Thứ sáu, ngày 03/05/2024

Kỹ thuật - Công nghệ

Sự đột phá công nghệ mang tên TTXVN


(07/10/2008 09:51:47)

Cách đây hơn hai mươi năm, khi ở Việt Nam mới chỉ có vài chiếc máy vi tính hệ 8 bits, thì tại TTXVN, một nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc tạo hệ máy vi tính có khả năng xử lý tiếng Việt (bàn phím gõ chữ Việt, quản lý hiển thị, in ấn các văn bản chữ Việt, v.v...) - điều mà nhiều nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước đang cố gắng tìm kiếm và giải quyết. Thành công này không chỉ giúp tạo bước đột phá trong hệ thống thông tin của TTXVN mà còn là cơ sở công nghệ để TTXVN giúp nhiều cơ quan bạn nâng cao năng lực công tác.

            Những năm 80 của thế kỷ 20, sự xuất hiện ngày càng rộng rãi của những chiếc máy vi tính trên thế giới đã làm đảo lộn đời sống công nghệ trong thế giới thông tin liên lạc. Những chiếc máy teletype, máy thu phát moóc trở nên lỗi thời. Người ta khám phá ra rằng các máy vi tính mới sẽ tạo sự kết nối mới và mở ra sự trao đổi thông tin toàn diện với thế giới bên ngoài một cách nhanh chóng và đầy tiện ích. Nhận thức rõ điều này, ngay từ năm 1982, TTXVN đã thành lập Tổ vi xử lý gồm 5 kỹ sư: Nguyễn Đức, Trịnh Anh Tuấn, Đỗ Trung Nghĩa, Đàm Hiếu Dũng và Hà Thị Thu Lan với nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển thử nghiệm loại máy vi tính có khả nẵng xử lý tiếng Việt để trước hết phục vụ công tác thông tin của TTXVN.

            Lúc này, tại Việt Nam, một vài hệ máy vi tính tuy đã bắt đầu xuất hiện  ở một số nơi, nhưng giá thành rất cao (Việt Nam đang bị cấm vận) và không có khả năng Việt hóa. Làm thế nào để ký tự hóa các dấu tiếng Việt trên máy vi tính? Câu hỏi đang làm đau đầu nhiều nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước. Với quyết tâm không thể lạc hậu với thời cuộc, Ban lãnh đạo TTXVN đã đặt mục tiêu: Bằng mọi cách phải tạo được máy vi tính có xử lý tiếng Việt để sử dụng trong hệ thống thông tin của Ngành.

            Kỹ sư Đàm Hiếu Dũng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật, nhớ lại: 'Ngày đó, mỗi người một nhiệm vụ, cả nhóm chúng tôi say mê lao vào thực hiện đề tài này. Kỹ sư Nguyễn Đức, chủ trì chung, đồng thời nghiên cứu phần mềm hệ thống của máy tính. Các kỹ sư Trịnh Anh Tuấn và Hà Thị Thu Lan nghiên cứu sửa phần mềm máy in kim và máy tính để có thể in ra tiếng Việt. Tôi nhận nhiệm vụ thiết kế, chế tạo modem và phát triển các phần mềm truyền thông tin cho phép truyền tiếng Việt qua kênh thoại bằng các máy tính. Kỹ sư Đỗ Trung Nghĩa vừa tham gia các nhóm vừa trực tiếp tổ chức nhóm chế tạo lắp ráp thiết bị như máy tính, bàn phím, modem, v.v...'

            Để không rơi vào tình trạng mày mò tốn thời gian, cơ quan lần lượt cử các thành viên chính của nhóm tham gia vào các khóa đào tạo công nghệ tại CHDC Đức và CH Pháp. Đồng thời, trong giai đoạn thử nghiệm, những vướng mắc, khó khăn của nhóm luôn được Ban lãnh đạo cơ quan xem xét và giải quyết kịp thời mà điển hình nhất là sự ra đời của Công ty Vinadataxa (công ty Thương mại và dịch vụ tin học, nay là công ty In - Thương mại) thay thế cho Tổ vi xử lý với sự lãnh đạo đầu tiên của giám đốc Đỗ Hội.

            Sau một thời gian tiến hành, khoảng cuối năm 1984, đầu năm 1985, nhóm đã phát triển thành công loại máy vi tính 8 bits đầu tiên, tuy còn rất thô sơ, vỏ bằng tôn gò, nhưng đã xử lý thành công tiếng Việt trong các khâu cơ bản như: gõ, hiển thị, in ấn trên máy in kim, quản lý và truyền thông tin văn bản tiếng Việt đầy đủ dấu với cả chữ thường và chữ viết hoa. Và ngày 1/8/1985, đường truyền thông tin điện tử (micro computer) tốc độ cao (lúc đó là 1200 b/s) giữa Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh của TTXVN chính thức khai trương với các máy vi tính xử lý văn bản tiếng Việt ở hai đầu và ngay sau đó trở thành luồng thông tin chính trên tuyến Bắc-Nam của TTXVN. Sự kiện này đưa tiếng Việt trở thành một trong những ngôn ngữ được xử lý trực tiếp trên máy vi tính. Việc TTXVN được tặng Huy chương Vàng tại Hội chợ triển lãm Khoa học - Kỹ thuật toàn quốc lần thứ II (tháng 9/1985) đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc về cơ sở vật chất kỹ thuật của Ngành. Tại đây, khi đến thăm quan gian hàng của TTXVN, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN, đã đánh giá cao và biểu dương những cố gắng của các cán bộ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật Thông tấn.

