Hà còn có "thành tích" cõng cả Trưởng phân xã Chu Quốc Hùng lao xuống vực trên đường từ Phong Thổ về. Đận ấy cũng mắc tội đi vội vào cua đường văng, hai anh em cùng con xe vù một cái... thấy đường hay do lún sụt sau này mà nhiều đoạn vào  cua cứ văng ra, bám trên đầu. May, vực nông, ngã rồi cứ thắc mắc "sao không gãy cái gì".

            Mùa mưa đi công tác trên này y như đi du lịch mạo hiểm vậy. Ngã xe như đập mẹt, được cái ít đau vì những lúc ấy thường đi chậm lắm. Kiểu ngã xe do đường đất trơn, xe quay ngang, đập bì bạch xuống đường là chuyện thường  ngày, không đ "hoành tráng" để được thống kê vào danh mục ngã. Tôi lang thang ở miền núi không ít, nhưng cũng có những lần đành để xe máy lại mà thuê xe ôm người địa phương, bởi  quá ớn vì đường và tự biết "chưa đủ tư cách" cầm lái!

            Chuyện ăn uống, đi bộ...

            Đặc thù nhất có lẽ trước hết phải nói đến chuyện uống, tất nhiên là uống rượu. Lên vùng cao công tác, vào nhà dân mà không biết uống đôi ba chén rượu thì "là cả một cái sự khó". Đã đi bản tất nhiên phải ăn cơm với cơ sở, không về được còn vì cái lẽ có bản nào gần mà về kịp đâu, cũng không ra quán mà ăn được: lấy đâu ra quán. Dân vùng cao quý người, hơn nữa chén rượu như phong tục mến khách vậy, không chối được. Lý do để uống thì nhiều lắm: chén làm quen, chén tự giới thiệu, chén... gửi về chúc chị nhà và các cháu... cứ thế mắt hoa lên lúc nào không biết nữa. Đi hai, ba anh em còn có thể "nâng đỡ" nhau được chứ cái cảnh "nhất chén độc chiến quần hùng" thì thôi rồi. Riết rồi quen, cái thằng tôi thường cố khất, đưa cái bữa rượu ấy vào buổi tối. Hỉ hả uống, vừa uống vừa tranh thủ lấy thông tin. Những bữa rượu ấy khổ thì có khổ nhưng được khối chuyện. Mười bữa đi bản thì có đến bẩy bữa, lúc bò lên giường cố ngóc đầu ra xin thêm cái chậu.

            Uống vậy thì chuyện ăn nhấm nhẳn lắm. Bụng óc ách những rượu mà chưa được hột cơm nào là sự thường. Lắm đêm vật vã vì rượu còn thêm mệt vì đói. Đi công tác vùng cao bác nào thuộc nhóm ăn uống điều độ thì mệt lắm, nhưng mệt nhất có lẽ phải kể đến nhóm khảnh ăn "sáng ra đắng miệng lắm, không ăn được". Đi thêm ít ngày chắc hết đắng miệng ngay. Cái sự ăn, luôn phải tự nhắc mình "người ta ăn được, mình ăn được": châu chấu, bọ xít, nậm pịa, thắng cố, phở ngô... thôi thì cứ chén tất. Tự an ủi: khối món giờ đã thành đặc sản dưới xuôi, sang trọng lắm mới đãi nhau được. Ăn rồi bụng dạ có "thắc mắc" gì, cứ nước suối với becberin là "hòa thuận" hết.

            Khi con xe thân thương đã bất lực cũng là lúc anh em chúng tôi đi "theo kiểu đồng bào", ấy là món đi bộ. Quen vít ga rồi, đến lúc phải đi bộ, xin nói thật: cực lắm. Ba lô máy móc, hành lý ngót nghét 15kg, khác gì bộ đội. Khổ nữa, giờ ăn uống đủ, sinh ra béo, cõng thêm trên người ngót nghét 10kg mỡ thừa, cái bụng vừa đi vừa lắc. Leo dốc thở ra mọi đằng, nhìn những anh gầy, lúc ấy sao mà ngưỡng mộ thế. Phải đi bộ mà trót uống vài chén rượu rồi thì thật là cơ khổ. Đợt tôi và anh Chu Quốc Hùng đi vào xã Nậm Ban (huyện Sìn Hồ - Lai Châu) trước lúc lên đường, tránh không được, phải giao lưu vài chén. Xuất phát lúc 3 giờ chiều, dự kiến đi chừng 2 giờ là đến bản. Dốc cao quá, chân đã yếu lại thêm mấy chén rượu, tôi thực sự bò ra đường, kéo cả đoàn chậm lại. Tối đến vẫn đang ở trên rừng, có mỗi cái đèn pin lại chập mạch, ánh sáng còn bằng con đom đóm. Bốn anh em bám áo nhau đi. Đang đi tôi trượt chân lao xuống hố. Không hiểu lúc ấy thế nào còn bám được một gốc cây. Sáng hôm sau trở lại, hú vía, cái miệng hố cách miệng vực chừng 2 mét!

            Đi mãi cũng thành quen, kể cả lúc lắc mà đi cũng không sao. Trước khi đi hỏi mọi người "đi hết bao lâu", cứ thế nhân đôi thời gian ấy cho mình. Túc tắc đi rồi là đến, rồi là cũng làm xong việc

            Làm báo vùng cao, từ đi đứng, sinh hoạt, làm việc, bất đồng ngôn ngữ... kể ra có lẽ đến 1001 chuyện cực khổ, bi hài. Bù lại cũng lắm niềm vui. Không vui, sao trụ được mà làm. Thứ nhất, được ngao du sơn thủy, được thấy khối chuyện hay mà ít người được biết. Mỗi ngày đàng, học thêm được bao điều. Thú thực, bây giờ cơ quan điều về miền xuôi làm thì tiếc lắm.

Xùn Trường
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải đáp về chế độ thai sản (02/06/2008 09:54:49)

Quê Bác Làng Sen (02/06/2008 09:07:48)

Để có "khoảng khắc vàng" trong nhiếp ảnh (02/06/2008 09:04:41)

VoIP một thành phần cơ bản của Truyền thông hợp nhất (02/06/2008 09:03:01)

Microsoft Outlook 2007: tiện ích đa năng, kết nối đơn giản  (02/06/2008 09:02:06)

"23 ngày tÃƠi ẢẶn, ngáỪậ cÃỰng BáỨặn VáỨơ" (02/06/2008 08:56:57)

Đối tượng và tiêu chuẩn nâng bậc lương trước thời hạn (13/05/2008 11:05:43)

Làm việc lâu trước máy vi tính dẫn đến tăng nhãn áp (13/05/2008 11:04:27)

Truyền thông hợp nhất cuộc cách mạng mới trong công nghệ thông tin (13/05/2008 11:03:26)

Phóng viên thường trú ngoài nước - 5 yếu tố cần thiết (13/05/2008 11:02:24)