Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Sổ tay phóng viên

Nghề phóng viên giờ đây tôi đã hiểu...


(01/08/2008 10:55:54)

Làm phóng viên khó hay dễ? Câu trả lời dần sáng tỏ trong tôi, một biên tập viên Ban Biên tập tin Thế giới đang trong những ngày chập chững bước vào cuộc thể nghiệm, ở vị trí một phóng viên thực tập của Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn K24B, là cả một cơ hội để chiêm nghiệm và đánh giá lại khả năng của mình qua thực tế cuộc sống.

            Được Ban phụ trách lớp phân công về thực tập tại phân xã Thái Bình, điều đầu tiên mà tôi nhận ra trong cuộc hành trình về quê lúa giữa một ngày hè tháng Sáu nắng gắt là nỗi nhọc nhằn của người nông dân một nắng hai sương để có những cánh đồng lúa chín vàng.

            Những ngày đầu tiên có mặt tại phân xã Thái Bình, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các đồng nghiệp vì các anh đều biết rằng đây là lần đầu tiên tôi hoạt động với tư cách một phóng viên thực thụ của TTXVN. Bài học đầu tiên mà tôi học được từ các đồng nghiệp là kinh nghiệm tác nghiệp. Thông tin đôi khi xuất hiện thật ngẫu nhiên và chỉ có kinh nghiệm mới giúp phóng viên biết chớp lấy thời cơ ấy.

            Đó là lần đầu tôi cùng anh Phạm Hoàng Điệp, Trưởng phân xã đi công tác xuống một vùng quê trong tỉnh. Đang vào mùa thu hoạch, dọc hai bên đường, nông dân hối hả tuốt lúa, kĩu kịt gồng gánh, rơm rạ phơi ngổn ngang. Bất chợt, trưởng phân xã tấp vội xe sang vệ đường, lấy máy ảnh ra bấm tanh tách. Thế là bài viết kèm ảnh phản ánh về tình trạng vi phạm an toàn giao thông ở một vùng quê trong mùa gặt đã ra đời từ cảnh sinh hoạt rất đỗi bình thường ấy. Trong khi đó, chàng "lính mới" là tôi thì chỉ nhìn thấy vẻ hồ hởi của người nông dân trước những đống lúa đầy ắp và cảm nhận mùi rơm  mới thơm nồng.

            Trong chuyến thực tập này, phần lớn thời gian tôi dành cho những chuyến đi mà người trong nghề thường gọi là "xâm nhập thực tế". Đi một ngày đàng học một sàng khôn, qua mỗi chuyến đi, được chứng kiến tận mắt người thực, việc thực đã khiến tôi ngộ ra rằng: Những kiến thức ta đã được học trong nhà trường dù sao mới chỉ là hành trang ban đầu, vốn sống mới là nhân tố nuôi dưỡng ngòi bút và giúp ta trưởng thành. Mỗi lần xâm nhập thực tế là một lần tôi chắt chiu thêm đôi chút vốn sống cho riêng mình. Quả thật, rất nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hề biết hoặc giả có biết thì cũng chưa hiểu cho tường tận và thấu đáo.

            Đứng giữa cánh đồng nuôi tôm ở xã Đông Minh (Tiền Hải) và tiếp xúc với bà con nơi đây, tôi mới lý giải được vì sao cánh đồng muối bạt ngàn xưa kia nay chỉ còn lại chưa đầy 2 hécta. Ở Đông Hưng trong ngày mùa, tôi được chứng kiến sức mạnh của chiếc máy gặt đập liên hợp hay chiếc máy cấy đang thoăn thoắt làm công việc thay thế con người. Lần đầu tiên, tôi mới hiểu rõ những thuật ngữ trong nông nghiệp như "diêm dân", "bảy trạt", "đầu bờ"... Và vô số những điều thú vị khác mà chỉ có những chuyến đi mới giúp một anh phóng viên "non tay" như tôi hiểu rõ hơn về nghiệp làm báo.

            Thực tế cuộc sống và quãng thời gian công tác ở Thái Bình đã giúp tôi thấu hiểu một điều làm phóng viên khó-dễ như thế nào. Những tin, bài tôi viết đều được các đồng nghiệp xem và chỉnh sửa về câu từ, ngữ nghĩa. Qua từng tin, bài cụ thể, tôi đã nắm được các phương pháp lựa chọn thông tin, phát hiện nguồn tin và sàng lọc chúng một cách nhanh nhất ngay tại hiện trường. Trong đầu tôi chợt nảy ra những ý nghĩ so sánh, một bài báo cũng giống như cánh đồng lúa vàng với câu từ như những bông lúa trĩu hạt. "Hạt gạo" ngôn từ và "bông lúa" thông tin ấy có "thơm, ngon" hay không đều tuỳ thuộc vào công sức mà ta bỏ ra.

            Với riêng tôi, sau kì thực tập, quãng thời gian trước mắt sẽ vẫn luôn là một chuỗi những cuộc thể nghiệm không ngừng nghỉ vì cái nghiệp làm báo đã thực sự gắn bó với tôi từ những ngày này.

Hữu Thắng
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2008