            Sau kết quả đó, công ty Vinadataxa tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng theo hai hướng: Hệ thống chế bản điện tử, với vấn đề cốt lõi là phần mềm xử lý tiếng Việt đồ họa với nhiều kiểu chữ và máy in lazer; và mở rộng các hệ thống truyền tin vi tính.

            Sự đột phá về công nghệ của TTXVN không chỉ đem lại lợi ích cho ngành mà còn mở ra nhiều cơ hội cải tiến công nghệ cho các cơ quan bạn. Hệ thống chế bản điện tử tiếng Việt đầu tiên của báo Sài Gòn giải phóng (1986) và Kênh truyền điện báo tiếng Việt đầu tiên giữa Hà Nội - TP.HCM của Công ty điện toán và truyền số liệu (tiền thân của VDC) là các ví dụ điển hình việc ứng dụng kết quả nghiên cứu của TTXVN cho các cơ quan khác.

            Năm 1990, sau thành công của việc mở kênh thông tin máy tính gồm cả tin tiếng Việt và ảnh số giữa Hà Nội - Mát-xcơ-va, TTXVN đứng trước khó khăn mới là để mở rộng hiệu quả thì phải có mạng máy tính trong điều kiện vẫn bị cấm vận. Một mặt tự tổ chức nghiên cứu chế tạo các thiết bị để tạo mạng liên kết các máy tính với tốc độ 9600 bps. Mặt khác phải vượt qua rào cản cấm vận để tìm kiếm và nghiên cứu các công nghệ mạng mà phương Tây đã phát triển. Nhờ đó, sau 2 năm sử dụng kiểu mạng tự phát triển, vào năm 1995 TTXVN đã triển khai thành công mạng máy tính tại các ban biên tập tin, ảnh có tốc độ cao 10 Mb/s nhờ sự hỗ trợ của Tân Hoa xã và chính thức thay thế máy teletype bằng các máy vi tính với phần tiếng Việt do các kỹ sư của TTXVN tự giải quyết.

            Bước vào kỷ nguyên Internet, công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ của TTXVN gặp nhiều thăng trầm. Về giai đoạn trầm lắng này, ông Dũng cho biết: 'Nghiên cứu từ chỗ chưa có đến chỗ có, chúng ta đã có một số kinh nghiệm thành công. Nhưng từ chỗ đã có đến chỗ có với quy mô lớn hơn, với khả năng cạnh tranh cao hơn, v.v... chúng ta còn ít kinh nghiệm và sẽ phải nỗ lực hơn nữa'.

            Truyền thống mách bảo chúng ta là phải nuôi được lòng say mê sáng tạo của các kỹ sư. Phải trao cho họ các cơ hội với mục tiêu, yêu cầu rõ ràng và với một chiến lược nhất quán. Và để có các kết quả nghiên cứu phù hợp với thực tiễn, họ phải trực tiếp tham gia xử lý kỹ thuật, cùng các kỹ thuật viên tháo gỡ những khó khăn, bất cập nẩy sinh. Có như vậy, họ mới đưa ra những đề xuất có tính ứng dụng cao.

            Câu chuyện về việc phát triển máy vi tính xử lý tiếng Việt đã qua hai mươi năm nhưng vẫn luôn là niềm tự hào của những thế hệ kỹ sư của TTXVN. Từ sau thành công này, nhiều ứng dụng công nghệ khác đã được phát triển như lời ông Đàm Hiếu Dũng: 'Công nghệ thông tin của TTXVN giống như một cầu thang, bước lên nấc thang nào phải củng cố, hoàn thiện để chắc nấc thang đó, tạo đà bước tiếp  những nấc thang cao hơn'.

Đào Hà
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cảnh giác các hình thức quấy rối bằng mã độc (29/08/2008 09:31:58)

Khắc phục lỗi kết nối không dây (Wifi) (01/08/2008 11:00:12)

Gửi file ÂM THANH và VIDEO cho TRUNG TÂM NGHE-NHÌN qua mạng Internet (07/07/2008 09:47:47)

VoIP một thành phần cơ bản của Truyền thông hợp nhất (02/06/2008 09:03:01)

Microsoft Outlook 2007: tiện ích đa năng, kết nối đơn giản  (02/06/2008 09:02:06)

Làm việc lâu trước máy vi tính dẫn đến tăng nhãn áp (13/05/2008 11:04:27)

Truyền thông hợp nhất cuộc cách mạng mới trong công nghệ thông tin (13/05/2008 11:03:26)

Một vài thông số cần biết khi lựa chọn máy ảnh số (14/04/2008 15:51:44)

Năm Tý nói chuyện chuột máy tính (04/02/2008 10:52:15)

Kỹ năng tìm kiếm thông tin trên Internet *  (09/01/2008 09:55:50)